Vũ Quốc Ngữ dịch (VNTB) Với việc ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nắm giữ cương vị Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam, sau cuộc đua tranh bí mật với Thủ tướng đương nhiệm Nguyễn Tấn Dũng, ông cần phải hành động ngay lập tức để cải thiện tình trạng nhân quyền tồi tệ lâu nay của đất nước.
Việt Nam đang ngày càng cố gắng để chứng tỏ bản thân như là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế – quốc gia này đang giữ một ghế trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và gần đây đã phê chuẩn Công ước Chống Tra tấn. Nhưng đó chỉ là cái vỏ bên ngoài mà bên trong là thực trạng hoàn toàn khác. Vi phạm nhân quyền trong nước tiếp tục không suy giảm. Thực tế, cũng bí mật như cuộc đua vào những vị trí lãnh đạo, là lá chắn cho thành tích nhân quyền của Việt Nam khỏi bị kiểm soát và cho phép chính phủ tránh được sự khinh miệt của cộng đồng quốc tế.
Trường hợp của Lê Văn Mạnh là một minh chứng tuyệt vời cho luận điểm này. Anh bị kết tội hãm hiếp và sát hại một bé gái 12 tuổi năm 2005, nhưng luôn luôn khẳng định sự vô tội của mình và nói rằng anh đã bị tra tấn để buộc phải nhận tội. Việc thi hành án tử hình Lê Văn Mạnh đã được dự kiến thực hiện vào tháng 10 năm ngoái. Thông thường các nhà chức trách không rò rỉ thông tin về việc những vụ hành quyết cho đến khi án được thi hành, nhưng trong trường hợp này, Lê Văn Mạnh đã biết được thông tin về việc thi hành án tử hình của mình và thông báo cho bên ngoài. Sau khi nhận được sự phản đối của cộng đồng quốc tế, truyền thông trong nước đưa tin việc hành hình đã bị hoãn lại chỉ một ngày trước ngày thi hành án, và Tòa án Nhân dân tối cao có thể “xem xét lại” trường hợp của anh. Nhưng kể từ ngày đó, không có một thông tin thêm về vụ án. Mặc dù mẹ của tử tù liên tục yêu cầu cơ quan công quyền cung cấp thông tin, bà vẫn không biết tương lai của con trai sẽ ra sao. Hệ thống tư pháp và tòa án từ chối tiết lộ thông tin và che chắn bản thân trong việc đánh giá và giải trình trách nhiệm trong vụ án này.
Để đưa đất nước tiến lên phía trước, Tổng Bí thư phải bắt đầu cuộc cải cách toàn diện và đảm bảo chấm dứt xu hướng đàn áp của chính quyền trước đây.
Vào tháng Ba năm ngoái, Bộ Công an báo cáo rằng 226 người đã chết trong khi bị giam giữ trong đồn cảnh sát hay trại giam trong một khoảng thời gian ba năm kết thúc vào tháng 9 năm 2014, nhưng cho rằng hầu hết các trường hợp tử vong là kết quả của bệnh tật hoặc các nguyên nhân tự nhiên. Bộ này cũng tuyên bố họ đã bắt giữ và xử lý 1.410 trường hợp liên quan đến 2.680 người đã “vi phạm an ninh quốc gia” – một thuật ngữ thường được sử dụng ở Việt Nam để nhằm vào những người hoạt động nhân quyền, và giải tán 60 nhóm đối lập “bất hợp pháp”.
Có ít thông tin làm rõ ý nghĩa của những con số trên với công chúng. Các con số đó có lẽ không bao gồm nhiều cuộc tấn công bạo lực nhằm vào những người bảo vệ nhân quyền và người bất đồng chính kiến trong cả nước. Trong năm 2015, 69 người hoạt động, cả nam và nữ, là mục tiêu của 36 vụ tấn công bạo lực gây ra bởi cảnh sát hoặc những kẻ mặc thường phục mà nhiều người tin là làm việc cho hoặc với cảnh sát. Một ví dụ nổi bật là việc đánh đập luật sư nhân quyền nổi tiếng Nguyễn Văn Đài đầu tháng 12 năm ngoái. Ông Đài cùng với ba đồng nghiệp đã bị tấn công dã man sau khi họ đã tham dự một buổi nói chuyện về nhân quyền với một cộng đồng nông thôn ở phía bắc của đất nước. Mười ngày sau đó, ông đã bị bắt trên đường tới một cuộc đối thoại nhân quyền với các đại biểu Liên minh châu Âu. Ông và đồng nghiệp Lê Thu Hà bị cáo buộc thực hiện hành vi tuyên truyền chống nhà nước, một cáo buộc có thể phải đối mặt án tù 20 năm.
Hành trình nhân quyền của Việt Nam có thể được mô hình hóa như sau: cứ sau một bước tiến về phía trước thì dường như lại có vài ba bước trở lại phía sau. Trong tháng 10 năm 2015, đất nước đã tham gia đàm phán về Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, một thỏa thuận thương mại mà sẽ đòi hỏi các nước ký kết như Việt Nam phải cho phép thành lập công đoàn độc lập, một khái niệm xa lạ ở quốc gia Đông Nam Á này. Tuy nhiên, kể từ khi kết thúc đàm phán trong tháng 10, các cuộc tấn công chống lại những người ủng hộ quyền của người lao động vẫn tiếp tục. Trong tháng 11, Đỗ Thị Minh Hạnh và Trương Minh Đức – hai nhà hoạt động công đoàn và là hai cựu tù nhân lương tâm – đã bị đánh đập bởi những người đàn ông thường phục trước khi bị giam giữ bởi cảnh sát mặc đồng phục.
Nếu Việt Nam muốn được nhìn nhận như là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, việc đàn áp này phải bị chấm dứt. Cải cách triệt để cần được thực hiện ở khắp cả nước và ở tất cả các cơ quan của chính quyền để chính phủ thực hiện các lời hứa về nhân quyền và nghĩa vụ pháp lý quốc tế. Đây phải là ưu tiên của chính quyền mới của ông Nguyễn Phú Trọng.
Ân xá Quốc tế, ngày 28 Tháng 1 2016