Bà Wan-Hea Lee (thứ hai từ trái qua), người đứng đầu Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Campuchia trong buổi họp báo ở Campuchia hôm 13/12/2014.
Bộ Nội vụ Campuchia đã đồng ý hợp tác với các quan chức chuyên trách về người tỵ nạn của Liên Hiệp Quốc để tìm cách gặp người Thượng Tây Nguyên đang ẩn náu trong rừng ở tỉnh Ratanakiri sát biên giới của Việt Nam. Liệu việc Campuchia bác bỏ yêu cầu trục xuất nhóm người Thượng theo lệnh của Việt Nam?
Liên Hiệp Quốc chưa thể tiếp cận
Sau khi thất bại trong việc nỗ lực hợp tác với chính quyền Phnom Penh về việc thỏa thuận tìm cách tiếp cận 16 người Thượng Tây Nguyên mà Việt Nam đều nghị Campuchia trục xuất về nước hồi đầu tháng 12, tuần này, các quan chức của Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) và Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (OHCHR) tại Campuchia đã tiếp tục thất bại trong việc tìm cách gặp người Thượng mặc dù Bộ Nội vụ xứ chùa Tháp bật đèn xanh trước đó.
Bộ Nội vụ Campuchia đã đồng ý hợp tác với các quan chức của Liên Hiệp Quốc. Song, nhóm công tác của Bộ Nội vụ và các quan chức của Liên Hiệp Quốc đã có mặt tại tỉnh Ratanakiri lần hai, kể từ ngày 11/12 đến nay, nhưng chính quyền địa phương lại tiếp tục từ chối hợp tác để họ vào trong rừng tìm 16 người Thượng đang lẩn trốn.
Bà Wan-Hea Lee, người đứng đầu Văn phòng của Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (OHCHR) tại Campuchia cho phóng viên Quốc Việt biết vào ngày 13/12 rằng vào hôm thứ Sáu, quan chức cấp cao của Cao ủy Nhân quyền và Cao ủy Tỵ nạn của Liên Hiệp Quốc cùng đại diện Bộ Nội vụ Campuchia đã có cuộc họp với chính quyền tỉnh Ratanakiri. Tuy nhiên, do vấn đề thông tin liên lạc giữa chính quyền địa phương và Bộ Nội vụ, cán bộ của Liên Hiệp Quốc và Bộ Nội vụ cử đến tỉnh trên không được đáp ứng và cũng không được vào trong rừng để tìm kiếm người Thượng.
Theo bà Wan-Hea Lee, một lần nữa Bộ trưởng Bộ Nội vụ Campuchia đã hợp tác với Liên Hiệp Quốc về vấn tỵ nạn của người Thượng Tây Nguyên, bao gồm công tác cùng làm nhiệm vụ tìm kiếm người tỵ nạn. Người đứng đầu Văn phòng của Cao ủy Nhân quyền LHQ này khẳng đinh phía LHQ mong muốn sớm được giải quyết các vấn đề còn lại giữa Bộ Nội vụ và chính quyền địa phương, và gặp gỡ, giúp đỡ những người Thượng trốn từ Việt Nam càng sớm càng tốt.
Bà Wan-Hea Lee nói với RFA: “Công tác hợp tác tìm người tỵ nạn vẫn tiếp tục làm nhưng chúng tôi phải chờ kết quả hợp tác giữa Bộ Nội vụ và chính quyền địa phương vì lúc này chính quyền tỉnh đi công tác. Bây giờ chúng tôi không mấy lo lắng về tình cảnh của người Thượng vì Bộ Nội vụ đồng ý gặp họ, và lắng nghe ý kiến của họ nếu họ muốn nộp đơn xin quyền tỵ nạn.
Chúng tôi biết Chính phủ Việt Nam yêu cầu Campuchia trục xuất nhóm người Thượng này về nước nhưng chúng tôi tin tưởng vào chính phủ Campuchia. Họ đồng ý hợp tác với chúng tôi.”
Trước những thông tin Bộ Nội vụ Campuchia chấp thuận hợp tác với Liên Hiệp Quốc, Giám đốc Cảnh sát tỉnh Ratanakiri, Thiếu tướng Nguon Koeun phát biểu với RFA ngày 27/11 ông đã nhận được một danh sách do Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai của Việt Nam gửi qua, trên đó có ghi tên của 16 người Thượng vi phạm luật pháp Việt Nam đã rời bỏ nhà cửa ở Tây Nguyên để chạy sang Campuchia.
Thiếu tướng Nguon Koeun cho biết cảnh sát đã vào trong rừng truy bắt 16 người trên kể từ ngày 26/11 đến nay. Giám đốc Cảnh sát tỉnh Ratanakiri nói dứt khoát phải trục xuất nhóm người Thượng về nước do họ nhập cư bất hợp pháp.
Hiện, chính quyền địa phương cứ kéo dài thời gian chưa thể hợp tác với Liên Hiệp Quốc để triển khai công tác vào trong rừng tìm 16 người Thượng nói trên, đã khiến các tổ chức nhân quyền trong nước và quốc tế cáo buộc xứ chùa Tháp rất khó từ chối yêu cầu của Việt Nam.
Các tổ chức nhân quyền cho rằng trong lúc Liên Hiệp Quốc chưa đạt được sự thống nhất với Bộ Nội vụ và chính quyền địa phương, công tác truy tìm và trục xuất người Thượng vẫn được thực hiện bởi nhóm cảnh sát tỉnh Ratanakiri.
Tỉnh Ratanakiri chỉ hợp tác với VN?
Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc đặc trách Á Châu của Human Rights Watch nói chính phủ Việt Nam tiếp tục phân biệt đối xử và kỳ thị người Thượng vì những lý do chính trị và tôn giáo. Các lực lượng công an, an ninh đã tiếp tục theo dõi chặt chẽ và quấy rối cộng đồng của họ.
Theo ông Robertson, chính phủ Việt Nam đang siết chặt và đóng cửa các giáo hội Tin Lành hay Công giáo mà không có liên kết với các tổ chức tôn giáo do nhà nước quản lý. Phần lớn người Thượng chạy trốn từ Việt Nam là vì dám đấu tranh, phản đối Việt Nam. Trường hợp, cảnh sát Campuchia buộc trục xuất 16 người Thượng này về thì họ sẽ đối mặt với án phạt nặng tại Việt Nam.
Ông Phil Robertson: “Rõ ràng các quan chức tỉnh Ratanakiri có một quan hệ chặt chẽ với Việt Nam. Trong thực tế, chính quyền này từng tham gia bắt người tỵ nạn Tây Nguyên trở về Việt Nam. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là cho đến nay, các quan chức địa phương không chịu hợp tác với cơ quan của LHQ. Chúng tôi yêu cầu thủ tướng Hun Sen phải ra lệnh cho các quan chức hợp tác toàn diện với LHQ để bảo vệ nhóm người Thượng, và chấm dứt sự chậm trễ và cản trở.”
Trong khi đó, Đại tướng Khieu Sopheak, Người phát ngôn của Bộ Nội vụ Campuchia phát biểu với RFA vào ngày 13/12 rằng cho đến nay Bộ Nội vụ chưa nhận được bất kỳ thông tin cụ thể về sự hiện diện và nơi nhóm người Thượng này đang ẩn náu.
Đại tướng Khieu Sopheak cho biết đáng ra Liên Hiệp Quốc không thất bại nếu cơ quan này hợp tác với Tổng cục Di trú của Bộ Nội vụ. Bộ Nội vụ đồng ý làm việc với cơ quan quốc tế này nhưng họ cần phải liên lạc với Tổng cục Di trú của Bộ Nội vụ.
Theo ông, Cao ủy Tỵ nạn và Nhân quyền Liên Hiệp Quốc sẽ tiếp tục thất bại vì đến nay Campuchia chưa có sự quyết định nào cho họ làm việc với chính quyền địa phương.
Đại tướng Khieu Sopheak: “Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho Liên Hiệp Quốc hợp tác với Tổng cục Di trú của Bộ Nội vụ. Còn chuyện họ tự đi gặp người Thượng là chuyện của họ nhưng sẽ không có cơ quan địa phương nào hợp tác với họ. Đây là Campuchia, đất nước có pháp quyền, chủ quyền, độc lập.
Chuyện bắt theo yêu cầu của Việt Nam hay không thì chưa biết. Nhưng nếu họ là người Thượng tỵ nạn thì OK. Còn nếu là người nhập cư bất hợp pháp thì nhập cư đường nào, phải ra đường nấy.”
Vào ngày 26/11, chúng tôi đã vào trong rừng gặp 8 trong số 16 người Thượng nói trên. Họ cho biết nguyên nhân chạy trốn từ tỉnh Gia Lai của Việt Nam hồi ngày 30/10 do chính quyền truy bắt vì vấn đề tôn và có quan hệ với người ở ngoài nước. Ông Nay Klanh (Ama Blik) tỏ ra lo ngại bị trục xuất về Việt Nam. “Chúng tôi quá sợ bị bắt, đem về Việt Nam. Nếu đem về Việt Nam thì chắc chắn Việt Nam sẽ đánh đập và nhốt vì chạy trốn đến đây.
Chúng tôi nhờ Quốc tế giúp đỡ và mang chúng tôi đến một nơi nào đó an toàn. Vì sợ người ta đem về Việt Nam, chắc chắn bị Việt Nam đánh đập, làm bất kỳ những thứ mà họ có thể làm được. Những điều đó sẽ xảy ra vì chúng tôi ở Việt Nam, chúng tôi biết những gì Việt Nam, người Việt Nam làm với chúng tôi.”
Xưa nay, Campuchia vẫn là nơi thiếu an toàn đối với người Thượng, người Khmer Krom và người Việt bất đồng chính kiến chạy sang lánh nạn từ Việt Nam vì chính phủ Phnom Penh có mối quan hệ mật thiết với chính phủ Cộng sản Việt Nam.
Trước sự quan ngại trên, Cao ủy Tỵ nạn, Cao ủy Nhân quyền của LHQ và các tổ chức nhân quyền trong nước đang nỗ lực làm việc với chính phủ xứ chùa Tháp để chuyển 16 người Thượng về thủ đô Phnom Penh, nơi họ có thể được bảo vệ, tiếp nhận hỗ trợ; và xác định 16 người mà Việt Nam đề nghị Campuchia trục xuất họ có hội đủ điều kiện để được xem là người tỵ nạn hay không.
Quốc Việt
(RFA)