Ngọc An (VNTB) – Cái nóng của tháng tư đang bủa vây khắp Sài Gòn. Nó không chỉ từ thiên nhiên mà còn từ lịch sử: 40 năm.
Hình như, thiên nhiên Sài Gòn đang chuyển mình, chuẩn bị cho sự vỡ òa của những cơn mưa sắp tới. Con người cũng có vẻ choáng ngộp, dạt dào hơn với nhiều cung bậc của cảm xúc. Khắp các con đường của Sài Gòn, những khẩu hiệu, những băng rôn, những sự chuẩn bị cho một sự kiện suốt 40 năm qua luôn được tung hô là trọng đại của lịch sử: ngày 30 tháng 4.
Chạy xe quanh các ngả đường, đi bộ ngắm cảnh, tán gẫu với người quen những câu hỏi quen thuộc về cái ngày 30 tháng 4 này có nghỉ vui không, có về quê không, có dự tính đi đâu chơi không…? Ừ thì cũng thấy vui đấy nhưng…
Từ năm này qua năm nọ, thế hệ sinh ra và lớn lên “trọn vẹn” trong đất nước xã hội chủ nghĩa, chúng tôi luôn nghe đi, nghe lại những câu khẩu hiệu, hô ứng những bài học lịch sử được rao giảng khô cứng, thậm chí có không ít bạn cảm nhận chúng là liều thuốc ngủ loại mạnh nhất (!?). Có lẽ vậy nên mới có chuyện ông bộ trưởng giáo dục chẳng chút ngạc nhiên và tuyên bố “điểm 0 môn lịch sử, cũng bình thường như điểm 0 môn toán, vậy thôi!”.
Ở nhà, sau khi hoàn thành những bài tập khó, tôi thường tìm đến tivi như một người bạn để giải tỏa căng thẳng. Thế nhưng, vào những ngày này, bật tivi là lại ra rả những chiến thắng hào hùng, vĩ đại thống nhất đất nước. Phim tư liệu về cuộc chiến tương tàn Bắc – Nam lại được chiếu ở khắp các đài. Những điều ấy, chúng tôi đã nhai mòn, tụng lấy tụng để trong sách lịch sử cho những ngày thi cử và cũng đạt điểm cao vì chịu khó học thuộc bài. (dưới sự năn nỉ ỉ ôi của giáo viên và những lần chép phạt muốn gãy tay). Nếu đổi lại là vở cải lương Tiếng Trống Mê Linh, hình ảnh trắng đen đang phát trên ti vi, thì tôi lại hứng thú và phấn khích đến nổi da gà nổi lên từng đợt…
Cũng lạ. Tôi cảm nhận mình bước qua hơn 20 cái lễ 30-4 và cảm xúc thì đây như ngày nghỉ để rong chơi. Chẳng có gì khiến tôi thấy hứng khởi và tự hào về ý nghĩa lịch sử cả. Bạn bè trang lứa cũng nói ngày này không biết đi đâu chơi, chắc là sẽ… ở nhà ngủ. Đối với họ (nhất là với trẻ em, học sinh còn đang đi học) thì cũng chẳng có gì là kỷ niệm, vì đơn giản ngày đó được nghỉ, được ăn được ngủ tùy ý. Nói thế không có nghĩa là giới trẻ chúng tôi không biết quan tâm đất nước, với lịch sử mà do sự truyền cảm hứng về lịch sử nước nhà hoàn toàn là vô cảm. Nghĩ cũng đúng, anh em sống cùng thời mà còn sẵn sàng phá vỡ quy tắc đã định lúc trước khi ngồi ký kết, thì làm sao có thể “thổi lửa” những bài học lịch sử “vô thần” vào thế hệ trẻ?
Thế đó, lũ trẻ chúng tôi đã lớn lên, đã tự hào là con dân đất Việt và những trang sử vẻ vang của cha ông ta. Nhưng nói thật, cái ngày lịch sử 30-4- 1975, tôi không lấy làm tự hào và vui vẻ như những gì mình được học và như những khẩu hiệu đang treo ngoài kia. Tôi buồn, vì đó là ngày giỗ của hàng triệu người Việt Nam – những người đã ngã xuống vì quê hương.
30 tháng 4 lại đến. Xin được thắp lên nén hương dành cho những người đã khuất, không phân biệt màu cờ, sắc áo…