Hàn Lam
(VNTB) – Tiền ăn một ngày 20.000 đồng ráng lắm mới đủ, lấy đâu dư mà mua xe điện.
Để giảm phát thải gây ô nhiễm, chính quyền đưa ra chính sách ‘kích cầu’ xe điện bằng giá cả.
Người đứng đầu Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa đưa ra thông tin là quý đầu của năm 2024, chính quyền thành phố sẽ thí điểm hỗ trợ người dân chuyển đổi từ xe gắn máy hai bánh chạy xăng sang xe máy điện.
Theo đó, “đối với các loại mô tô, xe 2 bánh cũ, thành phố cũng nghiên cứu, khoanh vùng và xác định một số đối tượng thí điểm như huyện Cần Giờ, khu vực trung tâm. Các đối tượng sẽ được hưởng các hỗ trợ gián tiếp bằng chính sách hoặc trực tiếp qua chi phí mua xe điện” – giám đốc Trần Quang Lâm cho biết như vậy.
Chi tiết về khoản tiền nào để hỗ trợ cho kế hoạch chuyển đổi này hiện chưa thấy công bố. Các vấn đề khác liên quan như sửa chữa hư hỏng trong quá trình sử dụng loại xe này, trạm sạc nơi công cộng, giá điện dự kiến sẽ điều chỉnh mỗi 3 tháng, rác thải từ bộ pin điện sẽ được xử lý ra sao, rồi kiểu dáng, khả năng ‘thồ’ hàng hóa của xe điện,… sẽ ra sao, được đảm bảo như thế nào về dài lâu thì vẫn chưa nghe thấy bất kỳ một thông tin nào, dù ngắn ngủi trong khi giờ đã là giữa quý 3-2023.
Là một người viết chuyên trách mảng kinh tế, tôi cho rằng người đứng đầu Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã thiếu thận trọng khi quá tự tin đưa ra một kế hoạch chuyển đổi… thiếu minh bạch ngay từ đầu; đặc biệt là về nguồn kinh phí thực thi.
Xin trao đổi ở góc độ “bữa cơm gia đình” mà người dân TP.HCM tiếp nhận trong chuyện ‘kích cầu’ xe điện từ chính quyền đô thị này.
“Chỉ có 26,2% người lao động có điều kiện để ăn thịt, cá trong các bữa ăn hàng ngày; 10,3% người lao động cho biết với thu nhập hiện nay họ ít khi (1 lần/tuần) có điều kiện để ăn thịt, cá trong bữa ăn tại gia đình. Đặc biệt, có tới 46,5% người chỉ đủ tiền để mua một số loại thuốc cơ bản để chữa bệnh”, bà Phạm Thị Thu Lan, Phó viện trưởng Viện Công nhân – Công đoàn, chia sẻ hồi thượng tuần tháng 8-2023 về kết quả cuộc khảo sát lấy ý kiến của trên 3.000 công nhân tại 157 doanh nghiệp và 174 công đoàn cơ sở.
Những con số công bố ấy không bất ngờ đối với giới báo chí; đặc biệt là với những phóng viên chuyên trách mảng lao động – công đoàn.
Xin nhắc lại câu chuyện rất phổ biến ở 3 năm trước tại TP.HCM nơi mà ông Trần Quang Lâm làm giám đốc Sở Giao thông vận tải.
Trích báo cáo khảo sát của Liên đoàn Lao động TP.HCM: bà Nga, 33 tuổi, là công nhân Công ty cổ phần giày da Huê Phong (quận Gò Vấp, TP.HCM), trọ trên đường Phạm Văn Chiêu, quận Gò Vấp. Với thâm niên 7 năm, tiền lương cơ bản mỗi tháng của bà hơn 5,4 triệu đồng. Cuối tháng 5-2020, do ảnh hưởng Covid-19, Công ty Huê Phong cắt giảm 2.220 lao động. Bà Nga không thuộc diện phải thôi việc, nhưng bị giảm giờ làm nên thu nhập đã giảm một nửa so với trước.
Với tổng thu nhập hai vợ chồng gần 10 triệu đồng mỗi tháng, sau khi tính toán phải trả 2 triệu đồng tiền thuê nhà, 2 triệu đồng tiền gửi con, họ thống nhất tiền ăn một tháng không được quá 1,2 triệu đồng. Số tiền này cho hai bữa trưa tối, tính ra mỗi bữa ăn tốn chừng 20.000 đồng.
Bữa ăn của gia đình ba người giờ quanh đi quẩn lại chỉ bó rau muống hay rau dền mua 5.000 đồng, đậu hũ chiên sả 5.000 đồng, hai quả trứng 5.000-6.000 đồng đem luộc hoặc chiên… Thi thoảng bà Nga mua thêm 20.000 đồng bò viên để cả nhà đổi món. Số tiền còn lại mua sữa, tiêu dùng hàng ngày, để dành phòng khi ốm đau.
Cũng may trong đợt dịch Covid, chủ nhà trọ giảm 50% tiền phòng, còn tặng gạo, mì tôm, nước mắm nên vợ chồng bà cũng đỡ được nhiều…
…Liệu khi hai bữa cơm gia đình trong một ngày ở mức gói gọn với số bạc 40 ngàn đồng cho 3 người, thì khoản dôi dư nào để họ thay đổi phương tiện đi lại từ xe xăng sang xe điện?