Việt Nam Thời Báo

VNTB – Bức tranh nợ công của Việt Nam qua góc nhìn BVSC

Trung Nghĩa (VNTB) Nợ công của Việt Nam đang ở mức cao so với các nước trong khu vực trong khi Chính phủ đang phải thu xếp các nguồn lực tài chính cho đầu tư phát triển giai đoạn 2016-2020.

Tăng chóng mặt

Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) vừa công bố báo cáo chuyên đề mang tên “Nợ công: Cần cách nhìn trực diện”, trong đó phân tích quy mô và cơ cấu nợ công của Việt Nam, thách thức đối với Chính phủ trong việc xử lý nợ công trong trung hạn.

Theo báo cáo này, tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam có xu hướng tăng liên tục với tốc độ khá nhanh, từ mức 51,7% năm 2010 lên mức 59,6% năm 2014, và ước tính sẽ đạt 61,3% năm nay và mức 64,3% trong năm 2017, sát mức trần 65% mà Quốc hội cho phép.

VNTB – Bức tranh nợ công của Việt Nam qua góc nhìn BVSC
BVSC cho biết, trong 3 năm trở lại đây, GDP danh nghĩa tăng chậm lại cũng là một yếu tố khiến tỷ lệ nợ công có xu hướng tăng tốc, bên cạnh nguyên nhân chính là việc phát hành trái phiếu chính phủ gia tăng. Với tăng trưởng GDP thực tế hàng năm dự báo là 6,5% và lạm phát bình quân dự báo ở mức 4-6% trong các năm tới, GDP danh nghĩa ước tính sẽ tăng bình quân trên 10%/năm. Như vậy, quy mô nợ công hàng năm trên thực tế có thể tăng thêm khoảng trên 250 nghìn tỷ đồng vì tỷ lệ nợ công không đổi.

Trong cơ cấu nợ công, nợ của Chính phủ (bao gồm các loại trái phiếu, tín phiếu, vay ODA, vay thương mại từ các đối tác song phương và đa phương) chiếm tới 80%; còn lại 20% là nợ do Chính phủ bảo lãnh (các loại trái phiếu do Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và Ngân hàng Chính sách Xã hội phát hành) và nợ chính quyền địa phương. Những năm gần đây, nợ của Chính phủ có cùng chiều xu hướng của tổng nợ công. Tỷ lệ nợ Chính phủ/GDP cũng tăng dần đều trong 5 năm trở lại đây, đến cuối năm 2015 ước đạt khoảng 49%.

Nếu niềm tin của người dân không còn, thì…

Tỷ lệ nợ công của Việt Nam đang ở mức cao hơn khá nhiều so với một số nước có điều kiện phát triển tương đồng trong khu vực. Đáng chú ý là tỷ lệ này có xu hướng giảm dần hoặc khá ổn định tại các nước khác kể từ năm 2006, trong khi ở Việt Nam lại tăng rõ nét, nhất là giai đoạn 2009 đến nay. Theo nhóm nghiên cứu của BVSC, thì khi bóc tách phần vay ODA, vay thương mại ưu đãi song phương và đa phương của Chính phủ (phần này có độ an toàn cao hơn, chi phí lãi vay thấp hơn), tổng các khoản nợ còn lại từ phát hành trái phiếu, tín phiếu, nợ bảo lãnh… của Việt Nam vẫn đứng thứ 2 trong số các nước thuộc mẫu so sánh.


Tỷ lệ nợ nước ngoài/GDP của Việt Nam tăng nhẹ trong giai đoạn 2010-2014 (dao động từ 37-40%), nhưng vẫn cao so với các nước cùng nhóm khác trong khu vực (Bangladesh từ 18-22%; Thái Lan từ 30-36%; Philippin từ 22-30%; Indonesia từ 24-33%). Trong đó, tỷ lệ nợ nước ngoài của Chính phủ/GDP giảm nhẹ từ 28,7% năm 2010 xuống quanh mức 28% năm 2014, chỉ duy trì vay thêm vốn ODA với quy mô hạn chế. Việc Chính phủ hạn chế tăng vay nợ nước ngoài những năm gần đây được cho là một bước đi đúng hướng.

Về mức độ an toàn, tỷ lệ nợ nước ngoài ở mức trên 40% GDP của Việt Nam hiện nay vẫn thấp hơn đáng kể so với mức 60-80% của Mexico và Argentina giai đoạn 1983-1989 (thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng nợ công khiến 2 nước trên phải tuyên bố vỡ nợ quốc gia) và đặc biệt là cuộc khủng hoảng nợ công lần 2 của Argentia năm 2002 khi tỷ lệ này lên tới 140%. Tuy vậy, BVSC cho rằng cần đặc biệt lưu ý vì tỷ lệ nợ nước ngoài của một nước có thể tăng lên rất nhanh một khi khủng hoảng niềm tin xảy ra dẫn đến các cú sốc về tỷ giá. Tỷ lệ nợ nước ngoài/GDP của Mexico và Argentina trước khi “có vấn đề” cũng chỉ xấp xỉ 40%, tương đương với mức của Việt Nam hiện nay.

Tiếp tục vay nợ

BVSC dự báo nhu cầu vay nợ trực tiếp của Chính phủ sẽ tăng đều trong giai đoạn 2016-2020. Trong kịch bản cơ sở, công ty chứng khoán này cho rằng Chính phủ có thể gia tăng dư nợ đều hàng năm cho tới ngưỡng 55% GDP vào năm 2020. Theo đó, tổng dư nợ trực tiếp của Chính phủ sẽ ở mức 4,3 triệu tỷ đồng vào năm 2020, gấp hai lần tổng dư nợ vào cuối năm 2015.

Trong cơ cấu tổng dư nợ của Chỉnh phủ, trái phiếu chính phủ (TPCP) sẽ tăng từ 32,5% năm 2015 lên 40% năm 2020, tương đương 22% GDP; vay viện trợ phát triển chính thức (ODA) sẽ giảm từ 40,7% năm 2015 xuống 32,7% năm 2020; TPCP phát hành quốc tế sẽ tăng từ 9,3% năm 2015 lên 12,7% năm 2020; và các khoản vay khác trong nước (tín phiếu kho bạc) sẽ giảm từ 17,5% năm 2015 xuống 14,5% năm 2020.

Dư nợ TPCP sẽ gia tăng mạnh trong năm 2016 do nút thắt về kỳ hạn gần đây đã được Quốc hội dỡ bỏ. Dự báo dư nợ TPCP sẽ tăng ròng thêm 162 nghìn tỷ đồng trong năm 2016, tăng 25% so mới mức tăng ròng của năm 2015. Dư nợ TPCP phát hành quốc tế sẽ tăng ròng thêm 45 nghìn tỷ đồng trong năm 2016 do quyết định của Quốc hội gần đây về việc phát hành trái phiếu quốc tế. Vay ODA dự báo sẽ tăng thêm 77 nghìn tỷ đồng, trong khi vay khác trong nước tăng không đáng kể.

Lãi suất các khoản vay của Chính phủ sẽ gia tăng trong giai đoạn 2016-2020. Dự báo lãi suất TPCP sẽ tăng dần từ mức trung bình 6,8%, 6,5% trong năm 2014 và 2015 lên 8,5% giai đoạn 2018-2020 (dựa trên giả định lạm phát mục tiêu 5-7% trong giai đoạn 2016-2020 và lộ trình tăng lãi suất của Fed lên 3,5% vào năm 2018). Lãi suất trái phiếu phát hành quốc tế được dự báo sẽ tăng dần từ 4,8% năm 2015 lên 6,5% trong giai đoạn 2019-2020. Tổng số lãi phải trả hàng năm của Chính phủ sẽ tăng lên 236 nghìn tỷ đồng vào năm 2020, gấp đôi so với nghĩa vụ trả lãi vào năm 2015 là 115 nghìn tỷ đồng. Áp lực trả lãi chủ yếu đến từ TPCP, chiếm hơn 50% vào năm 2020.

BVSC cho rằng cần lưu ý đến rủi ro điều chỉnh tỷ giá USD/VND và lạm phát vì đây là 2 yếu tố có thể đẩy một số chỉ tiêu nợ công vượt quá kế hoạch của Chính phủ trong các năm tới.

Tin bài liên quan:

VNTB – Thói tiêu hoang phí và tỉ lệ trả nợ chiếm “16,1% ngân sách”

Phan Thanh Hung

Quản lý nợ công ở Việt Nam: còn nhiều bất cập

Phan Thanh Hung

VNTB – Tăng vọt 11% so cùng kỳ năm ngoái: Nợ công VN dấn sâu nguy hiểm

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo