Việt Nam Thời Báo

VNTB – Vụ Vạn Thịnh Phát: lỗi chính từ quản lý nhà nước 

 

Hiền Vương 

 

(VNTB) – Bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc chiếm đoạt hơn 304.000 tỷ đồng. 

 

Bộ Công an đề nghị truy tố các bị can trong vụ án liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, ngân hàng SCB và các đơn vị có liên quan; trong số này, bị can Trương Mỹ Lan (Chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát) bị đề nghị truy tố 3 tội đưa hối lộ, vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng và tham ô tài sản. 

Kể từ ngày 1-1-2012 đến ngày 7-10-2022, bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã lập một số lượng lớn các hồ sơ vay vốn khống để rút ra số tiền đặc biệt lớn. Đây đều là các khoản vay khống. Trong đó, từ ngày 9-2-2018 đến 7-10-2022, bà Lan chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn rút tiền chiếm đoạt của ngân hàng SCB, qua đó chiếm đoạt số tiền hơn 304.000 tỷ đồng. Hành vi này phạm vào tội tham ô tài sản. 

Vẫn theo kết luận điều tra, trước ngày 1-1-2018, Bộ luật hình sự chưa quy định về hành vi tham ô trong lĩnh vực tư nhân. Trong thời gian từ ngày 1-1-2012 đến ngày 31-12-2017, bị can Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo hợp thức hồ sơ vay vốn để ngân hàng SCB giải ngân cho 304 khách hàng là các cá nhân, pháp nhân thuộc tập đoàn Vạn Thịnh Phát vay 368 khoản, tính đến ngày 17-10-2022 còn dư nợ hơn 132.000 tỷ đồng, không có khả năng thu hồi. 

Cơ quan điều tra xác định thiệt hại là hơn 64.000 tỷ đồng. Hành vi này phạm vào tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, các hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng. 

Để che giấu thực trạng tài chính yếu kém và các sai phạm của ngân hàng SCB, đồng thời để SCB không bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt và tiếp tục được tái cơ cấu, bị can Trương Mỹ Lan trực tiếp gặp gỡ bàn bạc, trao đổi với bà Đỗ Thị Nhàn – cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II – Ngân hàng Nhà nước. Bà Lan trực tiếp gặp gỡ, thỏa thuận và nhờ bà Đỗ Thị Nhàn giúp đỡ, sau đó chỉ đạo Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc ngân hàng SCB, đưa 5,2 triệu USD, tương đương hơn 118 tỷ đồng cho bà Đỗ Thị Nhàn… 

Tóm tắt chung của cáo buộc từ Bộ Công an là bị can Trương Mỹ Lan chỉ đạo dàn lãnh đạo chủ chốt tại ngân hàng SCB và hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát sử dụng hàng ngàn cá nhân, pháp nhân để lập hàng ngàn bộ hồ sơ “khống” đứng tên vay vốn. 

Bàn luận về chuyện hồ sơ “khống”, một chuyên gia tài chính chia sẻ như sau với người viết trong một so sánh về nền tảng pháp luật của kinh tế thị trường không có “định hướng chính trị” với Việt Nam “định hướng xã hội chủ nghĩa”, theo đó, vị chuyên gia này nói rằng từ hơn chục năm về trước dưới “triều đại Nguyễn Tấn Dũng”, sự thịnh vượng của hệ thống ngân hàng thương mại đã khỏa lấp đi tất cả những sai phạm.  

“Nó như một dòng sông đầy tràn, người ta chỉ thấy cái mặt nước đẹp, nhưng khi dòng sông lắng xuống, tất cả những rác rưởi, cặn bẩn hiện ra một cách rõ ràng. Tuy nhiên, đó chỉ là phần một, phần thứ 2 là do lòng tham của con người. Khi vấn đề tín dụng ăn chia, bỏ tiền vào túi một cách dễ dàng bị thắt lại, người ta phải tìm một lối khác tức là “bảo lãnh khống”. Bảo lãnh khống dễ dàng quá: chỉ cần chữ ký của giám đốc một chi nhánh cộng thêm con dấu của chi nhánh nào đó là xong. 

Trong khi đó ở Mỹ, muốn lập một chứng thư bảo lãnh, chỉ có trung tâm bảo lãnh ở Hội sở trung ương mới phát hành được. Mà chứng thư bảo lãnh ở Mỹ muốn phát hành ra ngoài là phải có tất cả hệ thống giám sát nên cũng không cần con dấu, chỉ cần chữ ký của một cán bộ cao cấp là đủ. Đối tác nhận được cũng biết rằng đây chỉ là một văn bản và họ sẽ phải tra cứu để xác nhận xem đó có phải là một văn bản có tính pháp lý hay không. Ở Việt Nam, nhiều đối tác thương mại không quan tâm và không cần biết vì họ tin chắc: có con dấu và chữ ký như vậy là ổn.  

Nhưng ở đây cũng cần lưu ý không loại trừ trường hợp nhiều người cấu kết với đối tác, cấu kết với giám đốc chi nhánh để gây ra sai phạm” – vị chuyên gia này nói thêm rằng tất cả các vấn đề trên đã được ông đặt vấn đề với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam từ đầu năm 2013, tức 10 năm về trước rồi về “bảo lãnh khống – hồ sơ khống”. 

Đạo đức nghề nghiệp cũng là vấn đề đối với kinh doanh – quản lý ngân hàng.  

“Ngân hàng nào cũng buộc phải thành lập chi bộ Đảng, mà ở Việt Nam thì Đảng có quyền uy vào loại bao trùm, nên ở đây đạo đức nghề nghiệp được hiểu là tùy thuộc vào đạo đức của người cộng sản. Khi xảy ra những bê bối nhân sự như vụ Vạn Thịnh Phát chẳng hạn, cần truy cứu trách nhiệm của các đồng chí Bí thư chi bộ cấp cơ sở tới cấp trung ương; và dĩ nhiên cũng không loại trừ luôn Tổng bí thư – vị Tổng tư lệnh của tất cả các tư lệnh bộ/ ngành trong thể chế chính trị Việt Nam” – một nhà báo thân hữu trang Việt Nam Thời Báo đã ý kiến như vậy. 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Tin giả và ai đang ‘giả tin’?

Phan Thanh Hung

VNTB – Thiên hạ luận: Xin đừng lên gân duy ý chí cách mạng nữa…

Phan Thanh Hung

VNTB – Nước ngọt… mặn như nước mắt

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo