Việt Nam Thời Báo

25 năm vỡ tường Berlin: Liên hiệp Hoài niệm (P.4)

VNTB: Một tư liệu có giá trị sống động lịch sử. Kỷ niệm một phần tư thế kỷ bức tường Berlin sụp đổ, VNTB trích đăng lại cảm nhận trực tiếp của những người trong cuộc.

Lính gác biên giới Đông Đức đứng trước những mảng tường Berlin bị phá vỡ ngày 13-11-1989.

————————–

Hansjürgen Rosenbauer

Thứ Tư, 11 tháng 10 năm 1989

Bộ chính trị vẫn đang họp, thế nhưng trạng thái căng thẳng bên trong vẫn tiếp tục không lọt ra ngoài chút nào. Báo chí loanh quanh về những điều nhỏ nhặt. Chỉ có cơ quan trung ương của đảng Dân chủ Tự do (LDPD), ‘Ngày mai’ là gây ngạc nhiên bằng việc đăng tải một bài phát biểu của chủ tịch Viện Hàn lâm Nghệ thuật CHDC Đức, GS Manfred Wekwerth, từng đọc ngay từ ngày 18 tháng Chín nhân lễ khai mạc mùa biểu diễn của Đoàn nghệ thuật Berlin. Trong đó ông thận trọng phê bình chính sách về các phương tiện truyền thông hiện tại: ‘Điều hiển nhiên làm tê liệt mọi chuyện làm mất hiệu quả điều đáng ngạc nhiên nhất tại đây, vì nó chìm vào thành công kéo dài về mặt thống kê. Nó không đặt ra thêm câu hỏi nào nữa, vì những câu trả lời đã có sẵn rồi. Nó biến tầm vóc thành công thức, sự thân thiện thành sự ban ơn, thành của hiếm. Phải, nó biến những thay đổi, vốn có rất nhiều và có thể đem lại lòng quả cảm, thành thứ sẵn-có-đấy-rồi, để không ai nghĩ là cần thay đổi điều gì đó. Ở đây điều hiển nhiên biến thành thói tự mãn mới dễ dàng làm sao… Toàn bộ các kỹ thuật đã ngăn những người biết được sự thật được thật sự biết đến nó. Cái Xấu đã thành cái ‘Chưa tốt’. Làm việc tồi thì sẽ có lời nhắc nhở ‘hãy công tác tốt hơn’.’

Markus Wolf, nguyên là tướng của bộ An ninh Nhà nước, từng là Trưởng ban tuyên truyền và là tác giả cuốn sách gây nhiều tranh luận trong nước ‘Cỗ xe tam mã’, trong một buổi phỏng vấn của BBC đã đánh giá các thay đổi tại CHDC Đức là quá ít ỏi và quá chậm chạp. Nó làm một số thành phần dân chúng có cảm giác tuyệt vọng. Nhưng ông lạc quan về tương lai đất nước. Trả lời câu hỏi liệu ông ấy có thấy tương lai đó do những con người hiện nay lãnh đạo không, ông trả lời: ‘Miễn bình luận.’

Tối hôm đó một ‘Thông báo của Bộ chính trị’ được đưa ra, phản ánh những mối quan tâm trái ngược của từng phe phái riêng lẻ trong nội bộ lãnh đạo Đảng và rõ ràng mang tính thỏa hiệp. Một mặt nó nói: ‘Chúng tôi muốn cùng nhau thảo luận về tất cả các vấn đề cơ bản của xã hội ta.’ Và: ‘Xã hội chủ nghĩa cần tất cả mọi người. Nó có chỗ và tương lai cho tất cả mọi người.’ Một ‘cuộc đối thoại khách quan’ và một ‘sự chung sống đầy tin tưởng về chính trị’ được nêu ra. Mặt khác những lực lượng từng công khai yêu cầu những điều này trong những ngày trước đó bị gọi là những kẻ gây rối bình yên và trật tự vô trách nhiệm hoặc là nạn nhân bị ‘những cuộc tấn công phản cách mạng lợi dụng.’ Rốt cuộc trong thông báo cũng lại có những giáo điều cũ kỹ: Đảng SED đòi nắm quyền lãnh đạo và lời khẳng định là đã có đủ mọi hình thức dân chủ cần thiết rồi.

