Ngọc Thịnh (VNTB) Hiện tại, mới có kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam – được tính từ cột mốc phát hành tờ Thanh Niên của ông Nguyễn Ái Quốc làm tại tỉnh Quảng Châu, Trung Quốc vào ngày 21-6-1925.
Trong lịch sử báo chí Việt Nam, từ những năm 60 thế kỉ 19 đã có “Gia Định báo” và một số báo khác lần lượt ra đời tại Sài Gòn, Hà Nội và một vài địa phương khác. Những năm đầu thế kỷ 20, hàng loạt tờ báo của người Việt Nam được xuất bản, tập hợp nhiều nhà văn, nhà báo, nhà trí thức theo từng nhóm nhỏ, nhưng có các khuynh hướng chính trị khác nhau.
Tôi cho rằng bao giờ có Ngày Báo chí Việt Nam, được tính từ ngày phát hành số đầu tiên của Gia Định báo, thì khi ấy mới có nền báo chí tự do ở Việt Nam. Và với lẽ đó, cá nhân tôi cho rằng báo chí Việt Nam hiện chỉ là cánh tay nối dài của cơ quan tuyên giáo.
Điều này có thể kiểm chứng qua kết quả khảo sát của Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (tiếng Anh: Committee to Protect Journalists, CPJ), thì Việt Nam đứng thứ năm trong các quốc gia trên thế giới, giam cầm người làm báo. Còn theo bảng xếp hạng về mức độ tự do báo chí do tổ chức Phóng viên không biên giới (Repoeters sans frontières RFS) khảo sát năm 2014 thì Việt Nam là một trong mười quốc gia xếp hạng cuối.
Hầu hết tất cả các tờ báo của Việt Nam đều phải làm theo những định hướng do Ban Tuyên giáo trung ương chỉ đạo. Vì vậy có nhiều sự thật được báo chí đưa tin qua lăng kính bắt buộc của cơ quan tuyên giáo, mà cụm từ hay được nhắc đến là “định hướng tuyên truyền”. Do đó không ít bi hài xảy ra, như ở địa phương, ngày nào người dân cũng nghe kêu gọi học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Trong khi chính những người tuyên truyền này lại là những người mắc sai lầm như tham nhũng, hối lộ, lạm chức lạm quyền…
Mới đây trong kỳ hợp quốc hội Bộ tưởng Nguyễn Bắc Son cũng cho biết: “Quản lý báo chí ở nước ta là một công việc hết sức khó khăn, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng làm tốt. Theo quy định thì Chính phủ sẽ là người quản lý tất cả các cơ quan báo chí, mà trách nhiệm trực tiếp thì thuộc về Bộ Thông tin và Truyền thông”. Như vậy có thể thấy rằng dù muốn dù không các cơ quan báo chí Việt Nam vẫn phải nhìn mặt người quản lý mà viết. Dù là một nhà báo nhiệt huyết với nghề, với thông tin, sự thật… nhưng cũng không thể làm khác được khi trong một guồng quay đã đặt sẵn. Một là họ nương theo, hai là bị loại ra khỏi nơi đó một cách không thương tiếc.
Khi các tổ chức nước ngoài nhận định Việt Nam là một quốc gia không có tự do báo chí, thì Bộ trưởng Nguyễn Bắc Sơn đã khẳng định: “Một số tổ chức nước ngoài, trong đó có cả tổ chức nhân quyền thế giới bảo ta không có tự do báo chí đó là họ nói không đúng và nhìn nhận không đầy đủ. Thực ra ta có nhân quyền và báo chí ở ta tự do hơn họ rất nhiều. Bằng chứng là các hội các ngành đều có một tờ báo riêng, trên thế giới có khoảng 20 nước có luật báo chí thì trong đó có cả Việt Nam. Thực tế thì Việt Nam tự do báo chí hơn nhiều nước khác”.
Những điều Bộ trưởng nói nghe rất có lý nhưng lại không đưa ra một dẫn chứng và số liệu cụ thể về những điều đó. Việt Nam cần đưa ra những tiêu chí cụ thể rõ ràng để đánh giá mức độ tự do báo chí của mình như thế nào?. Không thể nêu lên bằng quan điểm cá nhân, theo kiểu nói suông bằng việc các hội ngành có các tạp chí, tờ báo riêng được. Đó là một kiểu ngụy biện.
Mặc dù luật báo chí của Việt Nam thể hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân.. “Luật Báo chí năm 1989 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí (ngày 12-6-1999) đã thể hiện rõ quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân: Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình. Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ; không một tổ chức, cá nhân nào được hạn chế, cản trở báo chí, nhà báo hoạt động… Báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, phát sóng.”
Tuy nhiên trên thực tế, các ông, bà tổng biên tập đều là đảng viên (đây là tiêu chuẩn đầu tiên để xét bổ nhiệm), mà theo Điều lệ Đảng Cộng sản VN, các đảng viên phải tuân thủ theo chỉ thị của cấp trên. Do vậy, cuối cùng báo chí Việt Nam vẫn chịu sự chi phối quản lý của Đảng.
Tôi nhớ lúc còn là học sinh cấp 3, khi học môn lịch sử thì thầy giáo có mở laptop cho chúng tôi coi những đoạn clip về ông Hồ Chí Minh. Về những sự thật mà trước giờ chúng tôi chưa từng nghe thấy về ông. Nhưng khi xem chúng tôi phải canh chừng phía ngoài, đồng thời thầy cũng dặn là không nên nói những sự việc này ra, vì “không tốt cho chúng ta”. Vậy đó, trước thông tin, trước sự thật chúng tôi không được phép tiếp cận một cách công khai. Và khi muốn tìm hiểu, bày tỏ quan điểm về những điều thật thì bị cấm cản hoặc bị quy kết tội phản động.
Như vậy thì người dân một lần nữa bị cản trở việc tiếp cận thông tin từ bên ngoài, từ những nguồn khác nhau. Họ chỉ được phép biết những điều mà nhà nước đưa ra và nghe những điều đó là đúng.
Thay cho lời kết, tôi muốn chia sẻ rằng, một khi chỉ có sự đơn điệu, sự nghèo nàn của nền báo chí nhân danh Cách mạng Việt Nam, thì thực đơn trên bàn tiệc thông tin của người dân luôn là sự nhai lại nhàm chán của một kiểu nhìn ra bầu trời qua khung sắt của cánh cửa sổ hẹp.
Tham luận tại Hội thảo “Việt nam: Tự do cho báo chí” do Hội Nhà báo độc lập VN tổ chức tại Sài Gòn ngày 3/7/2015