Việt Nam Thời Báo

VNTB – Uy tín chánh trị của Thủ tướng bằng nhân quyền?

Hạ Như

 

Nhân quyền phụ thuộc vào uy tín chính trị

 

Tôi khẳng định chính sách nhất quán của chính phủ Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, phù hợp với Hiến pháp của Việt Nam và các Công ước Quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc viết trong lá thư gửi cho Chủ tịch Bernd Lange của Ủy ban Thương mại Quốc tế (INTA) thuộc Nghị viên châu Âu (EP) ngày 6 tháng Giêng, theo VOA đưa tin.

 

Nhất quán, bảo vệ, thúc đẩy quyền con người’ liệu có phải là quan điểm sáo rỗng? Nếu không, thì đó phải là một quyết tâm chánh trị được đảm bảo bằng uy tín chánh trị.

 

Trong nhóm lãnh đạo nhà nước hiện tại, có thể thấy luật pháp được họ sử dụng để cai trị xã hội [1]. Và tất nhiên, ở đó vắng bóng yếu tố nhân quyền sát sườn.

 

Phải sử dụng ‘nhân quyền sát sườn’ để nói đến quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam là thành viên. Nếu cam kết của Việt Nam là sự liệt kê hàng trăm ngàn nhà báo, toà soạn báo, thì đó là chưa phải là quyền con người đúng mực.

 

Nếu chấp nhận sự tồn tại của báo chí ngoài nhà nước, chấp nhận tiếng nói đa diện, chấp nhận sự phê bình và châm biếm, thì đó mới chính là nhân quyền thực sự, sát sườn – quyền tự do ngôn luận, tự do biểu đạt, tự do báo chí.

 

Tầm quan trọng

 

Để xoá bỏ báo chí độc lập, quyền tự do báo chí ở Việt Nam là điều không phải khó khăn đối với nhà nước. Hãy cứ tiến hành bắt nhốt hết, với sự vận dụng mạnh các công cụ luật pháp mơ hồ trong tay (‘vì an ninh quốc gia’) thì sẽ thành công.

 

Nhưng để làm gì?

 

Nếu Chánh phủ đọc báo Nhân Dân, chánh phủ sẽ không thể biết được Nhân dân đang nghĩ gì, cần gì, muốn gì. Nhưng nếu Chánh phủ có thể tìm thấy điều đó ở các trang mạng ‘lề trái’, mà theo quan điểm của nhà nước là ‘bất hợp pháp.’

 

Tập chấp nhận, tập sống chung với quyền tự do báo chí thực sự là cứu cánh cho Chánh phủ. Vì chỉ khi tiếp cận được nỗi niềm và quan điểm của người dân, dù tiêu cực nhất, thì Chánh phủ mới ra được các chủ trương, chính sách đúng. Chánh phủ cũng sẽ có được nguồn nguyên liệu đúng để xây dựng một dự án định hướng dư luận đúng, khớp với lòng dân.

 

Thế nên, báo chí độc lập (không phụ thuộc vào quan điểm Chánh phủ), và tự do theo chuẩn mực chung của giá trị báo chí trên thế giới không phải là kẻ thù của Chánh phủ, mà là một đối tác giúp ích rất nhiều cho Chánh phủ hiểu được người dân thực sự muốn gì, cần gì.

 

Về Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

 

Ông Nguyễn Xuân Phúc, 65 tuổi, có thể đạt được một ngôi sao sáng trong bầu trời chánh trị Việt Nam khi ông xây dựng được uy tín về chính trị.

 

Thực ra, khi bước đầu nắm quyền Thủ tướng vào năm 2016, ông Nguyễn Xuân Phúc đã tạo được uy tín cho bản thân khi vận hành được nền kinh tế trở nên ‘tốt hơn’ so với người tiền nhiệm.

 

Nhưng hơn ai hết, ông cùng với Tổ tư vấn kinh tế nhận ra những thách thức đối với phát triển nền kinh tế bền vững. Không chỉ là già hoá kinh tế, tình trạng sụp lún ở Đồng bằng Sông Cửu Long, mà cả các vấn đề liên quan đến tài chánh quốc gia hụt hơi so với hạ tầng quốc gia, và cả vấn đề môi trường không khí đang trở nên tệ hại.

 

EVFTA có thể trở thành một cú sốc giúp đẩy kinh tế đi lên nếu ‘vận dụng tốt.’ Trong đó phải bao gồm các cam kết về nhân quyền để hỗ trợ pháp triển bền vững.

 

Chánh phủ sẽ không thể nào gánh vác hết trọng trách nặng nề này, ngoại trừ mở ra cánh cửa cho các tổ chức xã hội dân sự tham gia.

 

Chánh phủ phải hiểu rằng, nếu không mở cửa, thì tăng trưởng kinh tế ngắn hạn sẽ sớm bị vỡ trước những vấn đề mâu thuẫn nằm trong xã hội và cả nền kinh tế.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có thể lựa chọn trở thành người tiền nhiệm như ông Sáu Dân (nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt) với các chính sách đổi mới kinh tế và bao dung về mặt xã hội. Chỉ có như thế mới khiến ông trở thành một nguyên thủ sáng không chỉ trong thời điểm cầm quyền, mà khi người dân nhìn về lịch sử.

 

Thực tâm, chủ động bảo vệ và thúc đẩy quyền con người sau khi hoàn tất EVFTA là một trong các bước đi tối ưu như vậy.

 

Làm sao để trong 5 năm tiếp theo, số tù nhân lương tâm tại Việt Nam phải giảm xuống rõ rệt và đáng kinh ngạc, thay vì đang tìm cách soán ngôi Myanmar để đứng đầu bảng khu vực Asean như hiện nay.

 

Đó là một lựa chọn mang tính lịch sử trong tiến trình phát triển quyền con người, và một nền xã hội nhân văn, một nền kinh tế bền vững ở Việt Nam.

 

Hãy làm sao để ‘thành tựu nhân quyền’ không phải là những câu chữ cũ mèm trên các báo cáo kéo dài ngày này qua ngày khác.

 

Hãy cho thế giới biết, Việt Nam thực tâm và chủ động bảo vệ, thúc đẩy quyền con người. Chứ không phải bảo vệ, thúc đẩy những quyền con người lành tính trong khi thiếu khoan dung với mảng quyền dân sự – chính trị còn lại (quyền lập hội, quyền biểu tình, quyền báo chí tự do).

 

Khi Thủ tướng viết thư gửi cho Chủ tịch Bernd Lange của Ủy ban Thương mại Quốc tế, đó cam kết chính trị. Và ông hãy xây dựng uy tín chính trị của mình bằng cách thực hiện cam kết đó trong thời gian sắp đến.

 

***

 

[1] ‘Nếu nhà cầm quyền vừa là kẻ thi hành luật, vừa tự mình là kẻ lập pháp, thì họ có thể tàn phá quốc gia bằng những ý chí sai lầm. Nhưng nếu họ còn nắm luôn cả quyền xét xử, thì họ có thể đè nát mỗi công dân theo ý muốn của mình’, theo Montesquieu.

 

Tin bài liên quan:

VNTB – EV-FTA và nước cờ dang dở của những nhóm XHDS độc lập Việt Nam

Phan Thanh Hung

VNTB – Hiểu như thế nào về “thể chế, thể chế, thể chế” của Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc

Phan Thanh Hung

VNTB – Trách nhiệm công vụ của cựu thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.