Đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thể trả lời rõ câu hỏi: Các tác động của cơ chế tỷ giá mới tích cực hay tiêu cực. Bởi nó ít phụ thuộc vào cơ chế, mà phụ thuộc vào cách NHNN sẽ vận dụng cơ chế mới như thế nào.
Ngày 31/12/2015 vừa qua, Ngân hàng nhà nước (NHNN) ban hành Quyết định về cơ chế điều hành tỷ giá mới với tên gọi: Tỷ giá trung tâm .
Đây là một động thái được đánh giá là rất khôn ngoan của NHNN. Mặc dù không khác về bản chất, nhưng cơ chế tỷ giá hằng ngày này sẽ giúp NHNN chủ động, linh hoạt hơn trong điều hành tỷ giá.
Tuy nhiên, bài viết dưới đây sẽ giải đáp những thắc mắc quan trọng trong cơ chế điều hành tỷ giá mới của NHNN.
Cơ chế tỷ giá trung tâm thực chất là gì?
Cơ chế tỷ giá mới thực chất là việc NHNN công bố tỷ giá hàng ngày chứ không phải trong thời gian dài như trước đây.
Trước đây, NHNN công bố tỷ giá, cho phép giao dịch trong biên độ +/-3%, và tỷ giá được công bố đó cố định cho đến khi có thông báo sau. Còn thông báo sau lúc nào thì không ai biết.
Trong 5 năm qua, tần suất điều chỉnh tỷ giá của NHNN vào khoảng 1-3 lần/năm, mỗi lần vài phần trăm. Nhìn vào đồ thị dưới, ta thấy tần suất điều chỉnh tỷ giá của NHNN có xu hướng tăng, còn biên độ điều chỉnh lại giảm.
Theo cơ chế mới, NHNN sẽ điều hành tỷ giá từng ngày chứ không phải lâu lâu mới thay đổi như trước đây.
Đầu tiên phải khẳng định, đây không phải là cơ chế tỷ giá thả nổi hoàn toàn. Tức là doanh nghiệp và ngân hàng vẫn phải giao dịch trong biên độ cho phép chứ không phải được tự do thỏa thuận.
Cơ chế này sẽ có tác động như thế nào? Liệu còn có hiện tượng qua một đêm mà tỷ giá sẽ thay đổi đột ngột nữa không?
Về lý thuyết, NHNN vẫn có quyền công bố tỷ giá trung tâm ngày hôm nay chênh lệch vài điểm phần trăm so với ngày hôm qua. Không có quy định nào ngăn cản NHNN làm điều này, và NHNN cũng không cam kết mức biến động tỷ giá tối đa mà mình công bố.
Tuy nhiên, cả xã hội ngầm hiểu với nhau rằng, sẽ không còn chuyện tỷ giá biến động mạnh qua một đêm nữa. Bởi theo cơ chế mới, NHNN sẽ giãn tiến độ, biến một cú nhảy lớn đó thành nhiều lần điều chỉnh nhỏ cho mỗi ngày.
Đối tượng nào quan tâm đến tỷ giá trung tâm nhất?
Người quan tâm nhiều nhất đến tỷ giá, có lẽ là các doanh nghiệp có quan hệ thương mại với nước ngoài, đặc biệt là các nhà xuất nhập khẩu.
Trước đây, khi doanh nghiệp ký hợp đồng với nước ngoài, họ luôn phải nhìn ngó và phán đoán tỷ giá sẽ thay đổi như thế nào vào thời điểm thanh toán. Nếu doanh nghiệp thấy có tín hiệu cho thấy NHNN sắp điều chỉnh tỷ giá thì sẽ là rủi ro lớn đối với họ.
Doanh nghiệp xuất khẩu thì mong NHNN điều chỉnh tỷ giá càng sớm càng tốt, còn doanh nghiệp nhập khẩu thì lại muốn trì hoãn. Làm ăn kinh doanh vào những thời điểm này giống như đánh bạc, hên xui.
Với cơ chế tỷ giá mới, các lo toan này có thể sẽ được xoa dịu. Đương nhiên, doanh nghiệp cũng vẫn không thể nào biết được chính xác tỷ giá vào một thời điểm trong tương lai, nhưng dự đoán tỷ giá với sai số không quá lớn thì doanh nghiệp có thể làm được.
Tuy nhiên, lại có một câu hỏi lớn hơn đối với các doanh nghiệp: Mặc dù phán đoán được tỷ giá đấy, nhưng liệu có thể nảy sinh tình trạng khó khăn trong việc đổi tiền? Bởi rõ ràng, nếu ai cũng phán đoán được tỷ giá của ngày hôm sau thì chẳng còn ai muốn bán đồng tiền sẽ tăng giá.
Để tránh được tình trạng này, NHNN sẽ phải vất vả hơn trong việc áp dụng nghiệp vụ thị trường mở mua bán ngoại tệ.
Tại sao lại điều chỉnh hôm nay mà không phải hôm qua?
Mỗi lần NHNN điều chỉnh tỷ giá trước đây thường kéo theo rất nhiều bình luận của các doanh nghiệp và giới quan sát, người khen cũng nhiều mà kẻ chê cũng lắm. Áp lực giải trình của NHNN trong những lần như vậy rất vất vả.
Tại sao lại điều chỉnh hôm nay mà không phải hôm qua? Tại sao điều chỉnh 1% mà không phải là 1,5%? Những thời điểm khác thì NHNN không chịu áp lực này. Thay vì phương pháp no dồn đói góp như vậy, nay thì áp lực dư luận cũng theo đó mà được giãn đều ra.
Cơ chế tỷ giá mới có minh bạch hơn?
Rất tiếc là không. Ngày 04/01/2016, cùng ngày thông báo tỷ giá trung tâm lần đầu tiên, NHNN tổ chức họp báo để giải trình rõ hơn về cơ chế tỷ giá mới này.
Mặc dù vị đại diện NHNN đã thuyết minh rất chi tiết phương pháp tính tỷ giá trung tâm với phương pháp bình quân gia quyền và giỏ tiền tệ. Nhưng đó mới chỉ là hai trong số ba cơ sở tính tỷ giá mà NHNN đưa ra.
Cơ sở thứ ba, rất mơ hồ, được gọi tên là: “Các cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ”.
Không ai biết chính xác các mục tiêu này là gì, và định lượng nó ra sao. Liệu nó sẽ làm tỷ giá lệch đi 10 đồng, 50 đồng hay vài trăm đồng so với cách tính mà NHNN đang đưa ra? Câu hỏi này chưa có lời giải.
Đó là chưa kể đến việc liệu còn có “cơ sở” nào khác ngoài ba cơ sở đó, mà trong thông cáo của mình NHNN không muốn nhắc đến?
“Tay chơi” lớn
Ngay sau khi NHNN công bố tỷ giá trung tâm ngày 4/1 tăng 6 đồng so với tỷ giá trong tháng 12/2015, giá đô la trên thị trường giao dịch tại các ngân hàng đều tăng mạnh. Hiện tượng này phần nào có thể được lý giải do tâm lý của các bên chưa quen với cách điều hành tỷ giá mới.
Đây không phải là hiện tượng đáng ngại vì sẽ nhanh chóng kết thúc khi các bên quen với cách điều hành mới của NHNN.
Các doanh nghiệp và NHTM luôn biết rằng trên thị trường ngoại hối còn có một người chơi lớn là NHNN. Ông lớn này trước đây ít xuất hiện, nhưng đã xuất hiện lần nào sẽ tác động lớn lần đó. Nay thì ông lớn tuyên bố rằng ngày nào cũng sẽ tham gia.
Rõ ràng điều này khiến cho các bên còn lại trên thị trường lo lắng. Không lo lắng sao được khi không rõ ông lớn đó sẽ hành xử thế nào.?
Quả thật, vào thời điểm này, chưa ai có thể khẳng định cơ chế tỷ giá mới là tốt hay không tốt cho thị trường. Muốn đánh giá cần phải quan sát cách chơi của NHNN trong việc công bố tỷ giá hàng ngày.
Theo Trí Thức Trẻ