Việt Nam Thời Báo

7 điểm chất vấn bài vu khống chính trị của báo Sài Gòn Giải Phóng

Phùng Hoài Ngọc
Tôi xin trao đổi với ông Tân Vinh nhân đọc bài viết của ông trên báo SGGP online ngày 4/11/2014, xin dẫn ở đây:
Sài Gòn Giải Phóng Thứ ba, 04/11/2014, 16:41 (GMT+7)
 
Nhận thấy ông Tân Vinh chưa viết đúng thể văn nghị luận dùng trong tranh luận thông thường của một nền báo chí văn minh, dân chủ, tôi xin góp ý với ông Tân Vinh về nguyên tắc tranh luận trên báo chí.
1. Phải dẫn nguồn tranh luận chính xác, đầy đủ.
Khi ông định tranh luận với bài viết nào, ông cần phải dẫn đầy đủ văn bản của họ (như tôi làm khi nhắc đến tờ báo SGGP ở trên). Vì ông cố ý không dám nêu ra nguồn văn bản, nên tôi xin bổ sung giúp ông. Đây là một trong số hàng trăm địa chỉ đăng THƯ NGỎ 61:

2. Cần hành văn lịch sự, văn minh, bình đẳng.
Ông Tân Vinh nên tránh dùng các từ ngữ thiếu tôn trọng người khác, huống chi 61 người ký Thư Ngỏ hiện vẫn là đảng viên (trừ vài người mà ông nêu ra hiện tại đã ra khỏi Đảng). Do vậy nguyên tắc của Đảng vẫn buộc ông phải gọi họ là “đồng chí” nếu ông cũng là đảng viên. Ông Tân Vinh đã xếch mé gọi những người tham gia góp ý ôn hòa với nhà cầm quyền là “những cái gọi là nhóm 61, nhóm 72,…”. Mời ông đọc kỹ danh sách 61 người, coi địa vị chính trị, xã hội, trình độ học vấn, công lao của họ thế nào, ông tự so với mình xem ông có nên nói năng một cách hỗn xược với họ như vậy không ?!

3. Nguyên tắc bám sát trọng tâm, không tránh né:
Trọng tâm của bài báo tranh luận này đúng ra ông Tân Vinh phải đưa ra lý lẽ bác bỏ nội dung chính của “Thư ngỏ 61”. Phần này ông Tân Vinh bó tay, không làm được.
Chẳng hạn, Thư Ngỏ viết: “Đường lối sai cùng với bộ máy cầm quyền quan liêu, tha hóa tạo điều kiện cho sự lộng hành của các nhóm lợi ích bất chính gắn với tệ tham nhũng, đưa đất nước lâm vào khủng hoảng toàn diện, ngày càng tụt hậu so với nhiều nước xung quanh”.
Ông Tân Vinh đáng lẽ phải chứng minh, đại ý rằng “Không, không, các nhóm lợi ích không hề lộng hành, đất nước không khủng hoảng, không tụt hậu so với nước xung quanh”.
Chẳng hạn nữa, Thư Ngỏ viết: “Trong khi đó, giới lãnh đạo Trung Quốc từ lâu đã theo đuổi mưu đồ đặt nước ta vào vị thế lệ thuộc, phục vụ lợi ích của Trung Quốc.”
Thì ông Tân Vinh đáng lẽ cần phải chứng minh bác bỏ, đại thể là “Không phải vậy, giới lãnh đạo Trung Quốc rất tốt, giàn khoan HY 981 chỉ là xích mích nho nhỏ, tàu đánh cá Việt Nam bị cướp biển chứ không phải tại Đảng Tàu, …cái ông phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam lên đài VTV nhiều lần nói nhầm to rồi. v.v. và v.v…”.

4. Nguyên tắc dẫn chứng chính xác, tránh nói hàm hồ.
Về ông Đoàn Văn Phương là người được ông phát hiện không phải đảng viên, tức là không đúng với danh sách ký Thư Ngỏ của tập thể đảng viên, ông viết :“theo thông tin đăng tải là đang sống tại thành phố Hồ Chí Minh và thật bất ngờ khi trường hợp của ông Phương không phải là trường hợp duy nhất, mà trong nhóm người này còn có nhiều nhân vật khác cũng gần như vậy”.
Xin hỏi, tại sao ông không thể dẫn luôn tên họ của “nhiều nhân vật khác” ấy (số ấy hẳn không nhiều vì chỉ nằm trong 22 người mà ông nhắc vu vơ thôi)?

5. Nguyên tắc tránh vu khống đối phương trong tranh luận.
Ông Tân Vinh cao giọng khẳng định mà không đưa chứng cứ nào:
Các nhóm này thông qua nhiều con đường khác nhau, nhiều phương thức khác nhau, nhưng mục đích cuối cũng vẫn là tiếp tay cho Việt Tân và các tổ chức phản động lưu vong…”
Ông Tân Vinh đã vi phạm nguyên tắc tranh luận, ấy là chưa kể ông còn vi phạm luật dân sự, luật hình sự.

6. Nguyên tắc dùng từ ngữ chính xác
Góp ý nhỏ sau cùng: Ngay ở phần mở đầu ông đã viết sai “lăng kính” thành ra “lăng kích” là một từ vô nghĩa. Một bài viết đứng đắn không thể dùng từ ngữ sai lầm. Nếu lỡ sai tác giả phải đính chính.

7. Điều cuối cùng, tuy có đòi hỏi hơi cao nhưng cũng cần nêu lên cho ông Tân Vinh tham khảo. Nhà báo cũng như nhà văn, cần có bản sắc riêng bên cạnh những quy tắc chung. Ông viết rất giống công thức lập ý, tranh luận, kết luận, chụp mũ…của  báo ND, QĐND, CAND, HN mới. Tôi e rằng họ sẽ kiện ông lỗi đạo văn nữa kia.
Điều cuối cùng chúng tôi muốn nhắn BBT báo Sài Gòn Giải Phóng online nên biên tập kỹ bài và huấn luyện cho nhà báo cộng tác viên những nguyên tắc văn minh như chúng tôi chân thành góp ý.

PHN

* Tác giả gửi bài cho VNTB

Tin bài liên quan:

VNTB – Phê phán đề thi môn Văn THPT Quốc gia năm 2017

Phan Thanh Hung

Phản bác báo SGGP: Dân chủ hóa đất nước đầy đau đớn

Phan Thanh Hung

“Ngủ đứng như thế này”: Ba bài thơ của người công nhân nhảy lầu tự sát

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo