Kiều Phong (VNTB) Mỗi người lao động ở Việt Nam đều phải đóng ít nhất 5% thu nhập cho Tổng liên đoàn Lao Động (Công đoàn). Đại học Tôn Đức Thắng là một cơ sở đào tạo trực thuộc Công đoàn lớn nhất nước. Mấy năm trở lại đây, dư luận lên án trường này vì học phí tăng phi mã.
VNTB – Điện tăng, nước cũng tăng, nhưng không tăng nhanh bằng học phí đại học Tôn Đức Thắng |
Lạm thu học phí
Ngày 28.01.2016, trang TDT Confessions (trang fanpage facebook chính thống đảm bảo ẩn danh cho sinh viên đại học Tôn Đức Thắng ) đăng một bài gây chấn động dư luận toàn trường. Một sinh viên bức xúc liệt kê 7 vấn đề nhức nhối, nhất là chuyện lạm thu học phí.
Tính đến thời điểm này, học phí cơ bản áp dụng tại các trường công lập trên cả nước dao động ở mức 134 000 đồng/ tín chỉ. Đại học Tôn Đức Thắng tự ý đơn phương áp đặt mức học phí 220 000 đồng/tín chỉ. Ngay lúc này học phí tại đây đã tăng lên đến 264 000 đồng/ tín chỉ, cao gấp đôi mặt bằng chung.
Mức thu phí tại đại học Tôn Đức Thắng, và đại học Công nghiệp được bình luận là cao hơn khá nhiều so với mặt bằng chung của các trường công lập trong thành phố. Ở TP.HCM những trường tạm coi là danh giá thuộc khối đại học quốc gia cũng không thu học phí cao như vậy. Trong khi đó chất lượng đầu vào của Tôn Đức Thắng và Công nghiệp không cao hơn các trường kia.
Trả lời dư luận, nhà trường đưa ra lý do là phải tăng thu để phát triển cơ sở vật chất phục vụ đào tạo. Một nghìn lẻ một lý do trên đời thì lý do nào cũng đúng, nhưng nếu cứ tăng mãi thì sinh viên lấy tiền đâu ra để học?!
“Những bạn có gia đình khá giả thì đó không thành vấn đề nhưng đối với những học sinh vừa học vừa làm và xa quê như chúng em thì đó là một cơn ác mộng thật sự”, một sinh viên ĐH Tôn Đức Thắng cho biết.
Sự “vượt rào” không dừng lại ở đó. Khi người học thi trượt một môn, luật giáo dục quy định học phí học lại chỉ từ 140% trở xuống so với phí đăng ký học lần đầu, nhưng ĐH Tôn Đức Thắng áp đặt khoản thu lên đến 170%- 180%!
Thực tế nói lên tất cả, ở Sài Gòn lưu hành một câu nói quen thuộc: “Điện tăng, nước cũng tăng, nhưng không tăng nhanh bằng học phí đại học Tôn Đức Thắng”. Trước đây, câu nói này dùng cho đại học Công nghiệp, nay còn đúng hơn đối với đại học của Công đoàn.
Lời hứa gió bay
Lo ngại bùng nổ bức xúc trong sinh viên, đại diện trường lặp đi lặp lại câu trả lời quen thuộc: “Nếu các bạn có thắc mắc, thầy mong gặp thầy riêng thầy sẽ trao đổi thêm”. Với cách trả lời này hiển nhiên không có em nào dám lên gặp cán bộ nhà trường cả, vì hầu như tâm lý sinh viên Việt Nam vẫn e ngại sự trù dập.
Nhận thức được vấn nạn đó, một số giảng viên tìm cách thực hiện một cuộc “thay máu” trong trường. Qua tiếp xúc, đại diện nhóm giảng viên đã trực tiếp làm việc với người viết với mong muốn đưa vụ việc ra công luận .
Cụ thể, nhà trường đã nuốt lời hứa ổn định mức thu. Bởi khi chào mời sinh viên làm hồ sơ vào trường học, ban tư vấn tuyển sinh nói là không tăng học phí. Nhưng trong thực tế, học phí vẫn tăng trái quy định và cam kết. Ban tuyển sinh giải thích rằng, không hề một văn bản chính thức nào về điều này, do đó trường không có trách nhiệm. Tình thương dành cho sinh viên hối thúc người thầy lên tiếng. Người đại diện nhóm giảng viên – thầy Tr. (xin được giấu tên thật) bức xúc chia sẻ: “Lời nói của đại diện một trường đại học, lời nói của nhà giáo mà không có chút uy tín và bảo đảm nào!”.
Ngoài chương trình đào tạo chính quy tập trung, ĐH Tôn Đức Thắng còn tổ chức đào tạo hệ chất lượng cao, còn gọi là chương trình cử nhân tài năng. Những lời quảng cáo về chương trình chất lượng cao lý tưởng không thua gì đại học Âu- Mỹ: chương trình do giáo sư nước ngoài đứng bục, ngôn ngữ giảng dạy chủ yếu sẽ là tiếng Anh… Nhưng hiện tại trong danh sách giảng viên cơ hữu không có tên một giáo sư nước ngoài nào. Tỉ lệ nội dung giảng dạy bằng tiếng Anh giảm dần, có khi chỉ còn 30%. Trong khi đó, sinh viên chương trình chất lượng cao phải đóng tiền rất đắt so với sinh viên chính quy đại trà. Thầy Tr. – cũng người từng dạy trong chương trình chất lượng cao, nhận thấy sự vô lý rõ ràng và gọi đây là nạn “nạn treo đầu dê, bán thịt chó”. Lời hứa gió bay, giảng đường giờ chẳng khác gì cái chợ.
Và các bê bối trôi nổi khác
Về những hoạt động trường và khoa, cũng chẳng có nơi nào áp đặt kỳ lạ như trường này. Người sinh viên kia đồng ý rằng “những hoạt động nào cần thiết như là về học tập, đối thoại với danh nghiệp, giao lưu với các trường quốc tế, cơ hội nhận học bổng, đối thoại cùng giảng viên trường thì nên bắt buộc.” Nhưng không phải cái gì cũng đè lên đầu sinh viên: “Thầy cô lại bắt tụi em đi cổ văn nghệ, cổ vũ đá bóng… em thấy những cái đó không cần thiết và tụi em có quyền không đi. Cớ sao lại trừ điểm tụi em? Tụi em còn rất nhiều công việc chứ đâu phải rãnh rỗi lắm đâu ạ. Cái đó chỉ nên cho vào phong trào cộng điểm thôi.”.
Cụ thể, ngày 26/1/2016, đại học Tôn Đức Thắng ép buộc tất cả sinh viên đi xem trận Futsal giao hữu giữa Việt Nam và Malaysia. Thầy giáo trực tiếp đến sân vận động để điểm danh. Ai không đi thì bị trừ vào điểm rèn luyện. Tư duy quản lý này bị lên án trên toàn thế giới nhưng không hiểu sao vẫn đang diễn ra tại Việt Nam.
Thiết nghĩ, đại học trực thuộc Công đoàn phải làm gương cho các nơi khác về đổi mới tư duy tổ chức. Đằng này Tôn Đức Thắng lại là trường “khét tiếng” về ức hiếp sinh viên và giảng viên.
Nền giáo dục Việt Nam vẫn còn nằm trong vũng lầy, với rất nhiều đại học ở Việt Nam vẫn tồn tại dù thực tế không đảm bảo được chất lượng dạy và sự tôn trọng đối với sinh viên – giảng viên trong trường.
Do đó, bài viết này không lên tiếng phê phán riêng một trường, nhưng nghĩa vụ của báo chí là chỉ ra những cái sai vô lý tồn tại trong môi trường giáo dục ấy, và ĐH Tôn Đức Thắng là một trong số đó.
Tác giả bài viết cho rằng, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cần thiết phải rà soát các cơ sở trực thuộc, không để cho tình trạng “điện tăng, nước cũng tăng, nhưng không tăng nhanh bằng học phí đại học Tôn Đức Thắng” tiếp tục diễn ra.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả