Việt Nam Thời Báo

VNTB- Việt Nam: Khi nào người Việt quản lý được xe ôm?

Kiều Phong

(VNTB) – Khắp nơi ngang dọc trên đất nước Việt Nam, nơi nào cũng có xe ôm. Xe ôm kéo theo nhiều vấn đề nảy sinh đối với xã hội. Có thể quản lý được xe ôm hay không, và nếu được thì khi nào?

Các nhà làm chính sách xã hội ở Việt Nam khi muốn tái quy hoạch đất nước lại vướng phải tầng lớp này.

Bài học từ những nghiệp đoàn xe ôm ở Bangkok 

Xe ôm, tên trang trọng hơn là motor taxi, rõ ràng là một nghề. Mà đã muốn quản lý hữu hiệu một nghề đó thì phải có thiện chí đưa họ vào tổ chức, cụ thể là đưa người chạy xe ôm vào những nghiệp đoàn. Nghiệp đoàn sinh ra để những người lao động ngành nghề ràng buộc lẫn nhau và giúp đỡ nhau. Thái Lan, một dân tộc trước kia đi sau Việt Nam nhưng bây giờ phát triển hơn, đã làm được điều này.

 Images intégrées 1
Những người lái xe ôm  mặc đồng phục có gắn mã số  tại Thái Lan.  Ảnh Kiều Phong.
Du khách nước ngoài đến Bangkok  dễ nhận một điều về xe máy tại Thái Lan. Dường như hầu hết xe máy ở Thái Lan là để hành nghề xe ôm ( motor taxi). Khắp những ngã tư ở Bangkok có xe ôm, các tài xế rất lịch sự và có khả năng giao tiếp cơ bản bằng tiếng Anh. Không có tài xế xe ôm nào tại Bangkok nằm ngoài một nghiệp đoàn. Họ phải mặc đồng phục , và gắn mã số, trong hình hai tài xế kế bên nhau mặc áo mã số liền nhau là 14 và 15. Nếu khách du lịch phàn nàn về một người tài xế, ông ta chỉ cần gọi điện đến tổng đài của nghiệp đoàn xe ôm rồi đọc địa điểm và mã số, nghiệp đoàn sẽ sớm làm việc ngay với tài xế xe ôm .

Bằng cách làm này, những tài xế xe ôm chỉ được đứng chờ khách ở những nơi quy định. Luôn luôn phải nhường chỗ cho người đi bộ. Vạch sơn màu đỏ trong ảnh trên đặt ranh giới cho xe máy và người đi bộ, vì vậy mỗi con phố ở Thái Lan đều là phố đi bộ, từ đó giảm được số phương tiện lưu thông trên đường.

Xe ôm ở Thái Lan là một nghề thật sự, được luật pháp bảo vệ và bình đẳng như tất cả những ngành nghề khác. Nhờ sự quy củ này, không ít  phụ nữ ở Thái Lan cũng  làm nghề chạy xe ôm như nam giới.

Bức xúc xe ôm Việt Nam

Trái ngược với dân tộc Thái dần đi đến lối sống văn minh, dường như người Việt không có có quyết tâm sống trật tự. Xe ôm ở Việt Nam chính là  tiêu biểu cho một lối sống như vậy.
Điều bức xúc nhất về xe ôm có lẽ là họ đã hủy hoại môi trường. Hầu hết các bác tài xế xe ôm Việt Nam khi muốn tiểu tiện thường quay mặt vào tường vỉa hè và “xả nước”. Cũng không thể đổ hết lỗi cho các bác tài. Ở tỉnh  Hà Tĩnh,  từ thị trấn Nghèn cho đến thành phố Hà Tĩnh,  gần 30 km quốc lộ 1A mà không có nổi một nhà vệ sinh công cộng. Hàng trăm bác xe ôm sẽ đi vệ sinh ở đâu? Ở hai thành phố lớn nhất là Sài Gòn và Hà Nội cũng thiếu nhà vệ sinh công cộng như vậy, đương nhiên lái xe ôm và tài xế taxi sẽ  tiểu tiện lên vệ đường, ngay giữa thế kỷ XXI.

Vấn đề tiếp theo, lái xe ôm ăn mặc nhếch nhác, làm xấu hình ảnh du lịch Việt Nam trong mắt khách nước ngoài. Vì vậy không phải là không có lý khi nói rằng xe ôm ở Việt Nam góp phần khiến cho hầu hết du khách không muốn đến  Việt Nam lần thứ hai. Ngành du lịch cũng đã thừa nhận điều đó, kèm theo việc các bác xe ôm thường xuyên chửi thề.

Muốn giảm thiểu xe máy, thì phải làm đường đi bộ xanh sạch đẹp. Nhưng các vỉa hè chỉ rộng 1m2, chiếc xe ôm chắn ngang 1m, vậy người đi bộ sẽ đi thế nào trên khoảng trống 20 cm, nhất là khi hai người đi bộ ngược chiều gặp nhau.

Nói về xe ôm Việt Nam, không thể không kể đến  nạn chèo kéo khách. Mỗi khi một chiếc xe buyt dừng ở trạm xoay chợ Bến Thành, hàng chục xe ôm vô danh tính bỗng lập tức đi tới cửa xe và hỏi khách đi đâu, có cần xe chở về không, vân vân và vân vân. Đối với những người dân ưa trật tự thì họ đã bị gây phiền nhiễu, ngày này qua tháng khác. Xe ôm ở hàng trăm ngàn nơi trên đất nước đều như vậy, tất cả đều vô tổ chức, vô kỷ luật.

Những điều này cho thấy nhu cầu thành lập nghiệp đoàn xe ôm đã cấp thiết đến nhường nào.
Tại sao không thể lập nghiệp đoàn xe ôm ở  Việt Nam?

Ở Việt Nam, nghiệp đoàn vẫn còn là xa xỉ. Nghiệp đoàn xe ôm độc lập thì lại càng khó khăn hơn.

Thực ra thì cũng đã có những nghiệp đoàn xe ôm ở Việt Nam. Chẳng hạn, ở Sài Gòn có nghiệp đoàn xe ôm Bến Thành, tổ xe ôm tự quản ở chợ Nông Sản ở Thủ Đức, tổ xe ôm tự quản ở ga Sài Gòn; ở Hà Nội có tổ xe ôm tự quản ở bệnh viện Bạch Mai.

Nhưng những nghiệp đoàn và tổ xe ôm tự quản này không phải những nghiệp đoàn đúng nghĩa. Chúng sinh ra là để chữa cháy nhất thời. Chợ Bến Thành, chợ Nông sản Thủ Đức, bệnh viện Bạch Mai luôn luôn quá tải khách vào ra nên tạm có nghiệp đoàn. Nghiệp đoàn này phát đồng phục nhưng không gắn mã số cho thành viên.

Ngoài một vài địa điểm như thế, bình thường ở những nơi khác bạn sẽ không bao giờ gặp một xe ôm mặc đồng phục, nghĩa là anh ta không hề thuộc một nghiệp đoàn nào.

Ngay cả ở những nơi tạm coi là có nghiệp đoàn, không hề có số hiệu trên đồng phục của những người chạy xe ôm thành viên. Nếu họ chạy đường vòng và lấy giá quá đắt  thì hành khách cũng không biết đó là ai và ở đâu để mà khiếu nại.

Một nghiệp đoàn đúng nghĩa nhất thiết phải là một nghiệp đoàn mà ở đó người lao động phải có tư cách pháp nhân. Nhưng chính phủ Việt Nam chưa tạo được những tiền đề để người lao động kiểm soát lẫn nhau. 

Một  lý do đưa ra để trì hoãn, đó là  bác xe ôm kiêm luôn công an khu vực. Cách tổ chức “ du kích” này của ngành công an vừa gây lãng phí tài chính, vừa gây khó khăn cho việc thành lập các nghiệp đoàn xe ôm.

Cũng có lập luận cho rằng chưa có kinh phí để thành lập một đại trà và quản lý  những nghiệp đoàn xe ôm trên toàn quốc. Lập luận này không thuyết phục, vì nghiệp đoàn chỉ khó khăn trong lúc quy tụ ban đầu, về sau chi phí quản lý nghiệp đoàn sẽ trích từ phần trăm thu nhập của hội viên, miễn là hội viên cảm thấy được bảo vệ trong nghiệp đoàn của mình. Nhà nước thậm chí còn có thêm được nguồn thu từ thuế mà nghiệp đoàn xe ôm đóng góp.
Cho tới bây giờ, không ai được biết trên toàn Việt Nam và ở từng khu vực có bao nhiêu người chạy xe ôm. Nếu cho dân biết thì phải làm thống kê, dẫn đến việc phải thừa nhận nạn thất nghiệp tràn lan. Chính phủ đương nhiệm sẽ không làm điều đó, vì họ đã quen sửa một cái sai bằng những cái sai và không thừa nhận yếu kém trong quản lý.

Thành lập nghiệp đoàn xe ôm đại trà không phải là chuyện khó khăn đối với một dân tộc. Nhưng ở Việt Nam, điều đó còn đòi hỏi cả một sự cải cách toàn diện nơi chính phủ.

Tin bài liên quan:

VNTB – Bphone: Câu chuyện của một hãng công nghệ không độc lập

Phan Thanh Hung

VNTB – KTS Hồ Long Phi: Úng ngập ở Sài Gòn, cần phải thay đổi tư duy

Phan Thanh Hung

VNTB – Phỏng vấn LM Phan Văn Lợi: Tôn giáo ở VN đang “tự do” như thế nào?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.