Trần Thành
(VNTB) – Đúng như lời của cựu chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng, cáo buộc của Điều 88 là “cái tội chống nhà nước quy định chung chung”, nên cơ quan tố tụng sẽ dễ dàng đưa bà Nga vào ngục tù, hơn là những thủ tục rối rắm của cáo buộc về tội vu khống.
Vụ bắt bà Trần Thị Nga hôm 21-1-2017, được báo Công an Nhân dân đưa tin rằng bà bị bắt về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, quy định tại Điều 88, Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 1999.
“Khi bắt đối tượng Trần Thị Nga đang truy cập mạng Internet đưa một số video, clip, bài viết tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Bản tin trên báo viết và cho biết hiện Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Nam tiếp tục điều tra làm rõ vụ án.
Có các tình huống pháp lý đặt ra: Một, Hiến pháp 2013, Điều 31.1. “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Bà Trần Thị Nga hiện là có đầy đủ quyền công dân. Bà phải được pháp luật bảo vệ về quyền hình ảnh tại Điều 32. “Quyền của cá nhân đối với hình ảnh”, Bộ Luật Dân sự 2015.
Hai, các video, clip, bài viết của bà Trần Thị Nga trên trang facebook cá nhân của bà đều được đăng dạng công khai, suốt thời gian dài. Các nội dung này cũng không vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng của Công ty Facebook được ghi tại địa chỉ https://www.facebook.com/ communitystandards/#cs-header.
Như vậy, nếu kết tội bà Trần Thị Nga về “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, thì liên đới ở đây khi tiến hành các bước tố tụng còn có ông Mark Zuckerberg, và bà Sheryl Sandberg trên cương vị đồng điều hành facebook có trụ sở tại California. Facebook sẽ đứng trước cáo buộc đồng phạm, khi cung cấp và duy trì trang web chứa đựng các nội dung “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Ba, sẽ hợp lý hơn khi cơ quan tố tụng cáo buộc bà Trần Thị Nga đã vi phạm vào Điều 122 “Tội vu khống” của Bộ Luật Hình sự. Cái khó trong phiên xét xử liên quan tội danh này, là phía bị vu khống phải đưa ra được những chứng cứ rằng đã bị vu khống.
Còn nếu sử dụng Điều 88 của Bộ Luật Hình sự, thì nói như lời của cựu chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng hôm 14-9-2015 tại phiên họp thứ 41 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, là cần phải làm rõ thế nào là “tuyên truyền chống phá nhà nước”. “Không thể để một cái tội chống nhà nước quy định chung chung như vậy, muốn bắt ai thì bắt, đâu có được. Tôi nói thật là ta phát biểu nhiều khi cũng vi phạm, bắt cũng được đấy. Nói như vậy để thấy là không thể để một cái tội chống nhà nước quy định chung chung như vậy, muốn bắt ai thì bắt, đâu có được”. Ông Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh như vậy trên cương vị Chủ tịch Quốc hội đương nhiệm.
Nhờ vào “cái tội chống nhà nước quy định chung chung” ấy nên sẽ dễ dàng quy kết tội cho bà Trần Thị Nga hơn là khi áp dụng điều luật liên quan chuyện thị phi, phỉ báng nhau, lăng mạ nhau đang đầy rẫy trên mạng xã hội.
Tội vu khống được quy định như sau: “1. Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; c) Đối với nhiều người; d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình; đ) Đối với người thi hành công vụ; e) Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.
Trong các clip, bài viết trên trang facebook của bà Trần Thị Nga đều tố cáo cụ thể danh tính những quan chức, viên chức trong bộ máy của Đảng cầm quyền, chứ không phải là tố cáo phiếm chỉ về pháp nhân, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội chung chung. Và người phạm tội vu khống chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi người bị hại có đơn yêu cầu khởi tố hình sự.
Tuy nhiên đúng như lời của cựu chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng, cáo buộc của Điều 88 là “cái tội chống nhà nước quy định chung chung”, nên cơ quan tố tụng sẽ dễ dàng đưa bà Nga vào ngục tù, hơn là những thủ tục rối rắm của cáo buộc về tội vu khống. Đó là lý do vì sao Điều 88 được lựa chọn nhằm bịt miệng những tiếng nói phản biện, tiếng nói tố cáo của người dân, mà lẽ ra theo Điều 28 của Hiến pháp 2013, thì những góp ý này phải được trân trọng và bảo vệ.