Rakesh Krishnan Simha
Phương Thảo dịch
(VNTB) – Mối quan hệ Nga Việt vốn dường như có nguội lạnh đi sau thời kỳ cuối của cuộc Chiến tranh lạnh giờ lại đang ấm dần lên. Hơn 20 năm trước Moscow đã bỏ rơi căn cứ nước ngoài lớn nhất, máy bay quân đội Nga một lần nữa lại được đón chào ở cảng Cam ranh.
Công khai giữ im lặng
Sự hiện diện trở lại của người Nga ở Viêt nam đã gióng lên một hồi chuông báo động có thể được tiên đoán trước cho Lầu Năm Góc, cùng với sự xác nhận của hạm trưởng hạm đội Mỹ ở Thái Bình Dương về việc máy bay ném bom chiến lược của Nga lượn vòng trên khu vực căn cứ quân sự Mỹ ở Guam được tiếp liệu từ cảng Cam Ranh.
Vào ngày 11 tháng 3 Washington đã yêu cầu các nhà cầm quyền Hà Nội ngưng hỗ trợ các máy bay chiến đấu của Nga trong vùng châu Á- Thái Bình Dương. Phản ứng của nhà cầm quyền Việt nam là công khai giữ im lặng. Theo ông Phương Nguyễn ở Trung Tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế trú đóng ở Washington thì:
“ Theo quan điểm của nhiều quan chức Việt nam đã tham gia chiến tranh chống Mỹ cứu nước thì trong suốt cuộc chiến Moscow đã giúp đỡ đào tạo nhiều thế hệ lãnh đạo Việt nam và ủng hộ Hà Nội trong những thập kỷ bị quốc tế cô lập. Có những điều lại quan trọng hơn là chính sách đối ngoại độc lập. Qua lịch sử phức tạp của Việt nam, các nhà lãnh đạo không muốn đất nước họ lại bị kẹt giữa các thế lực mạnh một lần nữa. Bất cứ cái gì liên quan đến việc Mỹ can thiệp đến mối quan hệ Viêt Nga có thể lại khơi dậy nỗi sợ hãi này một cách không cần thiết.”
Mặc dù Việt nam xem Mỹ là một đối tác có tầm quan trọng tăng dần lên trong vùng Đông Nam Á, Nga mới là người đứng đầu trong trật tự phân hạng. Theo một thỏa thuận được ký kết tháng 11 năm 2014, tàu chiến Nga chỉ cần thông báo trước cho chính quyền Việt nam thì sẽ được phép vào cảng nước sâu ở vịnh Cam Ranh trong khi hải quân của tất cả các quốc gia khác lại bị giới hạn chỉ được mỗi năm một lần ghé vào các cảng biển.
Tại sao Việt nam lại quan trọng?
Nằm tại ngay cửa ngõ vào Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, Việt nam rất quan trọng đối với Nga. Căn cứ hải quân và không quân cố định ở Việt nam sẽ giúp cho Hạm đội Thái Bình Dương Nga giải quyết được vấn đề khi phải băng qua tuyến đường hẹp ở vùng biển Nhật bản để có thể tiến vào vùng biển Thái Bình Dương.
Sự hiện diện hiện tại của người Nga rõ ràng là ít hơn so với hỏa lực của nhũng năm 1980 khi mà hạm đội Thái Bình Dương Moscow có đến 826 tàu thuyền bao gồm 133 tàu ngầm, 190 máy bay ném bom và 150 máy bay chống tàu ngầm. Thậm chí vào lúc đó, việc gia tăng hỏa lực của Moscow cũng ít khi hung hăng. Theo Alvin H. Bernstein, trường đại học Chiến tranh Hàng hải Mỹ, việc này “không là mục đích cụ thể, có tính hung hăng hay khu vực bởi vì nó vượt qua khỏi các đặc tính quyền lực” vốn đã tự cho thấy là “ cẩn trọng và không đối đầu.”
Ba thập kỷ sau, Moscow dưới sự cầm quyền của Tổng thống Vladimir Putin một lần nữa lại tìm kiếm việc nâng cao vai trò của Nga như là một cường quốc ở châu Á và trên thế giới, và như Bernstein đã nói, Nga muốn sẵn sàng cho tất cả “mọi bất trắc và cơ hội.”
Đây cũng là một phần của chính sách Hướng Đông của Việt nam. Thật ra, trước khi Tổng Thống Mỹ Barack Obama tuyên bố về trục xoay sang châu Á khá lâu, Nga đã xoay trục về hướng Đông nhằm dọn đường để tiếp cận một số các quốc gia đã từng thân Mỹ như Indonesia và Malaysisa.
Tuy nhiên ở Việt nam tài ngoại giao của Nga lại đi quá đà. Nhưng trước hết chúng ta cần hồi tưởng lại.
Việt nam là một quốc gia nhỏ bé với một quân đội chiến đấu tốt hơn tiềm lực vốn có. Với những ai không nhớ nhiều về lịch sử thì nên biết chính quốc gia này đã từng đánh bại Pháp và Mỹ trong các cuộc chiến. Sự dũng cảm kỳ diệu, chiến thuật chiến đấu thông minh và tinh thần không sợ hi sinh mang tính quyết định để chiến thắng các cuộc chiến này, nhưng yếu tố quan trọng là Việt nam có những người bạn quyền lực.
Trong suốt cuộc chiến Việt nam, Nga đóng một vai trò quan trọng trong quốc phòng Việt nam, cung cấp một số lượng vũ khí khổng lồ. Trong suốt cuộc chiến tranh 21 năm viện trợ của Nga lên đến 2 triệu đô la một ngày. Đổi lại, Việt nam cho phép Nga được sử dụng căn cứ Cảng Cam ranh miễn phí. Theo một phần của thỏa thuận này, Nga đặt tại căn cứ này các máy bay chiến đấu MiG-23, xe tăng Tu-16, máy bay ném bom tầm xa Tu-95 và máy bay trinh sát duyên hải Tu-142.
Cảng Cam ranh trở thành căn cứ hải quân lớn nhất của Moscow để dàn quân bên ngoài châu Âu. Có khoảng 20 tàu neo đậu hàng ngày ở căn cư, cùng với 6 tàu ngầm tấn công nguyên tử. Căn cứ đóng vai trò then chốt giúp Nga trong cuộc chiến tranh lạnh với các quốc gia thân Mỹ trong vùng châu Á và Thái Bình Dương. Ví dụ khi Hạm đội 7 của Mỹ đi đến vịnh Bengal để gây áp lực cho Ấn độ trong cuộc chiến tranh Ấn độ Pakistan năm 1971, Hạm Đội Thái Bình Dương Nga đã nhanh chóng điều động tàu chiến và tàu ngầm có trang bị hạt nhân đến để bảo vệ Ấn độ.
Mặc dù cảng Cam ranh có tầm quan trọng đối với Nga về mặt địa chính và là trạm thu thập tin tình báo, sự hiện diện của Nga đã tan biến sau khi Liên bang Sô Viết tan rã. Để điều hành các căn cứ quân sự ở Cam Ranh cần phải có một số tiền khổng lồ và Nga không còn có tiền mặt để phung phí. Vào năm 2001, thậm chí cả đài nghe lén cũng đã bị bỏ hoang.
Tên lửa Klub dành cho Trung Quốc
Mặc dù sự hiện diện của quân đội Nga có giảm sút, việc thắt chặt quan hệ tiếp tục kết nối Nga và Việt nam. Vì cuộc xung đột lớn giữa Việt nam với Trung quốc về việc kiểm soát các hòn đảo Trường sa nhiều dầu hỏa, Hà nội đã phải đi săn tìm vũ khí hạng mạnh. Không lực Việt nam mua được 24 máy bay Su-30 của Nga, và cuối năm 2015 sẽ có thêm 36 chiếc Sukhois, trở thành quốc gia thứ ba có số lượng máy bay siêu cơ động nhiều thứ ba trên thế giới.
Tuy nhiên, chính Hải quân Quân đội Nhân dân Việt Nam mới thật sự được tăng cường. Năm 2009 Việt nam đã ký kết một thoa thuận trị giá 3,4 tỷ đô la với Nga bao gồm 6 tàu ngầm Kilo và xây dựng công trình cho hải quân ở Cam ranh.
Một sự tiếp nhận lớn khác đó là 50 tên lửa siêu âm Klub chuyên dụng của các tàu ngầm Kilos đã làm cho Việt nam trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên có hạm đội tàu ngầm trang bị hỏa tiễn tấn công mặt đất.
Mỗi tên lửa nặng 2 tấn và có đầu đạn 200kg. Các tên lửa chống tàu thủy có tầm phóng 300km và có thể tăng tốc lên 3.000 km/h ở phút cuối cùng trên không. Theo trang Chiến Lược, tên lửa đối đất có tốc độ cuối cùng cao hơn nhiều và mang đầu đạn lớn hơn 400kg.
Điều làm cho tên lửa Klub đặc biệt nguy hiểm khi tấn công các tàu chiến là việc tiếp cận cuối cùng, khi tên lửa cách mục tiêu 15km thì tên lửa sẽ tăng tốc. Vào thời điểm đó, tên lửa được phóng đi với độ cao trên 30m. Chính điều này làm cho việc bảo vệ khỏi tên lửa khó hơn nhiều. Cộng thêm với việc tốc độ cao vào lúc tiếp cận cuối cùng thì điều này có nghĩa là tên lửa đi 15 km cuối cùng chỉ trong vòng 20 giây. Các vũ khí chống tên lửa hiện hành khó mà bắn hạ loại tên lửa này được.
Người Nga tạo các tàu ngầm có trang bị tên lửa Klub nhằm hòng đóng một vai trò quan trọng trong bất kỳ cuộc xung đột nào ở vùng biển Đông. Theo một nhà phân tích, các tên lửa đối đất đánh dấu một sự thay đổi lớn lao về năng lực hàng hải của Việt nam. “Họ đã tự tạo cho họ được sự đối đầu mạnh mẽ hơn làm phức tạp thêm cho việc tính toán chiến lược của Trung quốc. ”
Tàu chiến Trung quốc không thể chống lại các tên lửa như Klub chính vì vậy Trung Quốc đã vô cùng giận dữ về việc Nga bán loại tên lửa này cho Việt nam.
Trong khi các tàu ngầm Kolos đang được đóng mới, Nga và Ấn độ hiện đang chịu trách nhiệm huấn luyện các nhân viên sẽ phục vụ trên tàu ngầm.
Thêm hỏa lực của Nga
Thêm vào đó vào năm 2011, Hải quân Việt nam đã có 2 tàu tàng hình có trang bị tên lửa dẫn đường thế hệ Gepard của Nga với giá 300 triệu đô la một chiếc, và hạm đội Gepard này sẽ được tăng lên thành 6 vào năm 2017. Các tàu này được trang bị để chiến đấu trên mặt biển, chống tàu ngầm và đối không.
Hải quân Việt nam cũng có 4 chiếc tàu tuần tiễu thế hệ Svetlyak có trang bị tên lửa chống tàu chiến, 12 tàu tuần phong hạm và tàu hộ tống nhỏ có nguồn gốc Nga, và hai tàu tấn công nhanh có trang bị tên lửa Molniya được đóng với sự giúp đỡ của Nga cũng với 4 chiếc khác sẽ hoàn thành vào năm 2016.
Việt nam cũng đã có các đài ra đa điều khiển hỏa lực tân tiến; tên lửa Yakhont và tên lửa phóng từ bờ biển 400 Kh-35 Uran, tên lửa chống hạm Kh-59MK; tên lửa không đối không tầm ngắn R-73 (AA-11 Archer), tên lửa đất đối không 200 SA-19 Grison; hai hệ thống đất đối không S-300; hai hệ tên lửa di động phòng thủ biển K-300P Bastion.
Khía cạnh kinh tế
Theo nghiên cứu của các học giả ở các học viện Tây ban nha là Phuc Thi Tran, Alena Vysotskaya G. Vieira and Laura C. Ferreira-Pereira, thì “Việc tăng cường quân lực rất phức tạp, không chỉ đơn thuần là tính toán đến việc bảo vệ và chiến lược, mà còn là một chức năng quan trọng trong việc bảo đảm lợi ích kinh tế của hai bên cũng như là sự an toàn của việc thăm dò dầu khí ở vùng Biển Đông. Khía cạnh thứ hai đặc biệt quan trọng đối với vai trò của Nga ở đây. Đúng như vậy, các dự án khai thác này đã được các công ty liên doanh Việt Nga tiến hành.”
Trong khi quốc phòng lôi kéo nhiều sự chú ý của truyền thông, thì năng lượng lại là lĩnh vực hợp tác lớn nhất giữa Việt Nam và Nga. Công ty liên doanh Vietsopetro đã tạo được lợi nhuận lớn cho cả hai quốc gia. Công ty này khai thác trên 185 triệu tấn dầu thô và trên 21 tỷ mét khối khí đốt từ các dàn khoan ở biển Đông. Gần 80% lượng xăng dầu và khí đốt ở Việt nam là do Vietsopetro cung cấp và đem lại nguồn thu nhập chiếm 25% GDP.
Nga cũng có đầu tư đáng kể vào các ngành công nghiệp nặng và nhẹ ở Việt nam, giao thông, vận chuyển, văn hóa và thủy sản. Các dự án này đã đemlôi kéo những công ty khác – do có ấn tượng với lợi nhuận mà các công ty Nga đạt được, một loạt các công ty khác như Mobil, BP và Total cũng đã đổ nhiều tiền đầu tư vào Việt nam.
Đối xứng chiến thuật của Việt nam về phía Nga được kết nối gần gũi với sự hợp tác kinh tế trong việc thăm dò dầu khí mang lại lợi nhuận kinh tế đáng kể cho cả hai bên. Việc thắt chặt quốc phòng giữa hai nước đã tạo khả năng cho Việt nam sở hữu được các quân dụng hiện đại giúp cho Việt nam có khả năng phát triển các cuộc liên kết thăm dò dầu hỏa và khí đốt mặc cho việc phản đối ngày càng tăng của Trung quốc đối với các dự án này.
Cùng lúc đó, Nga cũng đã quay trở lại để phục hồi quyền lực to lớn. Nga có được rất nhiều cơ hội để bảo đảm sự ảnh hưởng về kinh tế và chính trị với những quyền lực nổi trội khác nhau ngay giữa trung tâm của khu vực năng động nhất trên thế giới.
Nhưng cũng đừng trách Việt nam bởi quốc gia này không phải là một ngoại lệ mà là sự xác định cho luật lệ phổ biến ở châu Á. Giáo sư Anis Bajrektarevic đã nêu rõ:
“Thoạt nhìn đã có thể thấy những gì còn thiếu là các cấu trúc đa phương hay cấu trúc an ninh châu Á. Cấu trúc an ninh hiện hành là song phương và bất đôi xứng. Cấu trúc được phân hạng từ các hiệp ước an ninh không xâm lược được xác định rõ ràng và bền vững, đến các thỏa thuận không chính thức, lên đến các hiệp định hợp tác đặc biệt về các vấn đề cụ thể. Sự hiện diện của sự thiết lập đa phương trong khu vực bị giới hạn ở vài nơi trênlục địa lớn nhất này… Một khía cạnh đáng chú ý khác là hầu hết các cấu trúc song phương hiện có bao gồm một quốc gia châu Á, và phía còn lại là một quốc gia ngoại vi hoặc quốc gia bảo trợ và điều này đã tạo sự bất đối xứng.”