Giang Nam
(VNTB) – Đọc PetroTimes lại nhớ một truyện ngắn Nguyễn Công Hoan mỉa mai thời hỗn loạn báo chí trước 1945 “Anh làm báo, tôi làm báo, nó làm báo…”.
Xúc phạm nghệ sĩ và văn hóa chèo
Phong trào tự ứng cử quốc hội đang dấy lên, chưa từng có ở Việt Nam. Một số cơ quan chính quyền địa phương và một tờ báo đã ra tay ngăn cản, quấy nhiễu. Nhiều trang mạng đã bức xúc phản ánh tình trạng xấu xa này.
Khi Nguyễn Như Phong TBT của PetroTimes cho đăng bài báo “Quốc hội không phải phường chèo” của tác giả Đại Anh, họ đã xúc phạm nghiêm trọng hai đối tượng: nghệ sĩ Nguyễn Công Vượng và ngành hát Chèo Việt Nam.
Bài báo trên khinh rẻ nghề hát chèo khi tác giả gọi xếch mé những người tự ứng cử là “phường chèo”.
Sân khấu Chèo là thể loại ca kịch dân gian lâu đời nhất ở nước ta, ước chừng phát sinh từ thế kỷ 11 vào thời nhà Lý. Tuy thuộc vào phạm trù nghệ thuật dân gian vốn giản dị dễ hiểu với đại chúng, thực ra Chèo còn tùy thuộc nhận thức của hai lớp khán giả mà phục vụ: khán giả bình dân và khán giả trí thức. Tôi đồ rằng báo PetroTimes thuộc lớp khán giả “bình dân” nếu nói theo quan niệm cũ. Khán giả bình dân ít học và trẻ em chỉ biết CƯỜI mà không biết KHÓC khi xem hài kịch. Bởi, thể loại Chèo thâm thúy và hàm súc lắm. Chèo tích hợp cả nghệ thuật hài dân gian và nghệ thuật văn chương bác học. Nhờ đó Chèo chiều lòng được cả hai tầng lớp khán giả mà ít có nghệ thuật nào làm được. “Chèo” là chữ Nôm nguyên gốc là chữ “Trào” (hán văn 嘲) nghĩa là trào phúng, gây cười để phê phán xã hội. Thực ra Chèo gồm đủ cả hài kịch, bi kịch và chính kịch tuy rằng mặt Hài có vẻ nổi bật hơn.
Ví như ở vở chèo Quan Âm Thị Kính được coi là tác phẩm về hai loại “dân oan” đầu tiên trong nghệ thuật dân tộc Việt. Dân oan Thị Kính thì quá rõ rồi, ai cũng hiểu và thương cảm. Còn Dân oan Thị Màu thì chỉ có lớp người trí thức mới nhận thấy bi kịch mà trăn trở. Thị Màu là nhân vật hài kịch hay bi kịch là tùy ở nhận thức của hai lớp khán giả. Giới nghiên cứu phương Tây vốn tự hào về lịch sử bi kịch và hài kịch của họ có từ cổ đại đã trở thành khuôn vàng thước ngọc cho thế giới, vậy nhưng khi được xem Thị Màu và “Xúy Vân giả dại” đã phải giật mình rồi hết lời trầm trồ ngưỡng mộ tư tưởng và nghệ thuật Chèo Việt Nam.
Hát Chèo đi theo suốt lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam nghìn năm và các nghệ sĩ ấy đã cùng nhân dân “khóc cười theo mệnh nước nổi trôi “(Tình ca – nhạc sĩ Phạm Duy). Mới đây nhất là nghệ sĩ chèo Tự Long đã chõ vào mặt “Ngọc Hoàng” mà nói “Như Ngọc Hoàng đây bao nhiêu năm cũng có đổi mới gì đâu !” (“Gặp nhau cuối năm” đêm giao thừa 30 Tết 2016 vừa rồi).
Quan điểm thẩm mỹ nghệ thuật của PetroTimes sặc mùi phong kiến, mà cũng chẳng “kiên định Mác Lê” tí nào (cần nói thêm: sách lý luận văn nghệ Mác Lê Nin thường dành hết lời ca tụng nghệ thuật dân gian theo kiểu “đấu tranh giai cấp trong văn nghệ”. Thực ra giới lý luận Mác Lê chủ trương đề cao “nghệ thuật vô sản” vì mục đích trục lợi tuyên truyền chính trị, chưa hẳn họ đã am hiểu nghệ thuật dân gian. Hát Chèo tuy hình thức dân gian nhưng xin thưa, tác giả chính là những nhà nho lớp trên ẩn danh, không phải “giai cấp vô sản” đâu đấy, xin đừng “tưởng bở” vơ vào. Tác giả hàn lâm ẩn danh vào trong dân gian để tránh phiền nhiễu, trả thù đấy thôi. Mặt khác, nên biết, thời đại ngày nay nghệ sĩ mọi ngành nghệ thuật đều được tôn trọng bình đẳng, hơn kém chỉ tùy vào chất lượng tác phẩm của họ. Nên biết, nghề hát chèo có nhiều Nghệ Sĩ Nhân Dân và Ưu Tú do đích thân chủ tịch Nước phong tặng đấy, dẫu rằng việc “tấn phong” cũng chứa đựng nhiều chuyện “khóc cười” khác nữa. Nên biết, mấy năm nay, suốt năm người dân và trí thức cũng như báo chí công luận đều ngóng chờ và gần Tết thì dự đoán nội dung tiết mục “Gặp gỡ cuối năm” đêm giao thừa đấy. Trước đó, các nghệ sĩ hài Hà Nội còn làm chương trình “Gặp nhau cuối tuần” thu hút kỳ lạ, nhưng vài năm sau có lẽ Tuyên giáo huýt còi nên giải tán, dồn sức vào “cuối năm”.
Petrotimes định nói “phường chèo”nào ? – phường chèo truyền thống hay “phường chèo theo định hướng XHCN”?
Tôi cho rằng các đoàn chèo địa phương cùng nhà hát Chèo Việt Nam và nghệ sĩ Vựợng nên chính thức khiếu nại tới Hội nhà báo Việt Nam, yêu cầu uốn nắn tư tưởng thẩm mỹ cho tờ báo “dầu khí” này.
Việt Nam Thời Báo đã đăng bài của tác giả Trần Thành (“Tổng biên tập báo Năng Lượng Mới vi phạm Luật Báo chí”) trong đó chứng minh rõ ràng báo PetroTimes đã phạm tội xúc phạm và gây chia rẽ dân tộc. Phần kết tác giả Trần Thành viết: “Có lẽ cũng cần nói thêm,“Chèo” là một bộ môn nghệ thuật, một di sản văn hoá phi vật thể của quốc gia. Việc báo Năng Lượng Mới ví “Quốc hội không phải là phường chèo” đã cố ý xúc phạm đến các nghệ sĩ chèo và cả khán giả hâm mộ chèo”.
Tôi theo dõi các diễn đàn thấy nhiều độc giả và một số nhà báo khá bất bình với những luận điệu quy chụp, xúc phạm của Petro Times.
Hai tờ báo nhà nước cũng phải lên tiếng về vụ việc quấy nhiễu này.
Trang điện tử Giadinh.net (thuộc Gia đình và Xã hội) ngày 3 tháng 3, 2016 đã đăng bài phỏng vấn “Vượng râu lên tiếng vì bị xúc phạm khi ứng cử Đại biểu Quốc hội”. “Mới đây, nghệ sĩ Nguyễn Công Vượng (tức Vượng râu) được xuất hiện trong một bài báo với những lời lẽ khá nặng nề xung quanh việc anh muốn ra ứng cử Đại biểu Quốc hội”. do Thanh Hà (thực hiện).
Sau đó báo Thanh Niên đăng bài “Nghệ sĩ Vượng Râu chia sẻ chuyện muốn vào Quốc hội” (ngày 05/03/2016). “Nghệ sĩ hài Vượng Râu (tên thật là Nguyễn Công Vượng) vừa tự ứng cử đại biểu Quốc hội đã bị một bài báo xúc phạm nặng nề khi cho rằng “Quốc hội không phải phường chèo” khiến dư luận bức xúc” do Trường Sơn và Ngọc An thực hiện.
Hỗn loạn thời “nó làm báo”
Báo PetroTimes chẳng những vi phạm luật báo chí, luật bầu cử mà còn vi phạm đạo đức và tự bày tỏ vốn văn hóa non kém bất cập của mình.
Petrotimes là một tờ báo khó danh chính ngôn thuận. Bất danh chính là vì cái tên Petrotimes (“Thời báo dầu khí” ) cái tên khá ngô nghê kỳ quặc lại đối sánh vai với tiêu đề tiếng Việt trật lấc “Năng Lượng Mới” (?!).
Cơ quan chủ quản của PetroTimes là Hội đầu khí Việt Nam và Tập đoàn dầu khí VN, trịnh trọng rước một anh công an chẳng có chuyên môn dầu khí sang làm tổng biên tập. Báo bàn chuyện dầu khí thì ít mà bàn đủ thứ hầm bà lằng và thích đóng vai một “dư luận viên tập thể” thường xuyên quấy phá phong trào dân chủ trong nước. Đọc PetroTimes lại nhớ một truyện ngắn Nguyễn Công Hoan mỉa mai thời hỗn loạn báo chí trước 1945 “Anh làm báo, tôi làm báo, nó làm báo…”.
Xin dẫn lời nghệ sĩ Nguyễn Công Vượng – người bị hại- trong trả lời phóng viên “Gia đình và Xã hội” để khép lại ý kiến:
“Từ xưa đến nay đâu hiếm những bài viết mạt sát người ra ứng cử như vậy, thế nên tôi cũng không phải là ngoại lệ. Hỏi tôi có buồn, có sốc không thì xin nhắn gửi đến người viết bài báo đó thế này: Vượng râu vẫn đang cười rất tươi, vẫn đi diễn hàng đêm và chờ xem ai mới là người bị tẩy chay”.
Lời bàn chót
Báo Petro Times có thể bị kiện ra tòa về tội vi phạm Luật báo chí về hành vi vu cáo bôi nhọ công dân và phạm Luật bầu cử về tội quấy nhiễu cản trở ứng cử viên độc lập. Tuy nhiên, còn cái tội dốt văn hóa nói bừa như PetroTimes thì chẳng có tòa án nào thụ lý và xét xử. Có trách là chỉ trách nền giáo dục XHCN không đào tạo bồi dưỡng cán bộ cho đủ trình độ cần thiết làm báo làm văn, mặt khác trách bản thân nhà báo Đại Anh và PetroTimes không tự trau dồi trình độ một khi nền giáo dục đã bất cập và lạc hậu.
Tối qua 5/3 trên VTV thời sự, ông Nguyễn Văn Pha phó chủ tịch MTTQVN đăng đàn trả lời phỏng vấn về chuyện bầu cử quốc hội. Sau một hồi đọc khẩu hiệu, ông đã vội nói khi phóng viên chưa kịp hỏi “anh Vượng râu ứng cử là chuyện bình thường, ngày trước đã có chị Thúy Cải ứng cử quốc hội đấy thôi”. Ông Pha tấu hài lơ mơ, quên nói rõ rằng chị NSND Thúy Cải là do Mặt trận qui hoạch giới thiệu, suốt nhiệm kỳ quốc hội không nói một tiếng cho có, khác hẳn với anh Vượng đấy nha. Cũng như cố nghị sĩ Nguyễn Đình Thi, trùm làng văn nghệ, một văn sĩ lừng danh hơn nữa, ông này cũng chẳng hơn gì chị Thúy Cải, lặng lẽ vào quốc hội và lặng lẽ rút lui, không một tiếng vang.