Việt Nam Thời Báo

VNTB – Phải sửa luật Bảo hiểm xã hội !

Thảo Vy

 doithoai3-5090-1427788129.jpg
Rất đông công nhân tập trung ở khu sinh hoạt để đối thoại với Thứ trưởng Bộ Lao động. Ảnh: Quốc Thắng.

(VNTB) – Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp đã “nói cho lấy có”, vì nếu có một thông tư được soạn thảo nội dung như lời ông Diệp, thì khả năng sẽ vi phạm luật BHXH năm 2014.
Nói cho lấy có?
Trả lời câu hỏi: “Liệu có xảy ra hiện tượng công nhân (CN) xin nghỉ việc để hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần trước khi luật BHXH năm 2014 có hiệu lực?”, thứ trưởng bộ LĐ-TB-XH Doãn Mậu Diệp cho biết vẫn còn 9 tháng nữa để xây dựng thông tư hướng dẫn, do vậy nếu có bức xúc gì CN có thể phản ánh tâm tư thông qua tổ chức công đoàn (CĐ).
Lúc 11g ngày 31-3, ông Doãn Mậu Diệp đã có buổi trao đổi với hàng ngàn công nhân làm việc tại Công ty PouYuen (Q.Bình Tân, TP.HCM) về các quy định mới của luật BHXH 2014, có hiệu lực từ ngày 1-1-2016.
“Trong quá trình xây dựng thông tư hướng dẫn, Bộ LĐ-TB-XH sẽ tham khảo ý kiến rộng rãi, trong đó có CĐ là tổ chức đại diện cho người lao động (NLĐ). Những tâm tư, nguyện vọng chính đáng và hợp pháp của NLĐ sẽ được tiếp thu, từ đó xây dựng các phương án thích hợp nhất nhằm bảo đảm quyền lợi NLĐ” – ông Diệp khẳng định.
Ông Diệp cho biết sẽ trình chính phủ phương án linh hoạt, để NLĐ có thể lựa chọn nhận BHXH một lần như trước đây hoặc bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng lương hưu sau này. NLĐ có thể tự lựa chọn một trong hai phương án đó. Quá trình xây dựng nghị định, thông tư hướng dẫn luật sẽ được công bố rộng rãi, tiếp thu mọi ý kiến đóng góp của NLĐ nhằm đảm bảo tốt nhất quyền lợi của NLĐ.
Tại buổi trao đổi, đại diện NLĐ cho rằng để họ có thể yên tâm làm việc, bộ LĐ-TB-XH phải có công văn thông báo về việc sẽ đề xuất chính phủ xem xét cho NLĐ được quyền tự chọn một trong hai phương án giống như thứ trưởng đã nêu.
Ở đây, thứ trưởng Doãn Mậu Diệp đã “nói cho lấy có”, vì nếu có một thông tư được soạn thảo nội dung như lời ông Diệp, thì khả năng sẽ vi phạm luật BHXH năm 2014.
BHXH là gì?
Luật BHXH năm 2014, ở điều 3 “Giải thích từ ngữ”, ghi: “BHXH là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của NLĐ khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ BHXH”.
Trong luật BHXH năm 2014, tại khoản 1, điều 60 có quy định một số đối tượng được hưởng BHXH một lần như là NLĐ mắc chứng bệnh bại liệt, ung thư, sơ gan cổ chướng, phong, lao nặng…
Các trường hợp khác thì luật BHXH khuyến khích NLĐ có thể bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm trước đó, để sau đó có việc làm thì tiếp tục tích lũy thời gian, đủ để được hưởng BHXH, mức lương hưu hàng tháng, hoặc người tham gia BHXH bắt buộc chưa đủ thời gian tham gia, thì có thể tham gia BHXH tự nguyện.
Quy định mới này sẽ ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi của NLĐ tham gia BHXH, bởi thực tế không phải bất cứ ai cũng có khả năng, điều kiện tham gia đóng BHXH đủ để hưởng chế độ hưu trí. Nhiều người đi làm vì sự thay đổi tạm thời trong vài năm sau đó làm công việc khác hoặc chẳng may gặp tai nạn, không thể bảo lưu thời gian đóng BHXH đến tuổi hưu thì xem như mất quyền lợi đối với quãng thời gian đã đóng BHXH.
Lưu ý, các quy định về BHXH trong luật BHXH năm 2014, được giới hạn trong định nghĩa về BHXH được nêu ở điều 3, luật BHXH năm 2014. Cụm từ “hết tuổi lao động” ở đây cần được hủy bỏ thì điều mà thứ  trưởng Doãn Mậu Diệp cam kết với công nhân làm việc tại Công ty PouYuen trưa hôm 31-3, mới có căn cứ pháp lý để thực hiện.
Còn quá nhiều điều mà NLĐ chưa… để ý
Trước đây, NLĐ đóng BHXH 15 năm đầu khi giải quyết quyền lợi hưu trí được hưởng 45%. Theo lộ trình từ năm 2018 đến năm 2021, NLĐ đóng BHXH 20 năm khi giải quyết quyền lợi hưu trí chỉ được hưởng 45%.
Hiện nay, tiền lương hưu đã ít, không đủ sống. Nếu áp dụng theo lộ trình đó, số lượng lao động của 10 năm nữa khi về hưu thì lương hưu sẽ như thế nào?
Chế độ BHXH và phúc lợi xã hội không tăng lên mà còn tụt giảm đi… Vậy NLĐ không tham gia đóng BHXH nữa được không? Xin hỏi các nhà làm chính sách, các nhà lãnh đạo nghĩ gì và trả lời như thế nào để NLĐ an tâm khi tham gia BHXH?
Một câu hỏi khác cũng đặt ra: Trong khi nếu đóng bảo hiểm nhân thọ, những quyền lợi và nghĩa vụ được thỏa thuận trước, người tham gia biết trước được mình được gì, mất gì khi tham gia. Nếu công ty bào hiểm không làm đúng thỏa thuận, ít ra người đóng bảo hiểm có thể căn cứ vào hợp đồng để kiện ra pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi của mình.
Tham gia BHXH là bắt buộc, mức đóng hằng tháng cũng không nhỏ, nhưng quyền lợi thì không thấy rõ hay được thỏa thuận cụ thể.
Không thể tùy tiện yêu cầu NLĐ đóng tiền sau đó thay đổi chính sách làm thiệt hại đến quyền lợi của họ.
“Tại sao chúng tôi bị bắt buộc đóng góp mà không có một ràng buộc nào về phía người chi trả, chúng tôi đã đóng thuế thu nhập cá nhân, lại phải bắt buộc đóng thêm BHXH và quyền lợi thì không được ai bảo vệ. Chúng tôi cần một chính sách cụ thể và cần phải có cam kết cụ thể về quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia, quyền lợi này khi đã ký kết phải được duy trì và đảm bảo tính cạnh tranh với các loại hình bảo hiểm khác. Như vậy BHXH mới có giá trị như là một khoản an sinh xã hội được”.
Nhiều công nhân làm việc ở công ty PouYuen, cho rằng bức xúc này vẫn chưa được thứ trưởng Doãn Mậu Diệp có câu trả lời. Những người công nhân xa quê lập nghiệp cũng chỉ mong làm dăm ba năm kiếm đồng vốn rồi về quê làm ăn. Chứ không ai tính tới chuyện làm công nhân để sau này có lương hưu hưởng già…

Đại diện PouYuen cũng bức xúc khi luật do nhà nước ban hành, công nhân đình công phản đối luật nhưng doanh nghiệp bị vạ lây. Ai là người phải đứng ra chịu trách nhiệm đền bù thiệt hại cho doanh nghiệp những ngày công nhân đình công?

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo