William Nee
Phạm Nguyên Trường dịch
(VNTB) – Một người bán sách vừa được thả đã quyết định lên tiếng, với một số điều làm người ta lo lắng.
Image Credit: REUTERS/Bobby Yip
Người ta nghĩ rằng chuyện đó sẽ không được tiết lộ. Nhà cầm quyền ở Trung Quốc đại lục nghĩ rằng Lam Wing Kee – một trong năm người bán sách “mất tích”, bị chính quyền cáo buộc “kinh doanh bất hợp pháp” – sẽ lặng lẽ quay trở về Hồng Kông và sẽ ngậm miệng, tương tự như ba đồng nghiệp của ông này.
Nhưng Lam Wing Kee quyết định lên tiếng và bảo vệ “các quyền và quyền tự do của con người”.
Lam [Wing Kee] đã đập tan huyền thoại về thái độ hợp tác tự nguyên mà nhà cầm quyền Trung Quốc bịa ra. Không những thế, ông còn mô tả chi tiết những thủ đoạn xấu xa mà nhà cầm quyền đã sử dụng nhằm bịt miệng những người phê phán, sau khi Tập Cận Bình nằm được quyền lực từ năm 2012.
Câu chuyện của ông thể hiện rõ hình thức chiến thuật ngày càng được chính quyền sử dụng – chiến thuật mà tổ chức Ân xá Quốc tế đã ghi nhận được trong một loạt trường hợp trong mấy năm gần đây. Chiến thuật này tập trung vào việc giữ bí mật, cách ly bị cáo, đưa ra những tội lỗi mà họ không phạm, và làm cho cá nhân cũng như cộng đồng những người phê phán và các nhà hoạt động xã hội sợ hãi.
Đáng chú ý nhất là, hàng trăm luật sư nhân quyền và nhà hoạt động phải đối mặt với cơn thịnh nộ của chính phủ Trung Quốc đã bị lôi cuốn váo chiến dịch đàn áp chưa từng có – chiến dịch này bắt đầu cách đây đúng một năm. Cuộc đàn áp nhắm vào ít nhất là 248 người, tám người trong số đó có thể bị tù chung thân vì bị buộc tội “lật đổ chính quyền”.
Thứ nhất, Lam [Wing Kee] nói rằng, ngay sau khi bị giam ở Thâm Quyến – thành phố tiếp giáp với Hồng Kông – ông bị bịt mắt, bị đưa bằng tàu hỏa suốt 14 tiếng đồng hồ để đến thành phố ven biển là Ningbo, nơi ông bị “giám sát tại nơi cư trú” – một hình thức giam giữ bí mật khét tiếng.
“Giám sát tại nơi cư trú được thực hiện tại khu vực đã định” là thuật ngữ làm người ra dễ hiểu lầm, tưởng như là biện pháp kiểm soát nhẹ nhàng, nhưng trên thực tế, nó cho cảnh sát quyền giữ nghi phạm trong vòng sáu tháng bên ngoài hệ thống nhà tù – người bị giữ không được tiếp xúc với người bên ngoài. Cảnh sát có trách nhiệm thông báo cho gia đình người bị giữ trong vòng 24 giờ sau khi những biện pháp nói trên được áp dụng, nhưng không cần phải nói nơi giam giữ hoặc lý do giam giữ người thân của họ.
Lam [Wing Kee] giải thích rằng ông ta bị giam trong một phòng nhỏ, có hai người theo dõi suốt 24 giờ mỗi ngày, trong vòng gần năm tháng trời. Lam [Wing Kee] nói rằng ông bị thẩm vấn khoảng 20-30 lần, với những câu hỏi được lặp đi lặp lại nhiều lần. Ông kể về những vụ “tra tấn về mặt tinh thần” và đã có ý định tự tử.
Nhiều luật sư, cũng như các nhà hoạt động xã hội, các mục sư Cơ đốc giáo, thậm chí một nhân viên của tổ chức phi chính phủ (NGO) ngoại quốc đã bị bịt miệng bằng cách giam giữ bí mật như thế.
Cách ly bị cáo làm cho việc “khuất phục” bằng cách thẩm vấn trong một thời gian dài hay đơn giản là làm cho họ sợ trở thành dễ dàng hơn. Ủy ban LHQ về chống tra tấn thời gian gần đây đã thúc giục Trung Quốc nhanh chóng bãi bỏ những điều luật về hình thức biệt giam này vì người bị giam có nhiều nguy cơ là sẽ bị tra tấn và những hình thức ngược đãi khác.
Lam [King Wee] kể lại những việc họ đã làm để buộc phải ký văn bản nói rằng sẽ không liên lạc với gia đình hay thuê luật sư, đây cũng là biện pháp mà các nhà chức trách rất hay dùng – không cho người bị giam giữ tiếp xúc với luật sư mà họ lựa chọn.
Zhou Shifeng – Giám đốc Công ty Luật Fengrui ở Bắc Kinh, là tâm điểm cuộc đàn áp các luật sư – bị cáo buộc là đang lãnh đạo “băng nhóm tội phạm” với ý đồ “lật đổ” Đảng Cộng sản. Ông cũng đã ký một bức thư từ chối luật sư và sau đó chính quyền thậm chí còn buộc người anh của Zhou Shifeng chính thức từ chối luật sư do gia đình chọn.
Tất cả 18 luật sư và các nhà hoạt động vẫn còn bị giam giữ từ vụ đàn áp hồi năm ngoái – trừ hai người – đã từ chối quyền gặp gỡ luật sư.
Một chiến thuật phổ biến khác, gọi là “thú tội” trên màn ảnh TV, trước khi diễn ra phiên xử – Lam [King Wee] khẳng định rằng lời tuyên bố công khai của ông – trên thực tế, là vở kịch do chính quyền tạo dựng và rằng, ông không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc nói như thế.
Trong mấy năm gần đây, tất cả các luật sư, nhà báo, doanh nhân, người lao động trong các NGO bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ đều phải “thú tội” tương tự như thế trên màn ảnh truyền hình. Những “lời thú tội” được đưa lên TV đã làm giảm thiểu đáng kể cơ hội được xét xử một cách công bằng.
Các chương trình tuyên truyền được đưa lên sóng phát thanh và truyền hình là vũ khí hữu hiệu nhằm reo rắc sự sợ hãi đối với những người thách thức chế độ pháp quyền bị Đảng Cộng sản bóp méo.
Cuối cùng, khi quyết định lên tiếng về vụ giam giữ mình, Lam [King Wee] nói rằng một mình ông chịu trách nhiệm về việc này. Khác với những người bán sách kia, ông không có họ hàng ở Trung Quốc đại lục. Hàm ý của lời tuyên bố này là rõ ràng: Chính quyền sẵn sàng áp lực và đe dọa thân nhân, khi cần.
Bao Zhuoxuan, con trai tuổi teen của hai luật sư bị bắt là Wang Yu và Bao Longjun, bị giám sát chặt chẽ suốt gần một năm trời. Trong khi cả cha mẹ của em đang còn ở trong nhà giam, Bao Zhuoxuan lại bị bắt khi tìm cách trốn khỏi Trung Quốc để đi nghiên cứu ở nước ngoài. Bây giờ em là “con tin”, giúp chính quyền bẻ gãy thái độ phản kháng của cha mẹ. Hầu như tất cả mọi người đều sẽ nói hay làm bất cứ điều gì để con em mình không bị tổn thương.
Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc vẫn trơ tráo nói rằng chiến thuật phi pháp này được sử dụng nhân danh “chế độ pháp quyền”.
Kỷ niệm một năm ngày đàn áp các luật sư đang đến gần, câu chuyện của Lam Wing Kee cho thấy cách thức đàn áp của chính quyền Trung Quốc – trái ngược hoàn toàn với hình ảnh của đất nước được cai trị theo chế độ pháp quyền mà Chủ tịch Tập Cận Bình muốn vẽ ra.
Không những không được tăng gấp đôi kiểm duyệt và tuyên truyền, Chủ tịch Tập Cận Bình cần phải chấm dứt việc sử dụng những điều luật mơ hồ và quyền lực không bị kiểm soát của cảnh sát nhằm biện minh cho những điều mà cả xã hội Trung Quốc, cũng như phần còn lại của thế giới công nhận: Đấy là sự vi phạm nhân quyền đối với các những người phê phán chế độ và các nhà hoạt động ôn hòa.
Đó là các luật sư và các nhà hoạt động xã hội, những bảo vệ nhân quyền và chế độ pháp quyền đích thực, họ phải được trả tự do để tiếp tục công việc của mình.
William Nee là nhà nghiên cứu về Trung Quốc ở Ân xá Quốc tế (Amnesty International).