Việt Nam Thời Báo

Lướt qua cải cách ruộng đất Liên Xô – Trung Quốc – Việt Nam

Phùng Hoài Ngọc
* Tác giả gửi bài trực tiếp cho VNTB

Liên Xô
Liên Xô những năm 1920 – đầu 1930’s
Tiến hành cải cách ruộng đất để thực hiện mau chóng công nghiệp hóa XHCN, theo phác thảo của Lenin, và người thực hiện quyết liệt đến cùng tới những năm đầu thập kỷ 1930 là Staline.

Tham vọng công nghiệp hóa với tốc độ và quy mô rất lớn đã đòi hỏi các nỗ lực rất cao của xã hội và đã gây ra các căng thẳng, mất cân đối cũng như tạo nên nạn đói làm chết cả triệu người, nhất là tại xứ cộng hòa Ukraina. Nạn đói tại Liên Xô những năm 1930 khiến lãnh đạo Xô viết phải tiến hành tập thể hóa nông nghiệp cưỡng bức ở nông thôn. Tập thể hóa nông nghiệp cưỡng bức đã vấp phải sự phản kháng dữ dội của lớp trung nông và phú nông (gọi là Kulak). Để hỗ trợ cho tập thể hóa, Stalin đã cho tiến hành chiến dịch tiêu diệt tầng lớp Kulak rất quyết liệt: toàn bộ tài sản của Kulak bị tịch thu, gia đình họ bị lưu đầy đến những vùng xa xôi hẻo lánh… Sau công nghiệp hóa và tập thể hóa kinh tế, giai cấp địa chủ phú nông phần nhiều trực tiếp hay gián tiếp trốn đi làm thổ phỉ tự vũ trang chống lại chính quyền, hoặc sau tìm đường chạy ra nước ngoài.

Quy mô thanh trừng, đàn áp rất lớn đến mức Đảng phải lập ra GULAG (Tổng cục quản lý các trại giam) để tập trung những người chống đối và bất đồng chính kiến nói chung.

Liên Xô cải cách ruộng đất để xây dựng nông trang quốc doanh, đã gây đổ máu nhày nhụa. Máu của tầng lớp Kulak (cu lắc) và sự sa đọa ngu dốt của cán bộ Đội cải cách được miêu tả phần nào trong bộ tiểu thuyết hiện thực “Đất vỡ hoang” 3 tập của nhà văn M. Sholokhov từng gây tranh cãi một thời. Và sau này tiểu thuyết “Quần đảo Gulag” hay “Quần đảo ngục tù” (tiếng Anh là The Gulag Archipelago), là tác phẩm nổi tiếng của nhà văn người Nga A. Solzhenitsyn, đoạt giải Nobel Văn học năm 1970, phản ánh hoạt động của Gulag-Tổng cục quản lý các trại giam tập trung). Đây là sự thật của hệ thống cải tạo lao động bắt buộc của Liên Xô, chuyên dành cho những người bất đồng chính kiến và những người gốc điạ chủ phản kháng (Kulak). Cuốn sách 3 tập, nay đã được đưa vào chương trình giảng dạy văn học của nước Nga thời hiện đại.

Nông trang quốc doanh của Liên Xô đi trước các đàn em gần hai chục năm, làm hình mẫu sau này cho các “Đại đội sản xuất và một số nông trang tập thể” ở TQ, “Hợp tác xã đại trà” và một số nông trường quốc doanh ở VN.

Trung Quốc cộng sản 1946-1949
Vào mạng TQ thấy có hàng trăm luận văn, hoa mắt trước hàng nghìn bài báo nghiên cứu, bình luận về “thổ địa cải cách” từ các khoa Sử học, Luật học, Lịch sử pháp lý và tạp chí KHXH-NV ở Trung Quốc.

Đương thời văn học nghệ thuật TQ minh họa đường lối CCRĐ nhiều vô kể bây giờ không ai nói nữa. Sau này khi phản tỉnh thì văn học nghệ thuật TQ lại ào ạt với các tư trào văn học “thương tích”, văn học “sám hối” (ở một đất nước quá nhiều vết thương chồng chất không kịp lên da non như Thổ địa cải cách 1946-49, Đại nhảy vọt 1958-1960 chết đói cả vài chục triệu dân, Cách mạng văn hóa vô sản (gọi tắt Văn cách) 1966-1976 bỏ tù và làm chết khoảng 40 triệu người, Thiên An Môn 1989 một đêm làm chết khoảng 6 000 người).

