Thái Thịnh (VNTB/Asia Sentinel) Một tài liệu bị rò rỉ cung cấp những manh mối cho thấy đấu tranh nội bộ của đảng cầm quyền Việt Nam, theo Asia Sentinel.
Ngày 18 tháng 12, khi Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) họp trong một nỗ lực thống nhất về việc ai sẽ lãnh đạo đất nước trong 5 năm tiếp theo, một tài liệu 9 trang bị rò rỉ được dẫn trên một trang blog mang tên Anh Ba Sam – nơi thu hút gần 100.000 lượt truy cập mỗi ngày. Tài liệu đó được ngụ ý là lá thư trả lời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi đến Tổng bí thư ĐCSVN – Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí trong Bộ chính trị.
Mặc dù Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được đánh giá là một “ứng cử viên cải cách”, nhưng nhiều quyết định trong điều hành chính trị – kinh tế của ông có vẻ là nhằm sinh lời quyền lực.
Với ông Nguyễn Phú Trọng, vị Tổng bí thư này được đánh giá là người đứng đầu khối bảo thủ trong đảng – và không tìm kiếm tái tranh cử trong đợt đại hội này.
Như thường lệ, Ủy ban Trung ương sẽ phải đạt được sự đồng thuận về một danh sách các nhà lãnh đạo mới, sự lựa chọn đó sẽ được khẳng định tại Đại hội lần thứ 12 của Đảng vào tháng Giêng tới đây. Tuy nhiên, kể từ mùa hè năm ngoái, đã có những bằng chứng cho thấy rằng, các cuộc thảo luận nhân sự BCH Trung ương rơi vào trạng thái tranh cãi bất thường. Lý do nằm ở, việc lựa chọn lãnh đạo đảng và nhà nước lần này có những tranh cãi về dàn lãnh đạo, yếu tố có thể tác động đến sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam – vốn gắn liền với cụm từ mang tính nguyên tắc: là “lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.”
Bức thư của Thủ tướng Dũng gửi cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và các thành viên cao cấp trong Bộ chính trị là sự đáp trả trước những lời buộc, chống lại ông. Và có suy đoán, nó có thể bị rò rỉ bởi những người “bạn của ông Thủ tướng”.
Các bình luận có lien quan đến lá thư rò rỉ này dường như nghiêng về độ “xác thực” của lá thư.
Sau đây là một bản lược những cáo buộc và câu trả lời của ông Dũng.
1. Về ý kiến “Do yếu kém về tầm nhìn chiến lược, trong nhiệm kỳ ĐH X và XI, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ra nhiều quyết định và chỉ đạo, điều hành về kinh tế xã hội nhiều sai lầm, gây hậu quả nghiêm trọng…”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời: Hàng năm, giữa nhiệm kỳ và 5 năm trong 2 nhiệm kỳ ĐH X và XI vừa qua, trong kiểm điểm đánh giá về kinh tế – xã hội cũng như trong kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, BCT, BCH T.Ư Đảng, QH, Chính phủ không có nhận xét, kết luận nào như ý kiến trên.
2. Về ý kiến “Trong bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Tấn Dũng ngày 22 tháng 5 năm 2014 tại ĐH Diễn đàn kinh tế thế giới về Đông Á ở Philippines đã khẳng định: Không chấp nhận đánh đổi chủ quyền để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông và sự lệ thuộc nào đó.[…] Bài phát biểu có tính chất kích động sự đối đầu giữa Việt Nam và Trung Quốc. Nhất thời có thể tác dụng khơi dậy tinh thần yêu nước, nhưng tiếp tục đẩy nó lên cao thì có thể trở thành thảm họa. Thực tế vừa qua, khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 ở quần đảo Hoàng Sa, do phát biểu kích động đối đầu giữa VN và TQ của Nguyễn Tấn Dũng, đã cổ vũ cho những phần tử quá khích đạp phá gần 1.000 nhà máy, xí nghiệp có vốn đầu tư của nước ngoài, khiến nhà nước ta phải bồi thường hàng nghìn tỷ đồng, trong khi ngân sách nhà nước đang rất eo hẹp”.
Trả lời: Ngày 21-05-2014 tại Philippines, bên lề Diễn đàn kinh tế thế giới về Đông Á, Tôi có trả lời phỏng vấn của hãng AP (Mỹ) và Reuters (Anh) với 3 nội dung sau:
[…]
Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa rằng, Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích chính đáng của mình, bởi vì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng. Việt Nam đã chịu quá nhiều đau thương mất mát từ các cuộc chiến tranh xâm lược. Chúng tôi luôn mong muốn và làm hết sức mình để có hòa bình, hữu nghị để xây dựng, phát triển đất nước và chăm lo cải thiện đời sống của người dân, nhưng hòa bình, hữu nghị phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó.
[…]
Toàn văn trả lời phỏng vấn này của tôi vẫn còn đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử chính phủ.
Ý kiến phản ánh nêu trên có nội dung cho rằng “…do phát biểu kích động đối đầu giữa Việt Nam và Trung Quốc của Nguyễn Tấn Dũng, đã cổ vũ cho những phần tử quá khích đạp phá gần 1.000 nhà máy, xí nghiệp có vốn đầu tư của nước ngoài…”. Đây là sự quy chụp vô trách nhiệm đối với tôi. Vì sự việc đập phá này chỉ diễn ra trong ngày 13-14/05/2014. Trong khi phát biểu của tôi là ngày 21/5/2014.
3. Về ý kiến “… Nguyễn Tấn Dũng lên truyền hình như Tổng thống ở các chế độ tư bản, đọc thong điệp đầu năm có nội dung kêu gọi thay đổi thế chế và phát động dân chủ…”
Trả lời: … Đầu năm 2014, với mong muốn đổi mới và phát triển mạnh mẽ hơn theo chủ trương của Đảng, Nhà nước và theo tinh thần của Hiến pháp vừa mới được ban hành, tôi có bài viết gửi đến các báo, với tiêu đề là “Hoàn thiện thể chế, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2013, tạo nền tảng phát triển nhanh và bền vững”.
[…] Trong bài viết này, không có ý, không có từ nào là “thông điệp” và tôi không có “lên truyền hình” đọc “thông điệp đầu năm” như ý kiến phản ánh.