Việt Nam Thời Báo

VNTB – Chấm phá đời tôi (21)

 

Ngụy Hữu Tâm

 

Kỷ niệm của tôi ở tư cách là Moritzburger và những vấn đề liên quan. 

 

Tôi bắt đầu viết bài này vào ngày 21 tháng hai. Vui vẻ cả một ngày vì con gái hoãn đi Praha một ngày do điều kiện bất khả kháng là chính hãng Qatar hoãn chuyến bay, gia đình tôi ngồi uống cà phê trứng, ăn trưa rồi giải khát và chuyện trò với cháu và 3 cô bạn của nó suốt 9h đến 14h mới dừng để chúng chuẩn bị tối ra sân bay.

Ngày 23 tháng hai, MHT mời tôi lên Phố Xuân Diệu, Hồ Tây để làm việc với anh về vấn đề dịch 5 cuốn sách của TS. TS. Rainer Zitelmann mà chúng tôi vừa dịch xong cuốn sách tiểu sử tự biên của ông. Phải ‚ đánh nhanh thắng nhanh’ thôi, sách của ông đều được dịch ra tiếng Anh cả rồi mà dịch từ tiếng Anh ra tiếng Việt dễ hơn là dịch từ tiếng Đức, phải chạy đua với thời gian thôi.    

Ngày 24 tháng hai, trời đổ mưa nặng hạt, tôi sang Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng đưa GS.TS Nguyễn Trọng Báu, nhà ngôn ngữ học nổi tiếng của Đại học Sư phạm về nơi an nghỉ cuối cùng.

Đêm thứ  rạng sáng chủ nhật dậy xem chương trình Talk Vietnam ở VTV biết, giới thiệu kiến trúc sư Tây Ban Nha Pérez Salvador Arroyo, sinh 1945, chỉ sau tôi một tuổi mà tài ba thế. Ông sang Việt Nam từ 2010, vừa đủ một con giáp, yêu mến đất nước này, có nhà ở SG nên ở đấy là chính dù con gái ở lại TBN và TBN, Ý và Anh vẫn mời ông về đấy làm việc. Không chỉ là kiến trúc sư (ông đang chuẩn bị viết một cuốn sách về kiến trúc thế giới với dự báo về kiến trúc và nó thích ứng với cơ thể con người ra sao) mà còn là nhiếp ảnh gia (2020 công bố sách ảnh „Happy Streets“ với bức ảnh đen trắng về đường phố Hà Nội, cầu Long Biên) và nhà thơ (ông cũng đã cho in tập thơ „Giữa lòng Hà Nội“). Những cảnh Văn Miếu, Bảo tàng Mỹ thuật, Thư viện Hạ Long…dù vốn là tourguide, tôi đã đến nhiều lần, nhưng làm sao hiểu được chúng như ông? Và yêu mến nó. Ông yêu mến con người Việt, tiếng Việt, và đã bị Việt Nam „bỏ bùa“. Đáng nể biết bao!           

Trở lại kỷ niệm xưa, 1982, con gái tôi được 2 tuổi, việc gia đình và cơ quan tạm ổn, Phó phòng QH cũng đã 5 năm, anh H bảo tôi chuẩn bị đi thực tập ở Pháp một năm. Pierre Flamant và Yves Meyer ở Đại học Paris Sud đang chờ tôi bên ấy và Phòng Thí nghiệm Quang phổ Phân tử cũng đã có giấy mời chính thức. Tôi đi học tiếng Pháp ban đêm (hàm thụ) ở Đại học Bách khoa Hà Nội, cùng khóa bà C, cán bộ giảng dạy Khoa Hóa trường này nhưng sau đi Hà Lan, sau này là vợ PTT VVK với câu vè dân gian nổi tiếng: „Cái K cần thì C chẳng có….“. Tôi trước đó cũng đã có chuẩn bị nhiều rồi, tự học tiếng Pháp từ khi còn là sinh viên vì tôi vốn được nghỉ học tiếng Nga vì đã vững ngôn ngữ này. Cũng phải nói tôi vốn có năng khiếu ngoại ngữ nên nắm bắt chúng rất nhanh. Dĩ nhiên tôi thi đỗ và Noel năm đó đã có mặt tại Paris, đêm Noel VTB và THN cán bộ Phòng tôi đi trước tôi một năm còn dẫn tôi ghé Nhà thờ Đức Bà nổi tiếng. Ghé SG, tôi còn đến thăm được ông cậu NĐG mới ra trại cải tạo và đang chuẩn bị sang đoàn tụ gia đình bên Mỹ. Không thể quên được là ở Đức về đã 5 năm, không có tiền thay giầy mới, tôi đi giầy Đức cũ mà đế crếp không chịu được khí hậu nóng ẩm của ta nên bong ra, ác thay là đúng trên đường nên chịu chết đứng! Sang Paris tuyết phủ lạnh cóng mà giầy hr mõm, các bạn cùng cơ quan ra đón bảo: „Trông ông anh cứ như anh hề Charlot – Charlie Chaplin”, được mẻ cười vỡ bụng! 

Tờ Tạp chí Spiegel số 2 ra ngày 07. 01. 2023 với tiêu đề „Der Hofverrat Harrys Selbstzerstörerischer Feldzug gegen die Windsors-Phản bội Cung đình Chiến dịch mang tính kẻ tự hủy mình của Harry để chống lại dòng họ Windsor“. Xin chỉ dịch tựa đề của 3 bài trên 12 trang: Hoàng tử Harry công khai trả thù gia đình của mình. Qua đó ông làm hại nền quân chủ – hay trước hết là chính bản thân mình? Sự rút lui của Harry và Meghan làm người ta nhớ nhiều đến Vua Edward VIII. và Wallis Simpson. Sử gia và cố vấn-„The Crown“ Robert Lacey giải thích, hoàng cung Anh Quốc phân biệt chủng tộc tới mức nào. Và lời tựa: Trong một chiến dịch trên công luận vô tiền khoáng hậu, Hoàng tử Harry hết sức trách móc dòng họ Windsor. Các cuộc tấn công của ông đánh trúng Hoàng cung Anh Quốc trong thời kỳ khó khăn: đất nước bị chia cắt sâu sắc trong khủng hoảng kinh tế – và gia đình tự phân hủy trước con mắt toàn thế giới.                    

Cũng còn có bài mà tôi thích hơn nhiều, nhất là nó đúng dịp kỷ niệm một năm ngày Nga tấn công Ucraina:

 

Trong tương lai không thể tránh được chiến tranh ư? Việc Nga tấn công Ucraina cho thấy: Nếu chúng ta coi hòa bình là hiển nhiên thì chúng ta sẽ đánh mất nó đấy. 

 

Yuval Harari

Nếu Putin thắng cuộc chiến tranh này thì trật tự thế giới sẽ sụp đổ. Còn nếu chặn đứng được nó thì trật tự này được củng cố. 

Trước đây vài năm, trong cuốn sách „21 bài học cho thế kỷ 21“ của mình tôi cũng viết về các cuộc chiến tranh trong tương lai. Tôi theo quan điểm rằng, những năm đầu tiên của thế kỷ 21 là thời kỳ hòa bình nhất trong lịch sử loài người và việc tiến hành chiến tranh đã trở nên vô nghĩa về mặt kinh tế và địa chính trị. Thế nhưng sự kiện này lại hoàn toàn không bảo đảm cho một nền hòa bình vĩnh cửu, cuối cùng thì sự ngu dốt của loài người lại là một trong những lực lượng quan trọng nhất trong lịch sử. Tôi đã viết: „Ngay những nhà lãnh đạo có lý trí cuối cùng cũng vẫn thường mắc những điều ngu dốt vô cùng“. 

Dẫu sao tôi vẫn bị sốc khi vào tháng hai 2022, Vladimir Putin bắt đầu triển khai cuộc xâm lấn Ucraina. Hệ quả phải chờ đợi là, cho chính nước Nga lẫn cho toàn thể nhân loại, có tính phá hoại đến mức là ngay đối với một kẻ máu lạnh mắc bệnh hám quyền lực thì đấy vẫn có vẻ như là một bước đi không ngờ. Dẫu sao thì kẻ độc tài vẫn quyết định kết thúc thời đại hòa bình nhất lịch sử và đẩy nhân loại vào một thời đại mới của chiến tranh mà nó có thể tồi tệ hơn tất cả những cái gì mà cho đến nay chúng ta đã từng trải nghiệm. Nó thậm chí có thể là cái kết thúc cho nòi giống chúng ta.

Điều đó là một bi kịch, nhất là những thập niên vừa qua đã cho thấy rằng, chiến tranh chẳng phải là bạo lực không thể tránh khỏi được của tự nhiên. Mà nó dựa trên những quyết định của con người. Kể từ 1945 không hề còn có một cuộc chiến tranh trực tiếp nào nữa giữa các cường quốc và cũng không có trường hợp nào mà ở đó một quốc gia được quốc tế công nhận lại bị một cuộc xâm lược của ngoại quốc xóa sổ. Vẫn thường xuyên dẫn đến những xung đột hạn chế khu vực và địa phương, tôi sống ở Israel nên có thể đánh giá tốt việc đó. Và không kể đến việc Israel chiếm giữ Westjordanland thì nói chung các nước hiếm khi đơn phương cố gắng dịch chuyển biên giới của nước mình bằng bạo lực. 

Đấy là nguyên nhân vì sao cuộc xâm chiếm của Israel lại kéo theo nhiều sự chú ý và sự phê phán đến thế. Cái mà ở hàng ngàn năm lịch sử đế quốc vừa qua vẫn coi là bình thường thì ngày hôm nay lại gây ra sự phẫn nộ. Ngay cả khi người ta đã lưu ý đến các cuộc nội chiến, các cuộc nổi dậy và các vụ khủng bố, thì vào những thập niên qua do chiến tranh mà vẫn có ít người chết hơn là qua tự tử, tai nạn giao thông hay các bệnh do béo phì.

Nhưng hòa bình không chỉ là một vấn đề của con số. Sự thay đổi có lẽ là quan trọng  nhất của những thập niên vừa qua có bản chất tâm lý học. Hàng ngàn năm nay thì hòa bình có nghĩa là „sự vắng mặt tạm thời của chiến tranh“. Chẳng hạn giữa 3 cuộc chiến tranh Punic mà La Mã cổ đại và Carthage tiền hành có nhiều thập niên hòa bình. Nhưng tất cả người dân của La Mã cổ đại và Carthage đều biết rằng cái hòa bình Punic này có thể bị phá vỡ vào bất cứ lúc nào. Các nền chính trị, kinh tế và văn hóa đều luôn chờ đợi một cuộc chiến tranh.

Vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, ý nghĩa của từ hòa bình đã thay đổi. Từ hòa bình cổ điển ở tư cách là „sự vắng mặt tạm thời của chiến tranh“ trở thành hòa bình mới ở tư cách là „sự khó tin của chiến tranh“. Ở nhiều, dẫu cho không phải là tất cả các khu vực của thế giới, các nước không còn sợ trước việc nước láng giềng có thể xâm lấn và nghiền nát nước họ.

Do đâu mà chúng ta có thể nhận thức rằng, các nước không hề suy nghĩ đến điều này? Bằng cách chúng ta xem xét ngân sách quốc gia của họ. Cho đến gần đây thì quân sự là vị trí được chờ đợi là lớn nhất trong ngân sách của mỗi đế quốc, mỗi nước Hồi giáo, mỗi vương quốc  và mỗi nước cộng hòa. Các chính phủ chỉ chi ít cho ngành y tế và giáo dục bởi vì phần lớn tiền đã dùng để trả cho binh lính, việc xây hàng rào và lắp tàu chiến. Đế quốc La Mã chi khoảng 50 đến 75% ngân sách của mình cho quân sự, ở đế quốc triều Tống (960-1279) là khoảng 80% và ở đế quốc Osmanic thế kỷ 17 muộn là khoảng 60%. Từ 1685 đến 1813 thì phần của giới quân sự ở ngân sách nhà nước Anh Quốc không bao giờ dưới 55% và trung bình là 75%.

Ở các cuộc xung đột lớn của thế kỷ 20, các nền dân chủ và các chế độ độc tài nợ nần y như nhau để chu cấp cho giới quân sự của họ. Khi người ta phải sợ là láng giềng bất cứ lúc nào cũng có thể xâm lấn, cướp bóc các thành phố, biến mọi người thành nô lệ và thôn tính đất nước, thì cái ấy cũng là cái hợp lý nhất mà người ta có thể làm.

Lính Nga cướp bóc thành phố Kherson của Ucraina và cho những xe tải chứa đầy hàng hóa mà chúng đã cướp được từ các nhà dân Ucraina chạy về Nga. Cái đó chẳng làm cho Nga giàu lên. Và nó cũng không bù lại cho Nga về các chi phí vô cùng lớn của cuộc chiến tranh. Thế nhưng như cuộc xâm lấn Ucraina của Putin cho thấy, chỉ riêng những thay đổi công nghệ và kinh tế chưa đủ để tạo ra nền hòa bình mới. Có những lãnh đạo quốc gia tham vọng quyền lực và vô trách nhiệm đến mức chúng sẽ bắt đầu một cuộc chiến tranh ngay cả khi nó phá tan nền kinh tế nước đó và có thể đưa nhân loại đến ngày tận thế hạt nhân. 

Vậy nên cột cơ bản thứ 3 của nền hòa bình mới có bản chất văn hóa và thể chế. 

Các xã hội loài người bị các nền văn hóa quân phiệt cai trị lâu dài mà chúng xem chiến tranh là không thể tránh khỏi và thậm chí là đáng mong ước. Giới quý tộc ở cả La Mã cổ đại lẫn Carthage đều tin rằng vinh quang quân sự là sự đăng quang cho cuộc đời và con đường lý tưởng dẫn đến quyền lực và giàu có. Các nghệ sĩ như Vergil và Horaz đồng ý với điều đó và hiến dâng tài năng của họ cho việc ca ngợi vũ khí và lính tráng và tán tụng các trận đánh đẫm máu và vĩnh cửu hóa những kẻ xâm lược tàn bạo. 

Ở thời đại của nền hòa bình mới thì các nghệ sĩ dùng tài năng của họ để chỉ ra nỗi khiếp đảm của chiến tranh, trong khi các chính trị gia tìm cách vĩnh cửu hóa bằng các cuộc cải cách trong ngành y tế thay vì cướp bóc các thành phố. Các nhà lãnh đạo chính trị toàn thế giới liên kết lại để tạo ra một trật tự thế giới mà nó tạo điều kiện cho các nước tự phát triển hòa bình và đồng thời kiềm chế những kẻ hiếu chiến đôi khi quấy rối. Trật tự thế giới này dựa trên những lý tưởng tự do mà theo đó thì tất cả mọi người đều có những quyền cơ bản như nhau, chẳng có nhóm người nào tự nhiên lại có ưu thế hơn nhóm khác và tất cả mọi người cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm, giá trị và sở thích chung. Các lý tưởng này khích lệ các lãnh đạo nhà nước và chính phủ tránh các cuộc chiến tranh và thay vì đó hợp tác với nhau để bảo vệ các giá trị chung và thúc đẩy những mối quan tâm chung. Trật tự thế giới tự do kết nối niềm tin vào các giá trị phổ quát với sự hoạt động hòa bình của các cơ quan toàn cầu. 

Dẫu cho trật tự thế giới này hoàn toàn chưa hoàn hảo, nó đã cải thiện cuộc sống con người không chỉ ở những trung tâm đế quốc cũ như Anh và Hoa Kỳ, mà cũng ở nhiều phần khác của thế giới. Ở tất cả mọi nơi, các nước đều đã được hưởng lợi từ sự gia tăng thương mại toàn cầu và đầu tư, hầu như tất cả các nước đều đã được thưởng thức lãi cổ phiếu hòa bình. Không chỉ có Đan Mạch và Canada có thể chuyển đổi các nguồn tiền dành cho xe tăng sang cho giáo viên. Ngay cả Nigeria và Indonesia cũng đã có khả năng làm người đó..

Bất cứ kẻ nào chửi bới về những thiếu sót của trật tự thế giới tự do, trước hết hãy nên trả lời một câu hỏi đơn giản: bạn có thể kể ra một thập niên mà ở đấy mọi việc xảy ra tốt hơn cho loài người là vào những năm 2010? Thay vì thập niên đó, cái nào là thời đại vàng của bạn?

Chẳng hạn như những năm 1910 với Thế chiến một, cuộc cách mạng Bônxêvich, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và các đế quốc châu Âu, mà chúng bóc lột dã man những khu vực lớn của châu Á và châu Phi? Hay là những năm 1810 khi các cuộc chiến tranh của Napoleon đạt tới đỉnh điểm đổ máu của chúng, nông dân Nga và Trung Quốc bị giới chủ quý tộc đàn áp, East India Company nắm chặt quyền kiểm soát Ấn Độ và chế độ nô lệ vẫn luôn còn hợp pháp ở Hoa Kỳ, Brazin và phần lớn những khu vực khác của thế giới? Hay có lẽ bạn mơ tới những năm 1710 với cuộc chiến tranh hệ quả hồi môn ở Tây Ban Nha, cuộc Đại chiến Bắc Âu ở khu vực Biển Bantic, các cuộc chiến tranh hậu duệ Mogul và số rất nhiều trẻ em chết vì suy dinh dưỡng và bệnh tật trước khi đạt tới tuổi trưởng thành?

Nền hòa bình mới chẳng phải là kết quả của một phép lạ của Chúa. Đạt được nó bởi lẽ loài người xây dựng một trật tự toàn cầu hoạt động được. Nhưng đáng tiếc là có quá nhiều người coi thành tựu này là điều tự nhiên. Có lẽ họ xuất phát từ điểm rằng, nền hòa bình mới chủ yếu được bảo đảm bởi các lực lượng công nghệ và kinh tế và vẫn có thể sống sót mà chẳng cần tới cái cột thứ 3 của nó là trật tự thế giới tự do. Hệ quả là trước tiên, trật tự thế giới này bị lãng quên rồi sau đó càng ngày càng bị tấn công mạnh hơn.

Cuộc tấn công này xuất phát từ những nước bất hảo như Iran hay những lãnh đạo vô trách nhiệm như Putin, nhưng chỉ riêng chúng chưa đủ mạnh để giết chết nền hòa bình mới. Cái thật sự giết chết trật tự toàn cầu là cả những nước được hưởng lợi nhiều nhất từ nó (trong số đó là Trung Quốc, Ấn Độ, Brazin, Ba Lan) lẫn những nước chính ra là vừa mới xây nó lên (trước hết là Anh và Mỹ), lại quay lưng lại với nó. Cuộc biểu quyết Brexit và cuộc bầu Donald Trump năm 2016 là biểu tượng cho bước ngoặt.

Những người đặt nghi vấn về trật tự toàn cầu tự do, thường chẳng muốn chiến tranh. Họ muốn thực hiện cái mà họ hiểu ở tư cách là mối quan tâm của nước họ, và họ biện luận rằng, mỗi nhà nước quốc gia phải bảo vệ và phát triển bản sắc thiêng liêng và truyền thống của chính mình. Cái mà họ chẳng bao giờ giải thích là làm sao để tất cả các nước này sẽ ứng xử với nhau mà lại không có những giá trị khái quát và các cơ quan toàn cầu. Những đối thủ của trật tự toàn cầu chẳng hề chào mời một giải pháp khác. Họ tin rằng các nước khác nhau có thể bằng một cách nào đó thu xếp với nhau và thế giới sẽ trở thành một tổ hợp những chiến lũy đã xây tường kín bao quanh thế nhưng lại có thiện cảm với nhau.

Thế nhưng các chiến lũy hiếm khi thân thiện. Như thường lệ thì mỗi thành lũy quốc gia đều muốn thêm một chút đất đai, an toàn và hạnh phúc cho chính bản thân mình – bằng tiền của láng giềng. Các thành lũy đang cạnh tranh nhau hầu như chẳng bao giờ có thể thống nhất với nhau về các quy tắc chung mà không có những giá trị khái quát và các cơ quan toàn cầu. Mô hình thành lũy là một toa thuốc cho các thảm họa.

Và chẳng phải đợi lâu thảm họa đó. Đại dịch covid-19 cho thấy, nếu loài người không có một sự hợp tác chung toàn cầu hữu hiệu thì sẽ chẳng có thể bảo vệ trước những mối đe dọa chung của vi khuẩn được. Có lẽ Puin đã quan sát thấy dịch covid-19 đã tiếp tục khoét sâu vào lỗ hổng trong tình đoàn kết quốc tế thế nào, cũng có thể là vì thế mà y đã đi đến kết luận rằng y có thể giáng đòn chí mạng cho trật tự tự do bằng cách giẫm nát điều cấm kỵ lớn nhất của thời đại nền hòa bình mới. Có lẽ Putin đã nghĩ rằng, tuy một số nước có thể sẽ thét lên và phê phán y, nếu y đánh chiếm rồi thôn tính Ucraina vào Nga, nhưng y vẫn không phải tính đến một sự kháng cự hiệu dụng. 

Điều khẳng định Putin bị bắt buộc phải đánh Ucraina để phòng ngừa trước một cuộc tấn công của phương Tây là tuyên truyền ngu ngốc. Một đe dọa mơ hồ của phương Tây không phải là cái cớ chính đáng để tàn phá một nước khác, cướp bóc các thành phố của nước đó, tra tấn, cưỡng hiếp phụ nữ và trẻ em, mang vô vàn đau khổ cho hàng triệu người. Bất cứ ai tin rằng, Putin chẳng có lựa chọn nào khác, xin cứ nêu ra tên cái nước mà nó đã chuẩn bị một cuộc xâm lấn Nga vào năm 2022. Phải chăng quân đội CHLB Đức? Và xin bạn đừng quên rằng, ngay từ 2014 Putin đã tiến vào xâm chiếm Ucraina – chứ không phải chỉ mãi tới 2022.

Putin đã chuẩn bị rất lâu cho cuộc xâm lăng của y. Y chưa bao giờ chấp nhận sự tan rã của Liên Xô, và y chưa bao giờ coi Ucraina, Gruzia hay một trong số các nước hậu Xô-viết  khác như là một nhà nước độc lập, hợp pháp. Trong khi, như đã nói, chi phí quân sự trung bình trên thế giới vào khoảng 2,2% và ở Hoa Kỳ là 3,5% sản phẩm quốc nội thì ở Nga con số này cao hơn rất nhiều. Chính xác cao bao nhiêu, đó lại là bí mật quốc gia. Ở các bảng thống kê quốc tế thì nó nằm ở 4,1%. Thế nhưng các phỏng đoán xuất phát từ quan điểm rằng, tỷ lệ này cũng vẫn có thể cao hơn vài lần. 

Nếu như Putin thắng cuộc chiến tranh này thì đó sẽ là sự sụp đổ của trật tự thế giới và nền hòa bình mới. Những tên độc tài trên toàn thế giới sẽ đi đến kết luận chắc chắn rằng, lại có thể tiến hành các cuộc chiến tranh cướp bóc. Các nước dân chủ bắt buộc phải quân sự hóa để tự bảo vệ mình. Ngay từ bây giờ chúng ta đã trải nghiệm, cuộc xâm lăng của Nga đã kích thích Đức như thế nào để gia tăng rất mạnh chi phí quốc phòng, và chẳng hạn Thụy Điển lại đưa nghĩa vụ quân sự trở lại.

Tiền, lẽ ra có thể chi cho giáo viên, y tá, nhân viên công tác xã hội, bây giờ phải đầu tư cho xe tăng, tên lửa và vũ khí tin học. Thanh niên phải thực hiện nghĩa vụ quân sự. Vào một lúc nào đó thì toàn bộ thế giới cũng có thể trông hệt như nước Nga ngày hôm nay – với một đội quân nhân tầm cỡ quá lớn mà quá ít nhà thương. Hệ quả sẽ là một thời đại mới của chiến tranh, nghèo đói và bệnh tật.

Nhưng nếu Putin bị chặn lại và bị kết tội thì trật tự toàn cầu sẽ mạnh lên. Sẽ là lời cảnh báo cho tất cả những ai mà họ cần nó rằng, người ta không thể làm cái mà Putin đã làm.

Cái kịch bản nào trong số 2 cái sẽ xuất hiện? May mắn thay, dẫu cho Putin đã vũ trang tận răng nhưng lại chưa chuẩn bị cho một việc mang tính quyết định: lòng dũng cảm của nhân dân Ucraina. Ở một số chiến thắng ở Kiev, Charkiv và Cherson, quân  Ucraina đã đẩy lui quân Nga.  Nhưng cho đến nay Putin vẫn từ chối công nhận lỗi lầm của y; trước thất bại, y phản ứng bằng cách gia tăng sự dã man. Bởi lẽ quân đội của y không thể thắng quân đội Ucraina trên chiến trường nên bây giờ Putin tính đến việc để dân thường Ucraina chết cóng tại nhà. chiến tranh kết thúc thế nào cũng sẽ khó đoán như số phận của nền hòa bình mới.

Lịch sử chẳng bao giờ tuân theo thuyết quyết định. Khi chiến tranh lạnh kết thúc, nhiều người đã nghĩ rằng, hòa bình là không tránh khỏi và sẽ tồn tại ngay cả khi chúng ta lơ là với trật tự toàn cầu. Từ khi Nga xâm lược Ucraina, một số người bỗng nhiên lại có quan điểm ngược lại. Họ khẳng định rằng, hòa bình là một ảo tưởng, trái lại chiến tranh là một sức mạnh không thể thuần dưỡng nổi của tự nhiên. Và con người chỉ có lựa chọn duy nhất, hoặc là con mồi hoặc là ác thú.

Cả 2 quan điểm đều sai. Tiến hành chiến tranh hay ký kết hòa ước đều dựa trên các quyết định và chẳng có gì là không thể tránh được. Chiến tranh chẳng tuân theo quy luật nào của tự nhiên. Thế nhưng ký kết hòa ước cũng chẳng phải là quyết định một lần duy nhất. Đó là một nỗ lực lâu dài để bảo vệ  các tiêu chuẩn và giá trị phổ quát và xây dựng những cơ quan mang tính hợp tác. 

Việc xây dựng lại trật tự toàn cầu không có nghĩa rằng, chúng ta sẽ trở về lại hệ thống mà nó đã bị phá hủy vào những năm 2010. Một trật tự toàn cầu mới và tốt hơn sẽ phải dành một vai trò quan trọng hơn cho những nước không phải là phương Tây mà họ muốn cùng tham gia. Nó cũng phải công nhận ý nghĩa của lòng trung thành với quốc gia.   

Trật tự toàn cầu trước hết sẽ tan rã trước cuộc tấn công của các lực lượng dân túy mà chúng biện luận rằng, lòng trung thành ái quốc mâu thuẫn với sự hợp tác toàn cầu. Các chính trị gia dân túy rao giảng, ở tư cách là người yêu nước thì người ta phải chống lại các cơ quan toàn cầu và sự hợp tác rộng khắp thế giới. 

Thế nhưng chẳng có mâu thuẫn nội tại giữa chủ nghĩa ái quốc và chủ nghĩa toàn cầu, bởi lẽ ở chủ nghĩa ái quốc, vấn đề không phải là việc ghét người ngoại quốc. Mà vấn đề xoay quanh việc yêu những người đồng hương của chính mình. Và nếu như ở thế kỷ 21 người ta muốn bảo vệ những người đồng hương của mình trước chiến tranh, đại dịch và nạn đổ vỡ sinh thái, thì sẽ đạt được điều ấy tốt nhất bằng cách hợp tác với những người  khác.       

Dịch từ tờ Spiegel số 2 ra ngày 07. 01. 2023


 

Tin bài liên quan:

VNTB – UN kêu gọi Lukasenko ngưng ủng hộ Nga chống lại Ukraine

Phan Thanh Hung

VNTB – Bác Hồ ơi, làm sao lật đổ Putin?

Phan Thanh Hung

VNTB – Việt Nam dừng đón khách đến từ Nga

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo