Việt Nam Thời Báo

VNTB – ‘Diễm mộng Nhất nguyên’ đồng chia cho ‘quốc-cộng’

Tôn Trọng Dân (VNTB) Trí thức hải ngoại: Chúng ta cùng đơn ca? ngay cái tựa (dù rằng, theo tôi, có thể hơi..”vơ đũa”), tác giả Từ Linh đã khái quát cho thấy tính Nhất nguyên của (một số) “Trí thức hải ngoại”: xem như  là “đa” vì rất nhiều người trong “Chúng ta”, nhưng, vẫn “đơn ca”, tuy khó thể “cùng” chung 1 giọng, nhưng, vẫn cứ “cùng” chung 1 bài. Đã là “đơn ca”, theo đúng nghĩa đen, ắt không hề có “bè” nào được quyền đi theo. Tư duy nhất nguyên, như vậy, được mô tả chính xác bản chất, chỉ ngay trong 1 cái tựa.

Cuộc thay đổi nào (tôi tránh dùng ở đây từ ‘cách mạng’ vì từ này đã bị ‘hãm hiếp’ đến độ rách tươm bươm, loang lổ, nhầy nhụa-cần một thời gian để miệng vết thương kéo kín-nỗi nhục lên da non) cũng cần đến những con người. Những con người cụ thể. Có thở, có sống, có yêu, có ghen tuông, có hờn giận, có ích kỷ, có thức khuya dậy trễ, có dối láo, có tếu táo, có bừa bãi, có ngược đãi, có nồng hậu, có gian manh… Chả ai là thánh nhân. Những con người đó vẫn đang sống trong Kỷ nguyên Bạo lực, và “Nếu ý thức dân chủ của xã hội chưa đầy đủ, thể chế nhất nguyên cộng sản có thể sẽ được thay bằng một thể chế nhất nguyên độc tài khác[1]. Chính xác.

Song le, nói có thể là Quý ông Nguyễn Quang Duycòn gượng nhẹ. Tôi nghĩ rằng, theo quán tính, chắc chắn nhất nguyên sẽ luôn được thay bằng nhất nguyên. Lý do? – giản dị là: làm gì có chuyện đã hy sinh mà lại không được thụ hưởng? Làm gì không có chuyện “con anh Năm, cháu chị Chín”? Làm gì không có chuyện: “ảnh quen tui hồi ở bển/chỉ giúp em hồi còn ở trển ..”? v.v… Nào ai nhìn được Lưng mình? ai khéo khoe Ruột mình .. thơm nức hương hoa? Rứa cả thôi. Đồng mộng như nhau tất.

Tìm hiểu một chút: thuyết Nhất nguyên, hay Nhất Nguyên Luận là quan niệm thần học/siêu hình học cho rằng tất cả thế giới đều thuộc về một bản chất, một nguyên lý; mọi chất hay năng lượng, tất cả đều có chỉ một khởi nguyên. Trong triết học, thuyết Nhất nguyên xác tín chỉ có một khởi nguyên duy nhất (hoặc là khởi nguyên vật chất, hoặc là khởi nguyên tinh thần) làm cơ sở cho tất cả những gì tồn tại. Đối lập với Nhất nguyên luận là Nhị Nguyên Luận (thừa nhận có hai khởi nguyên độc lập) và Đa nguyên luận (cho rằng có nhiều khởi nguyên cùng tồn tại).

Tư duy nhất nguyên là một loại hình thái tư tưởng cơ bản của con người, vốn tiến hoá từ vùng tăm tối tế bái hoang mông đến nền văn minh lịch thiệp ứng xử, nên, nó bao gồm một dải gồm nhiều khái niệm/chính kiến/thái độ/tư thế…, và do vậy, nó dung chứa rất đa dạng các loại người, không phân biệt giới tính.tín ngưỡng.chủng tộc.văn hoá…. Trong đó, có từ gã gia trưởng đến mụ chuyên quyền, từ cô gái chỉ thích nhìn thằng trai nào cũng phải quỳ mọp dưới chân mình cho đến thể loại dân chủ 1 chiều cưỡng ép.truy bức kẻ khác thừa hành theo chiều đã được quyết bất kể sai/đúng, từ chế độ bầu cử bị chỉ đạo thao túng bởi một chính quyền gia đình trị cho tới thể chế toàn trị v.v.. Ảo tưởng “mình duy nhất đúng” không chỉ là vấn đề tâm lý của kẻ cuồng tín, mà có thể là của bất cứ ai trong Kỷ nguyên mà Bạo lực là chúa tể thống trị: Mạnh được, Yếu thua (phái sinh là các dạng: Mạnh vì Gạo, Bạo vì tiền; nén Bạc đâm toạc tờ giấy v.v…).

Không quá khó để người ta có thể thấy, tư duy nhất nguyên có nhiều mức độ ứng xử với thế giới bên ngoài, tạm gồm, mức ứng xử 1: việc nó tự biết, tự nhận thức, tự nguyện làm/hoặc cho phép mình làm (nói trắng ra, là ban ơn bố thí tí quyền ân cho kẻ hầu xung quanh) mức ứng xử này là thái độ nền; mức ứng xử 2: việc nó có thể làm (chỉ xảy ra sau khi thấy nguy cấp vì nhận ra cái sai của mình gây tác hại cho chính mình): ở mức ứng xử này, nó chia sẻ không khí thở và thêm chút xíu quyền cho người chung quanh, cho kẻ hầu bậu xậu dưới chân; và mức ứng xử 3: việc nó buộc phải làm, nếu không làm thì sẽ chết: ở mức ứng xử này, nó rộng tay ban phát của cải cho mọi người hóng hớt xung quanh/hoặc gia tăng khủng bố, đàn áp, nhưng, tất nhiên, không bao giờ .. nhổm mông rời khỏi chiếc ghế quyền lực.

Như mụ hoàng hậu mẹ ghẻ của nàng Bạch Tuyết thường soi vào những tấm gương thần biết nói, hằng thông báo cho mụ biết mụ xấu xa chỗ nào, dư luận/công luận dân dã luôn làm cái công việc này, thực chất: vì lợi ích của “vương quốc”. Giữ vương quốc vững là chính, để triều đại này có thể đổi sang triều đại khác (“kinh dị” hơn hay thoáng khí hơn, chuyện đó còn tuỳ, hậu xét). Chuyện còn lại là cái vương triều đương quyền đó có vì chính nó mà sửa chữa hay không là chuyện do nó tự định đoạt. Riêng mụ hoàng hậu ghẻ này lại không phải loại “răng đen mã tấu” đời đầu trong óc của Quý vị vốn mãi ôm ấp bóng hình xưa cũ của cải cách ruộng đấtchúng tôi muốn sống [2], nên mụ có cách ứng xử uyển chuyển 3 mức độ bên trên đã nêu.

Năm 1975, ứng với chuyện không tàn sát, tiêu diệt kẻ thù đã bại trận, mà lại áp dụng chính sách cho đi học tập cải tạo có lừa dối về thời lượng, bắt những người quen ăn sung mặc sướng từ nguồn lương tiền hậu hĩnh phải cắm mặt vào đất, thọc tay vào phân để tìm lẽ hạnh phúc trong lao động quang vinh, chính là lúc mụ hoàng hậu ghẻ ban phát ‘hồng ân’ hoàn toàn tự nguyện trên cơ sở trung ương não đã tranh luận và thống nhất cách đối xử “nhân văn nhất”, tương ứng với mức ứng xử 1 như đã phân tích bên trên.

Sang 1986, cách hơn một thập niên sau, chính sách đổi mớiđỗ mười [3] ra đời hoàn toàn không do nhận thức sáng sủa của tự thân mà do ánh nắng chói từ điện Kremli rọi sang và do hiện thực héo rũ của cái cách nghĩ ăn bobo bổ dưỡng thần thái, uống xuyên tâm liên chữa được bách bệnh, diệt hợp tác xã vì quá giống..công xã; do não trạng ngăn sông.cấm chợ.phân biên giữa các tỉnh đã tạo nên cảnh “màn trời chiếu đất” rất là mất vệ sinh.. nên mụ hoàng hậu ghẻ đã làm cái việc buộc phải làm (mức ứng xử 3), nếu không, dân chúng sẽ xông vào lâu đài lôi đầu mụ ra treo cổ, đốt cung điện. Dần đến nay, dù chẳng có một biên cương thời điểm nào rõ ràng, song, tiến trình dân chủ tự do ăn nói đã bung toang cửa thế giới ảo cho xe cộ các phương lao đi.phóng lại vùn vụt, thì, người ta thấy, mụ hoàng hậu tuồng như đang rã rời buông tay hết mức. Song thực ra, mụ lại đang làm cái việc có thể làm (mức ứng xử 2) mà thôi.

Trong khi đó, cái gương thần kia (phong trào dân chủ) lại đang tự ‘nâng cấp’ ứng xử của mình từ tự nguyện làm (mức ứng xử 1) lên thẳng boong mức ứng xử 3  không thông qua thời kỳ quá độ nào: bằng cách nghiêng về chiều hướng xiết chặt chuyên chính sắt/ thúc ép người khác chính kiến phải tự giác kiểm duyệt đục bỏ mọi tư duy khác kiểu (vụ này ở hải ngoại là rõ hơn), tăng cường “đánh phá” bằng mọi thứ vơ được vào tay: cứ ném, ném và ném (vụ này Quý vị dân chủ ở quốc nội hăng là chủ yếu). Thực ra, đây là cách ứng xử: buộc phải làm,không làm thì sẽ chết – một kiểu ứng xử đường cùng, bế tắc đường lối.

Phân tích như thế để từ một góc độ khác, không quen thuộc-ngọt ngào, hiểu rõ hơn bản chất và cách tính toán của các phía tư duy nhất nguyên đang “chiến” với nhau bằng..thái độ (còn khá lâu để đạt chuẩn: chiến bằng cân não). Trong cuộc chiến bằng..thái độ này, làm gì người dân thấy được lợi ích của mình mà họ tham gia? Do vậy, thắc mắc ngẩn ngơ (người dân hèn, vô cảm, không nghĩ xa về dân chủ cho tương lai đời con, đời cháu v.v.. không chịu xuống đường theo lời hiệu triệu tha thiết v.v..) của khá nhiều vị “dân chủ” (lại chẳng hề có một dự án khả dĩ tươm tất nào trong tay), là một thắc mắc không chính đáng.
Dẫu rằng, mụ hoàng hậu ghẻ cộng sản đang tuột dần lớp áo váy chính nghĩa, nhưng, điều đó không đồng nghĩa ngay tắp lự là thứ trang phục ‘chính nghĩa’ đó đương nhiên sẽ oà tót vào lòng những người tự mệnh dân chủ “tay trắng”.

Vậy, đâu là đặc trưng của thứ tư duy nhất nguyên cha đẻ của quyền lực nhất nguyên?
Một phần diện mạo của thứ tư duy nhất nguyên này được tác giả Minh Võ ‘chộp được’ thông qua bài Cao Xuân Vĩ kể việc Ngô Đình Nhu bí mật gặp ông Phạm Hùng ở khu rừng Tánh Linh, Bình Tuy: “Bất kỳ cái gì của hay thuộc về Giáo Hội đều cao cả, đều tốt đẹp, đều tuyệt vời, bất kỳ cái gì của hay thuộc về các tôn giáo hay nền văn hóa khác đều tầm thường, hoặc xấu xa, đáng phỉ nhổ hay tiêu diệt”.

Nhận ra biểu hiện của loại tư duy nhất nguyêndân chủ 1 chiềutrong đời thường thì dễ hơn nhiều. Hình ảnh gã gia trưởng là điển hình dễ nhận ra nhất. Khi bạn nói về dân chủ nhưng trong mỗi hành vi thường ngày, bạn vẫn là người định hướng cho người thân trong nhà trên cơ sở phấn hứng của riêng bạn, không mang dấu vết gì của (và nhất là) những người khác – lúc đó, bạn cứ vẫn là nhân dâncủa thể loại tư duy nhất nguyênmột cách vô thức.

Sau đây là một ví dụ khác: “Thắng lần này là thắng cho dân tộc, cho ‘Con Người’. Không phải thắng cho một cá nhân hay phe nhóm. Đến lúc đó dù người nào, nhóm nào được bầu lên cầm quyền thì chủ quyền cũng thực sự là của nhân dân[4]. Nghe, sướng thật. Song, Mơ về “một nhà nước thực sự là của nhân dân” sao được khi tất cả các bài viết thể hiện quan điểm của Bạn đều không có tác phẩm nào cho thấy nghĩ suy về cách làm sao để xây dựng thực sự một Xã hội Công dân, ít nhất triệt tiêu được các mầm bất công thường thức? 

Cho nên, nếu không có một hoặc hai chính đảng minh thị, làm công việc dìu dẫn người dân hướng đến một xã hội công dân-dân chủ-đa nguyên, thì, điều tất yếu sau khi cộng sản bước xuống (nếu có thể như thế, còn theo tôi, thì, với cách đấu tranh hiện nay, cộng sản cơ hồ được tiêm thêm kháng thể, vững mạnh hơn) luôn là một chính thể khác bước lên đăng quang, với chùm nguyệt quế tư duy nhất nguyên lủng lẳng, và lại nảy sinh các thứ: ham quyền cố vị, giành công, tham nhũng-hối lộ .. trước khi bộc lộ mâu thuẫn, xung đột, ám sát, trấn áp và tiếp tục những cuộc biểu tình ợ.hét đòi tự do, công bằng mới đầy ồn ã, lăn lộn, máu me…

Mất cả trăm năm nữa, Việt Nam ơi.

Dù bản thân mình vẫn tư duy kiểu nhất nguyên, song một cách vô thức, người ta đã phát hiện và tự phát lên án, chống lại kiểu tư duy nhất nguyên ra sao?

Sau khi thua cuộc, thay vì phá thối người thắng, MT nên lo củng cố lại hang ngũ và làm những việc tốt hơn để đồng bào tin tưởng, lần sau sẽ ủng hộ. Tiếp tục đánh phá sau khi thất cử là đi vào con đường cùng, càng đánh phá càng thua đậm[5]. Lần này, Lão Móc đã rất chính xác. Nhưng, theo nhà văn nổi tiếng nhờ chống cộng Lão Mócnày, đây là “bài học” riêng chỉ dành cho đảng Việt Tân thôi sao? Tiếc vô ngần.

Có lẽ cũng có ích khi thử xem kiểu tư duy nhất nguyên này ẩn mặt thế nào trong một đoạn lịch sử hoá thạch chưa xa? – Dưới đây là một liệt kê khái quát những cá nhân, đảng phái “Quốc gia” đã “Làm gì” để có “Dân chủ” trong nền Đệ Nhị Cộng hoà:

Hàng loạt nhân sĩ, trí thức yêu nước đã tập hợp lại trong ‘Phong Trào Chống Tham Nhũng’ do Linh Mục Trần Hữu Thanh đứng đầu, ra mắt tại Giáo Xứ Tân Việt, Sài Gòn, từ năm 1973, là một tập hợp tương đối lớn, có nhiều tín đồ nhất, và tại nhiều địa phương nhất, cùng với Mặt Trận Nhân Dân Tranh Thủ Hòa Bình, Phong Trào Học Sinh Sinh Viên Đòi Quyền Sống, Phong  Trào Chống Tăng Học Phí, Chống Độc Diễn, trong đó, các lãnh tụ đảng phái và tôn giáo, như Phan Bá Cầm (Hòa Hảo), Trần Quang Vinh (Cao Đài), Hà Thế Ruyệt (đảng Duy Dân), Thượng Tọa Pháp Tri và các ông Ngô Văn Ký, Nguyễn Văn Lục, Xuân Tùng(Việt Nam Quốc Dân Đảng) thành lập ‘Trận Tuyến Nhân Dân Cách Mạng’, kêu gọi Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức, Chủ Tịch Thượng Nghị Viện Trần Văn Lắm lên án TT Thiệu ‘lạm quyền, tham nhũng’. Nhóm ‘Sóng Thần’ thì tổ chức ‘Ngày Ký Giả đi Ăn Mày’ rồi tiếp theo là ‘Ngày Công Lý và Báo Chí Thọ Nạn’ suốt trong tháng 10.1974.

Quý vị thấy sự thật gì?

Có 3 sự thật, khó thể ảo thuật/hát lạc giọng/viết lại phối âm:

Sự thật thứ Nhất: các sự kiện này (như tác giả Lê Xuân Nhuậndẫn ra trong Tóm-Lược Sử-Liệu Bức-Tử Việt-Nam Cộng-Hòa), đã cho thấy: suốt 10 năm trước 30.4.75 và cả sau mốc 1975, tận tít tới 40 năm qua, các tổ chức, phong trào nói trên, cả của Phật giáo, lẫn của Thiên chúa giáo không thể và không hề là các lực lượng do Cộng sản “tài ba” gầy dựng. Không phải là lẻ tẻ chống đối, mà là rầm rầm chống đối. Họ, đại đa số là dân cư đô thị hoa lệ, và là những lực lượng Dân chủ-Phi Cộng, chống tham nhũng, chống độc tài, không hề là do cộng chi phối trả tiền (cộng không giàu đến mức đó).  Đó có không là một thực tế lịch sử đã hoá thạch?;

Sự thật thứ Nhì:  các đảng phái “quốc gia” không hề có chí hướng dựng xây một Xã hội Dân chủ, chưa hề xây dựng được một cấu trúc khác để thay thế cho hiện trạng mà họ lên án (dù là để thay chế độ TT Thiệu ngày trước, hay là để thay chế độ CH.XHCN hiện nay) như tác giả Tùng Phongtừng trăn trở (xem lại phần 2.Nhân danh Mặt trời), dù rằng, ở thời điểm ấy, họ được sống riêng tại miền Nam (cộng phỉ vẫn bị khu trú ngoài miền Bắc và trong bưng biền quê mùa ngu xuẩn) và thậm chí tập hợp được cả sức mạnh làm lung lay chế độ ông Thiệu, nhưng, họ vẫn không ngồi lại được với nhau, vẫn không chỉ ra được đường hướng nào tốt hơn cho “đất nước miền Nam của mình”. Thử hỏi: Vậy, liệu Quý vị kêu gào tái lập Việt Nam Cộng hoà này có thể có hướng đi lành mạnh, rõ ràng cho toàn quốc, cho cả một đất nước (dẫu vẫn chưa hoàn thiện nền Dân chủ Pháp quyền thực sự) đã hùng mạnh gấp bội lần sau hơn 50 năm qua?

Sự thật thứ Ba:  Những con người yêu nước này, sau ngày 30.4 đã được phía Cộng sản “đền ơn, đáp nghĩa” ra sao? đảng Cộng sản đã trân trọng và phát huy được tài năng, nhiệt huyết của bao nhiêu người trong số họ? hay là, họ – những con người từng được gọi là đại diện cho “Lương tâm nhân dân[6]– chỉ gào thét dân chủ (các phong trào lăn lộn/xé áo/tụt quần hiện nay vẫn phải gọi họ bằng..’cụ’) ủng hộ cộng sản chiến thắng, rồi sau đó…họ lại bị cộng sản cô lập, thậm chí cho vào tù, và sự hy sinh của họ đã bị ‘người dân’ không chỉ quên lãng mà còn…biếm mỉa?

Trong cả 3 sự thật khó có thể ảo thuật/hát lạc giọng/viết lại phối âm  nói trên, đều thấy bóng dáng của kiểu tư duy nhất nguyên: lúc thì thậm thụt đểu cáng, khi lại phô diễn nghênh ngang, đoạn lại hững hờ hiểm độc. Óc tư duy nhất nguyên trong những cái đầu khê đặc ấy, có cả trí thức lẫn loại bị trí thức chê là không trí thức. Có tất.

Vậy, cái kiểu tư duy nhất nguyên vô thức ấy nó mang lại lợi ích cho ai và ai không bao giờ được hưởng lợi ích từ nó?

Chú thích


[1] xem Việt Nam với nhất nguyên và đa nguyên Nguyễn Quang Duy 3 tháng 9 2014 
[2] Toàn bộ hình ảnh tố cáo vụ cải cách ruộng đất thấm oan khiên, đẫm máu người trên đất Bắc của VNDCCH đều được lấy ra từ bộ phim “Chúng Tôi Muốn Sống” là phim của đạo diễn Vĩnh Noãn và đạo diễn người Philippines Manuel Conde, do hãng phim Tân Việt với Giám đốc là ông Bùi Diễm sản xuất, trình chiếu miễn phí ở miền Nam từ năm 1956. 
[3] Thuở ấy, báo chí thế giới tâng bi (hệt như khi tán tụng Khmer Đỏ cho vừa lòng Bắc Kinh và Washington) gọi từ đổi mới nhập nhoạng-nhập nhằng với tên vị ‘lãnh tụ’ Đỗ Mười: domuoi/doimoi, vốn là một “chuyên gia diệt giàu” nức tiếng của đất nước. Đỗ Mười không có gì hoàn toàn xứng với cái “mác” đổi mới do chính Trường Chinh-Đặng Xuân Khu hoài thai ra này. 
[6] “Lương tâm nhân dân”, anh thư-hào kiệt, anh hùng, chí sĩ v.v… và v.v…: bao giờ những danh từ lóng lánh này cũng vang lên hào sảng trong mọi cuộc huy động ồn ã để thúc giục người dân lật cái cũ thay cái mới khác để ..”cái MỚI” lại tiếp tục thống trị họ. 

* Bài “‘Diễm mộng Nhất nguyên’ đồng chia cho ‘quốc-cộng’” được VNTB trích đăng từ chỉnh thể lạt bài gồm 8 phần: “Net-People” & HẤP LỰC của tác giả Tôn Trọng Dân gửi đến báo” 

* “Tòa soạn VNTB chúng tôi đặt thêm tiểu tựa, hoặc chỉnh sửa tiểu tựa đã có sự thống nhất với tác giả.” 

* Bài viết phản ánh quan điểm và cách viết của tác giả Tôn Trọng Dân.

Tin bài liên quan:

VNTB – Điều Rất May Của Bên Bại Cuộc

Do Van Tien

VNTB – Đồng mộng: cùng ham mê quyền lợi

Phan Thanh Hung

VNTB – Cổ tích về thành ngữ: ngu như bò và Bò đỏ

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo