Việt Nam Thời Báo

Cái bóng

Ngọc An

 

(VNTB) – Hiến định cho thấy quân đội không phải là công cụ cho riêng đảng phái nào, phe nhóm nào; đặc biệt, với hiến định “góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới”, thì quân đội không thể “là công cụ bạo lực cách mạng sắc bén”.

Lâu nay, học trò thường xem những điều thầy cô nói là chân lý, không có sự tranh luận hay phản biện lại vấn đề. Nhìn rộng ra, có những phát biểu cho thấy ít nhiều “va chạm” với hệ thống luật pháp của một quốc gia, liệu những người trẻ hôm nay có được quyền – được phép tỏ bày chính kiến?
“Lời giáo huấn”?

“Hệ thống tổ chức đảng trong quân đội gồm: Quân uỷ Trung ương và đảng uỷ quân sự các cấp. Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng là Bí thư Quân uỷ Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là Phó Bí thư Quân uỷ Trung ương, các đồng chí Uỷ viên do Bộ Chính trị chỉ định”.

Tổng bí thư đã nói như vậy trong bài viết nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam.

Trong bài viết này, có đoạn: “70 năm qua, quân đội đã luôn xứng đánglà công cụ bạo lực cách mạng sắc bén, lực lượng chính trị trung thành của Đảng, Tổ quốc và nhân dân”. Điều đó cho thấy có lấn cấn về mặt Hiến định.

Hiến pháp năm 2013, Chương IV “Bảo vệ tổ quốc”, tại Điều 64 và Điều 65 quy định về quân đội lại không như diễn giải của tác giả bài viết trên. Theo đó, quân đội có trách nhiệm “bảo vệ vững chắc Tổ quốc, góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới” (Điều 64).

Quân đội cũng được hiến định phải “tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, với Đảng và Nhà nước, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế” (Điều 65).

Hiến định cho thấy quân đội không phải là công cụ cho riêng đảng phái nào, phe nhóm nào; đặc biệt, với hiến định “góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới”, thì quân đội không thể “là công cụ bạo lực cách mạng sắc bén”.

Từ một sự kiện thời sự nói trên, giác độ góc nhìn giáo dục liệu có nên hiểu phát biểu nói trên là “lời giáo huấn”? Liệu có cho phép những người trẻ – thế hệ mà cụm từ “công cụ bạo lực cách mạng sắc bén” chỉ là những câu chuyện nằm trong sách sử – được quyền so sánh các quan điểm quản trị quốc gia trên cơ sở luật Hiến pháp?

Đây còn là câu chuyện của hô hào đổi mới giáo dục.
Cái bóng

Lâu nay những nhà quản lý giáo dục ít quan tâm đến việc đào tạo tính tư duy, phản biện cho học sinh ngay từ bé. Học sinh không được dạy rằng đừng vội vã nhìn vấn đề, mà cần thông qua lăng kính đa chiều, nhiều khía cạnh hơn. Bởi điều đó sẽ rèn luyện được tính chủ động của học sinh trong học tập.

Thực tế hiện nay cho thấy cả học sinh lẫn sinh viên có xu hướng im lặng trước bài giảng hay những vấn đề mà giáo viên – giảng viên đưa ra. Nếu giáo viên có yêu cầu phát biểu hay đóng góp ý kiến trong lúc học thì trạng thái ù lì sẽ xuất hiện. Nó như thông báo đến với giáo viên là không có ý kiến, không biết hay biết mà không muốn nói.

Có thể nói đây là một thói quen, hay chính xác hơn là sự thụ động có tính chủ động. Vì đại đa số học sinh từ nhỏ cho đến lớn luôn học tập theo phương thức “thầy bảo sao trò nghe vậy”. Thường xem những điều thầy cô nói là chân lý không có sự tranh luận hay phản biện lại vấn đề. Chính vì thế mà hiện tượng im lặng lan tràn trong môi trường học tập.

Vô hình trung học sinh không biết phản biện

Học sinh có thói quen là học thuộc theo kiểu học vẹt, học tủ, miễn sao lúc kiểm tra làm bài đúng như trong tập ghi là được. Mặt khác là giáo viên không cởi mở trong việc đối thoại đa chiều với học sinh của mình, luôn tạo ra một bức tường ngăn cách nhầm thể hiện quyền uy. Chính vì thế mà học sinh mất đi kỹ năng phản biện (một cách có khoa học). Nếu như có học sinh nào đó phản biện lại vấn đề thì cũng là sự tranh cãi thiếu tính khoa học.

Như vậy, trong quá trình giáo dục, người thầy không chỉ là người truyền đạt kiến thức theo những gì đã viết trong sách dạy ở trường không thôi. Mà còn là người giúp đỡ, chỉ dẫn học sinh biết cách phản biện, cách đặt câu hỏi và tranh luận một vấn đề để giúp học sinh phát huy được sự duy, sáng tạo khoa học. Cũng như hướng dẫn học sinh-sinh viên áp dụng những kiến thức đã học vào thực tế như thế nào.

Vì vậy cần lắm những giáo viên có tâm và có tầm tạo điều kiện để học sinh bên cạnh trang bị những kiến thức chuyên môn mà còn nắm được các kỹ năng mềm cần thiết, giúp xây dựng được một thế hệ trẻ có sự sáng tạo độc lập trong tư duy cá nhân.

Cùng nhau tháo gỡ những cái bóng của sự lệ thuộc đã đè nặng suy nghĩ của học sinh quá lâu. Giáo viên cần là người gợi chứ đừng là người ra lệnh…

Tuy nhiên như ở phần đầu bài viết đã đề cập: nên hiểu như thế nào về giá trị của Hiến pháp một quốc gia với tuyên bố của một lãnh đạo đảng phái? Tư duy phản biện ở đây có được chấp nhận thay cho tiếp tục gật đầu bởi mặc định “khuôn vàng, thước ngọc”?

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.