VNTB – Vụ sạt lở ở đèo Bảo Lộc: Để nỗi đau không lặp lại!

VNTB – Vụ sạt lở ở đèo Bảo Lộc: Để nỗi đau không lặp lại!

Trương Văn Vinh (Phó trưởng Khoa Lâm nghiệp, Đại học Nông Lâm TP.HCM)

 

LTS: “Việc mất đi diện tích rừng tự nhiên hoặc thay thế bằng những diện tích rừng trồng đơn loài có chu kỳ kinh doanh ngắn hoặc những cây công nghiệp ở những khu vực có địa hình dốc, khu vực phòng hộ xung yếu đầu nguồn đã làm cho tình trạng sạt lở, lũ lụt xảy ra ngày một nghiêm trọng dưới ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày một cực đoan”, TS. Trương Văn Vinh, Phó trưởng Khoa Lâm nghiệp, Đại học Nông Lâm TP.HCM chia sẻ ý kiến với Người Đô Thị về nguyên nhân gây ra vụ sạt lở thương tâm ở đèo Bảo Lộc vào ngày 30.7. Vị chuyên gia cũng cho biết, theo bản đồ kiểm kê rừng tháng 3.2015, toàn bộ diện tích vườn sầu riêng tại khu vực sạt lở nằm trong lâm phận rừng phòng hộ đầu nguồn, mã mục đích sử dụng là rừng phòng hộ đầu nguồn…

Vụ sạt lở đèo Bảo Lộc lúc 14g45 chiều 30.7.2023 đã gây thiệt hại lớn về người. Ba cảnh sát giao thông và một người dân đã vĩnh viễn rời xa người thân của họ.

Tấm hình do báo chí chụp lại hiện trường đã tạo ra nhiều hoài nghi của dư luận về việc “mặc dù xung quanh là rừng, nhưng liệu khu trồng sầu riêng nằm sau lưng khu vực sạt lở có phải là nguyên nhân?”. 

Trả lời báo Tuổi Trẻ online chiều ngày 31.7, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng: nói nguyên nhân do khu trồng sầu riêng là “không có cơ sở. Sạt lở là tổ hợp nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính do kết cấu đất bazan và mưa lớn cực đoan gây biến đổi kết cấu chung trong khu vực”.

Tôi cho rằng, nói như vậy là chưa chính xác.

Nguyên nhân chính gây nên sạt lở là do mưa lớn nhiều ngày đã làm cho kết cấu đất yếu đi, dẫn đến sạt lở. Ngoài ra, vị trí sạt lở có địa hình dốc, thêm thảm thực bì bị mất trước đó khiến cho nguy cơ sạt lở càng cao hơn.

Một vấn đề khác cũng cần được minh định.

Dựa trên ảnh vệ tinh (Google Earth), diện tích đất trồng cây sầu riêng sau lưng khu vực sạt lở thực ra đã được người dân khai hoang và trồng cây công nghiệp lâu năm từ trước năm 2006. Điều này cho thấy, việc trồng cây công nghiệp của người dân ở khu vực này trước đây không  phải là nguyên chính/trực tiếp, mà là nguyên nhân phụ/gián tiếp đến vụ sạt lở vào chiều ngày 30.7. 

Cũng theo ảnh vệ tinh, trước tháng 4.2019 khu vực này chưa bị tác động.

Nhưng đến trước tháng 1.2021, khu vực này đã bị tác động mạnh, cụ thể là taluy núi đã bị đào xới, khoảng 0,22 hectares.

Đến tháng 10.2022, tại khu vực sạt lở đã xuất hiện ngôi nhà có mái màu đỏ. Điều này cho thấy, khả năng cao việc sạt lở ngày 30.7.2023 là do những tác động của con người vào thời điểm trước tháng 1.2021.

Dựa trên những minh chứng từ ảnh vệ tinh nói trên, có thể thấy nguyên nhân của việc sạt lở không phủ nhận là do có phần do thiên nhiên nhưng đừng bỏ qua những tác động của “nhân tai”.

Ngoài ra, thông tin tôi nắm được: theo bản đồ kiểm kê rừng tháng 3.2015(*), toàn bộ diện tích vườn sầu riêng tại khu vực sạt lở nằm trong lâm phận rừng phòng hộ đầu nguồn, mã mục đích sử dụng là rừng phòng hộ đầu nguồn, thuộc khoảnh 1, tiểu khu 581B, thị trấn Đạ M’ri.

Cấu trúc của rừng tự nhiên là đa tầng tán với nhiều loài cây đan xen, cùng với lớp thực bì và thảm mục dày. Hệ rễ lúc này phát triển thành một mạng lưới chằng chịt, đâm sâu xuống lòng đất, bám chặt lấy đất, giúp cây đứng vững, cố định đất và giữ cho đất không bị rửa trôi, sạt lở.

Việc mất đi diện tích rừng tự nhiên hoặc thay thế bằng những diện tích rừng trồng đơn loài có chu kỳ kinh doanh ngắn hoặc những cây công nghiệp ở những khu vực có địa hình dốc, khu vực phòng hộ xung yếu đầu nguồn đã làm cho tình trạng sạt lở, lũ lụt xảy ra ngày một nghiêm trọng dưới ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày một cực đoan.

Do đó, để bảo vệ nguồn nước, tài sản và tính mạng con người trước những hiểm hoạ của thiên nhiên, chúng ta cần thúc đẩy việc quản lý, bảo vệ và trồng mới các loài cây bản địa để nâng cao năng lực phòng hộ, bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước và đa dạng sinh học.

Đúng là biến đổi khí hậu đã làm cho thời tiết ngày càng cực đoan hơn, khó lường hơn, vì thế mà thiệt hại do ảnh hưởng của thời tiết cực đoạn ngày càng lớn. Nhưng không phải bất cứ vấn đề, vụ việc nào cũng đổ lỗi cho biến đổi khí hậu. Hãy chung sống hoà hợp với thiên nhiên để được Mẹ thiên nhiên chở che và bảo vệ. Cần nương tựa vào thiên nhiên để sống. Và đừng bao giờ nghĩ con người là chủ nhân của hành tinh này, mà trước hết, cần tồn tại ở hành tinh này bằng tâm thế tương sinh.

 

[ads_color_box color_background=”#eeeeee” color_text=”#444″]Chia sẻ với Người Đô Thị, anh Ka Diếp, một người dân người Châu Mạ ở huyện Đạ Huoai, Lâm Đồng, cho biết: xưa nay người đồng bào vẫn thường làm rẫy, trồng lúa, ngô sắn, cây ăn trái ở cả khu đất bằng hoặc triền núi. Tuy nhiên, dù canh tác ở triền núi nhưng người dân vẫn luôn giữ lại các cây cổ thụ ở trong rẫy và trồng trọt theo truyền thống nên không gây ra tình trạng sạt lở. Việc dùng máy móc hiện đại hiện nay như làm taluy rất dễ gây ra tình trạng sạt lở.[/ads_color_box]

 

___________

Nguồn: Người Đô ThịVụ sạt lở ở đèo Bảo Lộc: Để nỗi đau không lặp lại!


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)