Tầng lớp phú nông TQ cũng có bộ phận trốn đi làm thổ phỉ (do địa hình núi rừng nhiều và rộng), bộ phận khác tìm đường chạy ra nước ngoài.

Dưới đây chúng tôi dẫn chứng rải rác một số bài nghiên cứu, bài báo và luận văn sau đại học về đề tài “thổ cải” (thổ địa cải cách) ở TQ:

1. Trương Kim Quốc (Zhang Jinguo)

“Nghiên cứu về cuộc tố khổ trong thổ điạ cải cách ở địa khu Hoa Bắc”.
(Hoa Bắc gồm các địa phương Bắc Kinh, Thiên Tân, Hà Bắc, Sơn Tây và Nội Mông).
[Luận văn đại học- Đại học Phú Kiến, 2009 ]

2. Lý Lý Phong (Li Lifeng)

“Đoàn thể bần nông trong cuộc vận động ‘thổ cải’ ở vùng Hoa Bắc”
[luận văn – tạp chí Phúc Kiến luận đàm – Nhân văn Xã hội khoa học, 2006 (số 9)]

3 . Lý Tề Chính (Li Qizheng)
Phân tích sơ bộ nguyên nhân khiến cải cách ruộng đất ở nước Nga không thành công.
(luận văn- Đại Giang tuần san – Diễn đàn bình luận, 2010 (5)

4. Triệu Kim Phủ (Zhao Jinfu)
Thử bàn về chính sách địa chủ (1945-1952) của Trung quốc Cộng sản.
[Luận văn] 2008

5. Mãn Vĩnh (Man Yong)
Chính trị và sinh hoạt- “Bình thường hóa đời sống trong cuộc cách mạng thổ địa cải cách, trung tâm khảo sát trường hợp huyện Lâm Tuyền, tây bắc tỉnh An Huy”.
[luận văn – tạp chí Khai Phóng thời đại 2010 (số 3) ]

6. Hoàng Đạo Huyễn (Huáng Đạo-xuan )
“Bạn đồng minh bị đè nén hoặc vẫn dưới tay đối thủ, số phận trung nông ở vùng đất cải cách cũ”.[Luận văn – Tạp chí Đại học Nam Kinh • triết học • nhân văn khoa học •xã hội khoa học, 2007,44 (5) ]

7. Hà Quân (He Kun)
“Cải cách thổ địa vùng nông thôn Quan Trung đầu thập kỷ 50 thế kỷ 20”.
(* vùng Quan Trung gồm: tỉnh Thiểm Tây lớn nhất (thủ phủ là Tây An) và các thành phố khác như Đồng Xuyên, Bảo Kê, Hàm Dương và Vị Nam). [Luận văn – Trung Quốc lịch sử nông nghiệp 2006, 25 (kỳ 2) ]

8. Lý Lý Phong (Li Li feng) .
“Phân tích với kính hiển vi một loại kỹ thuật động viên dân chúng tố khổ trong cải cách ruộng đất ”.[luận văn – Tạp chí Đại học Nam Kinh, Mục•Triết học • Nhân văn • Khoa học xã hội) 2007,44 (5)]

9. Lý Tiểu Vân (Li Xiaoyun), Hà Quân (Hé Jun) và Phó Vinh (Fu Ring)
“Xung quanh cuộc tranh luận khoa học: Cải cách ruộng đất và xoá đói giảm nghèo – tái phân phối”. [Luận văn – Đại học Nông nghiệp Trung Quốc (ban Khoa học xã hội) 2008,25 (2)]

10. Dương Dân (Young Min) và Dương Hiến Đông (Yang xiandong)
“Nghiên cứu về sự tương tác giữa cải cách ruộng đất và công nghiệp”
[luận văn- Tạp chí Khoa học xã hội năm 2005 (11)]

11. Đại Học Sư phạm Phúc Kiến
“Sự biến thiên và chọn lựa sáng tạo chế độ sở hữu tài sản đất nông nghiệp của Trung Quốc từ 1949 đến nay- trường hợp huyện Diên Sơn, tỉnh Giang Tây”.
Danh tính tác giả: Vương An Xuân.Yêu cầu cấp học vị: bác sĩ (tức tiến sĩ)
Chuyên ngành: Lịch sử Trung Quốc cận hiện đại .
Giáo sư chỉ đạo: Ôn Nhuệ

