Việt Nam Thời Báo

VNTB – Giải cứu… giá thịt heo

Hiền Lương

(VNTB) – ‘Giải cứu giá thịt heo’ là lời kêu gọi đang được đưa ra trên mạng xã hội, kèm câu cảm thán: “Lúc thịt heo dư thừa, xuống giá thì kêu giải cứu, đến bây giờ giá heo trên trời thì ai giải cứu ai đây?”

Nền nông nghiệp Việt Nam mỗi khi lâm cảnh hàng hóa ế ẩm, người ta lại thấy xuất hiện lời kêu gọi hình như mượn từ ý tưởng của tên bộ phim đã được đề cử 11 giải Oscar ‘Giải cứu binh nhì Ryan’ (tên Anh ngữ: Saving Private Ryan).

‘Giải cứu giá thịt heo’ là lời kêu gọi đang được đưa ra trên mạng xã hội, kèm câu cảm thán: “Lúc thịt heo dư thừa, xuống giá thì kêu giải cứu, đến bây giờ giá heo trên trời thì ai giải cứu ai đây?”

Ai đang ghìm giá?

Báo chí trong những ngày cuối tháng 12/2019 liên tục đưa tin theo mô thức truyền thông quen thuộc mỗi khi thị trường Việt Nam chịu sự biến động gì đó: “Thủ tướng yêu cầu xử lý việc ghìm giá, không chịu bán heo. Bộ Công thương khẳng định quản lý thị trường đã ra quân kiểm tra, chống đầu cơ thịt heo” – theo bài trên báo Tuổi Trẻ, số phát hành ngày 25/12/2019.

Ai không chịu bán heo? Xem ra ông thủ tướng đang ẩn ý ám chỉ sở dĩ thịt heo lên giá phi mã, có lỗi của dân vì tham lam muốn trữ lại heo ở chuồng để chờ giá lên nữa. Nói theo ngôn ngữ của các báo cáo thị trường được phát ra rả trên báo chí, thì các cơ quan chức năng cho rằng, nguồn cung thịt heo không thiếu nhưng giá vẫn cao ngất ngưỡng là do người chăn nuôi ghim hàng.

Tâm lý chung là cứ mỗi dịp chuẩn bị bước vào mùa kinh doanh tết, người ta luôn dự trữ hàng hóa để có thể đủ bán ở thời điểm mãi lực tăng rất cao. Nhưng đó là câu chuyện của loại hàng hóa bình thường dễ bảo quản như bia, bánh, kẹo, vải, quần áo… Thế nhưng với bà con chăn nuôi heo, thì cứ đúng 80 đến 100 kg mỗi con là xuất chuồng ngay, không chậm 1 ngày nào, có thể tính luôn cấp độ này bằng giờ.

Mỗi con heo hơi xuất chuồng khoảng trên dưới 9 triệu, cũng ấm bụng rồi. Ghim hàng thì phải tốn tiền cho heo ăn, sợ dịch bệnh và nếu heo trên 100 ký lô thì rất khó bán. Giữ lại, lứa này heo rất dễ bệnh, dễ chết… chưa kể chỉ cần một con dính dịch là coi như đốt tài sản, không còn tiền để mà ăn tết vui xuân Canh Tý 2020 cận kề.

Thịt mát sẽ làm nguội thịt nóng?

Masan Consumer, tức Công ty cổ phần Tập đoàn Masan có trụ sở chính đặt tại tầng 12, tòa nhà MPLaza Saigon – TP.HCM, là một cái tên nằm trong dự báo là nơi sẽ ‘giải cứu giá thịt heo’. Vào đầu tháng 12/2019, Công ty cổ phần Masan MEATLife (MML) – công ty thành viên của Tập đoàn Masan chuyên doanh về mảng thịt mát đã công bố kế hoạch giao dịch trên sàn UpCom (thị trường dành cho công ty đại chúng chưa niêm yết). Masan MEATLife, tiền thân là Masan Nutri-Science (“MNS”).

Giới thiệu đến các nhà đầu tư, lãnh đạo MML dẫn thông tin từ Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho hay Việt Nam là nước có lượng tiêu thụ thịt heo cao thứ 2 thế giới. Thị trường này vẫn còn tiếp tục phát triển với tỉ lệ tăng trưởng tiềm năng của sản lượng thịt heo lên đến 20% trong giai đoạn 2019 – 2025.

Sở hữu sản phẩm thịt heo mát với chứng nhận công nghệ chế biến đạt chuẩn châu Âu trên thị trường từ tháng 12-2018, đến nay Masan MEATLife đã cán mốc phát triển 550 điểm bán tại Hà Nội và TP.HCM, đạt 55% thị phần tại Vinmart (giờ Vinmart cũng vừa thuộc về Masan) và có mặt hầu hết tại các hệ thống siêu thị lớn khác trong cả nước.

Khác với Vissan – một ông trùm phân phối sỉ về thịt heo trên phạm vi toàn miền Nam, phần lớn là kinh doanh thịt heo đông lạnh, Masan chọn thịt mát.

Thân thịt heo ngay sau khi giết mổ ở dạng nguyên con hoặc xẻ đôi, trải qua quá trình làm mát đảm bảo tâm thịt ở phần dày nhất đạt nhiệt độ từ 0oC đến 4oC trong thời gian không quá 24 giờ sau khi giết mổ. Đây là nhiệt độ được cho là tối ưu để không phát sinh vi khuẩn nguy hiểm, và là đặc điểm cốt lõi để phân biệt với thịt đông sâu ở nhiệt độ âm (-) 12 độ C tại các ngăn tủ lạnh gia dụng như Vissan.

Nếu như ở nhiệt độ mát, thịt vẫn ở trạng thái mềm dẻo, bề mặt ẩm, đàn hồi tốt thì với thịt đông lạnh, ở nhiệt độ -12 độ C thịt bị đông cứng, bề mặt khô. Đặc điểm này giúp thịt mát ‘ghi điểm’ với bà nội trợ do có thể chế biến ngay, và tiết kiệm thời gian, không cần rửa/ trụng và rã đông, trong khi với thịt đông lạnh, người nấu cần phải rã đông đúng cách hạn chế vi khuẩn có hại phát triển trên miếng thịt.

Cũng cần phân biệt tiếp, thịt heo ‘nóng’ tức là heo giết mổ tại trung tâm gia súc, gia cầm sau đó nhập trực tiếp đến các chợ truyền thống, siêu thị phục vụ người tiêu dùng. Thịt heo ‘nóng’ hiện đang có giá bán liên tục tăng rất cao.

Theo lãnh đạo MML, với tăng trưởng hơn gấp 10 lần số điểm bán, cùng doanh thu dự kiến đạt 500 – 1.000 tỉ đồng trong năm đầu tiên ‘chào sân’ thị trường, doanh nghiệp này cũng không giấu tham vọng với các nhà đầu tư khi đặt mục tiêu trong 5 năm tới sẽ trở thành doanh nghiệp đứng số 1 về thịt mát đóng gói có thương hiệu tại Việt Nam, chiếm 10% thị phần thịt heo toàn quốc, song song với phát triển trên 5.000 điểm bán.

Trở lại với chuyện “Thủ tướng yêu cầu xử lý việc ghìm giá, không chịu bán heo. Bộ Công thương khẳng định quản lý thị trường đã ra quân kiểm tra, chống đầu cơ thịt heo”, rất có thể thời gian sắp tới Masan sẽ lãnh ấn tiên phuông trong sứ vụ ‘giải cứu giá thịt heo’, qua việc tung ra thị trường số lượng mang tính áp đảo về thịt heo mát, khi mà thị trường ‘thịt heo nóng’ bị đẩy giá lên chót vót và khan hiếm hàng.

Thay lời kết

Câu chuyện thịt heo mát sẽ làm hạ nhiệt thịt heo nóng dịp tết Canh Tý 2020 dễ khiến người ta nghĩ tới cặp đại gia bài trùng giàu lên nhanh chóng sau một thời gian họ từ Đông Âu trở về Việt Nam với hai tập đoàn Masan và Techcombank.

Trong nhóm doanh nhân Việt trở về Đông Âu, đặc biệt là từ Nga và Ukraine, có những cái tên quen thuộc trên báo chí: Phạm Nhật Vượng, Nguyễn Thị Phương Thảo, Nguyễn Đăng Quang, Hồ Hùng Anh, Trịnh Văn Quyết, Lê Viết Lam, Đặng Khắc Vỹ, Trịnh Thanh Huy, Nguyễn Cảnh Sơn,…

“Không sợ thiếu thịt heo, chỉ sợ người dân không chịu ăn thịt đông lạnh” – Đại diện Công ty Vissan (TP.HCM) nói với báo chí. Như vậy rõ ràng ngư ông đắc lợi ở chuyện ‘giá thịt heo’, không ai khác ngoài Masan cùng nhóm quyền lợi chằng chịt đến từ Đông Âu với những cái tên như nêu trên.

Tin bài liên quan:

VNTB – Nhà nước “giải cứu” tới đâu chết tới đó

Baraju T. Ogelefecejo

Trung Quốc thu mua, giá lợn tăng trở lại: “Không cẩn thận sẽ lại phải giải cứu!”

Phan Thanh Hung

VNTB – Chuyện ‘tiền chợ’ ở những tuần lễ ‘giãn cách’

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo