Việt Nam Thời Báo

VNTB- Vụ án thảm sát tại Chơn Thành, Bình Phước: Mọi công dân đều được quyền đưa ra chứng cứ

Ls. Trần Thành
(VNTB) – Rộng đường dư luận, bài viết này xin được luận bàn về sử dụng chứng cứ trong luật tố tụng hình sự Việt Nam.
“Sau khi cơ quan điều tra bắt 2 nghi phạm Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến, đồng thời đã tổ chức họp báo công bố một số thông tin chính của vụ án mà vẫn còn suy diễn không chính xác, làm cho người dân hoang mang”, đại tá Trần Thắng Phúc, Giám đốc Công an tỉnh Bình Phước, nói và cho biết Cơ quan điều tra cũng đã thu được dấu vết để giám định AND của nghi phạm Dương.
Vụ án thảm sát xảy ra hôm 07-07-2015 tại huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước đã được khởi tố vụ án, khởi tố bị can vào chiều 13-07. Sáng ngày 13-07, thông qua luật sư Nguyễn Thành Công, gia đình của hai bị can bày tỏ mong sớm nhận được sự hỗ trợ của các luật sư vì… “khó khăn tài chính”, nên gia đình hai bị can mới xoay xở được khoản “chi phí khiêm tốn” để thuê luật sư.
Rộng đường dư luận, bài viết này xin được luận bàn về sử dụng chứng cứ trong luật tố tụng hình sự Việt Nam.

Chứng cứ là những gì có thật
Thông thường, một vụ án hình sự xảy ra bao giờ cũng để lại dấu vết và những dấu vết đó được thể hiện dưới những hình thức khác nhau, mà những dấu xết này có ý nghĩa quan trọng nhằm xác định có hay không có hành vi phạm tội. Các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ căn cứ vào những dấu vết đã thu thập được để khởi tố, truy tố hay xét xử một người đã có hành vi phạm tội, những dấu vết đó được gọi là chứng cứ. Theo quy định tại Điều 64 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) thì: “1. Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự do Bộ luật này quy định mà Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án.
2. Chứng cứ được xác định bằng: a) Vật chứng; b) Lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; c) Kết luận giám định; d) Biên bản về hoạt động điều tra, xét xử và các tài liệu, đồ vật khác”.
Như vậy, xét về bản chất, chứng cứ là những thông tin, tài liệu hay những gì có thật được cơ quan tiến hành tố tụng thu thập, kiểm tra và đánh giá theo quy định của pháp luật nhằm phục vụ cho việc giải quyết đúng đắn vụ án hình sự.

Khi nào được coi là “chứng cứ vụ án”?
Theo quy định của BLTTHS thì một thông tin, tài liệu chỉ có thể được coi là chứng cứ của vụ án khi nó có đủ ba thuộc tính sau: (1) Tính khách quan: Là những gì có thật và phản ánh trung thực những tình tiết của vụ án hình sự đã xảy ra. (2) Tính liên quan: Có mối quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với vụ án. Nhưng cho dù là trực tiếp hay gián tiếp thì đó cũng phải là mối quan hệ nội tại, có tính nhân quả, tức là chứng cứ phải là kết quả của một loại hành vi hoặc hành động hoặc một quan hệ nhất định, ngược lại, hành vi, hành động hoặc quan hệ đó là nguyên nhân dẫn đến việc hình thành các chứng cứ này. (3) Tính hợp pháp: Tất cả những gì có thật phải được cung cấp, thu thập, nghiên cứu, bảo quản theo một trình tự do luật định. Đây là trình tự nhằm bảo đảm giá trị chứng minh của chứng cứ.
Trong thực tế, tính hợp pháp của chứng cứ được xác định thông qua hoạt động chứng minh được toà án và tất cả người tham gia tố tụng thực hiện và tuân thủ.
Trong quá trình chứng minh, trong các giai đoạn tố tụng, hoạt động sử dụng chứng cứ gắn liên với hoạt động đánh giá chứng cứ, đánh giá chứng cứ và sử dụng chứng cứ có mối quan hệ chặt chẽ không tách rời. Đánh giá chứng cứ là tiền đề, là điều kiện cho sử dụng chứng cứ. Sử dụng chứng cứ là sự kiểm nghiệm, xác định lại kết quả của hoạt động đánh giá chứng cứ. Đánh giá chứng cứ không đúng, tất yếu dẫn đến kết quả sai lầm, không đúng đắn của việc sử dụng. Ngược lại, việc sử dụng chứng cứ sai mục đích, không phù hợp giữa nội dung, giá trị chứng minh của chứng cứ với đối tượng cần phải chứng minh là làm hạn chế kết quả của hoạt động đánh giá chứng cứ.

Chứng cứ lời khai dễ bị sai lệch
Pháp luật tố tụng hình sự đã qui định thế nào là chứng cứ, chứng cứ được xác định ở những nguồn cụ thể. Việc sử dụng những chứng cứ ở nguồn luật định phải chấp hành nghiêm chỉnh theo những qui định của pháp luật tố tụng. Đặc biệt với những chứng cứ là lời khai của những người tham gia tố tụng, do đặc điểm của những chứng cứ này thường bị xen lẫn yếu tố chủ quan, dễ bị sai lệch, vì vậy khi sử dụng các lời khai của người tham gia tố tụng ở các tư cách khác nhau phải tuân theo đúng những qui phạm trong BLTTHS. Chẳng hạn, khi sử dụng lời khai của bị can, bị cáo làm chứng cứ luôn phải hết sức thận trọng vì “ …Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ, nếu phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án.  không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội” (khoản 2 Điều 72 BLTTHS).
Đối với bị can, bị cáo là vị thành niên, hoặc người làm chứng dưới 16 tuổi thì chỉ được sử dụng lời cung của bị can, bị cáo, lời khai của người làm chứng (là vị thành niên) để làm chứng cứ của vụ án khi việc hỏi cung được tiến hành theo đúng qui định của pháp luật; “…Trong trường hợp người bị tạm giữ, bị can là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi hoặc là người chưa thành niên có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc trong những trường hợp cần thiết khác, thì việc lấy lời khai, hỏi cung những người này phải có mặt đại diện của gia đình, trừ trường hợp đại diện gia đình cố ý vắng mặt mà không có lý do chính đáng (…) Tại phiên toà xét xử bị cáo là người chưa thành niên phải có mặt đại diện của gia đình bị cáo, trừ trường hợp đại diện gia đình cố ý vắng mặt mà không có lý do chính đáng, đại diện của nhà trường, tổ chức…” (khoản 2,3 Điều 306 BLTTHS); “…Khi lấy lời khai của người làm chứng dưới 16 tuổi phải mời cha mẹ hoặc người đại diện hợp pháp khác hoặc thầy giáo, cô giáo của người đó tham dự…” (khoản 5 Điều 135 BLTTHS).
Đối với lời khai của người bị hại, của nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và lời khai của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, thì không được dùng làm chứng cứ những tình tiết do những người trên trình bày, nếu họ không thể nói rõ vì sao biết được tình tiết đó (các Điều 68, 69,70 BLTTHS).
Khi sử dụng lời khai của người làm chứng, lý thuyết mà các thẩm phán đều nằm lòng là: “1. Người làm chứng trình bày những gì mà họ biết về vụ án, nhân thân của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị hại, quan hệ giữa họ với người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị hại, người làm chứng khác và trả lời những câu hỏi đặt ra. 2. Không được dùng làm chứng cứ những tình tiết do người làm chứng trình bày, nếu họ không thể nói rõ vì sao biết được tình tiết đó” (Điều 67 BLTTHS).

Mọi công dân đều được quyền đưa ra chứng cứ
Như trình bày ở trên, việc sử dụng chứng cứ phải tuân thủ nguyên tắc khách quan, toàn diện và đầy đủ trong tố tụng hình sự. Chỉ sử dụng các chứng cứ được phát hiện, thu thập theo đúng quy định của pháp luật tố tụng hình sự, và các chứng cứ đó phải được kiểm tra đầy đủ, bảo đảm ba thuộc tính của chứng cứ và phải phù hợp với thực tế khách quan.

Lưu ý, trong quá trình tiến hành tố tụng, không chỉ cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng được sử dụng chứng cứ vào quá trình chứng minh, mà tất cả những người tham gia tố tụng, các tổ chức xã hội và mọi công dân đều có quyền đưa ra chứng cứ, sử dụng chứng cứ  nhằm làm sáng tỏ sự thật khách quan.

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.