12. Luận văn Thạc sĩ: “Nghiên cứu về pháp luật cải cách thổ địa ở khu giải phóng Đông Bắc *”.
Họ tên nghiên cứu sinh thạc sỹ: Lộc Á Huy (Lù Yáhuī )
Chuyên ngành: •Luật • Lịch sử Pháp lý
Giáo sư chỉ đạo: Tôn Quang Nghiên (Sūn Guāngyán )
Học vị được cấp bởi Đại học Hắc Long Giang ,
(* Đông Bắc nguyên là đất Mãn Châu cũ gồm 3 tỉnh: Cát Lâm, Liêu Ninh, Hắc Long Giang)

Nguồn: http://d.g.wanfangdata.com.cn/Thesis_Y1500311.aspx

Tình hình nghiên cứu CCRĐ ở Việt Nam
CCRĐ ở miền Bắc Việt Nam kéo dài lê thê từ 1946 đến 1957, sau đó tiến hành sửa sai hời hợt.

Tầng lớp địa chủ phú nông ở VN không đi làm thổ phỉ như LX vàTQ mà phần lớn di cư vào Nam.

Việt Nam không có một bài báo nghiên cứu, một luận văn nghiêm túc nào về CCRĐ. (Nếu ai biết xin vui lòng thông báo cho chúng tôi được biết).

Thì ra, giới lãnh đạo Cộng sản TQ không hề ngăn cản mọi sự nghiên cứu của giới khoa học. Họ vẫn luôn luôn cao tay ấn hơn Cộng sản VN, nói chung là bản lĩnh cao hơn người “em nhỏ” Việt Nam. Họ cứ thản nhiên như thế, trong mọi trường hợp phức tạp (kế cả chuyện hai quần đảo ở Biển Đông).

Giới khoa học xã hội nhân văn nước ta làm biếng không chịu bắt tay nghiên cứu CCRĐ, hay là không được nhà nước cho phép ?

Nước ta nổi bật hóa ra chỉ có hai cuốn tiểu thuyết nho nhỏ về CCRĐ. Tiểu thuyết “Sắp cưới” (1957) của nhà văn Vũ Bão và “Ba người khác” của Tô Hoài (2007) – cách nhau ba chục năm! Được biết còn một số ít truyện ngắn viết về CCRĐ nữa, nhưng cũng sớm chìm vào lặng lẽ.

Hơn tháng qua, cư dân mạng Việt Nam được đọc hàng trăm bài hồi ký, hồi ức về CCRĐ được viết ngay trong tháng 9 năm 2014… Trong đó có một ít rút ra từ các sách nghiên cứu đã xuất bản như “Lịch sử Việt Nam” của Gs Lê Xuân Khoa, “Bên thắng cuộc” của Huy Đức, Hồi ký của Trần Huy Liệu, “Đèn Cù” của Trần Đĩnh,… Tất cả hầu như chỉ được xuất bản ở nước ngoài, và cũng chỉ là ký ức lờ mờ, số liệu sơ sài. Tất cả chưa phải là những công trình nghiên cứu khoa học nghiêm chỉnh đầy đủ.

Thôi thì, chúng ta tạm thời thưởng thức một ít văn chương CCRĐ ngõ hầu lấp vào chỗ trống mênh mông của khoa học XHNV yếu ớt èo uột ở Việt Nam.

Nhà văn Vũ Bão (1931-2006) xuất thân chiến sĩ quân báo từ năm 1947, nổi tiếng với tiểu thuyết “Sắp cưới” (1957), chỉ có 200 trang. Tiểu thuyết “Sắp cưới” tuy không thuộc nhóm Nhân văn- Giai phẩm nhưng cũng bị phê phán gay gắt một thời do những người Tuyên huấn quan niệm ấu trĩ và thích chứng tỏ “lập trường” cách mạng. “Sắp cưới” là chuyện đôi trai gái yêu nhau, sắp làm lễ cưới thì đội CCRĐ về xã; Gia đình cô gái bị quy oan thành phần địa chủ, nhưng chàng trai sợ mang tiếng bao che, cố tình làm ngơ trước nỗi đau của người yêu. Sau gia đình cô được sửa sai, chàng trai hối hận xin nối lại cuộc tình, nhưng cô gái từ chối… Sau khi bị chỉ đạo “đánh đấm”, tác giả lâm cảnh “lên bờ xuống ruộng”, bị đẩy đi hết cơ quan này đến cơ quan khác.(Xuân Sách vẽ chân dung Vũ Bão:“Sắp cưới” bỗng có thằng phá đám/ Nên ông chửi bố chúng mày lên/ Đầu chày đít thớt đâu còn ngán/Không viết văn thì ông viết phim).

Đó là lúc Vũ Bão được làm phóng viên đi viết về “Cải cách ruộng đất”, gặp Xuân Diệu đang “bắt rễ xâu chuỗi” ở làng Còng. Vốn hâm mộ nhà thơ trữ tình nổi tiếng, thấy Xuân Diệu chịu đựng kham khổ “sống ba cùng” hàng ngày với nông dân, chỉ ăn sắn, khoai, nên Vũ Bão rủ Xuân Diệu lén lút đến quán một bà già ở làng bên để tránh những cặp mắt dò xét. Dù vậy, nhà thơ Xuân Diệu vẫn sợ phạm kỷ luật “ba cùng” (tìm quà ăn thêm), dù Vũ Bão đã bóc sẵn bánh và sẵn sàng nhận “tội” chủ mưu: “Trông anh thật tội, cứ ngần ngừ không dám vượt khoảng cách tội lỗi từ cái bánh chưng đã bóc sẵn trên tay đến cái miệng chuyên ngâm thơ tình”… Khi Xuân Diệu nhờ Vũ Bão đưa bài thơ mới sáng tác về đăng báo: “Đấu thằng đầu sỏ vừa xong/ Gặp kỳ giáp hạt làng Còng gieo neo/ Trong thôn đa số dân nghèo/ Sắn ăn thay bữa, ngô nhiều hơn cơm…”, Vũ Bão hỏi nhà thơ tổng biên tập Bùi Hạnh Cẩn: “Sao dạo này nhà thơ Xuân Diệu làm thơ không hay như hồi “Yêu là chết ở trong lòng một ít” anh nhỉ?”; trả lời: “Anh ấy đang lột xác để trở thành nhà thơ của công nông binh.”.
Cùng “căn bệnh Xuân Diệu” ấy, thời ấy, nhà văn lừng danh Nguyễn Khải đã đóng vai người bảo vệ Đảng, kịch liệt phê phán một số nhà văn viết về sai lầm trong Cải cách ruộng đất, để đến hơn 40 năm sau, Nguyễn Khải phải có lời xin lỗi với những người đã từng bị ông ta “đánh đập”. Nhà báo Xuân Ba đã viết bài, chụp ảnh Nguyễn Khải tươi cười đón Vũ Bão ngồi cạnh mình tại Đại hội Nhà văn lần thứ 6 – tức là 42 năm sau khi Nguyễn Khải viết bài dài 4 trang phê phán cuốn tiểu thuyết “Sắp cưới” của Vũ Bão.

“Cải cách RĐ”  trong “Ba người khác” của Tô Hoài

Trong cuốn tiểu thuyết BA NGƯỜI KHÁC, nhiều chân dung nhân vật sinh động, chân thực và cuốn hút một cách buồn thảm về một thời kỳ không thể quên trong lịch sử hiện đại VN: Cải Cách Ruộng Đất (1953-1956). Ông viết với tâm thế của người vừa trong cuộc, vừa có độ lùi để quan sát, chiêm nghiệm…Tôi thấy cuốn tiểu thuyết này sẽ hấp dẫn được nhiều đối tượng độc giả: đọc vì tò mò xem thời ấy nó thế nào, đọc để thấm thía qua khứ.

Ở Việt Nam, phong trào“văn học thương tích” (văn học vết thương) cũng đã có nhen nhóm nhưng chưa thành một dòng lớn. “Thương tích” chủ yếu của văn học Việt Nam nằm ở thời kỳ Cải cách ruộng đất và Sửa sai, vụ “Nhân văn- Giai phẩm”, vụ án Xét lại chống đảng. Dòng văn học “vết thương” của Việt Nam chưa mạnh mẽ như ở Trung Quốc nơi phát nguyên dòng văn học này. Nhà văn Việt Nam sẽ còn phải viết tiếp, phải nhận thức lại về “thuơng tích” để hậu thế tránh đi.

Tuy nhiên “vết thương quá khứ” đối với Tô Hoài chỉ thực sự được khơi lại rõ nét ở tiểu thuyết “Ba người khác” sau nhiều năm dừng lại ở bản thảo nay vừa được xuất bản năm 2007. Câu chuyện mô tả một vùng quê yên lành bỗng chốc chìm ngập trong các cuộc đấu tố, tranh giành, oan khốc từ hơn nửa thế kỷ trước tạo ra một cú shock trên văn đàn và công chúng.

Nhìn lại để thấy con người Việt Nam đã đi qua giông bão như thế nào. Tô Hoài viết rất hay về vết thương. Phải tin ở độc giả, họ đã trưởng thành (một nhà phê bình văn học nhận xét), “không thể sốt ruột, nhưng dòng “văn học vết thương” dần dần phải được nhìn nhận với sự cởi mở hơn. Không nóng vội nhưng “từ từ rồi sẽ đi đến đích”.

Nghệ thuật tiểu thuyết “Ba người khác” rất mới mẻ, nhất là kết cấu tiểu thuyết và xây dựng nhân vật. Nghệ thuật này chưa từng có ở các truyện trước đây của Tô Hoài thường rất mạch lạc, minh bạch. Tô Hoài khôn khéo xưng “tôi” (hồi xưa ông đã từng làm đội phó CCRĐ) vừa là hư cấu nhưng cũng có thể hiểu là sự thật. “Tôi” là “anh Bối” đội phó làm việc như “thiên lôi chỉ đâu đánh đó”. Đây cũng là cơ hội cho nhà văn tự thanh minh và sám hối cái đoạn đời không mấy vinh quang của ông và nhiều người cán bộ khác.

Tựa đề tiểu thuyết “Ba người khác”cũng rất bí ẩn. Đúng ra chỉ có “hai người khác” còn người thứ ba chính là nhà văn (lúc ấy làm đội phó đội cải cách, mang tên Nguyễn Văn Bối). “Ba người khác” là ba nhân vật: đội trưởng cải cách Huỳnh Cự, đội phó Nguyễn Văn Đình và Tôi (mang tên Nguyễn Văn Bối đội phó- nhân vật người kể chuyện). Vì sao nhà văn lại gọi bản thân mình là “người khác”? Có lẽ, ngụ ý rằng khi Tô Hoài đi làm CCRĐ thì ông không còn là chính mình nữa, đã thành “người khác” chăng? Thôi thì tùy bạn đọc hiểu cho tâm sự nhà văn.

Bên cạnh còn hàng chục nhân vật ở thôn Am, thôn Chuôm…Đặc biệt có một nhân vật không tên, chức vụ là một huyện ủy viên, nhà văn chỉ gọi hắn ta là “người huyện ủy viên”- kẻ giấu tên giấu mặt chỉ huy cuộc CCRĐ tàn bạo, nghe cái tên rất ngô nghê nhưng ngẫm kỹ thì thấy rất có ý vị.

Vậy đích danh thủ phạm của những cảnh khốn nạn, man rợ, oan ức và nực cười chua chát kia là ai? Có lẽ, nhân vật bí ẩn “người huyện ủy viên” trong tiểu thuyết chính là thủ phạm?

Nhìn chung, hiện thực CCRĐ ở làng xã được kể lại chi tiết, thấp thoáng đôi chút ở cấp huyện, tỉnh, không nói gì tới cấp trung ương (hih vọng mai sau có nhà văn viết tiếp, như kiểu Trung Quốc viết chuyện CCRĐ và Cách mạng văn hóa vô sản từ cấp xã, cơ sở dần dần đến cấp trung ương). Tô Hoài viết để trang trải món nợ lòng, cũng là thực hiện nghĩa vụ người cầm bút đối với đất nước, dân tộc.

Bạn đọc sẽ gặp nhiều câu văn què cụt, hỗn độn, lục cục. Chẳng phải vì trình độ viết kém, Tô Hoài cố ý viết như thế để tái hiện một không khí quá khứ, tạo ra cái lủng củng rối loạn đến độ ngu ngốc của một thời đã qua. Thủ pháp đó khiến người đọc bình thường hơi khó hiểu, phải ngừng từng lúc để cố hiểu lời văn nên khó tránh khỏi cảm giác khó chịu…

Hơn 20 năm qua, nhà văn Việt Nam dưới ảnh hưởng mạnh mẽ của nhà văn hiện đại Trung Quốc nên đã viết được những tác phẩm đáng kể, phanh phui quá khứ đen tối. Họ đang cố xứng đáng với sứ mệnh nhà văn. Nhưng phải thừa nhận, văn học hiện đại nước ta vẫn chưa theo kịp Trung Quốc… Cũng không thể trách họ, phải chờ đợi thời gian

Nhà văn Trung Quốc Chúc Ngưỡng Tu tâm đắc “Lật lại bài học quá khứ không phải để gây thù hằn, mâu thuẫn hay để than khóc; mà để rút ra bài học. Phải nhìn thẳng vào quá khứ để định hướng tương lai. Không thể né tránh “vết thương” bởi dù thế nào nó đã là một phần của lịch sử”.

