Đỗ Việt Dũng
* Tác giả gửi bài trực tiếp cho VNTB
Trên thế giới, hiếm có quốc gia nào có hệ thống hành chính cồng kềnh như Việt Nam. Chỉ riêng số cán bộ thuộc diện phải kê khai tài sản năm 2013 đã gần 1 triệu. Điều đặc biệt là số lượng cấp phó nhiều một cách đáng sợ. Trừ chức danh Chủ tịch nước ra, các chứ vụ còn lại từ TW đến xã, mỗi chức
đeo thêm từ 3 đến 10 phó.
Số cấp phó này có thực sự cần thiết hay không? Tôi xin mạn phép diễn giải như sau: thông thường mỗi “vị phó” sẽ phụ trách một vài lĩnh vực chuyên môn của đơn vị và từ 2 đơn vị cấp dưới trực thuộc trở lên (vì nếu chỉ phụ trách một đơn vị trực thuộc thì kể như làm hết việc của thủ trưởng đơn vị đó, cho kiêm nhiệm luôn đi). Nhưng hầu hết phó ở các cơ quan chuyên môn hiện nay đều chỉ phụ trách một đơn vị cấp dưới trực thuộc.
Ví dụ một phòng nghiệp vụ của công an cấp tỉnh hiện nay có 4 đội thì có 4 phó phòng, vậy là số phó
phòng và đội trưởng bằng nhau. Cá biệt và khá hài hước hiện nay là Tổng cục Cảnh Sát QLHC hiện nay chỉ có 6 đơn vị cấp cục mà có tới… 8 phó tổng cục trưởng. Tại các ngành khác tình trạng cũng tương tự, có quá nhiều cấp phó. Thực sự số lượng cấp phó đã “lạm phát”, không cần thiết, lãng phí quỹ lương hành chính – là tiền thuế của dân.
Một câu hỏi được đặt ra tại sao lại bổ nhiệm nhiều cấp phó như vậy? Không phải là người ký quyết định bổ nhiệm không biết là dư thừa, nhưng họ vẫn ký. Điều đó có nguồn gốc từ nạn chạy chức chạy quyền đang phổ biến hiện nay, một phó phòng, cục phó hay phó giám đốc sở có “giá” bao nhiêu
thì rất nhiều người biết. Nên có dư thừa cấp phó thì quỹ lương (người dân nộp thuế) phải chịu, chứ người ký bổ nhiệm chẳng mất mát gì mà còn bỏ túi được số tiền kha khá. Những chuyện Huỳnh Phong Tranh hay Nguyễn Thành Rum trước khi nghỉ hưu ký bộ nhiệm “mỏi tay” cũng chẳng có gì lạ.
Vấn đề cốt lõi là ở cơ chế xin- cho. Mà ở đó, người xin thì được lộc vị và người cho thì được tiền, vì họ cho người khác cái không phải của họ. Như vậy cả hai bên cùng vui vẻ, chỉ có lũ dân đen là phải è cổ nộp thuế mà không dám một lời phản kháng. Vì nếu có ý kiến sẽ bị chụp mũ phản động ngay, Nhà nước đã có lực lượng an ninh hùng hậu sẵn sàng sách nhiễu hay bắt bớ, khiến cho người phản kháng sống dở chết dở.
Cộng sản lợi hại thật!
Viết đến đây tôi lại nhớ đến câu nói của nhà văn Vũ Thư Hiên trong cuốn “Đêm giữa ban ngày”: “Mọi thể chế cầm quyền đều phải có chốt hãm, nếu không nó sẽ tự tung tự tác “trượt” thành một thể chế chuyên quyền”.
Nhà nước CSVN hiện nay đang là một thể chế không có “chốt hãm” nên nó biến thành một nhà nước độc tài chuyên chế là điều dễ hiểu, và hiện tượng bùng nổ số lượng cáp phó như hiện nay như một lẽ tự nhiên.