Hoài Nguyễn
(VNTB) – Cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng bị phía công tố dọa là sẽ xem xét việc ông đã “xâm phạm hoạt động tư pháp”…
“Cứ bắt, cứ nhốt vào thì sẽ khai sẽ nhận”
Phía Viện kiểm sát lập luận về dấu hiệu “xâm phạm hoạt động tư pháp” của cựu Trưởng phòng 5, Cục An ninh điều tra, như sau: Tháng 9-2022, khi bị cáo Hưng bị điều chuyển công tác, không còn thẩm quyền liên quan đến vụ án “chuyến bay giải cứu”, bị cáo Hưng vẫn gặp bị cáo Hằng tại nhà bị cáo Tuấn để cung cấp thông tin nắm được, tiếp tục hứa lo cho bị cáo Sơn không bị xử lý hình sự, đồng thời hướng dẫn cách thức khai báo khi làm việc với điều tra viên và nói phải đưa tiền cho các cá nhân khác.
Bị cáo Hưng còn thông tin sai sự thật về vai trò của mình, là mình vẫn kiểm soát tình hình, vẫn làm báo cáo đề xuất vụ án…
Hưng bị cáo buộc đã chiếm đoạt 800.000 USD của bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng, Công ty Bluesky khi bị cáo này tìm đường “chạy án”.
Theo tường thuật thì phiên tòa hôm ấy có tình tiết rất đáng ngờ như sau: Tiếp tục lời tự bào chữa, bị cáo Hưng cho rằng cơ quan tố tụng “vi phạm nhiều quy định của Bộ luật tố tụng hình sự”.
“Bị cáo bị khởi tố khi không có chứng cứ, trước khi khởi tố vụ án, bị cáo không có cơ hội giải trình, trình bày về những căn cứ khởi tố, bắt giam này” – Hưng nói.
Bị cáo Hưng nhiều lần dùng các từ ngữ “nóng vội”, “liều lĩnh”, “xem nhẹ sinh mạng chính trị của người khác”, “cứ bắt, cứ nhốt vào thì sẽ khai sẽ nhận”… khi nói về hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng.
Liên quan đến việc hỏi cung, cựu điều tra viên nói rằng khi bị cáo kêu oan, theo quy định, kiểm sát viên phải tiến hành hỏi cung. Tuy nhiên, ban đầu chỉ có một buổi hỏi cung với những nội dung không quan trọng, đến khi vụ án gần kết thúc giai đoạn điều tra thì có buổi hỏi cung kéo dài 10 tiếng.
(Đến đây thì tín hiệu phiên toà kết nối đến phòng báo chí bị mất, khoảng 2 phút thì có lại)…
“Bắt đầu câu hỏi bao giờ cũng là “cơ quan điều tra có tài liệu căn cứ khẳng định…”, nhưng không cho tôi xem tài liệu. Chỉ khi ban hành kết luận điều tra, tôi mới biết chỉ có lời khai anh Tuấn…” – bị cáo Hưng nói…
Vậy thì những ai đã có dấu hiệu hành vi “xâm phạm hoạt động tư pháp” như lời dọa của đại diện công tố ở phiên tòa “chuyến bay giải cứu”?
Lý và lẽ của “xâm phạm…”
Lý thuyết của “xâm phạm hoạt động tư pháp” được diễn giải thế này: Khách thể của các tội xâm phạm hoạt động tư pháp là các quan hệ xã hội phát sinh trong hoạt động tố tụng (điều tra, truy tố, xét xử) và hoạt động thi hành án được luật hình sự bảo vệ.
Ngoài ra, hoạt động tư pháp còn bao gồm các hoạt động bổ trợ tư pháp, hỗ trợ tư pháp có liên quan trực tiếp và là căn cứ quan trọng để cơ quan tư pháp xem xét, quyết định theo thẩm quyền. Do vậy, các hoạt động bổ trợ tư pháp, hỗ trợ tư pháp cũng là khách thể của tội xâm phạm hoạt động tư pháp.
Ví dụ: Giám định viên làm sai lệch kết luận giám định hoặc từ chối kết luận giám định (Điều 382, Điều 383 Bộ luật hình sự 2015); hoặc cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp có hành vi nhục hình người bị tạm giữ, tạm giam (Điều 373)….
Chủ thể của các tội xâm phạm hoạt động tư pháp phần lớn là chủ thể đặc biệt, là người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan tư pháp hoặc trong cơ quan nhà nước khác hoặc tổ chức; người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng và những người khác có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp.
Theo quy định của pháp luật và thực tiễn áp dụng thì chủ thể này là cán bộ có chức danh pháp lý hoặc không có chức danh pháp lý nhưng được giao nhiệm vụ hoạt động tư pháp. hoặc đồng phạm với cán bộ có chức danh pháp lý phạm tội trong quá trình làm nhiệm vụ.
Ví dụ: Chiến sĩ được giao nhiệm vụ bảo vệ trại tạm giam có hành vi thiếu trách nhiệm để người bị giam, giữ trốn (Điều 376); cán bộ trinh sát, cán bộ điều tra, sinh viên thực tập cũng có thể là chủ thể của tội phạm Dùng nhục hình (Điều 373)…
Chủ thể của tội xâm phạm hoạt động tư pháp có thể là người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan nhà nước khác (Tội cản trở thi hành án); những người tham gia tố tụng (bị can, bị cáo, giám định, phiên dịch…); người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp khác hoặc là bất kỳ người nào có đủ năng lực trách nhiệm hình sự (Tội không tố giác tội phạm, tội che giấu tội phạm…).
Mặt khách quan của các tội xâm phạm hoạt động tư pháp được thực hiện chủ yếu dưới dạng hành động (nhục hình, bức cung, trốn khỏi nơi giam, giữ…) hoặc không hành động (không chấp hành án…). Phần lớn các tội xâm phạm hoạt động tư pháp có cấu thành hình thức (16/23 tội), tội phạm hoàn thành từ thời điểm người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội, mà không cần phải có hậu quả xảy ra.
Còn lại 07 tội có cấu thành vật chất, gồm: Tội ra quyết định trái pháp luật (Điều 371); Tội ép buộc người có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp làm trái pháp luật (Điều 372); Tội thiếu trách nhiệm để người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù trốn (Điều 376); Tội không thi hành án (Điều 379); Tội cản trở việc thi hành án (Điều 381); Tội trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị áp giải, đang bị xét xử (Điều 386); Tội đánh tháo người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, người đang bị áp giải, xét xử, chấp hành án phạt tù (Điều 387).
Những tội phạm trên thì thời điểm tội phạm hoàn thành khi có những hậu quả thiệt hại nhất định đối với mỗi tội danh. Tuy nhiên, cần phân biệt hậu quả thiệt hại với việc khắc phục hậu quả. Việc khắc phục hậu quả chỉ là tình tiết để xem xét đường lối khi xử lý, không phải là căn cứ để xác định cấu thành tội phạm hay không…
Thay lời kết
Sinh tiền, luật sư Ngô Bá Thành (Phạm Thị Thanh Vân) có nhận xét để đời đến tận hôm nay: “Ở Việt Nam ta đã có cả một rừng luật nhưng khi xét xử lại dùng luật rừng!”.
Bởi từ các viện dẫn mang tính lý thuyết tối thiểu của các đạo luật về tư pháp hình sự, có lẽ toàn bộ vụ án “chuyến bay giải cứu” cần được tòa sơ thẩm tuyên “trả hồ sơ, điều tra lại”.
____________
Tham khảo:
Nếu dám khai tiếp sẽ bị khởi tố thêm tội danh xâm phạm hoạt động tư pháp