Ở Trung Quốc cộng sản chỉ phân 3 loại trong Cải cách thổ địa: phú nông, trung nông và bần nông. Họ tuyên truyền lôi kéo “bần nông kết đồng minh với trung nông để đánh kẻ thù chung là phú nông” (?!).

Ở Việt Nam xếp hạng từ trên xuống rắc rối hơn với các khái niệm gồm: địa chủ, phú nông, trung nông, bần nông, cố nông (do việc sử dụng từ ngữ hơi lộn xộn), riêng ở miền Nam thay “địa chủ” bằng “điền chủ” (1).

Do ở Việt Nam phân loại như trên thì địa chủ là giàu nhất phải bị đánh đổ, giàu hạng nhì là phú nông phải tước đoạt bớt điền sản, hạng ba là trung nông giữ nguyên, 2 hạng chót là bần nông và cố nông chia phần điền sản và tài sản của địa chủ và phú nông.

Chịu sức ép và ảnh hưởng của Liên Xô (Hồ Chí Minh viết báo cáo kế hoạch xin ý kiến Staline) và TQ (cố vấn TQ sang tận VN dắt tay chỉ việc), Đảng CS Việt Nam đã làm CCRĐ từ chỗ mầy mò (trước 1949), sau đó theo miết tấm gương TQ đã phạm sai lầm khùng khiếp. Nhớ ngày xưa, các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn tuy phụ thuộc văn hóa Hán nhưng vẫn tranh thủ giữ được tự chủ độc lập. Vua chúa Hán tộc không vươn được bàn tay chỉ đạo tới nước Đại Việt. Bởi vì thời ấy không có “hai đảng anh em”, không có cố vấn Tàu cộng dắt tay chỉ việc, lại còn áp đặt tỷ lệ phú nông (địa chủ) phải là 5 % -7 %. Từ đó các Đội Cải cách cố gắng đạt chỉ tiêu trên giao, lợi dụng kích động bần cố nông tăm tối, tham lam, bật đèn xanh cho thói ganh ghét đố kỵ và thù hằn bùng nổ, ép cho ra “địa chủ, phú nông” mà phần lớn chỉ là trung nông.

Suốt từ khi hai nước có Đảng CS, TQ và VN như cái bình thông nhau. Ống lớn và ống nhỏ. Mực nước dâng cao hay rút xuống thì gần như cùng lúc cả hai bên ( ngày nay, bên kia mở chiến dịch “diệt hổ, diệt ruồi” thì bên ống nhỏ này cũng cắn răng truy tố chánh án Tòa tối cao.

Thế này thì biết bao giờ Nhân Dân ta mới được độc lập tự chủ vươn mình cùng thế giới ?!

CHÚ THÍCH
Các từ ngữ “địa chủ, điền chủ, phú nông” thường bị dùng lẫn lộn trong tiếng Việt, nhưng lâu dần thành quen. Nhân đây đối chiếu cách phân loại thành phần giữa TQ và VN:
Xuất phát từ gốc Hán:
“Địa chủ” (chủ đất nói chung, bất kể ít nhiều, miễn là có khế ước, bằng khoán, như bây giờ là có sổ đỏ) và điền chủ (chủ ruộng nói chung bất kể ít nhiều, tương tự địa chủ).

Địa chủ, điền chủ là danh từ chung, không coi là thành phần trong “thổ cải” ở TQ.

Ở TQ, chỉ còn ba loại sau, trải qua đấu tố mà xếp loại:
– Phú nông (nhà nông giàu có)
– Trung nông: có ruộng làm đủ sống, tương đối sung túc..
– Bần nông: nông dân nghèo nói chung (gồm ba loại: + nông dân có ít ruộng tự làm, + nông dân không ruộng phải thuê ruộng để trồng trọt, đóng tô cho chủ ruộng, gọi là tá điền, và + cố nông (nông dân không ruộng chỉ chuyên làm thuê cho địa chủ, phú nông, và trung nông lấy tiền công).

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo