Thường Sơn (VNTB) – Thông tin của tờ Thời báo kinh tế Sài Gòn phát giác: lần đầu tiên sau khoảng 4 năm qua đã có phiên đấu thầu trái phiếu chính phủ không bán được đồng nào. Phiên đấu thầu chào bán 2.000 tỉ đồng trái phiếu Kho bạc nhà nước kỳ hạn 5 và 10 năm hôm qua 26/5/2015 đã thất bại.
Gần đây nhiều phiên đấu thầu trái phiếu chính phủ của Kho bạc nhà nước trầm lắng, số tiền thu về so với khối lượng chào bán ra rất thấp, song đây là phiên đấu thầu đầu tiên Kho bạc nhà nước không huy động được đồng nào.
Hiện tượng trên phát lộ dấu hiệu gì?
Vào năm 2014 và hai năm trước đó, hiện tượng nhiều ngân hàng đổ xô mua trái phiếu chính phủ đã trở nên quá đậm đặc. Ban đầu, một số người cho rằng đây là kênh sinh lợi suất hấp dẫn nên thu hút giới ngân hàng lãi mẹ đẻ lãi con. Nhưng sau cùng, người ta rút ra được một kết luật cay đắng: trong bối cảnh kinh tế suy thoái trầm kha, đến ngân hàng cũng không biết làm gì với đống tiền ngồn ngộn nên đành phải bỏ tiền nhàn rỗi mua trái phiếu. Có nguồn tin cho biết vào thời cao điểm, giới ngân hàng dùng đến 200.000 tỷ đồng để mua trái phiếu chính phủ.
Còn hiện tượng ngược lại khi trái phiếu chính phủ bị ế có thể dẫn đến một kết luận đảo chiều: kinh tế phục hồi và ngân hàng đã có thể đẩy tiền ra các kênh lưu thông sinh lãi khác, do đó tiền đấu thầu trái phiếu chính phủ bị giảm mạnh. Tuy nhiên cho đến gần đây, mức tăng trưởng tín dụng cho vay của khối ngân hàng vẫn rất chậm, chưa cải thiện được bao nhiêu so với hai năm 2013 và 2014. Tăng trưởng kinh tế thực tế cũng khác hẳn lối tuyên giáo giả dối “GDP quý 1/2015 tăng hơn 6%” của Chính phủ. Rất nhiều ngành sản xuất và kinh doanh vẫn đang ngoi ngóp, quỹ bảo hiểm xã hội đứng trước nguy cơ vỡ trận…
Tình thế trên dẫn tới một diễn giải khác có vẻ hợp lý hơn giả thiết “kinh tế phục hồi và tăng tín dụng”: giới ngân hàng bắt đầu có dấu hiệu khó khăn về tiền mặt. Diễn giải này có thể logic với hiện tượng trong ít ngày qua, một số ngân hàng bắt đầu tăng nhẹ lãi suất huy động.
Thái độ quay lưng của ngân hàng với trái phiếu chính phủ càng làm thê thiết hơn đáy túi vốn đã gần thủng rỗng của ngân sách nhà nước. Nếu liên hệ với tình trạng bội chi ngân sách của ngân sách trong liên tục những năm qua và đều vượt trên mức nguy hiểm 5%, mới có thể nhận ra vì sao lần đầu tiên trong lịch sử tồn tại của mình, phía chính phủ lại phải nêu ra đề xuất vay mượn quỹ dự trữ ngoại hối để chi xài cho “đầu tư công”…
Không thể đòi hỏi giới ngân hàng đặt niềm tin mãnh liệt vào trái phiếu của một chính phủ, nhất là trong cảnh trạng chính phủ đó có thể vỡ nợ bất kỳ lúc nào.
Cảnh trạng đó đang ngày càng áp sát Việt Nam.