Những tháng đầu năm 2015, đặc biệt thời điểm trước và sau tết, nhiều người nhận cổ tức, thưởng tết, lợi nhuận từ việc làm ăn… giờ đây đang bỏ vào kênh đầu tư nào?
Với doanh nghiệp hiện đã là thời điểm để vay vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh… |
Ghi nhận tại các ngân hàng (NH) những ngày sau tết, dù lãi suất (LS) đang ở mức thấp kỷ lục nhưng lượng gửi tiền tiết kiệm của người dân vẫn tăng khá mạnh.
Theo NH Nhà nước chi nhánh TP.HCM, đến cuối tháng 2-2015 tổng huy động tiền gửi của 12 NH thương mại cổ phần có hội sở trên địa bàn TP.HCM đạt hơn 785.000 tỉ đồng.
Riêng tuần sau tết, các NH đã huy động được hơn 13.500 tỉ đồng. Còn tính chung cả nước huy động vốn tăng nhẹ. Tín dụng cũng đã có dấu hiệu tăng chứ không âm như những năm trước.
Lãi suất dù thấp nhưng tỉ giá ổn định, người dân tin tưởng vào tiền đồng nên ít giữ vàng và ngoại tệ.
Hiện người dân chỉ cân nhắc giữa kênh bất động sản và chứng khoán nhưng tín hiệu hồi phục của hai thị trường này chưa chắc chắn nên xu hướng người dân vẫn chọn gửi tiết kiệm VN.
Vẫn giữ khoản tiền gửi
Gom các khoản thưởng cuối năm và tiết kiệm được hơn 100 triệu đồng, chị Vân (quận 5, TP.HCM) đắn đo khi chọn kênh đầu tư để sinh lãi. Số tiền nhỏ nên không đủ đầu tư vào bất động sản, chị chỉ có hai lựa chọn là gửi tiết kiệm hoặc đầu tư vào chứng khoán.
“Tôi cũng đã nghiên cứu cổ phiếu NH nhưng bây giờ qua sóng rồi. Do vậy tôi chỉ còn lựa chọn là gửi tiết kiệm kỳ hạn dài vì bảo toàn được vốn, chờ khi có số tiền kha khá mới nghĩ đến kênh đầu tư khác” – chị Vân nói.
Theo chị Vân, đích nhắm của chị là những NH có quy mô vừa vì LS kỳ hạn dài ở những NH này vẫn còn duy trì mức 6-7%/năm.
Trường hợp chị Vân không phải cá biệt. Ghi nhận tại phòng giao dịch Vietcombank Quang Trung, Q.Gò Vấp ngày 9-3, dù đã gần trưa nhưng khách ngồi làm thủ tục kín tất cả các quầy.
Một nhân viên giao dịch tại đây vừa luôn tay làm vừa cho biết kể từ khi quay lại làm việc sau tết, lượng khách tới giao dịch tăng đáng kể, trong đó lượng khách gửi tiền chiếm phần lớn trong những ngày qua.
Hỏi chuyện những người đang ngồi chờ tại đây, phần lớn cho biết họ tới gửi những khoản tiền thu về hoặc có được đợt giáp tết nhưng chưa kịp gửi NH do thời gian cuối năm cập rập.
Chị Đoàn Thị Tú, 33 tuổi (Gò Vấp), một khách hàng, bộc bạch: “Vợ chồng tôi có chút tiền gửi tiết kiệm, nay LS thấp tôi cũng hơi buồn nhưng vẫn gửi. Cầm các tài sản khác, kể cả chắc như vàng, lỡ xuống thì tiêu…”.
Với mức LS 5,3%/năm đối với khoản tiền gửi kỳ hạn 6 tháng, Vietcombank đang áp dụng cho khoản tiền 700 triệu đồng, tính ra chị Tú đang được hưởng khoản lãi chừng hơn 3 triệu đồng mỗi tháng.
Mức LS được hưởng thấp hơn hồi năm 2011 khi LS đạt đỉnh cao. Khi đó nếu gửi 700 triệu với LS mà các NH vượt rào áp dụng cho chị là 15%, tính ra mỗi tháng chị được hưởng 8,75 triệu đồng tiền lãi. Nhưng có một điều không thay đổi với chị đó là sự an toàn.
