Thanh Phương (RFI)
Nguyễn Phú Trọng gặp Obama, Nhà Trắng, 07/07/2015.
REUTERS/Jonathan Ernst
New York Times: Mẫu số chung giữa Việt Nam và Mỹ
Trong bài xã luận đăng trong số báo ra ngày 08/07/2015, tờ New York Times nhắc lại rằng, do ông Nguyễn Phú Trọng không có chức vụ gì trong chính phủ Việt Nam, về nghi thức ngoại giao thì không cần phải có cuộc gặp gỡ với tổng thống Obama.
Nhưng mặc dù còn bất đồng sâu sắc về nhân quyền và quyền của người lao động, ông Obama đã phá lệ vì ông Trọng là lãnh đạo cao cấp nhất, là nhân vật thuộc phe bảo thủ và đã từng là một trong những người chống đối mạnh mẽ nhất việc thắt chặt quan hệ với Hoa Kỳ.
Theo New York Times, cuộc gặp gỡ tại Nhà trắng cho thấy quyết tâm của tổng thống Obama xây dựng quan hệ đối tác sâu rộng hơn với các nước châu Á, nhằm làm đối trọng với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc về kinh tế, chính trị và quân sự, đồng thời bảo đảm an ninh khu vực.
Tờ báo này cho rằng, một lý do khác thúc đẩy hai nước thắt chặt quan hệ, đó là lợi ích chung giữa Washington và Hà Nội. Tổng thống Obama đang cố thúc đẩy việc ký kết hiệp định tự do mậu dịch Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ngay trong tháng này và Việt Nam là một trong những quốc gia tham gia đàm phán. Một số bất đồng lớn nhất trong việc thương lượng hiệp định này có liên quan đến Việt Nam.
Nhưng theo New York Times, khi thắt chặt quan hệ với Việt Nam, ông Obama gặp sự phản đối từ các tổ chức nhân quyền và một số nghị sĩ Dân chủ. Theo tờ báo này, những chỉ trích đó là đúng, bởi vì mặc dù số tù chính trị ở Việt Nam đã giảm trong những năm gần đây và Hà Nội đã phê chuẩn công ước của Liên hiệp quốc về chống tra tấn vào năm 2013, nhưng hơn 100 người Việt Nam vẫn còn bị giam vì lý do chính trị và đối lập bị đàn áp.
Bài xã luận của tờ New York Times cho rằng tổng thống Obama nên tiếp tục thúc giục Việt Nam mở cửa thể chế chính trị và cho người dân hưởng các quyền tự do rộng rãi hơn, như quyền thành lập các công đoàn độc lập hoặc quyền tự do tham gia công đoàn mà mình chọn. Tờ báo viết :“Phải có những tiến bộ trong các lĩnh vực này trước khi Hoa Kỳ bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam hoặc trước khi tổng thống Obama thông báo chính thức ngày viếng thăm đất nước của ông Nguyễn Phú Trọng”.
Washington Post: Hoa Kỳ nên sử dụng ảnh hưởng đối với Việt Nam
Cũng trong số báo ra ngày hôm qua, tờ Washington Post có bài xã luận tựa đề: “Hoa Kỳ không nên ngần ngại sử dụng ảnh hưởng của mình trong quan hệ với Việt Nam”.
Mở đầu bài xã luận, tờ báo viết: “Chính quyền Cộng sản Việt Nam là một vấn đề, mà trước hết là một vấn đề đối với người dân Việt Nam, mà hiện vẫn còn bị đàn áp chính trị, mặc dù đã có những cải cách kinh tế theo hướng thị trường. Bốn mươi năm sau khi Sài Gòn thất thủ, vẫn chưa có chuyển tiếp dần dần sang nền dân chủ đa đảng, vẫn còn 110 tù chính trị và kiểm duyệt gắt gao tại quốc gia Đông Nam Á này”.
Washington Post viết tiếp: “Chế độ Việt Nam cũng là một vấn đề đối với những người vừa chủ trương rằng chính sách ngoại giao của Mỹ phải đặt nặng vấn đề nhân quyền, vừa muốn thúc đẩy hiệp định tự do mậu dịch Đối tác xuyên Thái Bình Dương, mà trong đó Việt Nam là quốc gia chuyên chế có nhân công rẻ duy nhất”.
Nhưng theo tờ báo này, xét về mặt chiến lược, Việt Nam và Hoa Kỳ có lợi ích chung trong việc kềm chế những hành động hung hăng của Trung Quốc ở Đông Á, những hành động này khiến hai nước trở thành đối tác tự nhiên, cho dù trước đây Hoa Kỳ đã chiến đấu để ngăn không cho những người như ông Trọng chiếm toàn bộ đất nước bị chia đôi lúc ấy. Như lịch sử Triều Tiên, Nhật Bản, Đài Loan, Philippines đã cho thấy, dân chủ ở châu Á phát triển nhờ sự yểm trợ và sự ổn định, mà sự hiện diện quân sự của Mỹ mang lại.
Kết thúc bài xã luận, tờ Washingon Post viết: “Chính quyền Obama và những chính quyền kế nhiệm phải dùng quan hệ chặt chẽ hơn với Hà Nội như là một phương tiện đã đến đến mục tiêu quan trọng hơn hết: quyền tự do lớn hơn (cho người Việt Nam), về mặt chính trị lẫn kinh tế. Trong năm qua, Việt Nam đã bớt đàn áp đối lập, trả tự do cho 50 trên tổng số 160 tù nhân lương tâm. Nhưng đó không phải là thay đổi căn bản của chế độ Hà Nội, mà chỉ là một nỗ lực nhằm đối phó với những người chỉ trích việc cho Việt Nam tham gia TPP. Nhưng dầu sao điều này cho thấy là Hà Nội cần chúng ta (có thể hơn là chúng ta cần họ). Cho nên Hoa Kỳ có một ảnh hưởng không nên ngần ngại sử dụng để giúp cho những người Việt Nam dũng cảm không đồng ý với quan điểm chính trị của nhà cầm quyền“.
Hoàn cầu Thời báo : « Việt Nam sẽ thiệt hại nhiều nhất »
Về phần báo chí Trung Quốc, tờ Hoàn cầu Thời báo, phó bản của tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ngày 08/07, đã có một bài nhận định về chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam.
Mở đầu bài viết, Hoàn cầu Thời báo, một tờ báo mang xu hướng dân tộc chủ nghĩa, cho rằng :“Báo chí phương Tây đã diễn giải quá đáng chuyến viếng thăm của ông ấy từ một viễn cảnh địa chính trị. Họ xem chuyến viếng thăm này như là một đòn ngoại giao phối hợp giữa Việt Nam với Mỹ chống lại Trung Quốc và là một chiến thắng mới của Mỹ trong việc đối phó với Trung Quốc về mặt chiến lược”.
Theo Hoàn cầu Thời báo, “một số nhà quan sát Mỹ và một số trí thức muốn gồm cả Việt Nam vào phe của Mỹ chống Trung Quốc. Tuy nhiên, mục tiêu này không chỉ xa vời, mà còn sẽ không bao giờ với đến được”.
Tờ báo này nhìn nhận rằng việc Hà Nội phát triển quan hệ với Washington là điều tự nhiên, vì dẫu sao Hoa Kỳ là một trong những thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam. Duy trì quan hệ tốt với Mỹ sẽ phục vụ cho lợi ích quốc gia của Việt Nam. Xu hướng này sẽ được củng cố trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền Biển Đông.
Nhưng Hoàn cầu Thời báo nhắc lại : “Trong khi Việt Nam xem Trung Quốc như một mối đe dọa cho an ninh quốc gia của mình, thì Việt Nam cũng được hưởng lực kéo kinh tế từ Trung Quốc và cũng được sự sự hỗ trợ từ thế chế Cộng sản Trung Quốc”.
Tờ báo này kết luận bài viết với lời cảnh cáo : “Các mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa Việt Nam và Hoa Kỳ một phần nhắm vào Trung Quốc, và như vậy sẽ kéo theo các đòn đánh trả của Trung Quốc. Điều này sẽ tạo ra áp lực lên ba phía, nhưng trong trường hợp đó, Việt Nam có thể là kẻ phải chịu thiệt hại nhiều nhất”.
Thanh Phương
(RFI)