Nguyệt Hà
(VNTB) –Để thể hiện tính thượng tôn pháp luật, ngoài việc xem xét sửa đổi các quy định luật pháp liên quan nhân quyền như điều 88, 79 và 258, cần tiến tới việc loại bỏ giá trị ưu tiên “COCC” ra khỏi trong Bộ luật Hình sự.
Vụ án thẩm mỹ viện Cát Tường xôn xao dư luận vừa qua đã khép lại với mức án Tòa sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Tường 14 năm về tội Vi phạm quy định về khám chữa bệnh, 5 năm tội xâm phạm thi thể. Tổng hợp hình phạt là 19 năm.
Hành vi của bị cáo tường hiện vẫn còn nhiều tranh cãi giữa tội danh “Giết người” và “Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác”. Phần đông ý kiến các luật sư và công luận nghiêng về ý kiến của Viện Kiểm Sát và kết luận của Tòa án, vì chưa đủ căn cứ để kết luận bị cáo Tường phạm tội giết người.
Tuy nhiên, thông qua vụ án với các tình tiết giảm nhẹ được sử dụng, trong đó có“gia đình có công với cách mạng”, lại bàn về tính chất phi lý, thiếu công bằng, nhờn luật pháp qua yếu tố này.
“Gia đình có công với cách mạng”
Trong vụ thẩm mỹ viện Cát Tường có một tình tiết được coi là tình tiết giảm nhẹ, đó là bố bị cáo có 5 huân huy chương kháng chiến “ [1]
Tình tiết giảm nhẹ này cùng với việc bị cáo có bằng khen của Bộ Y tế có thể chính là cơ sở để giảm mức phạt tù cao nhất, do trước đó, có tình tiết tăng nặng là gây hậu quả nghiêm trọng của tội danh vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác từ 15 năm về 14 năm. Trong một số vụ án khác đó có thể là yếu tố giúp bị cáo chuyển từ hình phạt tử hình về chung thân (Ngày 11/9/2-014, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM đã chấp nhận kháng cáo, sửa án sơ thẩm từ tử hình xuống còn chung thân đối với bị cáo Phạm Văn Phú (SN 1989, ngụ quận 10, TP HCM) về tội “Giết người”với một trong các tình tiết giảm nhẹ:gia đình có công với cách mạng).
Đã từ lâu, quy định về tình tiết giảm nhẹ này thường được các luật sư bào chữa sử dụng như một sự cứu cánh cho những bị cáo có thân nhân “cách mạng”. Trong Bộ luật hình sự, ngoài các điều luật quy định cụ thể về việc giảm nhẹ còn có quy định tại khoản 2 điều 46: “Khi quyết định hình phạt, Toà án còn có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ trong bản án”. Khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự đã được hướng dẫn cụ thể tại điểm c Mục 5 Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP ngày 4-8-2000 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao “Hướng dẫn áp dụng một số quy định trong Phần chung của Bộ luật hình sự năm 1999”. Theo đó các tình tiết sau đây được coi là các tình tiết giảm nhẹ khác: – Vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em ruột bị cáo là người có công với nước hoặc có thành tích xuất sắc được Nhà nước tặng một trong các danh hiệu vinh dự như: anh hùng lao động, anh hùng lực lượng vũ trang, người mẹ Việt Nam anh hùng, nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú hoặc các danh hiệu cao quý khác theo quy định của Nhà nước.
Tình tiết giảm nhẹ do “gia đình có công với nhà nước” hình thành quyền được ưu tiên của người phạm tội dựa vào thành tích của người thân bất kể anh ta đã đủ hay chưa đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự, mặc dù theo điều 12 Bộ luật hình sự thì khi cá nhân đủ 16 tuổi – anh ta đủ tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.
Ở Việt Nam hiện nay, đối với các gia đình có công với cách mạng thì thân nhân của họ được hưởng các ưu tiên như: hưởng lương, được cộng điểm khi thi tuyển vào các trường, thậm chí là thi công chức…, được miễn giảm học phí và các hỗ trợ chính sách khác. Có thể nói, đây là những việc nên làm dựa trên đạo lý uống nước nhớ nguồn.
Nhưng quy định tình tiết giảm nhẹ dựa trên yêu tố gia đình có công với cách mạng để làm giảm trách nhiệm hình sự lâu nay trong quy định pháp luật có thực sự hợp lý, hợp tình? Và thực sự làm nên tính công lý của pháp luật, nhất là khi pháp luật ứng vào các mối quan hệ xã hội phải luôn tuân thủ nguyên tắc “luật bất dung thân”.
Nhiều người lâu nay vẫn đồng ý với quy định này vì họ quan niệm về việc “cái lý phải đi đôi với tình” hay “một trăm cái lý chưa bằng một tí cái tình” và các nhà làm luật đã dựa trên truyền thống văn hóa “nhân đạo” kiểu lúa nước đó để xây dựng điều luật này, dẫn đến nhiều vụ án dù có mức độ gây nguy hại xã hội (giết người với tình tiết man rợ, buôn ma túy, hiếp dâm), trầm trọng về kinh tế, chính trị (tham nhũng, thất thoát tài sản quốc gia) nhưng bị cáo hoặc gia đình bị cáo (dựa vào kẻ hở này) vẫn được giảm nhẹ tội danh dựa vào tình tiết giảm nhẹ là gia đình có công với cách mạng như:
– Trong vụ án đưa Dương Chí Dũng đi trốn, các bị cáo đều xin giảm án dựa vào các tình tiết giảm nhẹ trong đó có tình tiết gia đình có công với cách mạng: “Hình phạt dành cho bị cáo hơi cao. Bị cáo đã thành khẩn khai báo, bố mẹ có công với cách mạng. Bị cáo mong muốn được HĐXX giảm nhẹ hình phạt”, Dũng nói. [2]
– Ngày 11/9/2-014, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM đã chấp nhận kháng cáo, sửa án sơ thẩm từ tử hình xuống còn chung thân đối với bị cáo Phạm Văn Phú (SN 1989, ngụ quận 10, TP HCM) về tội “Giết người”với một trong các tình tiết giảm nhẹ: gia đình có công với cách mạng, dù hành vi giết người của bị cáo mang tính cách côn đồ, man rợ. [3]
– TAND tỉnh Khánh Hòa chấp nhận kháng cáo giảm án cho bị cáo Lê Thị Hà Thanh (SN 1970) trú tại 217/18 đường 3-2, P.9, Q.10 (TP. Hồ Chí Minh) từ 7 năm tù xuống còn 6 năm tù về tội Mua bán trái phép chất ma túy, vì xét thấy bị cáo có ông nội và chú ruột là liệt sĩ. [ 4]
Hiệu ứng “kim bài miễn tử” (COCC)
Tuy nhiên tình tiết giảm nhẹ này không phản ánh tính công bằng của pháp luật. Trong nhiều trường hợp nó còn gây bức xúc trong dư luận, hình thành nên thói quen “COCC đứng cả trên pháp luật”, dễ dẫn đến tâm lý “nhờn” pháp luật trong dân hay những ai có “thân nhân tốt”, làm xuất hiện ngày càng nhiều hiện tượng “kim bài miễn tử”, khiến tính thượng tôn pháp luật bị bác bỏ dần dần.
Bởi lẽ, đứng trước pháp luật mọi người đều công bằng như nhau, nghĩa là cùng chịu một tội, một hình phạt như nhau với cùng một hành vi phạm pháp. Và một người chỉ được khoan hồng dựa vào những hành vi của chính họ, không dựa vào công lao của cha mẹ, con cái, anh em. Do đó, nếu như dựa vào “nhân thân tốt” để giảm nhẹ hình phạt dựa trên những hành vi vi phạm chuẩn mực, quy tắc xã hội thì không khác gì hành vi đó được biện minh từ những thứ không thuộc về mình, chính bởi những ưu tiên đó vốn không thuộc về họ.
Từ nguyên tắc công bằng này nói về tình tiết giảm nhẹ do gia đình có công. Việc tăng giảm một hai năm tù chưa làm rõ được sự bất công bằng ở tình tiết này. Có thể dễ dàng hình dung như sau: Hai người cùng phạm tội giống nhau mà các luận điểm buộc tội kết luận họ chịu án tử hình, một người có tình tiết giảm nhẹ thêm vào là gia đình có công với cách mạng và được giảm án xuống chung thân, một người y án tử hình.
Mỗi người không có quyền lựa chọn lịch sử cho mình, họ cũng không có quyền lựa chọn cha mẹ. Có công bằng không khi việc cá nhân gây tội ác như nhau lại bị xử phạt các mức như nhau vì một yếu tố mà cả hai không thể tự quyết định được – đó là gia đình có công. Mỗi người chỉ có thể chủ động trong việc tạo ra các yếu tố giảm nhẹ như: Thành khẩn khai báo, cố gắng khắc phục… Đây là các yếu tố giảm nhẹ trên cơ sở công bằng do nó đưa cho hai bị cáo cơ hội ngang nhauđể giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của chính mình.
Một nền luật pháp công bằng là “Dành cho mỗi người điều họ đáng được hưởng”. Những yếu tố bất công, không phải là bản chất của luật pháp cần được loại bỏ, nếu tiếp tục duy trì sẽ tạo ra những tiền lệ tiêu cực, làm mất đi tính công bằng mà đáng ra là nguyên tắc đầu tiên pháp luật cần phải có.
Xin nhắc lại 2 nguyên tắc về sự công bằng đó là: “Phần của ai trả về cho người đó” và “Cư xử bình đẳng với người đồng đẳng và cư xử bất bình đẳng với người bất đồng đẳng theo mức độ bất đồng đẳng của họ.” Nguyên lý cơ bản về bình đẳng trước pháp luật đã phát sinh từ nguyên tắc số 2 này. Nếu nói rằng một điều luật hay một chế độ chính trị nào đó là công bằng, tức là nói nó đối xử bình đẳng với những người đồng đẳng.
Việc ưu tiên có thể được coi là công bằng với trường hợp chính người “có công” đó được hưởng tình tiết giảm nhẹ. Tài sản có thể thừa kế, nhưng quyền để hưởng ưu tiên về trách nhiệm hình sự thì tuyệt đối là không.
Do đó, để thể hiện tính ưu việt của nhà nước pháp quyền XHCN và thể hiện tính thượng tôn pháp luật, ngoài việc xem xét sửa đổi các quy định luật pháp liên quan nhân quyền như điều 88, 79 và 258, cần tiến tới việc loại bỏ giá trị ưu tiên “COCC” ra khỏi trong Bộ luật Hình sự để thực sự hòa nhập vào sân chơi chung của nền pháp lý thế giới.
Nguồn tham khảo:
[1] vnexpress.net/tin-tuc/phap-luat/bi-cao-tuong-linh-19-nam-tu-boi-thuong-gan-600-trieu-dong-3116596.html
[2] dantri.com.vn/phap-luat/anh-em-dungtrong-cung-hoan-toan-tin-ong-ngo-877846.htm
[3] vnexpress.net/tin-tuc/phap-luat/co-giao-danh-vao-cho-hiem-cua-yeu-rau-xanh-2861187.html
[ 4] www.doisongphapluat.com/dia-phuong/tin-phap-1uat/duoc-giam-an-vi-1a-con-cua-gia-dinh-co-cong-voi-cach-mang-a13244.html