Trần Dzạ Dzũng
(VNTB) – Nhà báo Đặng Tâm Chánh, cựu tổng biên tập báo Sài Gòn Tiếp Thị đã đặt câu hỏi như vậy, mặc dù ông thừa nhận là ở Việt Nam: “Đảng thì vẫn luôn khẳng định không có báo chí tư nhân”.
Phiên tòa hình sự về thương vụ mua bán giữa AVG với MobiFone đang diễn ra tại Hà Nội với nhiều tình tiết gay cấn, khi bất ngờ cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khai nhận va ly 3 triệu Mỹ kim là do ông cất giữ để tiêu xài, chứ không phải đưa cho cô con gái của ông như lời khai ban đầu.
Phu nhân của cựu bộ trưởng Trương Minh Tuấn thì nói rằng bà không hề thấy số tiền 200 ngàn Mỹ kim được cho là tang vật trong thương vụ mua bán giữa AVG với MobiFone. Số tiền này cũng được ông Trương Minh Tuấn tái xác nhận là ông đã cất giữ để tiêu xài riêng.
Câu hỏi đặt ra, vì sao phải có những khoản tiền quá lớn để gửi tới hai vị quan chức cấp cao nhất đó của Bộ Thông tin và Truyền thông? Phải chăng đây là khoản tiền mà người đứng đầu AVG là ông Phạm Nhật Vũ phải ‘bỏ vào va ly’ nhằm bôi trơn để mong rút ngắn các bước về mặt thủ tục hành chính ở thương vụ mua bán giữa một công ty viễn thông nhà nước với một doanh nghiệp tư nhân?
Theo hồ sơ vụ án, công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu, tên gọi tắt là Truyền hình An Viên, viết tắt là AVG, từ tên giao dịch tiếng Anh: Audio Visual Global, là nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền phát trên hệ thống truyền hình số mặt đất (DTT) và truyền hình số vệ tinh (DTH), sử dụng công nghệ truyền hình kỹ thuật số mặt đất thế hệ 2 (DVB-T2), chuẩn nén MPEG4, công nghệ mạng đơn tần SFN (Single Frequency Network).
AVG là đơn vị tư nhân thứ hai (trước đó có K+) tham gia vào việc xây dựng hạ tầng truyền dẫn truyền hình kỹ thuật số vệ tinh ở Việt Nam. AVG là đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình kỹ thuật số thứ ba tại Việt Nam có phạm vi phủ sóng toàn quốc sau Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Đài Truyền hình kỹ thuật số Việt Nam (VTC).
Rõ ràng với vị thế như kể trên cho thấy AVG là một dự án đầu tư tiềm năng của đế chế dòng tộc Vingroup. Nói thêm tại Việt Nam, Vingroup được coi như là một phiên bản chaebol Hàn Quốc, một dạng tập đoàn đa ngành làm mọi việc và mang trọng trách làm ngọn cờ đầu của nền kinh tế.
Một nhà quan sát chính trị, Alexander Vuving, từng cho rằng “Vingroup là một trong những công ty tư nhân được quản trị tốt nhất Việt Nam. Nhưng thành công của mọi công ty tư nhân ở Việt Nam đều phụ thuộc vào quan hệ với các chính trị gia, nên số phận của Vingroup rất phụ thuộc vào các dàn xếp chính trị bên trong tầng lớp cầm quyền” (https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-48772879).
Trở lại với anh em nhà Phạm Nhật Vượng – Phạm Nhật Vũ.
Tiền thân của Vingroup là công ty Technocom, một công ty chuyên sản xuất mì gói thành lập năm 1993 tại Ukraina. Từ những năm 2000, qua 2 công ty cổ phần Vincom và Vinpearl, tập đoàn Technocom đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực du lịch khách sạn, bất động sản, chứng khoán và thương mại tài chính.
Đến nay, Vingroup đầu tư cả bệnh viện, giáo dục từ cấp trung học đến đại học, và mới đây là sản xuất điện thoại, xe máy, xe hơi, tivi… Truyền hình AVG nếu đặt trong bối cảnh chung đó của Vingroup, quả là một dự án đáng được hoan nghênh thay vì mang hệ lụy đối mặt tù tội như hiện nay.
Nhà báo Đặng Tâm Chánh, một đảng viên của đảng cộng sản Việt Nam, làm một phân tích: “Thình lình thủ tướng nói kiên quyết không cho phép báo chí tư nhân. AVG thành nhà đài mắc nghẹn, đảo lộn hết thảy. Người hứa thí điểm có phải là người đủ thực quyền cho phép AVG duyệt sản phẩm phát sóng trong hệ thống báo chí cách mạng không?.
Được chính thủ tướng cho phép thí điểm sử dụng, khai thác bốn băng tần, lại tập hợp một lực lượng giỏi nghề làm nội dung, hoạt động từ chương trình tới truyền dẫn phát sóng nhưng vẫn chưa được phép là nhà đài. AVG vẫn chưa có được quyền duyệt phát sóng, một thứ quyền lực thuộc nhóm độc quyền chế độ bất khả ủy nhiệm.
Nói cho công bằng, Phạm Nhật Vũ hay bất kỳ nhà kinh doanh nào cũng không thể lượng định cái cơ chế định đoạt quái gở ấy của báo chí, truyền hình trong nước. Thành ra dù mạnh ‘binh’, Phạm Nhật Vũ cũng cam thất thủ, ôm rủi ro đầu tư cho cả dàn giá kỹ thuật và nội dung, ngúc ngoắc mãi… Thân trách thân, phận trách phận, rằng mình sinh ra đã phải mang kiếp số một nhà đài dang dở, trót qua lọt cửa mà thành gánh nặng đầu tư. Trách được ai hứa hẹn, cho đường, chỉ nẻo…”.
Một người bạn học thời sinh viên của ông Đặng Tâm Chánh kể rằng hồi còn ngồi ghế tổng biên tập báo Sài Gòn Tiếp Thị, ông Chánh từng ‘ôm mộng’ làm truyền hình tư nhân, do vậy nên giờ ông nhà báo này thấm thía lắm với nỗi đau của anh em Phạm Nhật Vượng – Phạm Nhật Vũ.
Một khi chủ trương ở Việt Nam dù có hội nhập đến đâu thì vẫn chỉ có một tổng biên tập là Tuyên giáo đảng, nên Phạm Nhật Vũ khó lòng chào bán AVG cho các nhà đầu tư bên ngoài, dù truyền hình luôn là một thị trường hết sức hấp dẫn.
“Đơn giản, đó không phải là thị trường, nơi luật của đảng, ý chí của lãnh đạo mới chi phối toàn diện hoạt động của nó trong thực tế” – nhà báo Đặng Tâm Chánh ngậm ngùi.