VNTB – Đường sá và giao thông ở Malaysia qua lời kể của người Nghệ Tĩnh

Kiều Phong (VNTB) Trong danh sách những nước có thuê lao động Việt Nam ở Đông Nam Á , Malaysia là một điểm đến khá hấp dẫn trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI. Những người lao động hay khách du lịch Việt trở về từ xứ này hầu hết đều cho rằng, họ đã bỏ xa Việt Nam một khoảng cách rất lớn. 

Mã-lai là tên gọi đất nước Malaysia đã được Việt hóa. Anh Đức, một lao động người Can Lộc- Hà Tĩnh có thời gian ba năm làm cho chủ Malaysia cho biết: Ở Mã-lai, đường sá quy hoạch rất tốt. Chủ yếu là đường một chiều. Xe lưu thông trên những đường này lao vun vút, tốc độ 100 km/h. Khoảng 350 cây số chỉ đi hết 3 giờ đồng hồ, Việt Nam đi hết 6-7 giờ. Theo đó thì tốc độ các phương tiện giao thông tại Malaysia nhanh gấp khoảng 2 lần tốc độ các phương tiện cùng loại ở Việt Nam. Điều đó cũng cho thấy nước bạn tiết kiệm được thời gian, tiền bạc và nhiều chi phí liên quan khác. 

Cũng theo lời anh Đức, với tốc độ như thế (100 km/h) thì cố ý vi phạm luật giao thông cũng khó. Dòng xe lưu thông với tốc độ như thế, hẳn là đất nước này quy hoạch đường sá và kiến trúc ưu việt, nếu không thì không thể đạt được như vậy.


Một người bạn cùng lớn lên trong một xóm và cùng đi xuất khẩu lao động sang Malaysia với anh Đức là anh Sinh cho biết, tại Mã-lai, người dân đi ô-tô hoặc đi tàu điện ngầm. Dân đi làm bằng ô-tô ở xứ này rất thường. Nếu bên Việt Nam, với số tiền 60 triệu bạn chỉ đủ để mua một chiếc xe tay ga, chẳng hạn như SH, thì ở Mã-lai, cùng số tiền đó đã mua được xe ô-tô tốt máy rồi. Cho nên bình dân ở Mã-lai hầu như nhà nào cũng có một chiếc ô-tô. 

Tiến sĩ Phan Mạnh Hùng, một nhà nghiên cứu văn học sinh ra ở Nghệ An cho hay, hồi sang Malaysia giao lưu với nước bạn, ông thấy họ quá giàu mạnh. Ông cho biết ở Malaysia, dường như dân cư đi cùng một hãng xe. Malaysia từ rất lâu đã tự sản xuất được xe ô-tô hoàn toàn nội địa, ô tô Malaysia là ô-tô giá rẻ. Điều đáng ngạc nhiên là, hầu như nhà nghèo hay nhà giàu thì cũng đi loại xe ô-tô nội địa đó, những xe sang như BMW, Lamborghini rất ít thấy trên đường phố Mã-lai. Không phải như Việt Nam, nhà giàu thì phấn đấu mua cho được xe nước ngoài hạng sang, nhà vừa vừa mua xe cũ nhưng chung quy cũng đều là dân sính ngoại, thích xài hàng nước ngoài. Một lần, tiến sĩ Phan Mạnh Hùng sang đường ở chỗ không có vạch dành cho người đi bộ. Ngay lập tức, tất cả những ánh mắt xung quanh đều dồn về ông, như dồn về một kẻ không biết tôn trọng pháp luật. Ở Việt Nam, từ người không có điều kiện học hành cho đến người đỗ đạt cao, ai nấy đã quen sang đường tùy ý bừa bãi rồi, sang đến những xứ thượng tôn pháp luật như quốc gia hồi giáo Malaysia, những thói quen được coi là bình thường ở Việt Nam bỗng dưng trở thành hành vi lạc loài. Có thể nói rằng người dân Ma-lai hết thảy đều rất có ý thức bảo vệ pháp luật và tôn trọng pháp luật, tính cộng đồng của họ rất cao. 

Cùng thuộc khu vực Đông Nam Á, Malaysia và Indonesia chia sẻ nền văn minh Hồi giáo. Nền văn minh này được giới học giả nhận xét có dương tính rất cao độ, đất nước nhanh phát triển mạnh mẽ. Trong khi đó, Việt Nam thuộc về văn minh lúa nước, tức là một nền văn minh loại âm tính, cho nên không đối xử với nhau theo luật mà đối xử với nhau theo lệ, chấp hành và thực thi luật pháp không nghiêm bằng các nước Hồi giáo kể trên. Các mặt như kinh tế hay khoa học kỹ thuật cũng không phát triển được. Đây là một cách giải thích nghe cũng có lý. 

Ông Giáp, cũng là một lao động thuộc thế hệ 7x ở Hà Tĩnh từng sang Malaysia làm công nhân thời trai trẻ, khi đi về cũng buồn buồn mà so sánh: Việt Nam khoảng 40 năm nữa mới theo kịp Mã-lai bây giờ. Nhìn đường sá của hắn ( tức Malaysia) thì thôi rồi. Tất nhiên chúng ta không lấy đường sá và giao thông để đánh giá hơn thua, nhưng tại sao nước nhà người ta cái gì cũng hơn nước mình vậy? 

Câu nói của ông Giáp cách đây khoảng mười năm. Ngày nay, năm 2017 này, thế hệ công nhân 9x của anh Đức, anh Sinh kể ở đầu bài khẳng định, Malaysia bỏ xa Việt Nam khoảng 100 năm. 

Rõ ràng, nước nhà người ta chẳng hề đứng yên cho Việt Nam đuổi kịp.
CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)