Hàn Giang
Cưỡng chế đất dân (ảnh: Nguyễn Huy Tuấn)
(VNTB) – “Bức xúc đến nỗi bật khóc mà không làm gì nổi chúng nó (lực lượng cưỡng chế). Chúng nó cứ dùng dùi cui đẩy dân vào một chỗ… Người dân chúng tôi bức xúc mong các cấp chức năng có thẩm quyền để giải quyết nhưng mà khi đánh giấy về huyện thì ở huyện cứ lờ đi, không giải quyết cho dân nên mới xảy ra vụ cưỡng chế.”
Khoảng 5h sáng ngày 5/4/2016, Chính quyền ở tỉnh Hải Dương đã huy động một lực lượng khoảng 600 người bao gồm cả lực lượng công an, cảnh sát cơ động và lác đác có cả bộ đội để cưỡng chế khu đất của mấy chục hộ dân ở thôn Hoàng Xá, xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Cuộc cưỡng chế tuy được đánh giá là không khốc liệt như ở Văn Giang, Dương Nội…, nhưng điều đáng nêu ở đây là chính quyền địa phương đã nói không cưỡng chế đất dân nhưng thực tế lại trái ngược hoàn toàn.
Diễn biến vụ cưỡng chế
Lực lượng cưỡng chế vay kín cả một vùng, kéo dài khoảng bốn, năm km so với lực lượng người dân giữ đất chỉ khoảng vài chục người do chưa đến kịp. Anh Cường, một người dân có đất trong khu cưỡng chế cho Việt Nam Thời Báo (VNTB) biết tình hình như sau:
“Khoảng 5h sáng ngày 5/4/2016, họ (lực lượng cưỡng chế) phong tỏa các nơi, vây kín cả vùng, kéo dài khoảng bốn, năm km. Phía người dân thì vẫn ở trong khu đất tranh chấp tầm khoảng mấy chục người do dân chưa lên kịp. Họ vây người dân trong đấy rồi dùng lực lượng cơ động, công an kể cả lác đác bộ đội cỡ thẩy khoảng 600 người tiến hành giỡ lều, đuổi dân, vây kín dân không cho ra để giữ ruộng đất.”
Quá trình cưỡng chế có xô đẩy, gây xô xát và có đổ máu nhưng không đáng kể. Không chỉ mình anh Cường mà một ngươi dân khác cũng có đất bị cưỡng chế tên Thuy (Thi) cũng xác định điều này. Chị Thuy nói:
“Đánh đập thì không nhưng xô xát thì có. Thấy có một công an đẩy một bà cụ 84 tuổi là vợ liệt sĩ bị thương ở chân khi đang giữ lều. Và một bà khác cũng bị xô đẩy chảy máu nơi mặt.”
Người dân ở đây phản ánh, đất đai của người dân làm ăn bị chính quyền cưỡng chế để giao cho nhà đầu tư khai thác. Người dân không phản đối quyết định giao đất cho Nhà nước đầu tư khai thác nhưng do giá đất đền bù quá thấp nên người dân không chấp nhận. Bị chính quyền gây khó dễ, không làm ăn gì được nên người dân tiến hành đi khiếu kiện từ huyện, tỉnh cho đến trung ương nhưng không được giải quyết thỏa đáng trong khoảng 8 năm nay khiến người dân rất bức xúc, quyết tâm giữ đất.
Bà Đông, một nông dân có đất bị cưỡng chế nói:
“Tôi chưa hiểu có một Nhà nước nào mà thu hồi gần 98% ruộng đất của người nông dân. Người nông dân không đồng ý thì mang hình thức cưỡng chế. Người dân hỏi thì bảo đây làm theo đúng theo đường lối, chính sách của Nhà nước và Đảng nhưng Đảng và Nhà nước có đề ra chính sách hay không?”
Như trước đây VNTB từng phản ánh, vụ việc bắt nguồn từ thời điểm năm 2008, theo “Quyết định 2078 của UBND tỉnh Hải Dương do ông Phan Nhật Minh ký là lấy đất ruộng của các hộ dân ở xã Cẩm Điền, sau đó tạm giao cho ty Phúc Hưng xây dựng hạ tầng cơ sở khu công nghiệp Cẩm Điền – Lương Điền, giá đền bù mỗi sào đất ruộng ban đầu mà người dân cho hay là 16,2 triệu đồng/1sào. Giá đền bù này quá thấp nên có đến 200 hộ dân không nhận tiền đền bù, tiền hành khiếu kiện. Sau đó, UBND tỉnh Hải Dương ra thông báo nâng giá đền bù thêm 7,2 triệu đồng/1 sào thành con số tổng là 23,4 triệu đồng/ 1 sào, giá đền bù này vẫn được chính quyền giữ cho đến ngày nay.
Có hơn một nửa số hộ dân khiếu kiện trước đã đồng ý với giá đền bù 23,4 triệu đồng/1 sào nên giao đất, còn một nửa thì vẫn không chấp nhận nên tiến hành giữ đất và khiếu kiện kéo dài ngày với hy vọng sẽ được chính quyền đền bù thỏa đáng và đúng nghị định nhà nước mỗi sào đất ở đây tính mọi chi phí ước chừng lên gần 200 triệu.
“Họ (chính quyền) vẫn ép giá chừng ấy chứ họ không trả hơn, tức là giá vẫn giữ là 23,4 triệu đồng/ 1 sào. Người dân chúng tôi nói bây giờ hai bên (chính quyền và người dân) thỏa thuận. Người dân trước mắt muốn lấy lại ruộng nhưng không lấy lại được thì (chính quyền) trả cho người dân chúng tôi là bao nhiêu? Người dân cộng tiền lãi suất, tiền đất…hết 170 đến 200 triệu. Họ không trả theo ý người dân.”, lời của chị Thuy.
Chính quyền không nghe ý dân
“Có. Bà con đã đi nộp đơn. Làm sao mình dừng được? Dù được hay không được, năm năm, mười năm hoặc hai mươi năm cái gì phải vẫn là phải, cái gì trái vẫn là trái.”, lời của bà Đông. Bà cho biết, sau cưỡng chế, bà cùng bà con bị mất đất sẽ tiếp tục lên Hà Nội khiếu kiện.
Theo anh Cường, chị Thuy và bà Đông thì giữa chính quyền và người dân có gặp mặt đối thoại nhưng phía chính quyền cứ nói chung chung, không giải quyết được gì cả. Trong lúc người dân đang chờ đợi câu trả lời dứt điểm, hợp lòng dân từ phía chính quyền thì vào ngày 5/4/2016 vừa qua, chính quyền đã cho cưỡng chế đất của bà con.
Anh Cường nói:
“Chưa giải quyết gì cả. Họ hứa đối thoại nhưng dân hỏi thì họ không trả lời được. Dân kiện lên Trung Ửơng thì họ lại đối thoại hôm nọ. Ông chủ tịch có hứa là không cưỡng chế đất dân nhưng hôm 5/4/2016 lại cưỡng chế đất dân.”
Lời chị Thuy:
“ Hôm 30/3/2016, đối thoại với dân thì người ta vẫn nói chung chung chứ không nói dứt điểm là bao nhiêu. Hôm ấy họ bảo vài ngày tới sẽ đánh công văn trả lời dân nhưng không thấy gì hết. Ngày 5/4/2016, họ áp đảo dân xong thì cho xe cát ùn ùn chạy vào đất ruộng chưa bán để sang lấp mặt bàng giao cho công ty VSIP”
Cũng xin được nói thêm, theo VNTB tìm hiểu thì khu đất bị cưỡng chế này hiện đã có nhà đầu tư mới có tên VSIP vào khoảng thời gian năm 2015. Còn bà Đông thì cho rằng hơn mười năm nay vẫn chưa xác định chính xác chủ đầu tư là công ty nào. Đất thì vẫn cứ buộc phải giao, người dân không thể cày cấy được, bỏ hoang từ lâu.
Mất đất sinh sống, một số hộ dân phải chuyển đổi nghề sinh sống còn với anh Cường thì phải cùng vợ đi làm thuê đặng nuôi con cái còn ăn học. Anh Cường nói:
“Gia đình tôi có khoảng 4 saò ruộng, trước đây là 6 sào nhưng bán đi 2 sào… Gia đình tôi không ra giá bao nhiêu mà cứ theo nghị định nhà nước chứ chúng tôi không đòi hỏi hơn nhưng 8 năm nay đất bỏ hoang, dân cấy thì chúng cuốc hẳn lên. Vợ chông tôi phải đi làm thuê để nuôi con cái còn ăn học”
Còn với bà Đông, tuổi đã già nên chẳng có ai thuê làm nên đành ở nhà, hạt gạo cũng không có tiền để đong. Bà Đông hy vọng chính quyền trả lại ruộng đất để tiếp tục sản xuất. Bà Đông nói:
“Không. Bọn cô làm gì có việc gì mà làm. Người ta thu hết ruộng, chẳng có việc gì làm nên bọn cô mới đi đấu tranh để bảo chính quyền để lại ruộng đất cho bọn cô tiếp tục sản xuất… Những nhà có điều kiện thì người ta làm mộc hay làm cái gì còn bọn cô chẳng có việc gì làm, người ta thuê thì cô đi làm ,không thuê thì ở nhà. Chẳng có việc gì sống nên mới đòi hỏi chính quyền quan tâm mà người ta có quan tâm gì đâu”
Anh Cường bức xúc:
“Bức xúc đến nỗi bật khóc mà không làm gì nổi chúng nó (lực lượng cưỡng chế). Chúng nó cứ dùng dùi cui đẩy dân vào một chỗ… Người dân chúng tôi bức xúc mong các cấp chức năng có thẩm quyền để giải quyết nhưng mà khi đánh giấy về huyện thì ở huyện cứ lờ đi, không giải quyết cho dân nên mới xảy ra vụ cưỡng chế”
Cả chị Thuy, anh Cường và bà Đông mong muốn dư luận khắp nơi lên tiếng giúp đỡ người dân để người dân đỡ khổ. Mong Nhà nước giải quyết đất đai của người dân theo nghị định nhà nước, bồi thường thiệt cho người dân 8 năm qua không được cày cấy.
“Có. Cô cũng đi mà. Cô lên Hà Nội (khiếu kiện) nhưng mỗi lần đi công an nó chặn. Không biết người ta làm đúng hay làm sai nhưng cứ mỗi khi mình đi là công an tỉnh, công an huyện là người ta chặn. Bọn cô phải đi đêm thôi.”, lời bà Đông.
Sau cưỡng chế ngày 5/4/2016, bà con ở xã Cẩm Điền- Hải Dương lên Hà Nội khiếu kiện. Vậy là trong số dân oan ở các tỉnh thành Việt Nam có mặt ở Hà Nội để khiếu kiện đất đai nay có thêm người dân ở xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng- Hải Dương. Hành trình khiếu kiện biết trước sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng người dân vẫn nuôi hy vọng.
“Bọn tôi lúc nào cũng hy vọng, không có gì bằng sự bền bỉ của con người. Chúng tôi không bao giờ lùi bước cho dù bao nhiêu năm thì cái đất này vẫn phải đấu tranh để cho đến đời con cháu.”, lời của bà Đông.
Cần nhắc lại, cũng tại khu đất ở xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng- Hải Dương này, vào ngày 10/7/2015, một chiếc xe xúc được cho là của Chính quyền đã vào ủi đất của người dân, nhẫn tâm cán lên người một phụ nữ đang giữ đất. Nạn nhân là bà Lê Thị Châm (em gái bà Thuy). Ngay sau vụ việc xảy ra, những Clip, hình ảnh chiếc xe xúc cán lên người bà Châm được đưa lên các trang mạng xã hội làm dậy sóng dư luận trong và người nước. Đây là một trong những hình ảnh được đánh giá là tiêu biểu cho nỗi đau của người dân Việt Nam đang bị chính quyền cưỡng chế đất và phải giữ đất.