Dù trong lúc khủng hoảng tài chính hay thời điểm khó lường hiện nay, chị vẫn đặt an toàn lên đầu và do vậy gửi tiết kiệm vẫn là lựa chọn cuối cùng của chị Tú.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ tại một số NH, phần lớn người dân vẫn chuộng gửi tiết kiệm bằng tiền đồng do tỉ giá những năm qua khá ổn định.
Anh Danh (Phú Nhuận) cho biết năm qua anh gửi tiết kiệm bằng USD nhưng tính ra “lỗ vốn” vì năm 2014 tỉ giá chỉ tăng 1%, trong khi đó LS USD chỉ 0,75%/năm, lạm phát lại thấp nên tính ra gửi USD không có lợi bằng VND.
“Năm 2015 NH Nhà nước cũng khẳng định tỉ giá tăng không quá 2% nên tôi đã chuyển đổi khoản tiết kiệm bằng USD sang VND gửi để hưởng LS cao hơn” – anh Danh cho biết.
Người dân chọn kỳ hạn dài để hưởng LS cao do LS đang có xu hướng giảm dần.
Trần LS theo quy định của NH Nhà nước với các kỳ hạn dưới 6 tháng ở mức 5,5%/năm nhưng hiện nay kỳ hạn 1 tháng nhiều NH lớn chỉ áp dụng LS 4%/năm, kỳ hạn 6 tháng dù được tự do ấn định LS nhưng mức LS huy động tại nhiều NH lớn còn thấp hơn mức trần quy định.
Bỏ “trứng” làm nhiều giỏ
Ông Nguyễn Minh Tâm, phó tổng giám đốc Sacombank, nói trong hai tháng đầu năm huy động vốn của Sacombank tăng khá cao, đặc biệt thời điểm sau tết.
Cơ cấu tiền gửi cho thấy phần lớn người dân gửi các kỳ hạn từ 6 tháng trở xuống, chỉ những người có khoản tiền nhàn rỗi lớn mới gửi kỳ hạn khoảng 1 năm để hưởng LS cao.
Theo ông Tâm, người dân gửi tiền đầu năm ngoài tâm lý lấy hên còn để tranh thủ LS cao, chứ với tình hình tiền gửi dồi dào như hiện nay, dự đoán trong thời gian tới LS huy động khó giữ được mức như hiện nay.
Theo dõi số dư tiền gửi, ông Tâm cũng bất ngờ khi thấy có nhiều khách hàng có khoản tiền gửi lớn.
“Những người đầu tư kinh doanh lớn dù rót vốn vào đâu họ cũng giữ khoản tiền gửi. Tôi cho đó là cách phân tán rủi ro, bỏ “trứng” làm nhiều giỏ” – ông Tâm nói.
Ông Nguyễn Thanh Toại, phó tổng giám đốc NH ACB, cũng cho biết huy động vốn tăng trưởng rất tốt, đặc biệt ở khu vực Hà Nội.
“Hiện khó tìm kênh nào khác để đầu tư, trong khi lạm phát đã được kiềm chế tốt nên nhiều người có tiền nhàn rỗi vẫn chọn gửi tiết kiệm. Vừa qua thống đốc đã phát đi thông điệp sẽ giảm LS cho vay trung dài hạn thêm từ 1-1,5%/năm khiến người dân phỏng đoán khả năng NH sẽ sớm giảm thêm LS huy động. Từ đó họ có tâm lý gửi tiền để “chạy” LS” – ông Toại nói.
Tương tự, tổng giám đốc một NH cổ phần có trụ sở tại Hà Nội cho biết trong hai tháng đầu năm huy động vốn của NH tăng 6.000 tỉ đồng.
“Thị trường vàng từ lâu đã không còn sóng, trong khi đó chứng khoán lại tùy thuộc nhiều vào đầu cơ, ngoài biết kinh doanh nhà đầu tư phải có tin hành lang, chưa kể rất rủi ro nếu đoán sai xu hướng. Còn kênh bất động sản chỉ dành cho người có số tiền lớn” – vị tổng giám đốc này nói.
Nên gửi VND kỳ hạn dài
Lý giải nguyên nhân người dân vẫn chọn kênh gửi tiền tiết kiệm dù LS thấp, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng LS hiện tại như vậy là phù hợp với diễn biến lạm phát, vốn đang thấp và có thể còn thấp hơn trong thời gian tới.
“Dù LS đang thấp song tính kỹ vẫn có khả năng thực dương, ít nhất tới thời điểm này. Có thời điểm LS cao nhưng lạm phát cao, tính ra vẫn thực âm” – ông Hiếu phân tích.
Cũng theo ông Hiếu, ở nhiều nước dù LS có thời điểm âm người dân vẫn gửi vì tính an toàn cao, được nhà nước bảo vệ. Ở VN LS huy động đang ở mức 5-6%/năm không hẳn kém hấp dẫn bởi thời buổi làm ăn khó khăn, lãi như vậy không phải quá thấp.
Theo đại diện Vietcombank TP.HCM, hiện kinh tế đã đi vào ổn định, do vậy việc kỳ vọng LS VND sẽ tăng thêm là rất khó.
Mặt khác do chênh lệch LS huy động VND kỳ hạn 1 tháng và 12 tháng chênh nhau đến 2%/năm, do vậy nếu có nguồn vốn nhàn rỗi ổn định thì nên chọn gửi kỳ hạn dài để hưởng LS cao.
“Tất nhiên gửi kỳ hạn dài có nhược điểm là khó “nhảy ra nhảy vào” các kênh đầu tư khác nhưng bù lại ổn định và LS cao” – vị đại diện này nói.
Theo các chuyên gia, trong tương lai gần gửi tiết kiệm VND vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn vì hiện mặt bằng LS VND cao hơn nhiều so với USD.
Tuy nhiên để tối đa hóa lợi nhuận, người có tiền nhàn rỗi nên gửi tiết kiệm kỳ hạn dài để hưởng LS cao vì hiện nay các NH đều ưu tiên lãi cao cho các kỳ hạn dài.
Mặt khác xu hướng sắp tới LS còn giảm, do vậy gửi kỳ hạn dài còn giúp người gửi tiền duy trì được mức lãi cao trong thời gian dài.
Vốn huy động dự báo tăng 14,35%
Vụ Dự báo – thống kê thuộc NH Nhà nước vừa công bố kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý 1-2015 của các NH. Theo kết quả điều tra, nguồn vốn huy động kỳ vọng tăng bình quân 4,5% trong quý 1-2015 và tăng 14,35% trong năm.
Đáng chú ý, nhu cầu vay vốn của khách hàng có xu hướng phục hồi rõ nét kể từ quý 4-2014. Hầu hết NH đều kỳ vọng nguồn vốn huy động tiếp tục tăng trong quý 1 và cả năm 2015.
Trong đó, tiền gửi VND được kỳ vọng tăng cao hơn so với tiền gửi ngoại tệ và tương đối đồng đều theo từng kỳ hạn, riêng tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng sẽ tăng cao hơn trong quý 1, trong khi tiền gửi kỳ hạn trên 1 năm được kỳ vọng tăng cao hơn so với những kỳ hạn khác tính đến cuối năm 2015.
Theo số liệu của Deposits, LS của Thái Lan hiện ở mức khoảng 2,8%, Singapore khoảng 1%, Malaysia trên 3,25%, Trung Quốc trên 3%, Indonesia ở 7,25%…
Chưa thấy tín hiệu tốt hơn thì nên chọn gửi tiết kiệm
Gửi tiền tiết kiệm lấy LS luôn là phương án đầu tư cuối cùng, khi không còn lựa chọn khác tốt hơn, bởi LS NH thấp.
Thông thường, LS NH ở một nước đang phát triển như VN chỉ bằng 1/2 hoặc 1/3 lợi nhuận có được từ lợi tức trung bình từ đầu tư chứng khoán (dài hạn).
Trong thời điểm này, người dân chọn gửi tiết kiệm ở NH có lẽ do họ chưa nhìn thấy tín hiệu rõ nét từ các kênh khác như chứng khoán, vàng hay chưa đủ điều kiện đầu tư bất động sản.
Một khi nhận thấy cơ hội rõ nét, tín hiệu tích cực đủ mạnh, họ có thể sẽ chuyển khoản tiền tiết kiệm sang các loại hình đầu tư có tỉ suất sinh lời cao hơn.
Với nhiều người, gửi tiết kiệm ở khía cạnh nào đó cũng là cách chuẩn bị sẵn tiền mặt đón chờ cơ hội mới là có thể xuống tiền được ngay. Điều này cũng đã từng xảy ra trong các chu kỳ kinh tế trước của VN.
Ánh Hồng – Hông Quý
(Theo Tuổi trẻ)