Việt Nam Thời Báo

VNTB- ‘Đi qua vô hại’: Cụm từ lạ của giới ngoại giao Việt Nam

“Việt Nam tôn trọng quyền đi qua vô hại trong lãnh hải” – Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình đã lên tiếng vào ngày 31/1/2016 về hành động tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Curtis Wilbur của hải quân Hoa Kỳ áp sát đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa trong “chiến dịch tự do hàng hải” (FONOP) của Hoa Kỳ.

Khu trục hạm có tên lửa dẫn đường USS Curtis Wilbur. Hình BBC
Có thể cho rằng đây là lần đầu tiên kể từ thời “đu dây” giữa Trung cộng và Mỹ, giới cầm quyền Hà Nội mới có được một tuyên bố “minh bạch” đến thế, cho dù tất cả mới chỉ trên phương diện phát ngôn.
Vào cuối tháng Mười năm ngoái, khi diễn ra sự kiện một tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường khác của Hoa Kỳ là USS Lassen đi qua khu vực 12 hải lý quanh Đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa (bãi đá này Trung Quốc đã tiến hành cơi nới xây dựng thành đảo nhân tạo), người phát ngôn Việt Nam chỉ nói chung chung là Việt Nam “tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông” và “kêu gọi các bên liên quan đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định” ở Biển Đông.
Từ lâu, cách phát ngôn nước đôi của “người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam” đã khiến hơn 80% người dân Việt không thích Trung cộng trở nên phát ngấy. Rất nhiều lần, mặc dù luôn tuyên bố chủ quyền với cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng phía Việt Nam đã tìm cách im lặng “cho nó lành” trước Trung cộng. Ngay cả vụ việc giàn khoan Hải Dương 981 của Trung cộng xâm phạm Biển Đông và giữa năm 2014 cũng không làm cho giới lãnh đạo Việt Nam quá bận lòng. Đã không có bất kỳ một văn bản nào của Bộ chính trị hay nghị quyết nào của Quốc hội Việt Nam lên án hành vi xâm phạm của Trung cộng.
Vì thế, tuyên bố “đi qua vô hại” của Việt Nam mới đây đã khiến giới quan sát ngạc nhiên. Tuyên bố này được phát ra chỉ vài ngày sau khi đại hội 12 của đảng cầm quyền kết thúc và một đặc sứ Trung cộng là Tống Đào đã đến Hà Nội để “làm công tác tư tưởng”.
Cần nhắc lại, Luật biển của Việt Nam quy định: “Đối với tàu quân sự nước ngoài khi thực hiện quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam, thông báo trước cho cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam“. Do vậy, Việt Nam không thể không lên tiếng phản ứng trước các sự kiện liên quan tới chủ quyền ở khu vực này.
Có thể vào lần này, giới ngoại giao Việt Nam đã “vận dụng” nội dung “không gây hại” để làm cơ sở cho thông báo của mình.
Tuy nhiên, chắc chắn phía Trung cộng, trong lúc phản ứng mạnh mẽ với tàu quân sự Mỹ, sẽ rất bực bội vì tuyên bố có chút xa rời “mười sáu chữ vàng” của Hà Nội.
Câu hỏi đặt ra là vì sao mới chỉ sau chuyến công du của đặc sứ Trung cộng, giới lãnh đạo Việt Nam lại tỏ ra “can đảm” lạ thường đến thế?
Phải chăng đây chỉ là một động tác mị dân để cho thấy dàn lãnh đạo vừa cũ vừa mới trong Bộ chính trị không đến nỗi quá “thân Trung” như dư luận đánh giá?
Hay đã xuất hiện ra một mối nguy hiểm nào đó từ phía Trung cộng mà Hà Nội không thể nhún nhường hơn?
Với tuyên bố “đi qua vô hại”, liệu Việt Nam có bắt đầu dựa dẫm vào sức mạnh của hải quân Mỹ để bảo vệ vùng biển của mình?
Gần đây, Việt Nam đã bắt đầu tham gia tập trận của khối đồng minh Mỹ ở khu vực Đông nam Á với vai trò quan sát viên.
Lê Dung (SBTN)

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo