Việt Nam Thời Báo

Cho phép Cảnh sát giao thông được trưng dụng tài sản của dân: Bộ Công an đã nhầm lẫn?

Luật sư cho rằng, Bộ Công an đã nhầm lẫn giữa việc “trưng dụng tài sản” với “huy động tài sản” nên mới ra thông tư cho phép CSGT được trưng dụng tài sản của người dân.

Bộ Công an vừa ban hành Thông tư số 01/2016/TT-BCA quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông sẽ có hiệu lực từ ngày 15/2.
Đáng chú ý, tại khoản 6, điều 5 của Thông tư có quy định: “Cán bộ cảnh sát giao thông có quyền được trưng dụng các loại phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc, các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức cá nhân và người điều khiển, sử dụng các phương tiện, thiết bị đó theo quy định của pháp luật”.
Ngay khi nội dung thông tư nói trên được công bố đã có nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều người cho rằng, việc ra nội dung như vậy là trái luật, có thể dẫn tới tình trạng CSGT dễ lạm quyền, gây phiền hà cho người tham gia giao thông.
Liên quan đến vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Luật sư Giang Hồng Thanh – Tưởng Văn phòng luật sư Giang Thanh.
Ông Thanh cho biết, Điều 2 Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản 2008 nêu rõ: “Trưng dụng tài sản là việc Nhà nước sử dụng có thời hạn tài sản của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư thông qua quyết định hành chính trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia.”
Điều 23 Luật này quy định Tài sản thuộc đối tượng trưng dụng gồm có: Nhà, đất và tài sản khác gắn liền với đất; Máy móc, thiết bị, phương tiện giao thông vận tải, thông tin liên lạc và phương tiện kỹ thuật khác.
Tại Luật Công an nhân dân 2014, Điều 15 quy định về Nhiệm vụ và quyền hạn của Công an nhân dân như sau: “Huy động, trưng dụng theo quy định của pháp luật phương tiện thông tin, phương tiện giao thông, phương tiện khác và người đang sử dụng, điều khiển phương tiện đó trong trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra.”
Như vậy có thể nói, chế định trưng dụng tài sản là điều không có gì mới, đã được quy định tại những văn bản luật được Quốc hội ban hành. 
Tuy nhiên, Luật sư Giang Hồng Thanh cho rằng, việc Thông tư 01 nói trên của Bộ Công an cho phép CSGT được quyền trưng dụng tài sản của người dân lại là điều chưa phù hợp.
“Việc Thông tư số 01/2016/TT-BCA cho phép cán bộ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ có quyền ‘Được trưng dụng các loại phương tiện giao thông; phương tiện thông tin liên lạc; các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển, sử dụng các phương tiện, thiết bị đó’ lại là chưa phù hợp với quy định của Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản về thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản,” ông Thanh khẳng định.
Trưởng Văn phòng luật sư Giang Thanh cho biết, Điều 24 Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản có quy định rõ về thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản. Theo đó, những người có thẩm quyền trưng dụng tài sản bao gồm: Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Công thương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình quyết định trưng dụng tài sản quy định tại Điều 23 của Luật này.
Cũng theo quy định tại điều luật này thì người có thẩm quyền trưng dụng tài sản nói trên không được phân cấp thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản.
Luật sư Giang Hồng Thanh cho rằng, có lẽ Bộ Công an đã nhầm lẫn giữa việc “trưng dụng tài sản” với “huy động tài sản” nên mới ra thông tư cho phép CSGT được trưng dụng tài sản của người dân.
“Chỉ có Bộ trưởng Công an và một số Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh mới được quyền trưng dụng tài sản và không được phân cấp thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản. Có lẽ đây là sự nhầm lẫn giữa việc trưng dụng tài sản với việc huy động tài sản,” ông Thanh nói.
“Trên quan điểm cá nhân tôi cho rằng Bộ Công an cần thiết phải sửa đổi Thông tư số 01/2016/TT-BCA, thay thế cụm từ ‘trưng dụng’ bằng cụm từ ‘huy động’. Như vậy sẽ phù hợp với quy định tại Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản, đồng thời cũng phù hợp với mong muốn, nguyện vọng của đại đa số người dân.
Cũng xin nêu thêm là tại Luật Công an nhân dân 2005, quyền trưng dụng phương tiện giao thông đã được quy định tại khoản 8 Điều 14. Tuy nhiên khi Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản 2008 được ban hành, quyền trưng dụng đã được thay thế bằng quyền huy động,” Luật sư Giang Hồng Thanh cho biết thêm.
Trước vấn đề nhiều người lo ngại về việc cán bộ CSGT sẽ lạm quyền khi áp dụng Thông tư số 01/2016/TT-BCA nói trên. Chẳng hạn, khi người dân muốn dùng máy ảnh, máy quay để giám sát, ghi lại những hình ảnh tiêu cực thì CSGT có thể thu giữ rồi xóa bỏ dữ liệu với lý do được quyền trưng dụng.
Ông Giang Hồng Thanh cho rằng, điều này tuy không phải là không có cơ sở, nhưng lo ngại như thế là hơi thái quá, có tính chất “bới lông tìm vết”.
Theo VTC

Tin bài liên quan:

Phải trả tự do vô điều kiện cho anh Nguyễn Hữu Vinh và chị Nguyễn Thị Minh Thúy

Phan Thanh Hung

VNTB – Tấn công trụ sở công quyền ở Đắk Lắk có phải là hành vi khủng bố?

Do Van Tien

VNTB – Bứt phá quan hệ Việt Mỹ: Ông Quang đi Mỹ làm gì?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo