Hoài Nguyễn
(VNTB) – Cộng đồng mạng tiếp tục nêu hàng loạt dấu hiệu ngờ vực đài truyền hình quốc gia VTV dàn dựng thông tin về hành giả Thích Minh Tuệ.
Cả hai lần lên sóng đều vấp lỗi nghiệp vụ?
Như ghi nhận hôm 10-6-2024 trong một bài viết trên trang Việt Nam Thời Báo, thì hai tối liên tiếp nhau vào ngày 9 và 10-6 trên sóng VTV trong chương trình thời sự đều đưa tin tức liên quan về hành giả Thích Minh Tuệ. Cả hai lần đó đều nhanh chóng được cộng đồng – đặc biệt là các nhà báo am tường truyền hình lên tiếng chỉ ra những lỗi nghiệp vụ của VTV.
Sau khi clip thứ hai lên sóng, tài khoản cá nhân facebook của phóng viên Liên Liên VTV đã mở trở lại và đưa ra lời thách đố: “Có ai biết fb nào (nick thật, cả comment) viết về việc phỏng vấn ông Thích Minh Tuệ trong Phóng sự: “Thông tin sai lệch về việc ẩn tu của ông Thích Minh Tuệ” được phát sóng Bản tin 19h ngày 8/6/2024 và Ps phát sóng ngày 9/6/2024 là: phóng viên không gặp trực tiếp phỏng vấn ông Thích Minh Tuệ, cắt ghép ông Thích Minh Tuệ ở nơi khác ghép vào hình gốc cây…. thì chụp màn hình, chuyển link fb đó giúp em với ạh.
Em xin chân thành cảm ơn!”.
Nhà báo Nguyễn Huy Cường nhận xét clip phát tối ngày 10-6 trên VTV mắc lỗi về độ tương phản hình ảnh to – nhỏ về cự ly quang học giữa người được cho là trả lời phỏng vấn, và cô nhà đài đặt câu hỏi.
Góc nhìn chi tiết cho cáo buộc về nghiệp vụ
Nhà báo Mạc Hồng Kỳ diễn giải chi tiết kèm hình ảnh chụp lại màn hình: “Bằng cách, cho gốc đa quét vôi trắng, cho hàng cây sau lưng phóng viên đi “ẩn tu” và cho cô Liên Liên thay đổi xiêm y (ảnh 1 và 2), trong clip lên sóng vào tối 9-6-2024 về vị chân tu, xem như nhà đài VTV đã chính thức thừa nhận clip phát tối hôm trước là cắt ghép.
Tuy nhiên, việc tung clip thứ 2 – với khung hình “ôm” cả nhân vật và kẻ tiếp xúc (phóng viên) – VTV những tưởng sẽ đập tan tành, phát 1, mọi nghi vấn, xẹo xiên; Nào ngờ, nhà đài quốc gia này lại tiếp tục lòi thêm đuôi cáo!?
Đó là, thứ nhất, hãy mục kích ảnh 3 và 4 sẽ không khó thấy ngay cái cây màu nâu, to bằng bắp vế, phía trên cô Liên Liên bỗng đâu “hô biến”. Đã thế, ngài Minh Tuệ ngồi thế liên hoa trên 1 thân cây bị cháy, mà thân cây phàm phải tròn, vậy mà phân nửa khúc cây ấy lại “tự nguyện” chuyển hóa thành 1 cái bàn bằng phẳng, vuông vức cho ngài an tọa (và lọa thay, cái đoạn thân cây tròn nằm ngang, cùng nồi cơm điện bên trên, tại ảnh 3, đang nét căng là thế, nhưng sang ảnh 4 lại nhòe đi, “vón cục” hệt 1 viên hắc thổ). Chưa hết, vai trái vị chân tu cũng tự dưng nhô cao, gần ngang cằm, và dài thêm 1 cách bất thường (ảnh 4). Còn nữa, khi phỏng vấn đương nhiên phóng viên phải đối diện với nhân vật. Song, cô Liên Liên lại ngồi lệch, không đồng trục với ngài Minh Tuệ và khoảng cách giữa 2 người cũng gia tăng, so với ảnh 3.v.v. và v.v…
Thứ 2, hãy quan sát ảnh 5: Ai cũng biết, càng xa ống kính camera thì hình của vật càng bé đi. Thế mà, cô Liên Liên xa camera hơn ngài Minh Tuệ, ít nhất 2m (như ảnh 4) nhưng lại phình to bất thường (cao hơn cả ngài Minh Tuệ). Điều này đã khiến khoảng cách giữa cô và nhân vật ngót đi, tại ảnh này, chỉ chưa đầy 1m. Tương tự, sự không bình thường còn thể hiện ở thảm thực bì, bên phải cô, nhòe hẳn (giống hình ảnh bị nhiễu nhòe trên mặt đường nhựa tỏa nhiệt, dưới trời nắng nóng)…
Đuôi cáo của VTV lòi ra, qua 2 clip về vị chân tu làm Mạc Hồng Kỳ tôi tiên đoán: Có thể cũng giống vụ phỏng vấn chương trình Chuyển động 24h, Lê Bình, mần phóng sự về chiến sự tại Siry, về trồng rau sạch (bằng cách lấy chổi quét lên lá, nhằm tạo vết… sâu ăn), cô Liên Liên đã không hề gặp vị chân tu mà chỉ ngồi phòng lạnh ở Hà Nội lấy clip của ai đó, để biến thành sản phẩm của nhà đài, tung lên sóng. Song, tiếc thay, cả 2 lần “tác nghiệp” trình độ (cắt ghép) đều quá tệ. Khiến, chẳng những cơ quan truyền thông con cưng này không đập tan được cái gì mà còn hứng đầy gạch đá.
Tất nhiên việc “ảo thuật” thô nhám nói trên đã có chỉ dấu vi phạm 10 quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam (cụ thể, điều 3, nhà báo phải: “Hành nghề trung thực, khách quan, công tâm”…).
Và, phải chăng không ai khác, chính nhà đài quốc gia VTV đã tự rũ bỏ bổn phận, nguyên tắc hành nghề; tự giẫm đạp lên lương tâm và trách nhiệm của người làm báo nước nhà?!”. (hết trích).
Pháp luật điều chỉnh gì về tính chân thật của sản phẩm VTV?
Cá nhân người viết bài này hoàn toàn không có kiến thức về kỹ thuật truyền hình, nên chỉ có thể ý kiến về mặt pháp luật của sự việc 2 clip kể trên.
Theo đó thì VTV đang đứng trước cáo buộc về điều 155 “Tội làm nhục người khác”, Bộ luật hình sự với tình tiết tăng nặng “phạm tội 2 lần trở lên” và “sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội”. Khi cáo buộc này được thành lập thì nhà đài VTV cùng các đương sự liên quan có thể chịu mức phạt tù lên đến 5 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Dĩ nhiên ở chiều ngược lại thì phía đài VTV ngay lúc này có quyền yêu cầu ghi nhận thủ tục thừa phát lại về chứng cứ liên quan đến các ý kiến cho rằng VTV đã dàn dựng không đúng sự thật về hành giả Thích Minh Tuệ, từ đó sẽ tiến hành các bước thủ tục tố tụng tương ứng về việc xử trí dân sự hoặc hình sự đối với những ý kiến mang tính vu khống trong vụ việc này.
Nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối
Trong một diễn biến liên quan truyền thông về hành giả Thích Minh Tuệ, Công an tỉnh Gia Lai quay clip tại trụ sở công an được cho là vào chiều ngày 8-6-2024, về một nội dung “tuyên truyền pháp luật” của một cán bộ công an khi trao căn cước công dân cho ông Lê Anh Tú, tức hành giả Thích Minh Tuệ. Và trong khuôn hình của video này lại xuất hiện cảnh ngoài trời của hành giả Minh Tuệ với màu trắng của cây cổ thụ cùng các cận cảnh về bàn tay, đôi mắt… như trong clip ngày 9-6-2024 trên VTV.
Trong video clip của Công an tỉnh Gia Lai, có một câu hỏi mang tính gợi ý của vị cán bộ công an: “Có căn cước công dân rồi biết đâu một cái cơ duyên nào đó được về thăm Đức Phật ở Ấn Độ chẳng hạn, thì ông nghĩ sao về điều này?” (phút 1:24).
Và ở clip do báo Người Lao Động phát trên ấn phẩm điện tử của tờ báo này lúc 15:36 ngày 10-6-2024, thì cắt – ráp có chủ đích của biên tập viên, là hành giả Thích Minh Tuệ nói rằng – phút 0:42: “Cái dự định thì con…, mình tiếp tục học tập bình thường, khất thực sống chỗ này, chỗ kia theo đời sống giới luật của Phật giáo”.
Tư cách cá nhân, người viết bài này nghĩ rằng nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối. Nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ thoát ra từ những kiếp lầm than, vang dội lên mạnh mẽ trong lòng…