Việt Nam Thời Báo

Hà Nội, không vội chạy… tượng đài!


Hòa Cầm

(VNTB) –Hà Nội có tổng cộng 34 tượng đài, nhưng sắp tới, trên địa bàn TP. Hà Nội sẽ có thêm 36 tượng đài. Đó là thông tin tại hội thảo “Quy hoạch hệ thống tượng đài trên thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” được Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội tổ chức ngày 3/12.
Cần thì có cần

Ông Trần Gia Lượng, giám đốc trung tâm Kiến trúc quy hoạch Hà Nội – đơn vị tư vấn và xây dựng đề án cho báo giới biết, dù Hà Nội có khá nhiều tượng đài (28 cái) nhưng với 30 đơn vị hành chính các cấp, thì số lượng phân bổ không đều, lại rơi vào thiếu tượng đài, đặc biệt sau đợt mở rộng địa giới hành chính Hà Nội vào năm 2008.

Thực ra, trên cơ sở phân bổ không đều và mở rộng địa giới thì quan điểm của ông Trần Gia Lượng không phải là vô lý. Nó cho thấy rõ ràng việc quy hoạch tượng đài bấy lâu nay ở Việt Nam còn nhiều bất cập (lộn xộn, chưa đồng nhất về địa điểm, không gian, tương phản cộng đồng), mà lý do lớn nhất đó là quy hoạch tượng đài thay vì song song với quy hoạch đô thị, thì nó lại thường chạy sau, dần dẫn đến lối tư duy đưa tượng đài vào để lấp chỗ trống quy hoạch đô thị, khiến cho không gian sinh hoạt lấn át không gian tượng đài (văn hóa). Tượng đài từ đó trở thành vật cản, làm chật chội thêm không gian khu vực, và không đem lại bất kỳ ý nghĩa tương quan nào cả. Chính vì nguyên nhân đó, mà buộc Hà Nội phải quy hoạch lại quảng trường và tượng đài nội thành năm 2003-2004, kết quả là không thành công.

Thế nên, “Cơ sở pháp lý và thực tiễn để triển khai” chính là cần thiết phải xóa bỏ kiểu cách đặt và làm tượng như trên. Nếu không có đủ không gian thì tuyệt đối không làm, nếu có không gian, thì phải đặt tượng đài vào làm sao, như thế nào để nó phù hợp với toàn bộ không gian xung quanh (ý nghĩa lịch sử, văn hóa cộng đồng). Cố nhiên, để làm được điều đó thì tránh sự đề cao có mức về mặt an ninh quốc phòng, phong thủy như TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, PCT Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội viện dẫn ra nhằm phản đối đề xuất của ông Trần Gia Lượng về tượng đài, bởi điều đó chỉ dẫn đến việc hạn chế thẩm mĩ, hạn chế địa điểm đặt trong quy hoạch chung.

Hà Nội, không vội…chạy tượng

Đề xuất tượng đài mới thì cần thiết, hợp lý, nhưng ý nghĩa, xứng tầm hay không còn phụ thuộc vào tính thẩm mĩ, vị trí đặt tượng đài kết hợp tương tác không gian cộng đồng xung quanh.

Trước nhất, là quan niệm bấy lâu nay, tượng đài chỉ đi sâu vào về mặt lịch sử (cách mạng), chứ ít chú ý đến mặt nghệ thuật của nó, khiến tượng đài thường buộc phải theo khuôn chuẩn mỹ thuật Liên Xô, dù có đặt nhiều địa điểm khác nhau nhưng lại không có bất kỳ sự thay đổi nào về mặt thần sắc cả. Do đó, càng cần sự gắn kết lịch sử, văn hóa bao nhiêu, thì càng không nên tìm mọi cách bao phủ lớp “cách mạng, công nông” lên quy hoạch chung tượng đài, khiến nó mất đi ý nghĩa cộng đồng (thiếu điểm nhấn), trở nên khuôn phép đến vô hồn (thiếu tính thẩm mĩ). Cần thiết, cũng nên loại bỏ ngay “độ hoành tráng, to lớn, bề thế” ra khỏi yêu cầu chung về tượng đài (một chứng bệnh mang từ Liên Xô về). Ở Campuchia, tượng đài không theo khuôn đó, chính vì vậy mới có những tượng đài đầy chất lịch sử như tượng đài độc lập nằm tại quảng trường lớn, giao lộ giữa đường Norodom và đường Sihanouk có mo-tip kiến trúc Khrme cổ, trong khi tượng đài ở tỉnh Kampot lại có hình trái sầu riêng – một loại đặc sản của tình này, gần gũi với cộng đồng.

Thứ nữa, để tượng đài có điểm nhấn (nêu trên) thông qua sự phản ảnh đặc tính vùng đất, cộng đồng tại vị trí đặt tượng, thì cần thiết phải xem xét lại số tượng ở cả hai giai đoạn, chú trọng chất lượng hơn số lượng, bởi ý nghĩa tượng đài phải bắt nguồn từ tính đặc tả của nó, và yếu tố này mới là trọng tâm cần nhắm tới trong quy hoạch chung tượng đài ở Hà Nội. Nếu chỉ cứ chăm chăm đặt yêu cầu “phổ cập tượng đài” trong toàn bộ thủ đô thì vô hình chung, dù quy hoạch tượng đài đi trước hay song song với quy hoạch đô thị, tượng đài chỉ có “ý nghĩa” duy nhất là gây rối không gian, và chắc chắn rơi vào nghịch lý: tượng đài to nhưng không đẹp, nhiều nhưng lại vô hồn, đắt đỏ nhưng thiếu ý nghĩa. Vì thế, đề xuất “mỗi thị trấn của thành phố nên xây dựng 1 tượng đài” của ông Trần Gia Lượng, để cho “xứng tầm với vị thế thủ đô” là không cần thiết, gây hao tổn ngân sách, và sa đà với chạy đua về số lượng trong văn hóa (điều tối kỵ). Nhất là theo thông tin quy hoạch, chỉ trong giai đoạn 1 (2015 – 2020) đã mọc lên 11 tượng đài, với kinh phí thực hiện mỗi tượng đài ít nhất từ 20 tỷ trở lên. Trong khi đó, bài học nhãn tiền về việc chạy đua xây dựng bảo tàng ở thủ đô ngàn năm văn hiến nhằm “xứng tầm về mặt văn hóa, lịch sử, vị trí đầu não” vẫn còn nóng hổi. Chưa kể, bấy lâu nay, việc dựng tượng đài ở mỗi tỉnh thành Việt Nam thường là cách cho các mối quan hệ trong ngoài tranh thủ “giải ngân” khiến tượng đồng sắt đá cũng phải chịu thua “ý chí chung chi” của những người nằm trong đường dây tư vấn, xây dựng, dẫn đến việc tượng đồng, đài đá rỉ đồng xanh, nứt vỡ… gây phẫn nộ dư luận.

Hà Nội từng có nhiều tượng đài dựng lên rồi bị đập phá, kéo đổ, một phần do biến cố chính trị, xã hội, một phần do nó chỉ phản ánh ý chí, quan điểm của “lãnh đạo”, vì thế trở nên không hợp thời, gây ác cảm trong cộng đồng dân. Vì thế nên, quy hoạch thì vẫn phải có, nhưng bên trong quy hoạch cần lắm một cái tâm, cái tầm để tượng đài bền vững với thời gian.

Lãnh đạo, các nhà quản lý văn hóa thủ đô cũng cần cân nhắc kỹ càng. Bởi… Hà Nội không vội được đâu!!

Tin bài liên quan:

Nguyễn Bá Thanh: “Làm, ăn, lạnh, tử”

Phan Thanh Hung

Đối thoại báo Nhân Dân: Dân chủ nào chống lại phát triển dân tộc?

Phan Thanh Hung

Chính quyền Bình Dương bị tư thù hóa

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.