Việt Nam Thời Báo

VNTB – Yêu cầu độc lập và yêu cầu phản tố trong vụ án dân sự ở Việt Nam

Hiền Vương

 

(VNTB) – Trong tố tụng dân sự tại Việt Nam yêu cầu phản tố và yêu cầu độc lập là 2 yếu tố mang tính chất tương đồng.

Hai yêu cầu đều là yêu cầu khởi kiện, nên yêu cầu này có thể được khởi kiện bằng vụ án độc lập.

Trước hết với yêu cầu phản tố có liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ của bị đơn đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập trong vụ án đang được giải quyết và nhằm cho vụ án giải quyết chính xác, nhanh chóng hơn, nên bị đơn có quyền yêu cầu giải quyết trong cùng vụ án.

Trong trường hợp, nguyên đơn rút yêu cầu khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan rút yêu cầu độc lập, thì vụ án vẫn được tiếp tục. Khi đó, tòa án sẽ ban hành quyết định đình chỉ yêu cầu khởi kiện, yêu cầu độc lập và ra thông báo thay đổi địa vị tố tụng cho đúng với tư cách tham gia tố tụng của các đương sự trong vụ án.

Thứ hai, là yêu cầu độc lập. Nếu giải quyết yêu cầu độc lập sẽ không bảo vệ kịp thời quyền lợi của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, nên yêu cầu này phải được giải quyết trong cùng vụ án.

Đồng thời, khi yêu cầu độc lập được giải quyết trong cùng vụ án thì vụ án được giải quyết nhanh hơn, tránh việc phải xác định vụ án giải quyết trước sau, kéo dài thời gian giải quyết các vụ án làm mâu thuẫn trong nhân dân trầm trọng hơn.

Tuy nhiên lý thuyết ở trên khi thực thi thì lại gặp những vướng mắc như sau: Một: Điểm b khoản 2 Điều 217 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định “Bị đơn không rút hoặc chỉ rút một phần yêu cầu phản tố, thì tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn; bị đơn trở thành nguyên đơn, nguyên đơn trở thành bị đơn”.

Thực tiễn khi ban hành quyết định tố tụng này phát sinh những vấn đề lúng túng sau: Quyết định này là loại quyết định gì, có bị kháng cáo, kháng nghị như Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án không? Bởi điểm b khoản 2 Điều 217 chỉ xác định là “đình chỉ giải quyết yêu cầu khởi kiện” chứ không phải “đình chỉ giải quyết vụ án”.

Quyền khởi kiện lại của nguyên đơn được quy định như thế nào, tòa án có ghi rõ khi ban hành quyết định theo điểm b khoản 2 Điều 217 hay không?

Vấn đề tiếp theo, tiền tạm ứng án phí của nguyên đơn được xử lý như thế nào, có trả lại cho nguyên đơn theo quy định tại khoản 3 Điều 218 hay không? Ngoài ra tiền tạm ứng chi phí thẩm định, định giá tài sản mà nguyên đơn đã nộp thì xử lý như thế nào? Tòa án có buộc nguyên đơn phải chịu chi phí thẩm định, định giá khi đình chỉ vụ án theo quy định tại khoản 4 Điều 157 và khoản 4 Điều 165  của Bộ luật tố tụng dân sự hay không?

Khi thay đổi tư cách tham gia tố tụng của đương sự thì thời hạn chuẩn bị xét xử được tính thế nào? Bị đơn (được đổi từ nguyên đơn do rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện) có quyền yêu cầu phản tố lại hay không?

Các vướng mắc trên dẫn đến nhiều cách làm khác nhau trên thực tiễn, tạo nên sự không thống nhất khi xử lý tình huống tố tụng, có trường hợp làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của đương sự.

Một thẩm phán cho biết trong thực tiễn xử lý tình huống ở trên tại tòa án, đa số các tòa án địa phương đều chọn phương án chuyển hồ sơ vụ án đến tòa án nơi có địa chỉ, trụ sở của bị đơn (mới) để giải quyết theo thẩm quyền.

Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng, tòa án đang thụ lý vụ án không cần phải chuyển vụ án bởi việc thay đổi tư cách tham gia tố tụng của đương sự diễn ra sau khi thụ lý vụ án, tòa án cần vận dụng quy định tại khoản 3 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 “Trường hợp vụ án dân sự đã được Tòa án thụ lý và đang giải quyết theo đúng quy định của Bộ luật này về thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ thì phải được Tòa án đó tiếp tục giải quyết mặc dù trong quá trình giải quyết có sự thay đổi nơi cư trú, trụ sở hoặc địa chỉ giao dịch của đương sự”.

Như vậy trong cùng một điều luật tố tụng, lại có những cách xử trí khác nhau tùy vào thẩm phán ‘vận dụng’, dễ dẫn tới việc diễn giải khó tường minh của một kiểu “Việt Nam có một rừng luật nhưng lại thích xài luật rừng”, mà sinh tiền bà luật sư Ngô Bá Thành từng nhận xét.


Tin bài liên quan:

VNTB – Tân Bộ trưởng Y tế là một người ngoài ngành Y

Trương Thế Tử

VNTB – Vụ Vạn Thịnh Phát: lỗi chính từ quản lý nhà nước 

Do Van Tien

VNTB – Hà Nội soi cờ vàng trong phòng ngủ người Việt hải ngoại

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo