Khúc Thừa Sơn
(VNTB) – “Đất nước kiệt quệ, người dân đói khổ đó chính là động lực giúp tôi tiếp cận với phong trào dân chủ, với mục đích khơi dân chủ…”
Phong trào đòi tự do dân chủ trong nước ngày một lớn mạnh, với một lực lượng ngày càng đông đảo bao gồm nhiều thành phần, sắc tộc. Họ là những người dù ra mặt công khai hay không công khai cũng đều là những người dũng cảm, kiên cường và mạnh mẽ.
Ở bài viết này, người viết chú trọng đến thành phần lực lượng là những phụ nữ Việt Nam hiện đang sinh sống và làm việc ở quốc nội lẫn ở hải ngoại có cùng chung một lý tưởng phục vụ cho quê hương , đất nước và dân tộc vì một nền hòa bình, tự do, dân chủ tiến bộ cho Việt Nam hôm nay và của cả mai sau.
Phụ nữ quốc nội vùng lên
Những cái tên như Tạ Phong Tần, Bùi Thị Minh Hằng, Lê Thị Phương Anh, Nguyễn Phương Uyên… đã trở nên quen thuộc trong thần phần dân chủ ở Việt Nam. Trong số họ có những người phải chịu những mức án hình sự khác nhau nhưng đối với những người dấn thân vì sự tự do, dân chủ ở Việt Nam thì họ là những người phụ nữ được ví như ngọn cờ tiên phong trong phong trào. Điều gì khiến những người phụ nữ vốn dĩ được ví là chân yếu tay mềm lại trở nên mạnh mẽ, kiên cường và dũng cảm không kém phần nam giới khi dấn thân vào con đường đấu tranh dân chủ?
Từ Cần Thơ, một bạn nữ trẻ tên Thắm chia sẻ ý kiến riêng của mình: “ Đối với tôi, công việc của đất nước của dân tộc không chỉ riêng của bất kì ai mà đó là công việc chung nếu bạn là một người yêu nước. Bạn không thể ngồi yên khi chứng kiến cảnh đất nước bạn, dân tộc bạn lầm than, cơ cực. Đất nước kiệt quệ, người dân đói khổ đó chính là động lực giúp tôi tiếp cận với phong trào dân chủ, với mục đích khơi dân chủ, chỉ có như thế thì đất nước và dân tộc mới có thể phát triển và cường thịnh cùng với các quốc gia khác trên thế giới ”.
Bạn Thắm cho là mình may mắn được tiếp cận sớm với Internet, nơi mà sự thật được trả về với sự thật, nơi mà những kiến thức về dân chủ, về những sự đổi thay được phổ biến rộng rãi. Là một học sinh phổ thông, với sự nhạy bén vốn có của tuổi trẻ đã giúp Thắm tiếp cận nhanh chóng và dễ dàng với phọng trào dân chủ, biết được những hoạt động mà phong trào dân chủ đang hướng đến cũng như mục đích và ý nghĩa thiêng liêng của phong trào dân chủ đối với đất nước, dân tộc.
Khi được hỏi quyết định dấn thân vào con đường dân chủ, hoàn cảnh xã hội có đem đến cho Thắm những khó khăn và thuận lợi gì, Thắm không ngần ngại nói: “Sinh hoạt trong phong trào dân chủ ở bối cảnh xã hội Việt Nam hiện tại thì tôi gặp rất nhiều khó khăn. Trước hết chính là sự an toàn của bản thân và gia đình bởi sự sách nhiễu, quấy phá của lực lượng an ninh đại diện cho chính quyền vì họ không thích”.
Thắm chia sẻ thêm , tuy gặp không ít khó khăn trong việc sinh hoạt dân chủ nhưng vẫn kỳ vọng phong trào dân chủ Việt Nam sắp tới sẽ được nhân rộng nhiều hơn đến với người tuổi trẻ . Bởi người tuổi trẻ dễ tiếp thu tinh hoa của nhân loại và cũng là thành phần có mặt ở trên Internet nhiều nhất. Không riêng ở Việt Nam, ở nhiều nước có hoàn cảnh tương tự thì phong trào dân chủ cũng cần có những ý tưởng sáng tạo, khoa học và hấp dẫn dể thu hút được nhiều thành phần người tham gia. Phong trào dân chủ phải thật sự thiết thực và hiệu quả mới có sức thuyết phục.
Riêng phong trào dân chủ ở Việt Nam, Thắm phấn khởi nói “Tôi rất phấn khởi về những bước tiến của phong trào dân chủ ở Việt Nam. Chúng ta đã được cộng đồng quốc tế quan tâm và theo dõi sát sao”.
Phải thừa nhận là phong trào dân chủ ở Việt Nam nói chung và người sinh hoạt dân chủ ở Việt Nam nói riêng, thời gian gần đây có sự quan tâm đặc biệt từ những quốc gia có tiếng nói mạnh mẽ trên trường quốc tế như Hoa Kỳ, Canada, Úc… Đây chính là một nguồn lực tạo điều kiện thuận lợi hơn trên chặng đường Việt Nam thực sự dân chủ đang còn đầy chông gai, thử thách ở phía trước và cũng còn rất cần…
Phụ nữ hải ngoại hướng nội
Những gì có được từ phong trào dân chủ trong nước hiện tại sẽ không ai phủ nhận những đóng góp quan trọng của những người yêu mến dân chủ ở khắp nơi trên thế giới. Đặc biệt là cộng đồng người Việt Nam ở Hải ngoại nói chung và người phụ nữ nói riêng ngày đêm khao khát hướng về quê cha đất tổ.
Từ Hoa Kỳ, chị Thanh Tâm cho Việt Nam Thời Báo biết những tâm sự, trăn trở và mong muốn của chị khi hướng về phong trào dân chủ trong nước như sau: “Cuộc sống của chị có thể xem như tương đối ổn định nhưng chị vẫn quan tâm đến công cuộc đấu tranh dân chủ ở trong nước. Bởi vì cho dù chị sống ở bất cứ đất nước nào trên thế giới này thì chị cũng là người Việt Nam, dòng máu chảy trong người chị vẫn là dòng máu Việt Nam. Với những tình hình tồi tệ xảy ra trong đất nước Việt Nam của mình, những sự bắt bớ, đàn áp,bức hại từ chính quyền Việt Nam đối với người dân trong nước, rồi tình hình đất nước Việt Nam có thể lọt vào tay Trung Cộng bất cứ lúc nào. Thành ra, mình là người Việt Nam dù sống ở bất cứ nơi đâu cũng phải có trách nhiệm gìn giữ đất nước cũng như góp phần vào công cuộc đấu tranh để Việt Nam ngày một độc lập , tự do và dân chủ thực sự”.
Chị Thanh Tâm nhìn nhận khả năng vốn có của mình để phục vụ và giúp đỡ phong trào dân chủ trong nước là không được nhiều. Chị Thanh Tâm chọn phương tiện truyền thông để làm phương tiện hoạt động. “Hoạt động của chị mạnh về sinh hoạt trên facebook nên chị chọn. Bởi vì facebook sử dụng khá dễ dàng. Nó lại truyền tải thông tin khá nhanh. Những vấn đề xảy ra ở trong nước chị có thể đưa lên facebook để truyền tải khắp nơi trên thế giới, để người Việt Nam khắp nơi hiểu rõ hơn về hiện tình đất nước Việt Nam, để thông tin không thể bưng bít được nữa” – lời chia sẻ của chị Thanh Tâm.
Ngoài việc đưa thông tin lên facebook thì nhìn vào facebook của chị Thanh Tâm, nhiều người dễ dàng nhận thấy chị còn tích cực hỗ trợ về mặt tài chính phần nào cho những người dân trong nước đang thực sự khó khăn bao gồm cả những anh chị em đấu tranh dân chủ.
Không như những chia sẻ của bạn Thắm ở trong nước, khi được hỏi về những khó khăn và thuận lợi gặp phải trong quá trình sinh hoạt dân chủ của mình thì chị Thanh Tâm thoải mái đáp “Chị có một đứa con trai , con chị cũng đã lớn nên chị tương đối thong thả trong công việc nhà . Môi trường chị sống ở một đất nước rất là tự do , thoải mái cho nên mình làm và nói dễ dàng hơn. Từ điều đó mình có thể so sánh và biết được những thông tin bị bưng bít, bị cấm đoán ở bên Việt Nam”. Chị Thanh Tâm cho đây là những sự khác biệt khiến chị có động lực hơn, thôi thúc chị phải làm nhiều việc hơn sao cho “ anh chị em đấu tranh trong nước nói riêng và người dân Việt Nam ở trong nước nói chung một ngày nào đó phải có được cái quyền tự do thực sự giống như chị hiện có”.
Cũng như bạn trẻ tên Thắm ở trong nước, kết thúc cuộc nói chuyện chị Thanh Tâm kỳ vọng và mong muốn phong trào dân chủ trong nước phát triển mạnh mẽ hơn bởi đây là động lực phát triển xã hội phù hợp với thời đại. Tuy nhiên, chị Thanh Tâm cũng có điều khoắc khoải “ Chị thấy lực lượng đấu tranh trong nước và ngoài nước chưa thật sự đoàn kết, chưa tìm được tiếng nói chung cho nên phong trào chưa có sự vững mạnh. Hy vọng hải ngoại và quốc nội có sự đoàn kết chặt chẽ hơn, không có sự phân biệt quá khứ hay hiện tại nếu cùng chí hướng thì tất cả hãy đoàn kết thành một khối mạnh mẽ đấu tranh loại bỏ những bất công xã hội, đòi hỏi sự tự do, dân chủ hơn. Có đoàn kết mới mong đi tới sự thành công”.
Chị Thanh Tâm cũng không quên gửi gắm vài lời đối với những bạn trẻ trong nước đặc biệt là những bạn nữ với lời đầu tiên là chị rất cảm phục lẫn khâm phục khi thấy được cuộc sống khó khăn của mọi người ở trong nước mà lại dám đưa lên những suy nghĩ của mình, chống lại sự áp bức, bất công, cuộc sống của họ bị đe dọa từng ngày từng giờ mà vẫn mạnh mẽ vững vàng. Và chị Thanh Tâm muốn nhắn gửi: “ tất cả mọi người đấu tranh dân chủ trong nước hãy vững vàng, mọi người không có lẻ loi. Ở hải ngoại, những ai có tấm lòng yêu quê hương Việt Nam cũng đang đồng hành cùng mọi người ở trong nước. Riêng các bạn nữ thì chị muốn nói ngày xưa chúng ta có bà Trưng bà Triệu thì ngày nay chung ta có chị Tạ Phong Tần , Bùi Thị Minh Hằng, Lê Thị Phương Anh… Phụ nữ Việt Nam chúng ta không có gì phải mặc cảm cả . Những gì nam giới làm được thì phụ nữ mình cũng làm được và chắc chắn làm được thậm chí làm được tốt hơn”.
“Thật ra, công việc đấu tranh vì tự do, dân chủ cho đất nước Việt Nam không phân biệt nam hay nữ, người trong nước hay người hải ngoại bởi đó là trách nhiệm chung. Người phụ nữ dù ở đâu hay ở bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải kề vai gánh vác , noi gương và gìn giữ dòng máu oai hùng của các bậc tiền nhân, hãy giữ vững niềm tin trong cuộc chiến để đưa cuộc chiến đi đến thành công thắng lợi cuối cùng” – xin được lấy lời sau cuối của chị Thanh Tâm để kết thúc bài viết này.