Việt Nam Thời Báo

40 năm kể từ 1975, họ trở thành thụ động, ngơ ngác trông chờ, mất hết tự tin *

Ở Tây Nguyên vốn không hề có rừng vô chủ, không một tấc rừng nào là vô chủ. Làng tồn tại bền vững trên cái chân đế sở hữu này. 

Ở đây còn có điểm nên chú ý: ở trên ta thấy có một chỗ Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi nhắc đến bộ lạc, nhưng rồi chỉ một lần ấy, hai ông không trở lại với chuyện bộ lạc nữa. Các ông đã cảm nhận ra một điều quan trọng: Bộ lạc có tồn tại, đương nhiên, nhưng không thành một đơn vị xã hội. Không có thiết chế của bộ lạc và bộ máy để duy trì, vận hành thiết chế đó. (Ở tộc người Gia Rai – có thể cả Ê Đê – thì có, với hệ thống thị tộc chặt chẽ và phức tạp, mà phản ánh vào thiết chế xã hội là hệ thống Pötao…). Trong ý thức, và trong thực tế, làng đậm hơn, quan trọng hơn bộ lạc. Nó là trung tâm của đời sống Ba Na. Ngoài làng là tơmoi, là  moi, mọi. Đến đây có thể có một nhận xét hơi buồn cười: như vậy trong cách nghĩ và đúng theo cách nói của mình, người Ba Na coi (và gọi) người Việt – và người thuộc các tộc người khác – là  tơmoi, mọi, trong khi ta nhầm lẫn coi và gọi ngược lại!

Theo tôi, về vấn đề trung tâm này, hai tác giả Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi, qua tác phẩm Mọi Kontum, đã đi trước hơn nửa thế kỷ. Các tác giả Pháp cùng thời với các ông chưa ai tỏ ra thật quan tâm và nói rõ về điều này. Henri Maitre có nhận thấy Tây Nguyên gồm các làng độc lập rời rạc. Nhưng thấy rõ tính chất của quan hệ bên trên và nhất là bên dưới của nó thì chưa, nên cũng chưa nhận ra tính chất và vai trò tế bào của làng trong cơ cấu xã hội Tây Nguyên, chưa nhìn rõ được tính chất của quan hệ làng với cá nhân. Còn các nhà dân tộc học ta nói chung, theo chỗ tôi được biết, hơn nửa thế kỷ sau mới đi đến khẳng định làng là đơn vị xã hội cơ bản và duy nhất, là tế bào cơ bản của toàn bộ cấu trúc xã hội Tây Nguyên cổ truyền. Cũng xin nói rõ: cái được gọi là “cổ truyền” đó thực tế còn kéo dài đến tận năm 1975. Chính nó là yếu tố quan trọng nhất tạo nên sức mạnh bền vững kỳ lạ của Tây Nguyên, cả trong chiến tranh chống Mỹ, đặc biệt ác liệt ở chiến trường trọng điểm Tây Nguyên. Trong chiến tranh, làng ở đây bị đánh phá dữ dội, nhiều khi đến tan nát, có làng bị bứng đi xa hàng nhiều trăm cây số, nhưng rất kỳ lạ, làng không chết, cơ cấu làng vẫn còn, làng vẫn phát huy trọn vẹn tác động của nó. Xã hội vẫn đứng vững. 

Nhân đây cũng xin nói đến một quan sát và khẳng định chính xác của hai tác giả Mọi Kontum, mà tận cho đến ngày nay những người xây dựng và thực thi chính sách ở Tây Nguyên vẫn còn nhầm lẫn: theo các ông, người Ba Na không hề du cư (và cũng không du canh). Các ông viết nhất quyết: “Họ ăn ở nhất định, chứ không rày đây mai đó!2. Buồn thay, suốt 40 năm qua, chính nhận định hời hợt và giáo điều coi người Ba Na (và Tây Nguyên nói chung) du cư du canh đã là cơ sở cho một chính sách hàng đầu và lớn nhất được thực hiện ráo riết khắp Tây Nguyên: ép buộc định canh định cư, thực tế là dồn dân dồn làng, không ít khi đến tàn bạo! Thêm một tác động sai trái làm xáo trộn và đổ vỡ cấu trúc làng. Không ai chịu đọc lại Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi cẩn thận một chút trước khi bước chân lên Tây Nguyên và ra tay “cải tạo” cuộc sống cho những “người mọi lạc hậu” trên ấy để quyết dẫn dắt họ đến “văn minh” cho bằng ta!…

Trong thực tế, từ sau năm 1975, việc nhận thức chậm trễ, sai lạc, không hiểu và không coi trọng vai trò, vị trí và cơ cấu làng, không thận trọng xử lý đối với vấn đề này trong phát triển, đã dẫn đến phá vỡ tế bào làng ở Tây Nguyên, làm đổ vỡ cả cấu trúc chung của xã hội, lại chính trong lúc Tây Nguyên đang phải đối mặt với thách thức chưa từng có của hiện đại hóa và thị trường, đưa nó vào thế bị tấn công cả hai phía, có thể nói khiến xã hội này lâm vào jơlâm jơlu, rối loạn đến độ khó quay trở lại.

Quả là trong Mọi Kontum, các tác giả chưa nói nhiều và kỹ đến nền tảng vật chất và kinh tế của làng, vấn đề sẽ được các nhà dân tộc học trong nước về sau nghiên cứu và xác định rõ hơn. Nền tảng đó là quyền sở hữu tập thể của cộng đồng làng đối với đất và rừng. Rừng là của làng, từng làng, cụ thể và chặt chẽ. Ở Tây Nguyên vốn không hề có rừng vô chủ, không một tấc rừng nào là vô chủ. Làng tồn tại bền vững trên cái chân đế sở hữu này. Quốc hữu hóa toàn bộ đất, rừng Tây Nguyên, tức là bứng đi mất cái chân đế đó, đưa thực thể làng vào thế treo lơ lửng trên một khoảng trống không nguy hiểm, khiến nó tất sụp đổ. Làng trở thành tơmoi của chính nó, xa lạ với chính nó. Văn hóa tất cũng không thể còn, nếu không phải là một thứ văn hóa cũng không có chân, văn hóa giả, suy tàn và khô cằn.

Có lúc tôi đã nghĩ, có thể vớ vẩn chăng: giả như hôm nay Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi trở lại với các làng Ba Na thân thiết của các ông, la cà cùng bà con như hơn 70 năm trước, các ông sẽ cảm thấy thế nào? Chắc tất cả những ai từng sống ở Tây Nguyên đều có thể hình dung: một cảm giác buồn nặng nề. Làng đìu hiu, lúng túng và ngơ ngác. Bản in Người Ba Na ở Kontum đã giới thiệu một sưu tập ảnh người Ba Na thời Kinh Chi và Đổng Chi. Nhìn lại mà xem, họ thật đẹp. Vạm vỡ, rắn chắc, tươi tắn, và nhất là bình tĩnh, tự tin. Ấy là khi họ còn hoàn toàn làm chủ cuộc sống của họ, trong làng của họ, giữa rừng của họ, trước thiên nhiên của họ. Hồi ấy – khi hai nhà dân tộc học nghiệp dư và tài tử của chúng ta đến với họ –, họ còn nghèo, chưa giàu, cũng chưa “văn minh” như hôm nay, làng của họ chưa có điện, thậm chí có thể chưa biết điện là gì, nói chi đến truyền thanh truyền hình và các thứ tân thời hôm nay…, nhưng rõ ràng họ hoàn toàn chủ động, rất đàng hoàng trong cuộc sống tự chủ và tự do của họ. Và hạnh phúc. Đến Ba Na, đến Tây Nguyên hôm nay, không thể tự giấu đi cảm giác và suy nghĩ: ta đã làm như thế nào đó, với tất cả sự giúp đỡ chăm chỉ, cặm cụi, tận tụy của chúng ta, thậm chí như chính ta nói: “cầm tay chỉ việc” cho họ… vì họ “mọi rợ” lạc hậu lắm, … để rồi sau 40 năm kể từ 1975, họ trở thành thụ động, ngơ ngác trông chờ, mất hết tự tin… giữa một tự nhiên đã bị tàn phá đến thảm hại, trong ngôi làng mà họ không còn làm chủ được đất và rừng của mình cho nên các thiết chế đã đảm bảo sức mạnh, sự bền vững trường tồn của nó, nếu còn thì cũng chỉ là hình thức, giả, đánh lừa, vô hiệu quả …

Khác biết bao nhiêu thời Mọi Kontum của Nguyễn Kinh Chi – Nguyễn Đổng Chi! Đọc Mọi Kontum, không thể không bị lôi kéo vì niềm hào hứng tươi rói của người viết. Hẳn vì sức trẻ, niềm vui tìm tòi, khám phá hăm hở và đầy thương yêu của họ. Cũng hẳn vì niềm hạnh phúc tỏa ra từ chính đối tượng mà họ quan sát và khám phá. Họ được chính đối tượng ấy, sức sống rạng rỡ tỏa ra từ đối tượng ấy chinh phục. Thoạt tiên là Nguyễn Kinh Chi (1899 – 1986), vị bác sĩ trẻ được gửi lên làm việc ở miền thượng du xa xôi. Không ít lần nghề y đã dẫn đến dân tộc học, như là hai ngành họ hàng. Vì chúng đều chăm chú vào con người. Riêng ở Tây Nguyên đã từng có bác sĩ Jouin, người phụ trách y tế ở Đắc Lắc, là nhà Tây Nguyên học say mê và uyên thâm, người đã gợi ý cho Georges Condominas đi vào tộc người Mnông Gar để rồi chúng ta có được tác phẩm Chúng tôi ăn rừng tuyệt vời; cũng là người hướng dẫn cho nhà nữ toán học Anne de Hautecloque-Howe đi vào nghiên cứu hệ thống thị tộc và bào tộc phức tạp, tinh tế của Ê Đê để cho ra đời cuốn sách độc đáo Người Ê Đê, một xã hội mẫu quyền. Có thể chắc chắn việc tiếp xúc với các bệnh nhân Ba Na và làm việc với các y tá Ba Na, song song với việc đọc các sách viết về người Ba Na, đặc biệt của giáo sĩ Dourisboure, cùng những lần đi vào tận các làng xa rải rác trong núi chữa bệnh cho dân, đã kích thích trí tò mò của bác sĩ Kinh Chi. Từ tò mò, đến ngạc nhiên, rồi cảm phục, ông thấy cần được thông truyền đến mọi người, trước hết đến đồng bào người Việt của ông niềm tâm đắc và tình yêu mới của ông. Ông quyết định khởi xướng một công trình nghiên cứu thật sự nghiêm túc về một nền văn minh anh em hết sức đáng trân trọng, mà ông thấy cần có sự cộng tác của người em Đổng Chi năm ấy mới 18 tuổi, còn ở dưới quê. Ông gọi Đổng Chi lên, và hai anh em cùng bắt tay vào công việc.

Họ thành một cặp đôi thật tuyệt. Có thể hình dung mà không sợ quá sai: Bác sĩ Kinh Chi chia sẻ với em những suy nghĩ về người Ba Na và dự tính của mình. Anh thanh niên Đổng Chi tiếp nhận và nhập cuộc rất nhanh. Cứ như anh được sinh ra để làm chính công việc này. Anh sẽ là người chủ yếu làm việc trên thực địa, miệt mài say mê thu gom tư liệu, để hai anh em cùng căm cụi phân tích, đánh giá, chiêm nghiệm, nhận định, tổng hợp… Ta biết trong trong quan sát và điều tra dân tộc học có một điều rất tế nhị: phải làm thế nào để sự hiện diện của nhà dân tộc học, là người ngoài, người lạ đến quan sát, điều tra, không làm biến dạng, làm méo mó một cách tất yếu hiện thực được quan sát, điều tra. Nói một cách nôm na, người đến quan sát, điều tra phải có cách, có tài tự triệt tiêu đến tối đa tư cách tơmoi của mình trong mắt, trong cảm nhận của đối tượng bị quan sát, điều tra. Tự xóa mình đi đến tối đa. Tự quên mình đến tối đa. “Bất vụ lợi” đến tối đa. Để có thể nhìn, hiểu và cảm nhận đối tượng không còn từ bên ngoài vào, từ bên trên xuống, mà là sâu từ bên trong, “theo chiều ngang”, đồng đẳng. Để cho cái quan sát và nhìn thấy không còn chỉ là nhìn thấy, mà thành trải nghiệm và cảm nhận sống… Đồng thời lại vẫn phải là nhà dân tộc học, người quan sát, điều tra chăm chú, tỉnh táo, sắc sảo, khách quan, thậm chí lạnh lùng khi cần thiết, “vụ lợi” đến tối đa vì mục đích quan sát, điều tra của mình. Những nhà dân tộc học từng trải và tài năng đã nói về điều này, mỗi người một cách, dường như để cố diễn đạt đặc điểm thiết yếu này của “nghề”, hay “nghiệp” dân tộc học. Georges Condominas chiêm nghiệm: L’ethnologie, c’est un genre de vie, mà tôi muốn dịch thành: Dân tộc học, ấy là  một loại hình sống (chứ không phải một cách, một kiểu sống). Jacques Dournes thì thống thiết: “Nếu phải hiểu để mà có thể yêu, thì lại phải yêu để mà có thể hiểu”. Hơn ở đâu hết, trong nghiệp dân tộc học, không thể hiểu nếu không thiết tha yêu, và là yêu với một sự kính trọng sâu xa, chân thành nhất.

Ở trên tôi đã dùng đến hai từ “nghiệp dư” và “tài tử” khi nói về hai tác giả của Mọi Kontum. Rõ ràng hai ông không hề được đào tạo về dân tộc học, thậm chí cả về nghiên cứu khoa học nói chung. Nhưng đọc kỹ Mọi Kontum, cũng rõ ràng họ nắm rất vững phương pháp nghiên cứu khoa học, nghiêm túc, chặt chẽ, chủ động và sáng tạo; và họ theo dõi rất kịp thời, rất chắc những tri thức dân tộc học mới nhất đương thời. Những người nghiệp dư làm việc rất chuyên nghiệp.

Còn “tài tử” ư? Cho phép tôi nói điều này: theo tôi, trong chiều sâu của mỗi nhà dân tộc học chân chính, đều có một người nghệ sĩ. Có lẽ Georges Condominas cũng có ý nói về khía cạnh này của nghề dân tộc học khi ông gọi dân tộc học là “một loại hình sống” (un genre de vie). Quả vậy, ở đấy, hẳn là khác với ở mọi ngành khoa học khác, và rất gần với nghệ thuật, nhà chuyên môn “chơi” toàn bộ cuộc đời mình, đắm mình đến cùng, không chừa lại chút nào hết. Trong cặp đôi tác giả Mọi Kontum, cũng có lẽ điều này biểu hiện rõ hơn ở Nguyễn Đổng Chi (1915 – 1984), người trực tiếp làm việc hàng ngày trên thực địa. Trong lời giới thiệu bản in Người Ba Na ở Kontum, Andrew Hardy có nói rằng anh thanh niên Nguyễn Đổng Chi đi vào các làng Ba Na, la cà cùng bà con, và “vừa làm vừa chơi, vừa chơi vừa làm”, làm bằng cách chơi, chơi để làm. Sau này ta sẽ gọi đó là “quan sát tham dự”. Xin nói thật, tôi không thích cách nói này lắm, không thích bằng. “Tham dự” thì vẫn còn là khách, như là đi dự tiệc vây! “Chơi” cho đến hoàn toàn tự nhiên mới là nhập cuộc đến cùng. Chỉ có chơi, làm bằng cách chơi, chơi hết mình, đến quên mình đi, rất khoa học lại rất nghệ sĩ, thì mới không còn là  tơmoi, là khách, là người lạ, người ngoài.


Nguyễn Đổng Chi rất giàu đức tính tự nhiên đó. Cũng chính Georges Condominas nói: “Để biết một món ăn Mnông Gar có ngon không, thì phải là một người Mnông Gar”. Phải bằng lưỡi của người Mnông Gar để nếm và đánh giá một món ăn Mnông Gar. Phải bằng chính hệ giá trị Mnông Gar mà đánh giá các giá trị Mnông Gar trong thực tế cuộc sống của họ. Nhìn và hiểu thực tế Mnông Gar, thực tế Ba Na bằng chính hệ giá trị Mnông Gar, hệ giá trị Ba Na. Làm như một cuộc chơi tạo nên sự vô tư thật sự, thật sự đưa được mình vào bên trong cùng đối tượng quan sát, nghiên cứu của mình – công việc và tư thế nhất thiết của một nghệ sĩ. Đồng thời lại biết cùng lúc tỉnh táo đứng ra bên ngoài, tránh về một bên đôi chút, để có được một so sánh sáng suốt với các giá trị phổ quát. Cũng là một đặc điểm tinh tế của hành vi nhận thức nghệ thuật. Thật tuyệt vời là nhà dân tộc học “nghiệp dư” và “tài tử” Nguyễn Đổng Chi cũng có được điều đó, một cách nhẹ nhàng mà đồng thời lại rất chuyên nghiệp trong những cuộc la cà say mê – tỉnh táo ở các làng Ba Na của anh. Thật tuyệt vời là Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi đã làm được điều đó, gần như hoàn chỉnh trong Mọi Kontum, tác phẩm dân tộc học đầu tiên của tác giả Việt Nam. Có thể nói như Corneille nói về Don Rodrigue: Coup d’essai, coup de maître, Đường kiếm thử đầu tiên đã là đường kiếm bậc thầy!

Đã gần trọn ba phần tư thế kỷ kể từ ngày Mọi Kontum ra đời. Đọc lại, giật mình không chỉ vì nó sớm một cách khác thường. Mà còn vì nó vẫn mới mẻ, thậm chí rất thời sự. Không chỉ ở những tri thức đặc sắc và căn bản về Ba Na, về Tây Nguyên, còn vô cùng cần thiết cho một sự phát triển bình ổn trên vùng đất này ngay hôm nay. Có lẽ còn quan trọng hơn nữa, là cách nhìn Ba Na, nhìn Tây Nguyên của các tác giả. Hai ông viết, thấm thía: “Tục lệ của họ chẳng những không mọi rợ chút nào mà trái lại có nhiều điều còn thuần túy hơn ta nữa kia3. Đến Ba Na, đến Tây Nguyên, Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi thấy mình gặp một nền văn minh, mà các ông muốn được học, cho chính mình, và cho cả đất nước. Viết Mọi Kontum, hai ông mong đem về cho văn minh Việt những giá trị ấy, “còn thuần túy hơn ta nữa kia”.

Đọc Người Ba Na ở Kontum hôm nay, không thể không nghĩ: Giá như 40 năm qua, từ sau 1975, ta cũng đến được với Tây Nguyên bằng một tâm niệm như thế, khiêm nhường, chân thành và tha thiết như thế. Thì chắc mọi sự ở đây hôm nay đã khác rất nhiều. 


Chú thích

1 Nguyễn Kinh Chi – Nguyễn Đổng Chi, Người Ba-na ở Kontum, Sđd; tr.137.
2 Nguyễn Kinh Chi – Nguyễn Đổng Chi, Người Ba-na ở Kontum, Sđd; tr.191.
3 Nguyễn Kinh Chi – Nguyễn Đổng Chi, Người Ba-na ở Kontum, Sđd; tr.129.

Theo Nguyên Ngọc (Tia Sáng)

* VNTB đặt lại hình ảnh, tiêu đề

Tin bài liên quan:

VNTB – Quyết không để cho người ta biến trẻ con thành nô lệ

Phan Thanh Hung

VNTB- Viện Phan Châu Trinh, Nguyên Ngọc, tôi tin

Phan Thanh Hung

Báo chí Việt Nam và thời đại Internet

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.