Ai nói khác đi sẽ bị cấm phát ngôn. Tất cả các tiết mục của đài phát thanh tư nhân Tây Đức 100,6 kể về CHDC Đức ngày hôm đó đều bị gây nhiễu bằng những tiếng loẹt xoẹt lớn. Vì rõ ràng không lý giải được và che đậy việc tự phòng thủ chính trị, đã phải dùng đến phương tiện xưa kia của Berlin từ thời chiến tranh lạnh.

Không bị những thông báo về đối thoại không thật tâm này gây ấn tượng, sự phẫn nộ trong nước ngày càng dâng cao. Tối đó tại nhà thờ Martini ở Halberstadt dẫn đến hành động phản đối lớn đầu tiên của thành phố Kreisstadt có 50.000 dân cạnh dãy núi Harz. Nhóm hoạt động vì hòa bình của mục sư Johann-Peter Hinz đi thu thập chữ ký ủng hộ nhóm Diễn đàn Mới, mặc dù bị nhà nước đe dọa dữ dội.

Ở Berlin các sinh viên đại học Humboldt tổ chức một cuộc biểu tình trước nhà thờ phía bắc và yêu cầu cải tổ hệ thống trường đại học. Những ngày tiếp theo sinh viên các thành phố khác cũng ủng hộ họ.

Thứ Năm, 12 tháng 10 năm 1989

Bộ Nội vụ ra thông báo là hiện tại chỉ có người đã nghỉ hưu và người tàn tật được phép làm đơn đi du lịch ở Tiệp Khắc. Đó cũng chính là nhóm người được quyền tự do đi sang Tây Đức theo quy định hiện hành. Qua đó chặn lại dòng người đang muốn di cư qua đại sứ quán CHLB Đức ở Praha hoặc từ Hungary đi qua Áo. Từ 30 tháng 10 năm 1980, vì việc du lịch không cần thị thực vào Ba Lan ngừng lại, Tiệp Khắc là nước duy nhất các công dân CHDC Đức có thể đến chỉ bằng chứng minh thư nhân dân và không cần xin phép. Chỉ trong năm 1988 đã có chín triệu công dân CHDC Đức du lịch ở nước láng giềng này. Tất cả các nước xã hội chủ nghĩa khác đều cần có thị thực xuất cảnh phải xin trước hàng tuần lễ ở sở cảnh sát. Thậm chí từ năm 1980 muốn sang Ba Lan còn phải có thư mời.

Trong khi ngăn cách với bên ngoài, quan điểm của lãnh đạo Đảng SED là cho bắt đầu đối thoại trong nội bộ. Kurt Hager, 77 tuổi, Bí thư ban chấp hành trung ương bộ chính trị, chịu trách nhiệm về khoa học và văn hóa, người từ năm 1955 là ‘Nhà tư tưởng đầu đàn’ của Đảng, thậm chí còn tuyên bố là những người cộng sản đã nghĩ ra cuộc đối thoại này. Từ Mátxcơva ông ta kêu gọi trên truyền hình CHDC Đức hãy ‘thảo luận về cách giải quyết các vấn đề của đất nước’. Ông ta cho thấy mình rất tin tưởng là ‘chủ nghĩa xã hội ở CHDC Đức sẽ ngày càng vững mạnh và hoàn thiện hơn, trái với tất cả những lời tiên đoán của giới truyền thông phương Tây’. (Tháng Tư năm 1987 Hager, như là kẻ thù của công cuộc cải tổ ở Liên Xô, đã đưa ra câu nói nổi tiếng: ‘Nếu hàng xóm của anh dán lại giấy dán tường nhà của họ, các anh có cảm thấy cũng bắt buộc phải làm theo hay không?’ Vì thế mà người dân gọi ông ta là áo choàng dán tường.)

Hội thánh Tin lành Berlin-Brandenburg dẫu sao cũng muốn tận dụng lời đề nghị đối thoại này, dù nó có thể không thật lòng đến đâu đi nữa. Giám mục Gottfried Forck nói với cơ quan thông tấn báo chí ADN sau khi gặp gỡ thị trưởng Berlin Erhard Krack: ‘Mục tiêu của nhà thờ không phải là làm rối loạn tình hình. Nhà thờ cũng quan tâm đến việc ủng hộ người dân tham gia xây dựng xã hội.’

Các nhóm hành động của người dân về cơ bản cũng có quan điểm tương tự. ‘Diễn đàn Mới’ hoan nghênh tuyên bố của bộ chính trị đảng SED như dấu hiệu đầu tiên của việc tìm hiểu các vấn đề sâu xa còn tồn tại trong xã hội.’ Nhưng đồng thời họ cũng nêu rõ: ‘Điều kiện tiên quyết cho mọi cuộc đối thoại là phải trả tự do cho tất cả những người đã bị bắt trong các cuộc biểu tình, chấm dứt các cuộc điều tra, bãi bỏ các lệnh trừng phạt. Đối thoại thật sự có nghĩa là:

1. Cho phép ‘Diễn đàn Mới’ và tất cả các đảng phái khác được hoạt động, cho thành lập các đảng phái và nhóm hành động công dân hoạt động vì mục đích dân chủ hóa xã hội.

2. Cho phép tiếp cận các phương tiện truyền thông đại chúng.

3. Tự do báo chí và bãi bỏ kiểm duyệt.

4. Quyền được tự do hội họp và biểu tình.’

Nhóm hành động công dân vì một Cánh tả hợp nhất (VL), được thành lập đầu tháng Chín như một chương trình trong một cuộc gặp tại Böhlen, cũng nhân tuyên bố của bộ chính trị bày tỏ quan điểm của họ về các biện pháp cấp bách thiết yếu. Trong số đó là yêu cầu Bộ chính trị Đảng SED và chính phủ từ chức, thành lập một chính phủ quá độ có kỳ hạn gồm các lực lượng muốn cải tổ và lập nên một liên minh rộng lớn bằng lý trí và thực tiễn nhằm thực hiện một cuộc cải cách triệt để xã hội và hiến pháp, gồm cả cải tổ kinh tế. Mục tiêu là người lao động được tự quản lý sản xuất, muốn vậy cần phải thành lập các hội đồng thẩm định lao động và các ban đại diện của công nhân.

Thứ Sáu, 13 tháng 10 năm 1989

‘Lịch sử đã chứng minh là không có Đảng nào trong chủ nghĩa xã hội lại nắm quyền lực tồn tại và gây ảnh hưởng trước khi có được chân lý chính trị’, người ta đọc thấy trong tuyên bố của chủ tịch đảng Dân chủ Tự do LDPD, GS Manfred Gerlach, người cho xuất bản tờ báo ‘Ngày mai’. ‘Trong thực tế đó là việc đảng SED cũng như quyền lực nhà nước thực hiện vai trò lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Ở đây có một vấn đề và phạm vi thẩm quyền đôi khi được mô tả là ‘sự hoàn thiện chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa’, một chỉ thị tuy thế, theo như kinh nghiệm của đảng LDPD, không thích hợp với động lực phát triển cần thiết của quá trình đổi mới dân chủ; thiếu thốn mà lại còn không được hoàn thiện nữa thì phỏng có ích gì?’

Các tư tưởng chủ đạo khác trong bài phát biểu của Gerlach gây chấn động không kém:

‘Chúng ta kiên quyết ủng hộ việc phá vỡ những lớp vảy trong xã hội và chính trị. Không chỉ phát ngôn, mà thực sự giao phó những gì đã bị vượt qua trong lịch sử, ngay lập tức cùng nhau đưa ra trong khối liên minh những quyết định không thể lảng tránh được. Những quyết định có nền tảng là ý nghĩa thực tế và lòng tin đối với người dân… Điều chỉnh và đạo đức giả, đôi khi được che đậy là bảo tồn những thứ được bảo tồn và là sự trung thành đối với các quyết định gây phản tác dụng.’ – Với bài phát biểu này lần đầu tiên một chính trị gia cấp cao thuộc khối liên minh truyền thống tỏ thái độ xa cách rõ ràng với chính sách của Đảng SED.

Nhưng tại cuộc gặp gỡ của các Đảng liên minh sáng hôm đó với lãnh đạo Đảng SED, đại diện là Erich Honecker và hai người được ông ta tin cậy nhất, Bí thư ban chấp hành trung ương Günter Mittag và Joachim Herrmann thì lại không nhắc gì đến chuyện đó. Rõ ràng các Chủ tịch Đảng không dám công khai bày tỏ quan điểm của mình và không đủ dũng cảm để đưa những ý kiến phê bình của chính các đảng viên của mình đến các quan chức cấp cao nhất của nhà nước và thúc giục họ phải thay đổi nhanh chóng. Thay vì thế Honecker đề nghị theo đúng mô hình của khối liên minh dân chủ từ trước đến giờ, nghĩa là Đảng SED cầm quyền, cả trong các cuộc bầu cử chung danh sách trong tương lai, đã ấn định trước là phân phối chức vụ nắm quyền có lợi cho Đảng SED. Cả Manfred Gerlach cũng không phản đối điều đó.

Lãnh đạo Đảng SED muốn cải thiện nội bộ của những cơ cấu hiện hành. Trong khi ấy thì không tính đến việc đưa vào các lực lượng dân chúng mới được thành lập. Điều này do một thông tin nội bộ của Đảng công bố ngày hôm đó. Trong đó Trung ương Đảng gọi Diễn đàn Mới, chính thức bị từ chối cho phép hoạt động vào ngày 21 tháng Chín, là phe chống chính quyền. Có lời cảnh báo mối nguy hại là ‘từ trong tập hợp những người dân đang phê phán, những người khác quan điểm, những người bị thất vọng – một cách nhìn khác có thể là sự non nớt về chính trị – những kẻ thù giấu và lộ mặt của chế độ xã hội chủ nghĩa tại CHDC Đức có thể tạo ra một phong trào chống chủ nghĩa xã hội hàng loạt ở đây.’ Ở đó có ghi: tìm cách thảo luận với ‘một phong trào đối lập hình thành theo cách này hay cách khác’ sẽ làm phương hại đến sự phát triển kế tiếp của chủ nghĩa xã hội.

Mặc dầu ‘lãnh đạo Đảng và Chính phủ’, như cách người ta gọi họ, thể hiện sự kết hợp quyền lực, làm ngơ trước mọi thay đổi cơ bản, họ vẫn từng chút một phải nhượng bộ sức ép từ bên dưới đang ngày càng tăng lên và đưa ra những thừa nhận thực tế đầu tiên. Buổi chiều viện kiểm sát thông báo là trừ mười một người vẫn đang bị điều tra vì các hành động bạo lực, cho đến lúc ấy đã thả tự do cho tất cả những người biểu tình bị bắt giữ. Vị luật sư nổi tiếng người Berlin Wolfgang Vogel, người được Honecker tin cậy, cho đến giờ vẫn đảm nhận các vụ việc nan giải về xuất cảnh giữa hai nước Đức, tán thành việc trả tự do hoàn toàn cho tất cả các công dân CHDC Đức còn bị giam giữ vì tội vượt biên và có dính líu đến các cuộc biểu tình những tuần vừa qua.

Vào buổi tối tại nhà thờ Augustiner ở Erfurt một nhóm hành động công dân đã tụ họp để thành lập một tổ chức đối lập nữa, Nhận thức Dân chủ (DA). Trong mục lục các yêu cầu bao gồm bầu cử tự do, tự do ngôn luận và đi lại, một xã hội được thay đổi triệt để, trong đó người dân đủ năng lực tự chịu trách nhiệm được nhìn nhận một cách nghiêm túc.

Tin bài liên quan:

25 năm vỡ tường Berlin: Liên hiệp Hoài niệm (P.2)

Phan Thanh Hung

25 năm vỡ tường Berlin: Liên hiệp Hoài niệm (P.5)

Phan Thanh Hung

25 năm vỡ tường Berlin: Liên hiệp Hoài niệm (P.6)

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo