Việt Nam Thời Báo

Xăng dầu giảm 9 lần: Lấy đà để nhảy vọt?

Ngân Sơn

Giá xăng tiếp tục giảm lần thứ chín – đó là thông tin do ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương đưa ra trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ này diễn ra vào chiều 3/11.

Xăng dầu giảm liên tục

Đây là lần thứ chín liên tiếp giảm giá xăng, dù mỗi đợt, chỉ giảm nhỏ giọt vài trăm đồng. Cụ thể, xăng giảm 8 lần với tổng mức là 3.300 đồng/ lít, dầu diesel giảm 14 lần với tổng mức 3.060 đồng/lít.

Theo ông Đỗ Thắng Hải cho biết, việc giảm xăng lần này sớm hơn chu kỳ quy định tại Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu. Và việc giảm là nhằm “đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và doanh nghiệp (DN) trong thời điểm giá xăng dầu trên thị trường thế giới tiếp tục giảm”.

Việc điều chỉnh giá xăng dầu theo ông Thứ trưởng là nhằm “chia sẻ khó khăn với DN, người tiêu dùng” trong bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục giảm.

Dù thế, nhìn chung giá xăng dầu vẫn giảm chưa thấm vào đâu so với đà giảm của thế giới, cụ thể, trong nước chỉ giảm 8% trong khi thế giới giảm gần 20%.


Tín hiệu nhảy đà?

Điệp khúc lùi 1 nhảy 3 trong điều hành giá xăng dầu trong nước không lạ với người tiêu dùng trong nước.

Tuy nhiên, lần giảm liên tiếp này có một tín hiệu lạ, đó là thay vì doanh nghiệp “than lỗ” thì sự giảm lần này khiến cho các nhà làm chính sách “trăn trở”. Cụ thể ở đây là ông TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, khi ông nhận định về việc xăng dầu giảm giá liên tục sẽ “ảnh hưởng rất lớn tới số thu ngân sách năm 2015, mà còn ảnh hưởng tới hoạt động đầu tư khác.”

Theo đó, với vị trí là nước xuất khẩu dầu thô, hoạt động này đã đem lại nguồn ngân sách lên đến 79.780 tỷ đồng trên tổng thu ngân sách 636.000 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, theo số liệu của Bộ Tài chính.

Lợi nhuận DN tạo ra (do giá xăng dầu giảm), vì thế sẽ không bù lại được với chủ lực ngân sách là xuất khẩu xăng dầu, khi hoạt động xuất khẩu dầu thô chiếm tới hơn 12,5% tổng số thu ngân sách nhà nước.

Một tín hiệu nữa là, thói quen “tuyên bố một đàng – điều chỉnh một nẻo” của Bộ Tài chính trong quyết định tăng giảm giá, thuế xăng dầu. Biên độ thời gian giữa tăng và giảm hết sức chênh lệch (tăng nhanh, như thời gian giảm chậm).

Chưa kể, các nhà điều hành giá xăng dầu lại chơi chiêu trò “tăng số lần giảm giá, nhưng hạ số tiền được giảm”. Trong báo cáo tổng kết cuối năm 2013 về giá xăng dầu, có tổng thảy 11 lần điều chỉnh giá, trong đó có năm lần tăng giá, sáu lần giảm giá nhưng vẫn cuối cùng giá xăng dầu vẫn tăng 4,48%. Cụ thể, tổng số tiền giảm là 2.160 đồng/lít, nhưng tăng giá lên đến 3.220 đồng lít, mặc dù quỹ bình ổn giá xăng dầu liên tục được sử dụng.

Do đó, việc xăng giảm 9 lần liên tiếp không đem lại niềm hứng khởi, mà ngược lại chỉ thấy sự bất an.

Lần giảm này, có phải là để lấy đà cho bước nhảy vọt về giá xăng dầu?

Người dân muôn đời… thiệt

Điều đó có thể xảy ra, khi mà vừa qua (1/11), Nghị định 83/2014/NĐ-CP chính thức có hiệu lực nhằm thay thế cho Nghị định 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu. Nghị định này cho phép DN xăng dầu tự quyết điều chỉnh tăng giá bán lẻ tương ứng giá cơ sở tại thời điểm điều chỉnh giá khi giá cơ sở tăng từ 0-3%.

Dù có những “điểm tiến bộ” nhưng 3% cũng đem lại nhiều sự nghi ngại, khi con số đó được đặt trong cơ chế tăng giá dễ dãi, nhất là khi thị trường xăng dầu vẫn mang tính độc quyền đúng nghĩa. Thay vì kiểm soát, thì lần này Nghị định lại nới rộng quyền cho DN xăng dầu, tạo điều kiện cho việc tăng giảm kiểu… độc quyền.

Trong lần trả lời báo Tiền Phong gần đây, chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng đã cho biết Nghị định 83 đã “tiếp tay” cho DN kinh doanh xăng dầu như thế nào. Cụ thể: “Ở 2 nấc đầu (3% và 7%), các DN xăng dầu sẽ chỉ cần kê khai giá tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước vài ngày là có quyền tăng giá.

Ở nấc thứ 3, khi diễn biến giá xăng dầu tăng cao quá 7%, DN cần phải báo cáo lên bộ quản lý trong 5 ngày để xem xét. Nếu quá thời hạn này, bộ không có hồi âm, DN cũng có thể được phép tự tăng giá. Không có gì để “quản” việc tăng giá của DN và cũng chả có “cương” nào kìm được sự tăng giá của DN. Việc người dân lo ngại giá xăng dầu sẽ tăng mạnh, liên tục là có cơ sở.”

Như vậy, trong tình trạng nợ công đang căng như hiện nay, với thái độ quyết liệt giảm nợ công của Chính phủ thì việc tăng cường xuất khẩu nguồn dầu thô đang là giải pháp ưu tiên trong việc giảm độ nóng nợ công.

Việc điều hành giá xăng dầu vẫn sẽ luôn theo đuổi nguyên tắc “định hướng cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước”, trong đó, đảm bảo trước mắt lợi ích của Nhà nước, sau là DN và cuối cùng là người dân. Cũng như, buộc phải phục vụ lâu dài cho việc “ổn định kinh tế vĩ mô theo mục tiêu chung trong nghị quyết của Quốc Hội và Chính phủ”, như lần khẳng định của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng vào đầu năm nay.

Thì việc giảm nhỏ giọt lần này, xác định chắc chắn hơn về đợt tăng sốc trong thời gian sắp tới, trước khi bước qua năm 2015.

Theo đó, người dân tiếp tục chịu cảnh thiệt thòi khi lương không theo kịp giá xăng dầu, giá tiêu dùng tăng. Trong lúc đó, DN kinh doanh xăng dầu vẫn luôn trong tâm thế hoan hỉ than khổ và cuối năm lãi to, còn lãnh đạo nhà nước thì tạm… hài lòng với quyết định lùi một, tiến ba của mình.


* Tác giả gửi bài cho VNTB

———–

* Năm 2013, Petrolimex lãi 768 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh xăng dầu, số lãi này nằm trong tổng lãi trước thuế của Petrolimex với 1.929 tỉ đồng, tăng 97% so với năm 2012.

Tin bài liên quan:

VNTB – Giá xăng ở Việt Nam sẽ trở về mức giá tương đương 1 USD/ lít?

Baraju T. Ogelefecejo

“Khủng hoảng” xăng dầu Việt Nam: Giá giảm 9 lần liên tiếp *

Phan Thanh Hung

VNTB – Giá xăng dầu tăng quá nhanh sẽ đưa đến bão giá?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo