Sự kiện hai điều tra viên của Công an tỉnh Sóc Trăng bị khởi tố tội dùng nhục hình một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo cho các cơ quan tố tụng. Rõ ràng chuyện bức cung, nhục hình không còn là chuyện cá biệt ở nơi này nơi nọ nữa.
Ông Nguyễn Mậu Công bên di ảnh cha – ông Nguyễn Mậu Thuận, người bị 4 công an viên xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh, TP Hà Nội đánh chết tại trụ sở. Ảnh: ĐỖ DU |
Cũng giống như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, nếu kẻ thủ ác không ra nhận tội thì có lẽ giờ này bảy thanh niên ở Sóc Trăng vẫn còn trong vòng tù tội và có thể họ đã phải nhận lãnh bản án oan về tội giết người.
Phải chịu đau đớn đến độ nào, phải vượt quá khả năng chịu đựng của con người ra sao thì họ mới phải lựa chọn con đường nhận tội bừa như vậy để không còn phải tiếp tục chịu đòn. Có thể rồi đây các điều tra viên sẽ phủ nhận đã thực hiện những hành vi nhục hình dã man (như treo người bắt đứng bằng hai ngón chân, dùng đá lạnh ướp vào vùng kín…) nhưng họ khó có thể chối bỏ trách nhiệm khi buộc cùng lúc bảy con người vô can phải khai nhận cái mà họ không làm.
Vẫn biết rằng áp lực phá án nhanh để trừng trị tội ác đã khiến cho nhiều điều tra viên nóng vội, dẫn đến áp dụng những biện pháp điều tra sai lầm, trong đó có chuyện bức cung, nhục hình. Nhưng rõ ràng không ai có thể chấp nhận chuyện “lấy mục đích để biện minh cho phương tiện”.
Quả thật, để bắt tận tay, day tận cánh chuyện điều tra viên bức cung, nhục hình là điều không phải dễ. Có những vụ gây hậu quả chết người (như vụ năm công an ở Phú Yên đánh chết người) nhưng ra trước tòa các điều tra viên còn chối phăng phắt và đổ trách nhiệm cho nhau. Còn lại, những vụ không gây hậu quả nghiêm trọng, khi ra tòa, hễ các bị cáo khai mình bị bức cung, nhục hình trong giai đoạn điều tra thì sẽ bị viện và tòa bác bỏ kèm câu hỏi: “Bằng chứng đâu?”. Làm sao có được bằng chứng giữa bốn bức tường phòng hỏi cung khi chỉ có nghi can/bị can và điều tra viên với nhau?
Đã có nhiều ý kiến, nhiều biện pháp đưa ra nhằm chống việc bức cung, nhục hình. Trong đó, khả thi nhất có lẽ là giải pháp lắp camera nơi phòng hỏi cung nghi can/bị can và những hình ảnh ấy phải được giám sát chặt chẽ bởi một cơ quan độc lập có thẩm quyền. Song song đó, cần phải cho luật sư có mặt ngay trong phòng hỏi cung để vừa tránh xảy ra bức cung, nhục hình, vừa làm chứng cho sự trong sạch của điều tra viên khi bị can/bị cáo đổ vấy cho họ.
Ngoài ra, mỗi khi xảy ra chuyện bức cung, nhục hình dẫn đến chết người, các điều tra viên và những người liên quan phải bị xử thật nghiêm minh. Trong một số trường hợp phải làm rõ dấu hiệu của tội giết người chứ không chỉ là tội dùng nhục hình hay làm chết người trong khi đang thi hành công vụ. Có như thế mới không còn xảy ra một vụ bức cung, nhục hình nào dẫn đến hậu quả đau lòng.
NGÔ THÁI BÌNH