Không phải chỉ Đỗ Doãn Hoàng bị hành hung dã man, mà chính là sự tử tế trong XH này cũng đang bị bầm dập không thương tiếc bởi thói vô cảm.
Trong tuần này, có một khái nhiệm được lan truyền rất nhanh trên các trang mạng XH, cũng là thước đo, là khao khát về phẩm chất bất cứ quốc gia nào, dân tộc nào, từ quan chức đến mỗi thường dân, đều phải có.
Đó là khái niệm sự tử tế.
Sự tử tế có hiếm không?
Từ ngàn đời xưa, nhân loại nói chung, ông cha ta nói riêng từng có nhiều tổng kết thấm thía và sâu sắc về sức mạnh, cùng nhân nghĩa và đạo lý của sự tử tế: Tử tế là loại ngôn ngữ người điếc có thể nghe thấy và người mù có thể nhìn được (Mark Twain). Hay Nhiễu điềuphủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng. Rồi Khôn ngoan đá đáp người ngoài/ Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau. v..v..
Cách đây gần 30 năm, bộ phim tài liệu “Chuyện tử tế” (1987) của đạo diễn Trần Văn Thủy đã làm chấn động dư luận, bởi sự khắc họa hình ảnh của những người dân nghèo trong thời bao cấp, cũng chỉ để tìm ra lời giải- tử tế là gì?
Gần 30 năm sau, nước Việt chuyển sang thời kinh tế thị trường. Diện mạo và chất lượng cuộc sống vật chất so với thời bao cấp đã thay đổi và cao hơn rất nhiều. Vậy nhưng khái niệm tử tế là gì, dằn vặt như câu hỏi hạnh phúc là gìcủa nhà thơ Dương Hương Ly trong cuộc chiến sinh tử giành độc lập tự do của đất nước, gần nửa thế kỷ trước đây: Hạnh phúc là gì bao lần ta lúng túng/ Hỏi nhau hoài nghĩ mãi không ra…vẫn lại một lần nữa được đặt ra những ngày này.
Không biết nhà thơ Dương Hương Ly đến giờ đã tìm ra câu trả lời về hạnh phúc của ông chưa? Còn sự tử tế, dường như trong XH này vẫn còn tiếp tục phải giải đáp, phải đấu tranh để nuôi dưỡng và làm nó nảy nở mà không lụi tàn. Cho dù nội hàm nó đâu quá khó như câu hỏi về hạnh phúc.
Ở đâu trong XH này, chúng ta cũng có thể bắt gặp những việc làm tốt đẹp của con người cụ thể. Các chương trình từ thiện của cộng đồng, của tập thể, của cá nhân vẫn diễn ra thường xuyên. Nhưng vì sao niềm tin người Việt hôm nay vẫn trĩu nặng vì bị tổn thương về sự tử tế?
Quán cơm từ thiện mang tên “Nụ cười” ở thành phố Hồ Chí Minh. |
Sự tử tế ở đâu nếu như quốc nạn tham nhũng 03 năm qua, theo đánh giá của một cán bộ Thanh tra CP về tham nhũng vẫn rất ổn định? Hệt trò chơi “Tham nhũng kỳ diệu” mà các ông Táo, bà Táo đã thi nhau quay trong Gặp nhau cuối năm 2015.Kết quả cuối cùng, ai cũng thở phào nhẹ nhõm, vì tham nhũng nó…. chừa mình ra.
Đương nhiên, nếu tham nhũng ổn định, thì đời sống người dân sẽ thấp một cách… ổn định. Không biết những kẻ tham nhũng có bao giờ biết đến một câu nói nổi tiếng của Karl Marx: Chỉ có súc vật mới quay lưng lại với nỗi đau đồng loại mà chăm chút bộ lông của mình.
Mới đây, bên lề cuộc họp QH, ĐBQH Đỗ Văn Đương, khi trao đổi với báo chí về chủ đề nhức nhối này, đã phải thốt lên: Quốc gia mà có nhiều Hòa “đại nhân” thì dân lấy gì mà ăn? (Dân trí, ngày 24/3)
Sự tử tế ở đâu nếu chạy chức chạy quyền cũng là một tệ nạn không thua kém? Bởi như một quy luật- chạy chức chạy quyền luôn gắn với tham nhũng. Kẻ bỏ tiền tấn tiền tỷ ra mua chiếc ghế quyền lực, dứt khoát phải thu hồi vốn. Và sự thu hồi vốn ở đâu nếu không phải là tham nhũng?
Tại hội nghị toàn quốc ngành xây dựng Đảng mới đây, người đứng đầu tổ chức Đảng đã thẳng thắn trước những râm ran chạy chức chạy quyền trong XH: Cứ chuẩn bị vào Đại hội, chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm là lại râm ran chuyện “vận động”, mời nhau ăn uống, cho tiền, tặng quà. Đấy là tình cảm hay là có cái gì đó “luồn” vào trong tình cảm đó? (TPO, ngày 26/3)
Câu hỏi của ông ai cũng hiểu chỉ không ai dám trả lời. Vì cái sự chạy chức chạy quyền rất thật, mà ma quỷ như phiên chợ “âm dương”. Cách đây rất nhiều năm, người viết bài đã nhận xét, “chạy” là môn thể thao được ưa chuộng nhất ở VN. Cho dù thể thao VN luôn ở thứ hạng tiến… không nhanh lắm.
Sự tử tế ở đâu nếu như 30% cán bộ công chức làm việc ở công đường sớm cắp ô đi tối cắp về, theo kiểu Có cô thì chợ vẫn đông/ Cô đi lấy chồng thì chợ vẫn vui. Ở góc độ công vụ, ĐBQH Đỗ Văn Đương cho rằng đó là một thứ vô đạo đức. Bởi hiện tại, cái gì cũng ngân sách Nhà nước thì chết, dân không nuôi nổi. Một ông nông dân cõng bốn ông công chức béo thì chết, dân oán thán lắm.
Mà vô đạo đức tức là không … tử tế.
Không phải ngẫu nhiên khi ĐBQH Võ Thị Dung, tại cuộc họp QH sáng 28/3 đã nêu lên 07 nỗi lo lớn của cả dân tộc. Trong đó 06 nỗi lo đã thuộc về “nội xâm”. Từ tham nhũng, đến suy thoái đạo đức, tụt hậu kinh tế, XH thiếu kỷ cương… v…v…
Nội lực nước Việt ở đâu? Chưa có câu trả lời
Của rẻ là …. của đắt?
Sự tử tế hóa ra cũng có khi không màu không mùi vị, nhưng làm cả XH âu lo. Và nó mang tên “nước sinh hoạt”
Không màu, không mùi vị, nhưng nước là sự sống của con người. Cũng đồng thời có thể là tai họa, xếp thứ nhất trong bộ tứ “quyền lực”- thủy hỏa đạo tặc. Bởi có tới 09 quan chức của Vinaconex, chủ đầu tư dự án nước sạch Sông Đà số 01 đã dính vòng lao lý- sau 06 năm vận hành, 17 lần ống vỡ. Dù trước đó, đường ống dẫn nước, là ống cốt sợi thủy tinh được chính họ lựa chọn, cam đoan “tiêu chuẩn Mỹ”, có thể dùng tới 50 năm.
Còn nay, dư luận XH một lần nữa ồn ào lo lắng vì vụ việc mới nhất của Vinaconex. Đó là Cty TNHH sản xuất ống gang dẻo Xinxing (Trung Quốc) trúng thầu gói cung cấp đường ống nước sông Đà số 2, với giá thấp hơn khoảng 11,8% so với giá gói thầu được phê duyệt.
Xưa nay, trong kinh doanh, mua được giá rẻ là một thắng lợi.
Một đoạn đường ống nước số 2 (Sông Đà). Ảnh: baochinhphu.vn
|
Nhưng dân gian cũng lại có thành ngữ về của rẻ chả thắng lợi tý nào- của rẻ là của ôi. Cái chữ ôi đó trong thực tế nó ngang bằng với chữ … đắt
Mà nước Việt, trong quan hệ làm ăn với TQ cũng đã có không ít kinh nghiệm xương máu về của rẻ là của đắt.
Người dân Việt chưa hề quên các công trình, dự án do nhà thầu TQ đã khiến người Việt mếu dở khóc dở vì chậm trễ, đội vốn và gây bao tranh cãi. Từ xi măng lò đứng, tới nhà máy điện, đường sắt trên cao…
Và xin hãy nhớ một công trình quốc gia quan trọng. Đó là sân vận động Mỹ Đình, cũng đã được một nhà thầu TQ- HISG thắng thầu với số tiền 53 triệu USD, thấp nhất trong các đơn vị đấu thầu. Theo Tuổi trẻ, ngày 31/3 cho biết, thời điểm đó, tiêu chuẩn kỹ thuật của HISG chỉ đạt chuẩn TQ và VN. Hội đồng thẩm định đấu thầu đã có văn bản khẳng định phương án kiến trúc do nhà thầu HISG thiết kế không đạt yêu cầu.
Vậy mà cuối cùng HISG vẫn trúng. Tài không?
Trong thực tế, kết luận thanh tra cho biết, quá trình xây sân vận động Mỹ Đình nhà thầu HISG đã có nhiều sai phạm nghiêm trọng: 94% thiết bị sử dụng xây sân vận động (17/18 triệu USD tiền thiết bị) không đúng với hợp đồng.
Để rồi mới đây, ông Hà Quang Dự nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban TDTT than thở: Nếu chúng ta chọn nhà thầu Âu – Mỹ, chắc chắn chất lượng sân vận động Mỹ Đình sẽ tốt hơn thế này, thiết kế cũng đẹp hơn. Hằng năm ngành thể thao không phải bỏ ra hàng tỉ đồng để sửa sân như suốt những năm qua.
Rất lạ, ở các dự án lớn nhỏ, cứ ngựa quen đường cũ.
Người viết bài không hề định kiến với hàng hóa TQ. Nói thẳng, hàng hóa TQ chất lượng cao, hoặc khi đã được cấp chứng nhận “OTK” vào các nước văn minh, phải nói là rất OK. Thế nhưng với VN, nói đến hàng hóa TQ, người Việt hiện rất cảnh giác. Bởi đủ kiểu “chất lượng”.
Nước sinh hoạt là điều kiện sống tối thiểu đòi hỏi bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn cao cho sinh mạng người dân. Việc thẩm định đường ống gang dẻo của Xinxing chỉ có thể hãn hữu. Với năng lực và cung cách quản lý lỏng lẻo như hiện nay của VN, ai dám bảo đảm không có những sự cố xảy ra khi màcơm chẳng lành canh chẳng ngọt giữa hai bên?
Mặt khác, có ý kiến cho rằng, chất lượng vật liệu, công nghệ và giá thành sản phẩm ống gang dẻo của Mỹ, Nhật Bản không chỉ đắt hơn 05 lần của TQ, mà cái chính cách quản lý của họ cũng công khai minh bạch hơn. Điều đó rất “vênh” với cách quản lý lỏng lẻo của VN lâu nay? Phải chăng, chọn lựa nhà thầu TQ là… kinh tế về mọi phương diện?
Thế cho nên khi ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng GĐ Công ty Cổ phần Nước sạch của Vinaconex tuyên bố chắc nịch, “tin ở nhà thầu Trung Quốc”, hệt tin ở hoa hồng (tên một vở kịch của Lưu Quang Vũ), thì báo chí đã thách thức công ty này rằng: Lãnh đạo Vinaconex códám “tuyên thệ” với dân? (Người tiêu dùng, ngày 26/3).
Không biết trên sàn đấu thị trường, Vinaconex có định rút …ống gang dẻo Xinxing để tuyên thệ với dân chưa, hệt như cam đoan ống cốt sợi thủy tinh trước đây có “tiêu chuẩn Mỹ”, nhưng chỉ 06 năm sau đã vỡ toang? Chỉ biết các chuyên gia am hiểu vấn đề này đã phân tích khá có lý lẽ.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy, nguyên GĐ NXB Giao thông cho rằng, tại sao Vinaconex lại chỉ định ống gang dẻo đường kính 1, 8m trong khi nếu giảm xuống 1,6m vẫn không ảnh hưởng đến chất lượng chuyển dòng nước, và sẽ có rất nhiều nhà thầu Ấn Độ, VN tham gia đấu thầu. Như vậy có phải Vinaconex tự mình làm khó mình, tự chỉ định giới hạn nhà thầu tham dự? (Đất Việt, ngày 28/3)
Khác với báo cáo của Vinaconex rằng Xinxing là công ty có uy tín trên thế giới, có 20 năm kinh nghiệm về sản xuất các ống kích thước lớn, có năng lực tài chính tốt, báo cáo của Trung tâm Hỗ trợ đấu thầu (Bộ KH& ĐT), đơn vị thẩm định hồ sơ đấu thầu dự án đưa ra nhận định quan ngại về chất lượng ống gang dẻo của đơn vị này. Theo các chuyên gia, chất lượng ống gang dẻo của nhà thầu tại một số dự án ở VN chưa làm hài lòng khách hàng. Một số thông tin từ khách hàng trên thế giới cũng không hài lòng với sản phẩm ống gang dẻo của Xinxing.
Được biết trước áp lực và hoài nghi của dư luận, Phó TT Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo yêu cầu HN rà soát dự án đường nước sông Đà số 2
Không biết sự tử tế có đến từ của rẻ là của đắt?
Sự tử tế có gặp tử tế?
Không hẳn. Mà trong đời sống này, sự tử tế có khi lại gặp thói côn đồ.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng. Ảnh: Dân Trí |
Đó là vụ việc nhà báo Đỗ Doãn Hoàng vừa bị ba kẻ lạ mặt hành hung tại một con đường vắng thuộc phường Đại Kim (Q. Hoàng Mai), khiến anh bị chấn thương thân thể. Đặc biệt ở bàn tay phải, bàn tay cầm bút.
Từ lâu Đỗ Doãn Hoàng là một nhà báo có tên tuổi, rất nổi tiếng với những phóng sự điều tra chống tiêu cực. Có những vụ việc những kẻ vi phạm pháp luật đã bị đưa ra tòa. Anh đã xuất bản hàng chục đầu sách, đoạt nhiều giải báo chí Quốc gia. Một sức làm việc đáng nể và một tư cách làm nghề đáng trọng.
Thế nên khi xảy ra vụ việc, không chỉ Đỗ Doãn Hoàng, mà dư luận XH chính trực cũng dự đoán, đó là đòn thù của những kẻ muốn trả thù hoặc cảnh báo anh một cách có tính toán và tinh vi. Như anh nói: Vì có những bài báo tấn công thẳng vào “sào huyệt”, phá tan đường dây của chúng nên nguy cơ tôi bị trả thù rất cao. Trước và sau khi đăng báo, tôi đều nhận được những lời đe dọa và có thể sự việc này là bài học cảnh cáo cho những loạt bài sắp tới của tôi (Trí thức trẻ, ngày 25/3)
Vụ việc của Đỗ Doãn Hoàng không phải riêng biệt. Trước đó, đã có những nhà báo bị đánh đập, bị hành hung chỉ vì đã dám viết những bài điều tra lôi cái xấu, cái ác tra giữa thanh thiên bạch nhật.
Nghệ sĩ Chí Trung phải thốt lên khi đọc thông tin: Trời ơi, còn ai dám làm người tốt nữa? Nghe như tiếng kêu tuyệt vọng của nhân vật làng Vũ Đại nổi tiếng trong tác phẩm của nhà văn Nam Cao xa xưa.
Vụ việc của Đỗ Doãn Hoàng lại vẫn là tiếp tục cái triết lý trái ngang của nhiều năm trước đây thời bao cấp: Người ngay sợ kẻ gian, cái thiện sợ cái ác…Nay triết lý ấy vẫn dám một mình hành trình khắp nẻo nhân sinh.
Nhưng điều đau đớn hơn với Đỗ Doãn Hoàng đó là sự vô cảm của những người qua đường trước sống chết của mình.
Sự vô cảm là “bóng ma” ngự trị trong XH lâu nay, Đỗ Doãn Hoàng không phải người cuối cùng đối mặt.
Tất nhiên, với một vụ việc côn đồ nghiêm trọng ngang nhiên diễn ra tại Thủ đô HN, các quan chức có trách nhiệm, và cơ quan chức năng đã lên tiếng, vào cuộc. Vấn đề là chờ kết quả điều tra của cơ quan chức năng.
Nhưng xin hãy nghe những tâm sự xót chua của Đỗ Doãn Hoàng khi trả lời báo chí: Cơ quan công an đi đánh án thì còn có các công cụ hỗ trợ, còn chúng tôi không có gì để bảo vệ. Với tình trạng này, liệu còn có nhà báo dám điều tra nữa hay không. Đây là thách thức với toàn bộ những người có lương tâm trong xã hội. Còn tôi có chùn bước hay không, tôi tin chắc là tôi sẽ chùn bước, tôi không thấy hèn khi nói như vậy. Chắc là tôi sẽ phải dừng lại thôi khôngthì nó sẽ giết tôi vì có ai bảo vệ tôi một cách thật sự đâu!(Trí thức trẻ, ngày 25/3)
Không phải chỉ Đỗ Doãn Hoàng bị hành hung dã man, mà chính là sự tử tế trong XH này cũng đang bị “bầm dập” không thương tiếc bởi thói vô cảm.
Cũng không phải chỉ Đỗ Doãn Hoàng đơn độc trong cuộc chiến không cân sức, mà chính pháp luật đang…ốm yếu?
30 năm trước, đạo diễn phim tài liệu Trần Văn Thủy đi tìm “Chuyện tử tế”. Hôm nay, cả XH vẫn phải tiếp tục cuộc kiếm tìm, cho dù lòng tốt con người không bao giờ thiếu.
Sự tử tế là hiện thân của những phẩm cách tốt đẹp nhất mà con người và một dân tộc có được. Nhưng phẩm cách đó chỉ có tầm khi dân tộc có sức mạnh của thượng tôn pháp luật, khi những phát ngôn “vì lợi ích dân tộc trên hết” là của những con tim chân thành, yêu nước và biết hành động một cách… tử tế
Theo VNN