Việt Nam Thời Báo

VNTB- Quảng Bình: Thói lộng giả thành chân

Tâm Don


(VNTB) – Tờ báo có thể dối trá, người viết có thể dối trá, nhưng chiếc máy chụp hình thì không biết dối trá. Tấm hình đăng kèm bài viết này, không hề thể hiện chi tiết người nhận tiền vui mừng hớn hở, mà họ có vẻ mặt trầm ngâm và đăm chiêu.




Thói lộng giả thành chân

Trong bài viết Chi Trả Tiền Hỗ Trợ Sự cố Môi Trường Biển: Niềm Vui Đến Với Ngư Dân Bên Chân Sóng(http://www.baoquangbinh.vn/xa-hoi-doi-song/201612/chi-tra-tien-ho-tro-su-co-moi-truong-bien-niem-vui-den-voi-ngu-dan-ben-chan-song-2141007/) đăng tải trên bản online của báo Quảng Bình vào ngày 12-12, người đọc dễ dàng nhận ra luận điệu tuyên truyền một chiều và dối trá quen thuộc của một nền truyền thông nô bộc. Ngay tựa bài báo đã phản ánh tính phi logic của nhận thức và sự nhẫn tâm của ngòi bút bị bẻ cong. Tựa có một mệnh đề sai lầm:“chi trả tiền hỗ trợ”. Sự thật đã được công nhận là tiền đền bù của Formosa Hà Tĩnh, cớ sao Báo Quảng Bình lại cố tình lập lờ đánh lận con đen?

Trong tựa bài báo có mệnh đề thứ hai: Sự Cố Môi Trường Biển. Mệnh đề này quá nhẹ nhàng để diễn đạt một sự thật cay đắng có tên gọi chuẩn xác là thảm họa môi trường biển. Tại sao báo Quảng Bình lại cố tình đánh bùn sang ao? Chưa hết, tựa bài báo có mệnh đề thứ ba hết sức phi bản: Niềm Vui Đến Với Ngư Dân Bên Chân Sóng. Trong cuộc đời này, không ai có thể hớn hở và vui mừng khi nhận tiền đền bù cho những nỗi đau kéo dài từ năm này qua tháng khác.

Báo Quảng Bình mở đầu bài viết bằng những giọng điệu xưa cũ: “(QBĐT) – Phải khẳng định rằng, sự cố môi trường biển giữa tháng 4 vừa qua vẫn còn là nỗi ám ảnh với nhiều ngư dân, nhiều làng chài ven biển ở tỉnh ta. Những khó khăn chưa dễ gì vượt qua ngày một ngày hai, nhưng với sự nỗ lực hết mình vì người dân của Chính phủ, các bộ liên quan cùng cấp ủy, chính quyền các cấp, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh, những khoản tiền hỗ trợ, đền bù đã được phát tận tay người dân biển. Chúng tôi về những làng chài, đi trên bờ cát trắng, gặp các ngư dân, nhiều người tỏ ra rất vui mừng vì đã nhận được tiền để tiếp tục mưu sinh bằng nghề biển. Vượt qua khó khăn không phải bằng những tiếng thở than, giúp đỡ người dân không phải bằng những lời kêu gào, hành động đúng, thiết thực của các cấp, các ngành đang giúp người dân từng bước ổn định đời sống.”

Tiếp đó, báo này viết: “Từ sáng sớm, ở Nhà văn hóa thôn Hà Thôn, xã Bảo Ninh, cán bộ thôn, xã, các Công an viên, Bộ đội Biên phòng đã có mặt, người lo sắp sửa lại bàn ghế, người đọc danh sách, người tính tiền, người dắt xe cho bà con sắp xếp ngăn nắp… Sự chuẩn bị chu đáo của cán bộ địa phương đã tạo tâm lý phấn khởi, vui vẻ đối với mỗi người dân khi đến nhận tiền.”

Tờ báo có thể dối trá, người viết có thể dối trá, nhưng chiếc máy chụp hình thì không biết dối trá. Tấm hình đăng kèm bài viết này không hề thể hiện chi tiết người nhận tiền vui mừng hớn hở, họ có vẻ mặt trầm ngâm và đăm chiêu.

Sự thật ở đâu?

Các thông tin rải rác trên báo Quảng Bình cho biết, theo thống kê, tổng giá trị thiệt hại do thảm họa môi trường biển gây ra cho tỉnh Quảng Bình, tính đến ngày 30-11 là hơn 2.500 tỷ đồng. Thực hiện việc kê khai, bồi thường theo Quyết định 1880/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tính đến nay, Quảng Bình đã có 50/64 xã có quyết định phê duyệt đối tượng, kinh phí bồi thường thiệt hại với tổng số tiền hơn 900 tỷ đồng (đạt 38,7%). Tổng số tiền phê duyệt chi trả là hơn 423 tỷ đồng, trong đó đã chi trả hơn 307 tỷ đồng.

 Nhiều lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã thừa nhận trên truyền thông rằng, qua thực tế áp dụng việc chi trả bồi thường, một số đối tượng bị thiệt hại sau thảm họa môi trường biển nhưng vẫn chưa được bồi thường như: chủ cơ sở chế biến, cơ sở nuôi trồng hải sản bị chết dưới 70%, các cơ sở lưu trú ven biển, định mức bồi thường cho tàu có công suất máy chính từ 90CV trở lên còn thấp…

Vào chiều 09-12, ông Lê Minh Ngân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, qua 3 đợt thống kê, lấy mẫu tại 48 cơ sở hải sản lưu kho trong tỉnh có hơn 606 tấn hải sản không bảo đảm an toàn thực phẩm chờ xử lý tiêu hủy. Về số hải sản tồn kho, theo chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh Quảng Bình phải xử lý hàng hải sản tồn kho là 3.265 tấn, trong khi số lượng hải sản tồn kho trên địa bàn lên đến 6.918 tấn. Và, hiện vẫn chưa có quy định bồi thường đối với hải sản thu mua trong tỉnh nhưng lưu kho ngoại tỉnh.

Ông Lê Minh Ngân yêu cầu, giao Sở Nông nghiệp-PTNT, Sở Tài nguyên-Môi trường, Sở Công Thương và các địa phương thành lập ngay các tổ công tác tiêu hủy hơn 606 tấn hải sản không bảo đảm an toàn thực phẩm, nhằm tạo điều kiện cho người dân và các cơ sở kinh doanh, dịch vụ tiến hành khôi phục sản xuất kinh doanh trở lại. Việc tiêu hủy, phân loại danh mục, đơn hàng phải được tiến hành thực hiện nghiêm túc, nhằm bảo đảm cho việc chi trả bồi thường sau này.

Đây chỉ là một phần sự thật ở Quảng Bình sau thảm họa môi trường biển miền Trung do Formosa Hà Tĩnh gây ra. Chỉ một phần được hé lộ thôi cũng đủ làm đau lòng những ai có trái tim nhân hậu.

Tin bài liên quan:

VNTB- Siết chặt thêm thòng lọng

Phan Thanh Hung

VNTB – Họ doanh nhân và cũng là nạn nhân

Phan Thanh Hung

VNTB- ‘Ngày báo chí cách mạng 21/6’: Phản biện và phản kháng

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.