Việt Nam Thời Báo

Dư luận viên Sài Gòn: Bài học đầu về dân chủ

Lê Tuấn
* Tác giả gửi bài trực tiếp cho VNTB

Dư luận viên miền Bắc Hoàng Thị Nhật Lệ

Ngày 3/10, báo Vietweekly đã ghi lại cảnh ra mắt nhóm Dư luận viên [1] ở Sài Gòn. Đây là lần đầu tiên, một nhóm bạn trẻ tại miền Nam công khai danh xưng đó, và biểu lộ một thái độ hết sức rõ ràng. “Những ai mà nói xuyên tạc, nói sai về sự kiện lịch sử, chính sách thì… sẵn sàng phản bác”, bạn Huỳnh Tư Nhã (thuộc nhóm dư luận viên Sài Gòn) cho Vietweekly hay.

Trước đó, một video tương tự có tiêu đề “Các thủ lĩnh dư luận viên phía bắc tuyên chiến với biểu tình gây rối ở Hồ Hoàn Kiếm ngày 10/10” [2] của ba bạn trẻ (thủ lĩnh) phía Bắc cũng đưa ra tuyên bố hết sức cứng rắn: Ngày 10/10 đối với tôi, với đất nước tôi là một ngày trọng đại, là ngày Giải phóng Thủ đô, tạo lập nên một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tất nhiên rằng tôi và người dân nước tôi sẽ đổ ra đường sẽ xem bắn pháo hoa tại 30 điểm trên Thành phố Hà Nội, tất nhiên rằng không ai có quyền ngăn cấm chúng tôi thực hiện quyền tự do căn bản đó.

Nhóm Dư Luận Viên ra mắt

Thực tế, chức danh dư luận viên có từ lâu (mang tính kiêm nhiệm), qua các tổ cộng tác viên Dư luận xã hội thuộc Đảng bộ các cấp chính quyền, Đoàn thể, Mặt trận tại Việt Nam nhằm giúp cho các tổ chức, cá nhân trong Đảng nắm bắt thông tin, quan điểm một cách có hệ thống từ cán bộ, đảng viên, tầng lớp nhân dân trên địa bàn được giao về các sự kiện, hiện tượng kinh tế, văn hóa, chính trị trong và ngoài nước. Qua đó, định hướng dư luận xã hội, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong toàn Đảng, toàn xã hội.

Sự ra đời – công khai của các nhóm tự nhận là dư luận viên ở miền Bắc và Nam trong thời gian vừa qua cho thấy tình hình chính trị – kinh tế – xã hội và những tác động của phong trào dân chủ tại Việt Nam đã làm nảy sinh những nhóm bạn trẻ có quan điểm thuộc về nhà nước một cách công khai, có tổ chức.

Sự chính danh của nhóm dư luận viên (công khai) là điều đáng hoan nghênh, bởi đây là cơ hội để xây dựng được diễn đàn xã hội rộng lớn, nơi chia sẻ, trao đổi quan điểm về các chính sách, chủ trương của chính quyền từ hai phía. Thông qua đó, thu hút hơn nữa tầng lớp thanh niên tham gia, tìm hiểu, tiếp cận các quyền căn bản của mình, trong đó nổi bật là quyền chính trị khi tiến hành đối luận về các vấn đề quốc gia. Đi dần đến xóa bỏ sự vô cảm chính trị của người dân Việt Nam nói chung và thanh niên nói riêng (một trong những yếu tố khiến nền dân chủ Việt Nam còn chập chững), bạch hóa lượng thông tin vốn bị bưng bít, giật dây hay định hướng. Hình thành phong trào “Tôi muốn biết” mới trong xã hội.

Tuy nhiên, bày tỏ chính kiến, hay “phản bác sự xuyên tạc, sai lệch” của đối phương đối với một sự kiện, hiện tượng bất kỳ trong nền xã hội – chính trị nước nhà phải thực hiện trên các nguyên tắc của quyền tự do ngôn luận. Trong đó, có nguyên tắc tôn trọng nhân phẩm, danh dự của đối phương trước, trong và sau khi đối thoại. Đó cũng là cách thức tôn trọng chính bản thân người bày tỏ chính kiến và là yếu tố đầu tiên để thu hút sự lắng nghe của người khác. Bởi nếu không có nó, thì cuộc “hội luận, phản bác” hay những ngôn từ đẹp đẽ nào đó cuối cùng sẽ bị phá hỏng bởi yếu tố chửi bới, vu khống, lăng mạ mà thôi. Khi đó, những lý lẽ phản bác sẽ trở thành những định kiến phản bác. Mà một khi đã là định kiến thì lời nói thường đi trước tư tưởng, khiến quan điểm, lẫn thông tin đưa ra trở nên vô giá trị.

Với khẩu ngữ “Ba củ su hào, lương chửa thấy/ Nhưng còn rận chấy thì vẫn chăn!” trên áo của nhóm dư luận viên Sài Gòn và ngôn ngữ đe nẹt “cho xuống hồ, mắm tôm” ở nhóm Hà Nội đã không cho thấy yếu tố đầu tiên và cần thiết đó.

Vì thế, cả hai nhóm dư luận viên nên “rút kinh nghiệm”, qua đó, cần trang bị cho mình nguyên tắc tối thiểu nêu trên trước khi tiến đến thực hiện quyền tự do căn bản của con người – quyền tự do ngôn luận. Và đấy cũng là bài học cho những nhà đấu tranh dân chủ tại Việt Nam.

——
[1] https://www.youtube.com/watch?v=v3L_jIOPPJ4
[2] https://www.youtube.com/watch?v=zejN9aufwFs

Tin bài liên quan:

Buổi tọa đàm ngày 26/11/2014: “Thành công tốt đẹp”

Phan Thanh Hung

Thất bại của Aung San Suu Kyi và bài học cho dân chủ Việt Nam

Phan Thanh Hung

Phỏng vấn trước phiên xử phúc thẩm Bùi Thị Minh Hằng ngày 12/12/2014 tại Đồng Tháp

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo