Việt Nam Thời Báo

VNTB- Chặn Internet ở Việt Nam: Siêu dự án bất khả thi

Xuân Mai(VNTB) Rõ ràng Việt Nam không thể lập hệ thống của riêng mình, nhà cầm quyền chỉ còn cách gắn chặt lợi ích với phương Tây. Do đó, Internet sẽ không thể bị chặn quá vài ngày ở đất nước chúng ta.

Từ khi bùng nổ ở Việt Nam, Internet đã gây được sự thay đổi nhận thức trong cộng đồng. Các trang mạng như Chân dung quyền lực, Dân luận, Việt Nam Thời Báo… và các báo nước ngoài đã tố cáo thẳng thừng nạn tham nhũng và tệ nạn của các phe nhóm cầm quyền. Lo sợ bị mất chiếc ghế quyền lực, những người có tên trong danh sách bị vạch mặt đã vận động để chặn kết nối internet giữa nội địa và quốc tế. Đây là một siêu dự án, và là một siêu dự án bất khả thi. 

Việt Nam thua xa Trung Quốc khả năng làm nhái mạng xã hội

Hiện trên thế giới có 4 nước ngăn chặn internet. Đó là Syria, Iran, Trung Quốc, Triều Tiên. Các lãnh đạo Trung Quốc nổi tiếng mưu lược đã khôn hơn rất nhiều lãnh đạo ba nước còn lại về kiểm soát Internet. Họ trông thấy bài học từ những nhà độc tài A-rập: Tổng thống Mubarak không cho dân Ai-cập dùng Internet, người dân không thể lên mạng để lên tiếng thì họ ra đường, kết quả là biểu tình xảy ra và Mubarak bị lật đổ. Ben Ali, cựu tổng thống Tunisia thì coi thường Facebook- dịch vụ của thế giới tự do. Làn sóng trên Internet tố cáo ông này tham nhũng trong dân chúng trở nên gay gắt và họ cũng cuộc xuống đường, Ben Ali bị lật đổ trong Mùa xuân A-rập. Giới lãnh đạo Trung Quốc từ đó thấy rằng không thể cấm tiệt mạng xã hội, cái giá phải trả sẽ là quá đắt. Do đó họ chọn phương án chặn và chép. Họ cắt đứt Internet và lập ra Chinanet, đồ giả giống đồ thật đến từng chi tiết.


Trung Quốc lập Baidu (Bách độ) để nhái Google, lập Weibo (Vi bác) để nhái Twitter, lập Renren (Nhân dân) để nhái Facebook. Thậm chí họ còn đổ một lượng tài lực khổng lồ để nhái mạng lưu trữ video Youtube bằng Youku (Ưu khốc) và Toudou (Thổ Đậu). Phương Tây phát minh ra cái gì thì giới cầm quyền Trung Quốc nhái cái đó cho bằng được, mục đích là để trấn an dư luận sau tấm màn che màu đỏ. Nhà cầm quyền tạo cho dân chúng một sự thỏa mãn giả tạo về nhu cầu dùng mạng xã hội. Đây là một mánh khóe thâm hiểm của lãnh đạo Đảng Cộng Sản Hoa lục, thế giới chưa ai nghĩ ra trò này.
Trong khi đó, ở Việt Nam, các trang mạng xã hội nội địa như Zingme không thể thay thế Facebook là trang mạng xã hội quốc tế đã đi vào lòng người dân. Nếu một khi Facebook bị cắt, người dân Việt Nam sẽ ngay lập tức tỏ thái độ căm phẫn nếu biết được chính nhà cầm quyền đứng sau vụ cắt cáp quang hoặc chặn trang mạng quốc tế này. Cái gì đã đi vào tâm khảm thì không thể lấy ra được nữa, giống như không dễ gì nói xấu một huyền thoại mặc dù biết rõ huyền thoại đó thực chất không như tuyên truyền. Việc nhái một trang mạng xã hội như Facebook hay google Plus rồi thuyết phục cộng đồng sử dụng nó ở Việt Nam là điều không thể.
Khó khăn kiểm soát mạng xã hội nội địa quá lớn
Lập ra các trang mạng xã hội nội địa để che mắt người dân là một chuyện, kiểm duyệt các trang đó lại là một chuyện nữa. Cả hai chuyện này đều đòi hỏi nhân lực và tài lực rất lớn. Trung Quốc có những siêu máy tính để phân tích những dòng tin bất đồng chính kiến, trong khi Việt Nam theo như chúng tôi được biết thì chưa có siêu máy tính nào tính đến thời điểm hiện tại.
Mọi máy móc tinh vi đến mấy thì cũng không thể thiếu người đứng điều khiển. Trung Quốc có đủ lao động trong các ngành kỹ thuật cao để dùng vào cuộc đánh chặn và sao chép, nhưng nhân lực này ở Việt Nam thì còn thiếu và còn yếu. Phân tích và đánh chặn những từ nhạy cảm là một công việc đòi hỏi đầu tư rất nhiều. Chẳng hạn, khi một từ kiểu như “tụ tập”, “xuống đường”, “ Pháp Luân Công”, “ Chu Vĩnh Khang” xuất hiện ở trang cá nhân Trung Quốc thì lập tức sẽ có người phân tích thái độ chính trị của người đó, chỉ cần nói đến một âm mưu giả tạo của Bắc Kinh thôi là đã có thể bị bắt. Vì vậy, an ninh Trung Quốc dễ dàng phân tách thường dân thành những nhóm nhỏ. 
Nhưng Việt Nam không lấy đủ người để làm điều đó. Văn hóa làng xã, họ tộc của người Việt cũng đều không cho phép làm điều đó. Dân Việt cũng giỏi luồn lách hơn dân Trung Quốc, nên nhà cầm quyền cũng khó kiểm soát hơn, tâm lý vị tình không cho phép sử dụng các biện pháp trong quy mô đại trà. Giống như câu tục ngữ “phép vua thua lệ làng”, khi ở trong nước thì người Việt đoàn kết hơn người Hoa, không dễ gì để tách riêng người Việt thành các nhóm nhỏ. 
Thứ nữa phải kể đến tinh thần dân tộc. Công an Trung Quốc được giáo dục lòng tự tôn dân tộc để vượt mặt Mỹ trong ngôi vị cường quốc số một nên thần phục chế độ. Thực tế thì nền kinh tế Hoa lục đã là thứ hai thế giới, đủ để trấn an công chức. Công an Việt Nam không có lí do gì để chống lại Mỹ nữa. Bề ngoài họ vâng phục, nhưng trong tâm thức họ đã chán chế độ lắm rồi, khi mà Lào và Cam-pu-chia đã hơn hẳn Việt Nam về một số phương diện. Công an nước ta đang bị ép buộc đến với niềm tin mà họ không mong muốn. Minh chứng điển hình là trong giới đấu tranh cho dân chủ, số cựu công an luôn lớn hơn số cựu quân nhân vốn chỉ biết phục tùng. Tinh thần dân tộc đã làm cho công an Việt Nam thức tỉnh. Họ không muốn trực tiếp bắt người, thay vào đó là gõ cửa các tổ chức công lập và yêu cầu các tổ chức này tuyên truyền cho các thành viên đừng chống đối gay gắt nữa. 
Do đó, kiểm soát “Chinanet” ở Trung Quốc là dễ dàng nhưng kiểm soát Internet, hay “ Vietnamnet” ở Việt Nam sẽ là lấy muối bỏ bể.
Nền kinh tế đã gắn chặt với phương Tây
Những trung tâm dịch vụ lưu trữ khổng lồ Internet như Amazon, Microsoft, Google… đã đi quá sâu vào các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam. Nếu chặn mạng quốc tế, Việt Nam sẽ một lần nữa bế quan tỏa cảng, một tư duy chính trị đã gây ra quá nhiều bài học đau buồn trong quá khứ. Các chính trị gia ở Việt Nam thừa sức nhận ra điều đó. Họ không dám chặn các trung tâm dịch vụ lớn này, mặc dù họ có khả năng làm chuyện đó. Chặn Amazon hay Microsoft sẽ làm tổn thương hàng ngàn công ty công nghệ sử dụng mạng Amazon hay Microsoft mỗi ngày, tổn thất về kinh tế và chính trị là quá lớn. Trong bối cảnh nợ công đã quá chồng chất, nhà nước đang thiếu tiền trầm trọng, Việt Nam phải chạy vạy TPP và phải đáp ứng các điều kiện của TPP là tự do báo chí, cải thiện nhân quyền, công đoàn độc lập. Tất cả những điều kiện này đều song hành cùng tự do Internet. 
Một khi đã cắt đứt Internet và lập mạng nội địa, Việt Nam sẽ chẳng đủ sức để điều khiển “Vietnamnet” như Trung Quốc điều khiển “ Chinanet”. Bài học từ Trung Quốc là một ví dụ. Hệ thống kiểm soát tinh vi của họ cũng có thể gặp lỗi. Ngày 21/01/2014, máy chủ DNS Trung Quốc trục trặc, các website như Baidu, Tencent và Sina, thậm chí cả QQ đều không thể truy cập. Các tên miền khác có kết thúc bằng .com, .info, .net và .org cũng không thể truy cập được. Ước tính khoảng 500 triệu người dùng internet Trung Quốc bị ảnh hưởng do hàng trăm ngàn website và 2/3 các tên miền bị đánh sập. Thiệt hại kinh tế là không thể đo lường được. Ai là người gây ra thảm họa này? Chẳng gì ngoài lỗi kỹ thuật do vô ý của người đứng máy chủ đã làm cho Chinanet chao đảo. Hệ thống bất khả xâm nhập đó mà còn gặp khủng hoảng, thử hỏi liệu nguyên thủ Việt Nam có dám làm một hệ thống tương tự không, khi mà về nhân lực, tài lực phục vụ nền độc tài chỉ là hạt cát so với Trung Quốc? Rõ ràng Việt Nam không thể lập hệ thống của riêng mình, nhà cầm quyền chỉ còn cách gắn chặt lợi ích với phương Tây. Do đó, Internet sẽ không thể bị chặn quá vài ngày ở đất nước chúng ta.
Quyền tự do phải giống với quyền thừa kế và không thể bị định hướng, trong đó bao gồm tự do Internet. Người dân phải được kết nối với công chúng toàn quốc và quốc tế. Sự kết nối đó là bắt buộc, không thể khác hơn. Nếu ngay từ đầu nhà cầm quyền có quan điểm nhân văn hơn về Internet thì đã không tốn nhiều tiền của, thời gian cho vấn đề này mà còn bị phê phán kịch liệt đến như vậy.

Tin bài liên quan:

VNTB – Giáo dục quốc phòng VN: Thu học phí mà chẳng biết đánh ai

Phan Thanh Hung

VNTB – Việt Nam có làm gì để đối phó với nguy hại sinh học từ Trung Quốc?

Phan Thanh Hung

VNTB- Khi ‘quỷ nhập tràng’ ở thế chân tường

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo