Hà Nguyên
(VNTB) – Nhà chức trách cần xem xét toàn bộ vụ việc về những dấu hiệu vi phạm pháp luật của pháp nhân chùa Ba Vàng.
Một bản tin trên trang web chùa Ba Vàng viết: “Xá lợi tóc Phật được lưu giữ hàng nghìn năm tại Myanmar, nay xuất hiện lần đầu tiên tại chùa Ba Vàng. Bắt nguồn từ nhân duyên đoàn chư Tăng, Phật tử chùa Ba Vàng đến chiêm bái xá lợi tại chùa Parami và Bảo tàng Xá lợi Phật Quốc tế Parami (Myanmar).
Tại đây, phái đoàn đã có lời mời Hòa thượng trụ trì chùa Parami về chùa Ba Vàng dự lễ “Kính mừng 765 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông đản sinh”. Quý Thầy đã hoan hỷ nhận lời và còn hoan hỷ cung thỉnh bảo vật xá lợi tóc của Đức Phật về Việt Nam, góp phần cho đại lễ thêm long trọng” (*).
Tạm gác qua yếu tố tâm linh trong sự kiện trên, vấn đề cần làm rõ ở đây là phía ban tổ chức chùa Ba Vàng có tuân thủ các quy định về hành chính trong thủ tục xin giấy phép cho việc trưng bày một vật được cho là “bảo vật xá lợi tóc của Đức Phật” được ‘nhập khẩu’ từ Myanmar vào Việt Nam.
Trong Nghị định số 23/2019/NĐ-CP “Về hoạt động triển lãm”, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
“1. Triển lãm là việc tổ chức trưng bày tác phẩm, hiện vật, tài liệu tập trung trong một thời gian, tại một không gian nhất định theo các hình thức khác nhau, bằng các phương tiện kỹ thuật khác nhau nhằm mục đích giới thiệu, công bố, phổ biến trong xã hội, cộng đồng.
2. Triển lãm không vì mục đích thương mại là triển lãm không bao gồm hoạt động mua bán hoặc tìm kiếm cơ hội giao kết hợp đồng mua bán.
3. Hoạt động phối hợp trong triển lãm là các hoạt động diễn ra trước và trong quá trình triển lãm, có nội dung bổ sung thông tin, tuyên truyền hoặc làm phong phú cho hoạt động triển lãm”.
Điều 8 của Nghị định số 23/2019/NĐ-CP, có ràng buộc về các điều kiện đối với tác phẩm, hiện vật, tài liệu, địa điểm triển lãm, như sau:
“1. Tác phẩm, hiện vật, tài liệu được triển lãm không có một trong các nội dung:
a) Tuyên truyền chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc;
b) Tiết lộ bí mật của cơ quan, tổ chức, cá nhân mà không được sự đồng ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân và bí mật khác do pháp luật quy định;
c) Kích động chiến tranh, gây thù hận giữa các dân tộc và nhân dân các nước; gây chia rẽ tôn giáo, mất đoàn kết dân tộc; truyền bá tư tưởng phản động;
d) Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm vĩ nhân, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa; vu khống, xâm hại uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân;
đ) Vi phạm các quy định về nếp sống văn minh, an ninh trật tự, tuyên truyền bạo lực, các hành vi tội ác, tệ nạn xã hội gây hại cho sức khỏe, hủy hoại môi trường sinh thái.
2. Tác phẩm, hiện vật, tài liệu được triển lãm không thuộc trường hợp bị đình chỉ lưu hành, cấm lưu hành, thu hồi, tịch thu.
3. Tác phẩm, hiện vật, tài liệu được triển lãm phải phù hợp với chủ đề, nội dung của triển lãm; có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp.
4. Địa điểm triển lãm phải phù hợp với quy mô triển lãm, bảo đảm các điều kiện về trật tự an toàn xã hội, vệ sinh môi trường và phòng, chống cháy nổ”.
Như vậy, vật phẩm “bảo vật xá lợi tóc của Đức Phật” được ‘nhập khẩu’ từ Myanmar vào Việt Nam cần phải tuân thủ theo trình tự của thủ tục hành chính kể trên; và nếu phía ban tổ chức chùa Ba Vàng đã tuân thủ đúng quy định này, thì cần thiết đơn vị chịu trách nhiệm cấp phép cần lên tiếng làm rõ với công luận về tính xác thực của vật phẩm trưng bày, tránh các nguồn đồn đãi về việc Phật giáo Việt Nam đang bị một nhóm khoác áo tu hành lũng đoạn, gián tiếp phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc theo pháp luật hình sự.
Bằng ngược lại, nhà chức trách cần xem xét toàn bộ vụ việc về những dấu hiệu vi phạm pháp luật của pháp nhân chùa Ba Vàng.
____________
Chú thích: