Tâm Don
(VNTB) – Tại Hà Tĩnh đang tồn kho hàng ngàn tấn hải sản sau thảm họa môi trường biển do Formosa gây ra. Chính quyền Hà Tĩnh hiện đang rất bối rối trước thực trạng này.
Hải sản bị nhiễm cadimi đang được chính quyền tỉnh Quảng Bình tiêu hủy ( ảnh của Vietnamnet).
Từ nỗi đau Quảng Bình
Vào lúc hơn 19 giờ ngày 10-12, Vietnam net đưa tin: “Quảng Bình: Tiêu hủy hơn 606 tấn hải sản nhiễm cadimi”
Theo thông tin từ bài báo này, trên 606 tấn hải sản có hàm lượng cadimi vượt ngưỡng đang được các ngành chức năng tỉnh Quảng Bình tiêu hủy theo quy trình.
Trước đó, Sở Y tế Quảng Bình đã lấy mẫu tại 29 cơ sở đông lạnh trên địa bàn tỉnh (huyện Lệ Thủy 3 cơ sở, Bố Trạch 16 cơ sở và TP Đồng Hới 10 cơ sở). Có 130 mẫu được gửi đi kiểm nghiệm.
Kết quả, phát hiện 30/130 mẫu không đảm bảo an toàn thực phẩm. Tổng số lượng hải sản có hàm lượng cadimi vượt ngưỡng là trên 606,4 tấn, chiếm 1/5 số lượng hải sản đang tồn kho.
Các loại hải sản đông lạnh có hàm lượng cadimi vượt ngưỡng gồm nhiều loại như: ghẹ xanh, ghẹ sao, cá ngừ trơn, ngừ bông, cá bống suôn, mực chan chu và một số loại cá nục.
Quy trình tiêu hủy được Sở TN&MT tỉnh Quảng Bình thực hiện tại bãi rác tây bắc Đồng Hới. Dự kiến đến ngày 14/12, số hải sản không an toàn này sẽ được tiêu hủy xong.
Bài báo không cho biết, kinh phí tiêu hủy lấy từ đâu ra, các cơ sở kinh doanh hải sản có được đền bù thiệt hại hay không và nếu được đền bù thì sẽ như thế nào.
Facebooker Nguyễn Tấn Thành bình luận về sự kiện này: “Thấy gì khi Quảng Bình tiêu hủy 606 tấn cá nhiễm Cadimi.
Thấy đây là độc kim loại nặng do Formosa thải ra.
Thấy đây sẽ dùng số tiền Formosa bồi thường để chi phí hủy, để bồi thường cho Dân.
Thấy thế là chưa thấy, phải thấy:
– Huỷ cá bị độc là điều tốt, nó làm cho xã hội an tâm là cá bị độc không lọt ra ngoài. An tâm chính quyền lo mạng sống, sức khỏe người dân. Điều tốt này lý ra làm ngay cách đây mấy tháng thì tốt hơn, nhưng tư duy Cộng sản che đậy dối trá với dân đã ngăn cản đến nay mới làm được.
– Huỷ cá bị độc với một bồi thường nhất định là cách duy nhất để những người Ngư dân nuôi dưỡng đạo đức của họ và ngăn chặn độc lây lan. Họ là nạn nhân khi nuôi hay đánh bắt cá này. Không có chỗ tiêu huỷ thu một phần kinh phí, họ phải tìm cách bán ra thị trường để khỏi chết đói, để có tiền trả nợ chi phí … Họ làm ác, xã hội tiêu thụ cá đó bị độc”.
Đến nỗi đau Hà Tĩnh
Trước đó, sáng ngày 09/12/2016 đại diện của 47 doanh nghiệp kinh doanh hải sản tại huyện Lộc Hà – Hà Tĩnh đã mang theo cá đông lạnh, cá khô lên trụ sở UBND tỉnh này để yêu cầu bồi thường thiệt hại do Formosa gây nên.
Thảm họa biển miền Trung do Formosa gây nên đã làm đảo lộn hoàn toàn cuộc sống của như dân ở đây nói chung và các doanh nghiệp nói riêng,chỉ tính riêng con số thiệt hại của các doanh nghiệp hải sản ở đây thôi con số cũng đã lên tới hơn 500 tỷ đồng. Có những doanh nghiệp thiệt hại lên tới gần 30 tỷ đồng.
Nhiều chủ doanh nghiệp ở huyện Lộc Hà cho biết thời điểm thảm họa xảy ra sát với ngày bầu cử, nên UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo cho các doanh nghiệp yên tâm và tập trung thu mua cá cho ngư dân để đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn và cũng như khỏi gây nên hoang mang cho địa phương. Vì tin vào sự chỉ đạo của UBND tỉnh Hà Tĩnh nên nhiều hộ kinh doanh đã tập trung thu mua cá cho ngư dân . Cho đến bây giờ, số nợ gốc và lãi mà họ vay ngân hàng đã tăng chóng mặt. Nhiều hộ kinh doanh cho biết, nếu không nhận được sự bồi thường nào thì chắc chắn họ sẽ bị phá sản.
Giờ đây họ như ngồi trên đống lửa và không biết kêu ai. Cá thì vẫn nằm trong kho, mà chi phí để vận hành kho đông lạnh là rất lớn trong khi cá bán ra thị trường không ai mua hoặc rất rẻ so với lúc thu mua nên buộc lòng họ phải ghim hàng lại để chờ đền bù.
Đại diện các doanh nghiệp nơi đây cho biết sắp tới họ sẽ đồng loạt mang cá đông lạnh lên tận UBND tỉnh Hà Tĩnh đổ ra để phản đối và nếu cần có thể sẽ ra tận văn phòng tiếp dân của trung ương ở tận Hà Nội để phản đối và yêu cầu bồi thường bằng được.
Một nguồn tin đề nghị không nêu tên ở Hà Tĩnh cho biết: Tại Hà Tĩnh đang tồn kho hàng ngàn tấn hải sản sau thảm họa môi trường biển do Formosa gây ra. Chính quyền Hà Tĩnh hiện đang rất bối rối trước thực trạng này. Nếu mua hết số hải sản tồn đọng này, chính quyền phải chi ra một số tiền cực lớn. Tuy nhiên, nếu có tiền, họ sẽ mua lại vì sẽ thu được những món hời qua phi vụ này( chỉ những lót tay tiêu cực khi mua bán và xác định giá trị hải sản). Nhưng khốn nỗi, Hà Tĩnh lấy đâu ra tiền. Còn nếu đưa đi giám định chất lượng hải sản, giám định cadimi thì họ không dám. Thói quen bưng bít đã làm họ cố thủ trong cách hành xử vô trách nhiệm. Chỉ khổ dân doanh và người dân mà thôi.